Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Dấu hiệu, Tiên lượng và cách điều trị

Ngọc Anh

23-04-2024

goole news
16

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối (giai đoạn 4A và 4B) là thời điểm tế bào ung thư đã xâm lấn và di căn. Khi đó, các cơ quan gần như niêm mạc bàng quang, trực tràng cho tới các tạng xa như xương, phổi, gan,... đều bị tổn thương. Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có tiên lượng khá xấu, cho dù chẩn đoán chính xác, điều trị đúng theo phác đồ thì tỷ lệ khỏi bệnh chỉ từ 5 - 15% (Theo Bệnh viện K).

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là gì?

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là bệnh ung thư có diễn biến nặng và khó điều trị nhất. Điều nguy hiểm là ung thư cổ tử cung là bệnh diễn biến chậm, mất hàng năm để tiến triển và biểu hiện thường không rõ ràng. Do đó, nhiều người chỉ phát hiện ra khi bệnh đã diễn biến nặng và có dấu hiệu nổi bật, không thể nhầm lẫn.

(Hình 1 - Các giai đoạn của bệnh ung thư cổ tử cung)

Các giai đoạn của bệnh ung thư cổ tử cung

Dựa trên mức độ xâm lấn, có thể chia ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối ra thành:

  • Ung thư cổ tử cung giai đoạn 4A: Khối u đã xâm lấn vào các cơ quan khung chậu ở gần đó như là bàng quang, trực tràng và có thể lan tới hạch bạch huyết của khung xương chậu.
  • Ung thư cổ tử cung giai đoạn 4B: Ung thư lan ra hạch bạch huyết của khung xương chậu đến các cơ quan khác của cơ thể như gan, ruột, phổi,...

(Hình 2 - Minh hoạ ung thư cổ tử cung)

 Minh hoạ ung thư cổ tử cung

Tiên lượng của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Vì bệnh đã diễn biến nặng nên dự đoán dựa trên lâm sàng và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh lý không khả quan. Theo các chuyên gia Sản phụ khoa của Bệnh viện K thì nếu tỷ lệ khỏi bệnh của ung thư cổ tử cung lần lượt là:

  • Giai đoạn 1A: ~100%
  • Giai đoạn 1B - 2A: 70 - 80%
  • Giai đoạn 3: 30 - 50%
  • Giai đoạn 4: 5 - 15%

Tuy nhiên, con số trên chỉ mang tính chất tham khảo vì tiên lượng (tiên đoán dựa trên kiến thức y khoa và kinh nghiệm lâm sàng) là số liệu của rất nhiều người bệnh. Tình trạng sức khoẻ và diễn biến bệnh có các bệnh nhân sẽ khác nhau. Có một số nhân tố ảnh hưởng tới khả năng sống sót của người bệnh, bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi tác liên quan nhiều đến khả năng miễn dịch và khả năng đáp ứng với điều trị. 
  • Tình trạng sức khoẻ chung: Một số bệnh nhân có bệnh lý nền như bệnh về máu, bệnh gan, thận,... sẽ ảnh hưởng đến phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời, các yếu tố về thể trạng, dinh dưỡng cũng giúp cơ thể chống đỡ, không rơi vào trạng thái suy yếu quá sớm. 
  • Phương pháp điều trị và khả năng đáp ứng điều trị: Mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị ung thư riêng. Điều này căn cứ vào kinh nghiệm lâm sàng và tiền sử bệnh lý, tuổi tác của từng người bệnh. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng có bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt, có người không dẫn tới tình trạng bệnh chuyển biến nặng nhanh hơn. 

(Hình 3 - Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có tiên lượng khá xấu)

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có tiên lượng khá xấu

Các dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Các triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối rất rõ ràng, tập trung chủ yếu tại vùng chậu như:

  • Đau vùng chậu, do các tế bào ung thư tấn công hạch bạch huyết - cơ quan chống lại nhiễm trùng, thuộc hệ miễn dịch. Theo thời gian, các tế bào này sẽ tấn công bàng quang, trực tràng và xâm lấn lên các tạng phía trên.  
  • Khó thở có thể là biểu hiện của ung thư di căn lên phổi, trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp. 
  • Đi tiểu ra máu gây ra do ung thư di căn vào bàng quang khiến bệnh nhân tiểu buốt, tiểu ra máu, tiểu rắt,...
  • Xuất huyết âm đạo khi các tế bào ác tính đã chiếm 2/3 âm đạo thì dễ khiến bệnh nhân chảy máu âm đạo bất thường.
  • Dịch tiết âm đạo bất thường như có màu bất thường (xanh, trắng đục lẫn tơ máu), có thể có mùi khó chịu.
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều như chu kỳ đến sớm, chu kỳ kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
  • Sụt cân, mệt mỏi, thiếu năng lượng. Người bệnh ung thư giai đoạn 4 thường phải truyền đạm vì chán ăn, suy dinh dưỡng, dễ khiến cơ thể suy kiệt sớm.
  • Táo bón, buồn nôn và nôn. Đây có thể là biểu hiện của ung thư cổ tử cung di căn đến trực tràng, dạ dày gây ra rối loạn tiêu hoá. 

(Hình 4 - Chán ăn, sụt cân có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm)

Chán ăn, sụt cân có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm

Cách điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 4A

Tương tự ung thư cổ tử cung giai đoạn 1,2,3, ung thư cổ tử cung giai đoạn 4A có thể được chỉ định điều trị:

  • Xạ trị bên ngoài vùng chậu với liệu pháp xạ trị áp sát và hoá trị liệu dựa trên platinum. 
  • Xạ trị tia ngoài bằng tia xạ đặt (cấy truyền phóng xạ tại chỗ, thường sử dụng vào cổ tử cung), dành cho các ca ung thư chỉ giới hạn ở cổ tử cung hoặc mới lan ra hạch bạch huyết vùng chậu
  • Hoá trị kết hợp xạ trị (tùy trường hợp)

Trong trường hợp khối u của bệnh nhân vẫn tồn tại ở vùng chậu sau khi xạ trị thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Các cơ quan vùng chậu sẽ được cắt bỏ, đầu niệu quản sẽ được đưa ra ngoài, đóng trực tràng và nối đoạn trực tràng với đại tràng lành. Một số ca bệnh sẽ được đóng lại toàn bộ sàn chậu và tái tạo lại phần âm đạo bằng cơ khéo mông hoặc đưa trực tràng ra ngoài thành bụng làm hậu môn nhân tạo. 

(Hình 5 - Phẫu thuật là phương pháp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư)

 Phẫu thuật là phương pháp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 4B

Khác với giai đoạn 4B, ung thư cổ tử cung giai đoạn này đã di căn đến các cơ quan xa. Vì thế, việc điều trị sẽ tập trung vào chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống.

  • Xạ trị giúp hạn chế cơn đau do ung thư gây ra
  • Hoá trị kết hợp cùng Platinol có thể giúp khối u nhỏ lại. Tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng với 14 - 25% bệnh nhân đáp ứng thuốc.
  • Điều trị trúng đích bằng cách sử dụng thuốc và các chất để tấn công các tế bào ung thư cụ thể. 
  • Kháng thể đơn dòng

(Hình 6 - Bệnh nhân truyền hoá trị để điều trị ung thư)

Bệnh nhân truyền hoá trị để điều trị ung thư

Chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Nếu bác sĩ xác nhận bệnh nhân không còn khả năng chữa trị. Ví dụ như khối u phát triển lớn và di căn xa, sức khỏe kém không thể đáp ứng các phương pháp điều trị như hoá trị, xạ trị hay phẫu thuật thì người bệnh sẽ được ngưng điều trị. 

Chăm sóc giảm nhẹ là liệu pháp chính cho bệnh nhân trong giai đoạn này. Bệnh nhân sẽ được chăm sóc tại nhà, hỗ trợ cơ bản về y tế, tình cảm, xã hội và tinh thần. Người bệnh sẽ được củng cố sức khoẻ tinh thần và hỗ trợ giảm đau và hạn chế các triệu chứng. 

Có thể nói, ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Cùng với sự phát triển của y học và sự chủ động từ phía người bệnh, không ít chị em phụ nữ đã chủ động đi tầm soát ung thư cổ tử cung để kiểm soát tình hình sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu còn có các thắc mắc nào khác thì đừng ngần ngại để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của Bệnh viện đa khoa Phương Đông để được hỗ trợ kịp thời.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
811

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám