Ung thư vú có chữa được không?
Ung thư vú được đánh giá là dễ phát hiện nhất so với các bệnh ung thư khác. Tuy nhiên thực tế vẫn có tới 50% bệnh nhân ung thư vú đi khám ở giai đoạn muộn. Lúc này việc điều trị phức tạp, tốn kém và hiệu quả thấp. Vậy ung thư vú chữa được không là thắc mắc của khá nhiều chị em phụ nữ bị mắc bệnh.
Ung thư vú ở những giai đoạn đầu có tiên lượng rất tốt, ở giai đoạn 0-I có tỷ lệ sống 5 năm và không tái phát bệnh là 98-100%, giai đoạn II là 85-98% và giai đoạn III có tỷ lệ là 70-90%..
Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn ung thư vú di căn toàn thân (giai đoạn IV), tiên lượng thường thấp hơn, hầu hết các trường hợp mắc bệnh thường chỉ sống được khoảng 2 năm. Có rất ít ca bệnh có số người bệnh sống sau 5 năm.
Khám tầm soát ung thư vú giúp chị em nói không với các hậu quả nặng nề của ung thư vú
Các phương pháp điều trị ung thư vú phổ biến
Theo các chuyên gia ung bướu chia sẻ, có rất nhiều người bệnh có thắc mắc "Liệu ung thư vú có chữa khỏi được không? Điều trị bằng những phương pháp nào?" - việc điều trị ung thư vú dựa vào nhiều yếu tố để đưa ra câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, việc điều trị ung thư vú ở giai đoạn sớm với mục đích giảm khả năng tái phát tại chỗ và di căn xa. Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn di căn, điều trị chỉ giúp giảm các triệu chứng của bệnh, kéo dài thời gian sống, giảm khả năng bệnh chuyển biến nặng và nâng cao chất lượng sống của người bệnh.
Điều trị ung thư vú giai đoạn sớm thường được áp dụng phương pháp phẫu thuật loại bỏ vùng bị tổn thương (phẫu thuật bảo tồn hoặc cắt tuyến vú), ngoài ra còn kèm nạo hạch nách, xạ trị và điều trị toàn thân (liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp nội tiết, hoá trị). Đây là các phương pháp có thể được thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật dựa vào giai đoạn bệnh và đặc tính sinh học của bệnh. Các phương pháp điều trị này giúp kéo dài thời gian sống mà không tái phát bệnh.
Với ung thư ở giai đoạn muộn hơn, các phương pháp điều trị chủ yếu là các liệu pháp toàn thân, có thể kết hợp phẫu thuật hoặc xạ trị để giảm các triệu chứng của bệnh, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống.
Điều trị ung thư vú bằng phương pháp phẫu thuật
Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp phẫu thuật khác nhau.
Phẫu thuật bảo tồn vú
Cắt rộng khối bướu, cắt một phần tư hoặc một phần vú. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ khối bướu và và một phần của mô lành xung quanh bướu, giữ lại một phần mô vú.
Sau phẫu thuật bảo tồn, người bệnh sẽ được chỉ định xạ trị toàn bộ tuyến vú để ngăn khả năng tái phát của bệnh.
Một số trường hợp chống chỉ định điều trị phẫu thuật bảo toàn vú:
- Nhiều khối u ở các phần tư vú khác nhau
- Kích thước khối u lớn hơn so với mô vú
- Hình ảnh vi vôi hoá ác tính lan rộng
- Đã từng thực hiện xạ trị thành ngực khiến ảnh hưởng đến mô vú
- Đang mang thai
- …
Thực hiện phẫu thuật bảo toàn vú là phương pháp chỉ cắt bỏ một phần của vú
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú
Đây là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú có bướu và da trên bướu, có thể bảo tồn có hoặc không tuyến vú, vùng da, kích thước, số lượng và tính chất của khối u. Với phương pháp này thường được chỉ định đối với các trường hợp ung thư vú không thể thực hiện phẫu thuật bảo tồn hoặc người bệnh có mong muốn cắt bỏ toàn bộ tuyến vú.
Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ vú có thể chỉ định với trường hợp người bệnh có nguy cơ cao tái bệnh (có đột biến gen BRCA1, BRCA2, có tiền sử mắc bệnh của bản thân hoặc gia đình).
Phẫu thuật nạo hạch nách hoặc sinh thiết hạch gác cửa
- Phẫu thuật nạo hạch nách: Đây là phương pháp sẽ được chỉ định trong trường hợp ung thư vú xâm lấn, ung thư vú phát triển tại chỗ hoặc ung thư vú dạng viêm sau khi điều trị hoá trị. Nạo vét hạch nách giúp kiểm soát bệnh, giảm tái phát hạch nách. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ như phù tay, tổn thương thần kinh, vùng vai bên nạo hạch nách bị giảm chức năng sinh hoạt.
- Sinh thiết hạch gác cửa: Các hạch gác cửa là hạch bạch huyết đầu tiên mà các tế bào ung thư tấn công khi di căn . Nếu có từ ba hạch gác cửa dương tính với tế bào ung thư, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện nạo hạch nách. Thông thường, sinh thiết hạch gác cửa thường tiến hành khi ung thư vú xâm lấn giai đoạn sớm.
