Thiếu vitamin B1 (thiamine) gây bệnh tê phù beriberi, hội chứng Wernicke, thường gặp ở những người rối loạn hấp thu, giảm khả năng hấp thu, chế độ ăn không đủ thiamine hoặc người nghiện rượu. Bệnh có triệu chứng như chán ăn, giảm cân nhanh, mệt mỏi và giảm trí nhớ.
Thiếu vitamin B1 là gì?
Vitamin B1 hay còn gọi là thiamine, đây là một trong 8 loại vitamin B cần thiết cho cơ thể. Với đặc tính có thể hoà tan trong nước tốt, vitamin này được sử dụng bởi hầu hết các tế bào và có nhiệm vụ chuyển đổi thức ăn thành năng lượng.
Vì cơ thể con người không thể tự sản xuất thiamine, nên bạn phải bổ sung qua nhiều loại thực phẩm giàu thiamine như thịt, cá, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ vitamin B1 hoặc hấp thu, chuyển hoá kém có thể dẫn đến tình trạng thiếu vitamin B1.
Vitamin B1 cần thiết trong việc chuyển hoá đường trong cơ thể.
Thiếu vitamin B1 gây bệnh gì? Tình trạng này có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, thậm chí gây tử vong, cụ thể gồm:
- Bệnh beriberi thể khô: Ảnh hưởng phần lớn đến các chi dưới, bắt đầu với chứng dị cảm ở các ngón chân, chuột rút cơ bắp chân, đau ở ống chân, chứng khô bàn chân.
- Bệnh beriberi thể ướt (tim mạch): Là bệnh cơ tim do thiếu hụt thiamine với hậu quả là giãn mạch máu, nhịp tim nhanh, sau đó là suy tim, khó thở, phù phổi và chứng phù ngoại biên. Có thể giãn mạch máu, đôi khi dẫn đến sốc.
- Bệnh beriberi ở trẻ em: Thiếu vitamin B1 ở trẻ em thường xảy ra ở trẻ sơ sinh từ 3 đến 4 tuần tuổi, hậu quả là gây suy tim xảy ra đột ngột, dễ dẫn đến tử vong. Hay gặp ở những trẻ bú mẹ hoàn toàn mà mẹ lại thiếu thiamine từ giai đoạn mang thai.
- Hội chứng Wernicke: Ảnh hưởng tới tâm thần gây ra sự chậm chạp hoặc thờ ơ, mất ngủ, chứng giật cầu mắt, liệt cơ mắt, ý thức kém, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ bị hôn mê và tử vong.
Các mức độ thiếu vitamin B1 và hậu quả
Bệnh thiếu vitamin B1 hay bệnh Beriberi được chia thành 3 mức độ với biểu hiện và hậu quả cụ thể như sau:
- Mức nhẹ: Người bệnh mới bị giảm hoặc mất cảm giác, giảm phản xạ, chủ yếu ở chi dưới. Nếu được điều trị ở giai đoạn này, bệnh sẽ khỏi nhanh.
- Mức trung bình: Người bệnh mất cảm giác, mất phản xạ phần gân xương, xuất hiện dấu hiệu nhược cơ, đi lại khó khăn nhưng chưa bị teo cơ hoặc teo cơ nhưng chưa rõ.
- Mức độ nặng: Người bệnh bị phù hoàn toàn hai chi dưới, mất phản xạ gân xương, bị mất cảm giác, bị teo cơ không đi lại được. Nghiêm trọng hơn có thể tử vong vì suy tim nhất là ở người bệnh là trẻ em.
Phù chân là dấu hiệu thiếu thiamine mức độ nặng.
Một số biểu hiện khi thiếu vitamin B1
Triệu chứng thiếu vitamin B1 dễ nhận thấy phổ biến là:
- Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Cơ thể mệt mỏi, có thể ở mức độ từ từ hoặc đột ngột kiệt sức cực độ
- Giảm trí nhớ tạm thời
- Khó chịu, bức bối, cáu kỉnh
- Giảm hoặc không có phản xạ ở đầu gối, mắt cá chân
- Yếu cơ, chuột rút, đau ở chân và co cứng
- Nóng rát ở bàn chân, hiện tượng này nghiêm trọng hơn vào ban đêm
- Giảm cân nhanh
- Viêm đại tràng
- Tiêu chảy
- Biểu hiện thờ ơ và trầm cảm
- Tổn thương thần kinh
- Thay đổi nhịp tim
- Mờ mắt
- Buồn nôn và nôn
Biểu hiện của bệnh thiếu vitamin B1 ban đầu thường diễn biến âm thầm, không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Người bệnh chỉ cảm thấy mệt mỏi, có cảm giác nặng ở bắp chân, nhanh mỏi chân. Vùng mắt cá chân hơi bị phù và tê về chiều tối, bắp chân có cảm giác râm ran như kiến bò, hay bị chuột rút, đôi lúc thấy tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp. Nếu không được điều trị kịp thời, biểu hiện bệnh sẽ nặng hơn.
Thiếu vitamin B1 ở trẻ em thường có biểu hiện biếng ăn, trẻ ăn không ngon miệng, sụt cân. Bên cạnh đó còn thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy; yếu cơ, chân đau, hay bị chuột rút và bàn chân nóng rát.
Thiếu vitamin B1 ở trẻ thường có dấu hiệu biếng ăn, sụt cân.
Những nguyên nhân chính gây thiếu vitamin B1
Nguyên nhân chủ yếu là chế độ ăn uống thiếu hụt Thiamin. Bệnh tê phù beriberi phổ biến ở những nơi người dân có thói quen ăn gạo xay xát quá kỹ hoặc gạo chỉ chứa khoảng 1/10 hàm lượng vitamin B1.
Ngoài ra, một số nguyên nhân gây thiếu hụt Vitamin B1 như:
- Nghiện rượu
- Có bệnh lý về gan
- Người mắc cường giáp
- Dùng nhiều thuốc lợi tiểu
- Trẻ sơ sinh uống sữa công thức chứa hàm lượng thiamin thấp
- Trẻ bị tiêu chảy kéo dài
- Phụ nữ mang thai, con bú có chế độ dinh dưỡng ít thiamin
- Bệnh nhân chạy thận thiếu hụt nguồn thiamin dự trữ
Chẩn đoán thiếu vitamin B1
Để xác định xem một người có bị thiếu vitamin B1 hay không, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm máu và nước tiểu để đo lượng vitamin B1 trong cơ thể. Nếu nồng độ trong máu thấp và nồng độ trong nước tiểu cao là biểu hiện cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thu vitamin này.
Những bài kiểm tra chức năng não bộ cũng cần thiết để xác định xem bệnh nhân có gặp phải tình trạng thiếu phối hợp vận động hay người bệnh đi lại khó khăn, có chậm đáp ứng các phản xạ hay không.
Khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ để kiểm tra các yếu tố nguy cơ như nhịp tim nhanh, phù chân dưới hoặc khó thở, bởi đó là tất cả các triệu chứng thiếu vitamin B1.
Thiếu thiamine được điều trị dễ dàng bằng cách bổ sung vitamin B1, cụ thể bác sĩ sẽ kê đơn thuốc viên uống vitamin B1. Đối với những trường hợp nặng, việc điều trị sẽ bằng truyền vitamin B1 qua tĩnh mạch. Sau đó, việc điều trị được theo dõi, xét nghiệm máu để xem việc hấp thụ vitamin của cơ thể tốt đến mức nào và có điều chỉnh.
Điều trị thiếu thiamine bằng cách bổ sung thuốc viên uống.
Cách phòng tránh thiếu vitamin B1
Để không gặp tình trạng thiếu vitamin B1 (thiamine) bạn cần xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ chất và lành mạnh, bao gồm những thực phẩm giàu thiamin, ngoài ra bạn nên:
- Ăn các loại thực phẩm như đậu và cây họ đậu, bổ sung thêm nhiều loại hạt còn nguyên cám, ăn tăng cường thịt, cá, các sản phẩm bơ sữa.
- Bổ sung loại sữa công thức giàu B1 nếu trẻ bú sữa công thức hoàn toàn.
- Phụ nữ có thai và cho con bú nên được kiểm tra và bổ sung thiamine đầy đủ.
- Không lạm dụng loại đồ uống nhất là rượu. Nếu bạn uống rượu thường xuyên cũng nên đi kiểm tra xem có thiếu thiamine hay không.
Bệnh thiếu vitamin B1 (thiamine) ở giai đoạn sớm có thể được chẩn đoán và điều trị hồi phục hoàn toàn. Các tổn thương trên thần kinh và tim mạch có thể khắc phục được nếu được điều trị kịp thời. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là cơ sở uy tín và tin chọn để bạn xét nghiệm và điều trị. Đăng ký khám tại phần hoặc gọi hotline 19001806 để được tư vấn chi tiết.