Phẫu thuật tái tạo vú
Đây là phương pháp phẫu thuật để tạo vú mới giống với vú cũ và tương xứng với vú còn lại bằng cách đặt túi ngực hoặc các mô từ bộ phận khác để tạo một bộ ngực mới. Việc này được thực hiện ngay cùng lúc với phẫu thuật cắt bỏ vú (tái tạo tức thì), hoặc thực hiện sau đó (tái tạo trì hoãn).
Phẫu thuật tái tạo vú có thể thực hiện ngay sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú hoặc sau đó
Điều trị ung thư vú bằng xạ trị
Xạ trị vú - thành ngực sau khi phẫu thuật đóng vai trò trong việc kiểm soát ung thư tại chỗ giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh. Ung thư vú giai đoạn di căn, xạ trị sẽ hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
Xạ trị thường được thực hiện 1 tháng sau phẫu thuật hoặc hoá trị để cơ thể có thời gian hồi phục.
Đối tượng được chỉ định xạ trị:
- Giai đoạn sớm: Hỗ trợ sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát tại chỗ tại vùng. Phương pháp này chỉ định sau khi phẫu thuật bảo toàn vú, sau cắt toàn bộ vú với trường hợp có khả năng tái phát cao.
- Bệnh giai đoạn di căn xa: Giúp giảm triệu chứng (chống phù nề não trong di căn não, giảm đau trong di căn xương,...)
Các hình thức xạ trị:
- Xạ trị vú: Thực hiện sau phẫu thuật bảo tồn vú, xạ trị toàn mô tuyến vú.
- Xạ trị thành ngực: Thực hiện sau khi cắt bỏ tuyến vú.
- Xạ trị các hạch: Xạ trị nhắm vào hạch nách hoặc các hạch vú trong, hạch trên và dưới đòn cùng bên.
- Xạ trị cột sống, xạ trị não,...
Một số tác dụng phụ của xạ trị:
Xạ trị có thể gây ra cho người bệnh một số tác dụng phụ như:
- Kích ứng và sạm da vùng xạ, có thể đau, đỏ, viêm da.
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Một số trường hợp gây đau nhức đầu, buồn nôn khi xạ trị não.
- Suy tim, viêm phổi, xơ phổi,... là tác dụng phụ của xạ trị nhưng thường diễn ra sau một vài năm xạ.
Xạ trị ung thư vú thường được tiến hành sau khi thực hiện phẫu thuật hoặc hoá trị
Điều trị toàn thân ung thư vú
Điều trị toàn thân ung thư vú là kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như hoá trị, liệu pháp nội tiết và liệu pháp nhắm trúng đích và miễn dịch. Với phương pháp này có mục đích:
- Ở giai đoạn sớm: Trước phẫu thuật giúp giảm thích thước khối u, hạch vùng, từ đó phẫu thuật thuận lợi hơn, giảm khả năng tái phát bệnh và di căn xa, đánh giá được hiệu quả của liệu pháp điều trị,...
- Ở giai đoạn di căn: Giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, kéo dài thời gian sống của người bệnh,...
Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, tính chất sinh học của khối u mà bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.
Hoá trị
Dựa vào giai đoạn và mục đích điều trị mà người bệnh sẽ được chỉ định đơn thuốc hoá trị theo phác đồ thuốc dạng uống hoặc dạng tiêm, đơn chất hoặc phối hợp nhiều thuốc. Với phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Giảm tế bào máu gây ra tình trạng thiếu máu, giảm bạch cầu khiến tăng nguy cơ nhiễm trùng cao.
- Buồn nôn, nôn, ăn uống kém, đau bụng, tiêu chảy,...
- Mệt mỏi, cơ thể suy nhược, tê bì chân tay,..
- Rụng tóc, da nổi mẩn ngứa, sạm da,...
- Rối loạn kinh nguyệt, mất kinh.
- Viêm phổi, suy tim,...
Liệu pháp nội tiết
Bác sĩ sẽ dựa vào từng trường hợp bệnh để lựa chọn phương pháp và thuốc phù hợp như:
- Phụ nữ chưa mãn kinh: Sử dụng thuốc tamoxifen, có thể thực hiện phẫu thuật, xạ trị hoặc thuốc để giảm chức năng buồng trứng (nếu cần thiết).
- Phụ nữ mãn kinh chưa cắt chức năng buồng trứng: Sử dụng nhóm thuốc ức chế Aromatase hoặc thuốc điều hòa thụ thể nội tiết chọn lọc.
- Bệnh nhân ung thư có thụ thể nội tiết dương tính: Đối với giai đoạn sớm, người bệnh cần thực hiện điều trị liệu pháp nội tiết hỗ trợ trọng một khoảng thời gian dài. Thuốc có thể kết hợp với các thuốc nhắm trúng đích.
Một số tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc điều trị nội tiết có thể gây ra: Nội mạc tử cung dày, chảy máu âm đạo bất thường, giảm mật độ xương, loãng xương,...
Liệu pháp nội tiết có thể áp dụng trong điều trị ung thư vú
Liệu pháp sử dụng thuốc điều trị nhắm trúng đích
Sử dụng các loại thuốc để nhắm trúng vào khối u ung thư. Các loại thuốc thường được dùng trong phương pháp này gồm:
- Thuốc nhắm đích thụ thể HER2.
- Thuốc ức chế PARP chỉ định cho người bệnh đột biến gen BRCA ½ dòng mầm.
- Các loại thuốc khác.
Liệu pháp ức chế điểm miễn dịch
Các loại thuốc ức chế miễn dịch thường được dùng đối với người bệnh bị ung thư vú bao gồm: Pembrolizumab, Dostarlimab,...
Các liệu pháp nhắm trúng đích và ức chế điểm miễn dịch có thể khiến người bệnh có một số tác dụng phụ như:
- Suy tim, rối loạn nhịp tim,...
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược,...
- Thiếu máu, bạch cầu giảm, men gan tăng,..
- Viêm phổi, viêm cơ tim,...
Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần
Ung thư vú có chữa khỏi được không còn phụ thuộc khá nhiều vào sức khoẻ tinh thần của người bệnh và gia đình. Đối với nhiều người phụ nữ bị ung thư vú phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ vụ khiến ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần của bệnh nhân. Việc chăm sóc hỗ trợ gồm điều trị tâm lý và dinh dưỡng có thể giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện được chất lượng sống. Đặc biệt, trong giai đoạn bệnh di căn, việc chăm sóc càng cần thiết hơn không cho người bệnh mà cả những người thân trong gia đình người bệnh.
Gia đình và bạn bè là nguồn động lực giúp người bệnh vượt qua bệnh tật
Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú
Đối với ung thư vú, bác sĩ sẽ tư vấn các tư vấn phương pháp điều trị phù hợp dựa vào giai đoạn ung thư, tính chất sinh học của khối u, loại giải phẫu bệnh, thể trạng sức khoẻ và mong muốn của người bệnh.
Theo các bác sĩ, bất cứ loại ung thư nào, việc phát hiện và can thiệp điều trị ung thư vú càng sớm thì sẽ tăng cơ hội sống 5 năm càng cao và ngược lại. Chính vì vậy, tầm soát ung thư vú đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị ung thư vú.
Phát hiện và điều trị ung thư vú sớm
Một cách đơn giản để phát hiện sớm ung thư vú khi bệnh chưa có triệu chứng rõ ràng gì đó là đi khám sức khỏe, tầm soát ung thư vú định kỳ. Chẩn đoán càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và đơn giản, ít gây ảnh hưởng tới tâm lý người bệnh.
Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên nên đi khám tầm soát ung thư vú tại các cơ sở y tế uy tín định kỳ 1-3 năm/ lần. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên thì cần khám định kỳ mỗi năm một lần. Đối với những phụ nữ có nguy cơ cao như gia đình có người bị ung thư vú thì cần đi khám sớm hơn.
Chụp nhũ ảnh mammograpy và tự khám vú thường xuyên để tầm soát ung thư vú
Chị em cũng có thể đăng ký chụp nhũ ảnh mammography. Việc làm này giúp phát hiện các tổn thương bất thường ở tuyến vú ngay cả khi chưa sờ thấy khối u. Đồng thời, duy trì thói quen tự khám vú mỗi tháng. Thời điểm khám vú tốt nhất là sau kỳ kinh nguyệt 5 - 7 ngày, khi tuyến vú mềm nhất. Hãy đứng trước gương để tự kiểm tra vú và khu vực gần nách.
Hình ảnh chụp nhũ ảnh mamography sẽ giúp phát hiện sớm những bất thường ở tuyến vú
Ngoài ra, chị em cũng nên xây dựng, duy trì lối sống tích cực. Không uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế ăn thịt chế biến sẵn. Không lạm dụng các phương pháp làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ bởi nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, luyện tập thể dục đều đặn để góp phần phòng ngừa các bệnh ung thư nói chung.
Điều trị ung thư vú ở bất kỳ giai đoạn nào đều cần sự phối hợp giữa người bệnh và bác sĩ. Do đó, khi có bất cứ triệu chứng nào sau khi điều trị, người bệnh cần nhanh chóng thông báo với bác sĩ để quá trình theo dõi sát sao hơn. Ngoài ra, tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ khi điều trị và các phương pháp chăm sóc tại nhà. Từ đó, quá trình điều trị ung thư vú sẽ đạt kết quả tốt nhất.
Với câu hỏi “Ung thư vú có chữa được không?” chắc hẳn qua bài viết này bạn đọc đã có câu trả lời của mình. Để đảm bảo cơ thể luôn trong trạng thái khỏe mạnh, hãy chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để theo dõi, đặc biệt là tầm soát ung thư vú từ sớm.
Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ trực tiếp theo số hotline 1900 1806 của Bệnh viện Phương Đông hoặc để lại thông tin tại để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết.