Vàng da tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh - Nỗi lo của cha mẹ

Thu Hiền

20-03-2024

goole news
16

Vàng da là một biểu hiện thường gặp ở trẻ sơ sinh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong số là tình trạng vàng da thể tự do (tăng bilirubin gián tiếp). Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu về vàng da tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh qua bài viết dưới đây.

Vàng da tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh là gì?

Bilirubin là sắc tố mật có màu vàng cam, chúng hình thành từ sự phân cắt (thoái giáng) của heme (máu huyết) trong tế bào hồng cầu. Chúng đảm nhiệm giải phóng chất thải của cơ thể từ sự tự phá huỷ các hồng cầu già. 

Vàng da tăng bilirubin gián tiếp là tình trạng ruột tăng sự hấp thu bilirubin, sự phá huỷ của hồng cầu trong cơ thể gia tăng hoặc khả năng của men chuyển hóa bilirubin giảm. Vàng da thể tự do có thể gây tổn thương não và để lại di chứng nặng nề về sau. 

Những trẻ có nguy cơ mắc bệnh vàng da do tăng bilirubin gồm: 

  • Trẻ sinh non (sinh ra trước khi thai được 36 tuần tuổi hoặc cân nặng < 2.5kg)
  • Trẻ không được bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức. 
  • Trẻ có nhóm máu không tương thích với nhóm máu của mẹ dẫn tới kháng thể trong máu của mẹ gây phá huỷ các tế bào hồng cầu trong máu của bé gây gia tăng nồng độ bilirubin.

Vàng da do tăng bilirubin gián tiếp là tình trạng vàng da bệnh lýVàng da do tăng bilirubin gián tiếp là tình trạng vàng da bệnh lý

Các nguyên nhân gây ra vàng da tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh

Tăng sản xuất bilirubin

Vàng da tăng bilirubin ở trẻ sơ sinh có nguyên nhân phổ biến là tăng sinh bilirubin do bệnh tan máu (hồng cầu tự phá huỷ):

  • Bất đồng nhóm máu của mẹ và con hệ Rh hoặc ABO gây tan máu miễn dịch
  • Các bệnh lý về hồng cầu: Thalassemia, bệnh màng hồng cầu, thiếu men G6PD,...
  • Tan máu mắc phải: Do dùng vitamin K liều cao, mẹ sử dụng thuốc như oxytocin, thuốc chống sốt rét.

Giảm chức năng chuyển hóa bilirubin

Hội chứng Gilbert, hội chứng Crigler-Najjar, các bệnh lý chuyển hoá di truyền (galactosemia, suy giáp trạng bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa tyrosin methionin,...), mẹ bị mắc bệnh tiểu đường. 

Tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột

Trẻ sơ sinh gặp tình trạng hẹp môn vị, tắc ruột phân su, sử dụng thuốc gây liệt ruột. 

Trẻ sơ sinh tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột có thể gây ra vàng daTrẻ sơ sinh tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột có thể gây ra vàng da

Các nguyên nhân khác

  • Các nguyên nhân khác thường gặp gây ra tình trạng vàng da: Nhiễm trùng, sinh non, xuất huyết gây ra khối tụ,...
  • Các hoạt động hiếm gặp: Bệnh lý ở màng hồng cầu, bệnh lý nội tiết,...
  • Vàng da do sữa mẹ. 

Phương pháp chẩn đoán bệnh vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh

Chẩn đoán nguyên nhân gây vàng da tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh giúp tiên lượng và điều trị bệnh chính xác. Chính vì thế, một số phương pháp chẩn đoán bệnh như sau:

Chẩn đoán lâm sàng

Nồng độ bilirubin trong máu sẽ quyết định mức độ vàng da, từ mức độ nhẹ (màu vàng nhạt hoặc vàng tươi) đến mức độ nặng (màu vàng sẫm).

Vàng da đầu tiên xuất hiện trên mặt của trẻ, sau đó di chuyển dần xuống cổ và ngực. Nếu bị nặng, vàng da sẽ lan xuống ngón tay, ngón chân. 

Một số triệu chứng khác như: Niêm mạc mắt có màu vàng đậm, nước tiểu sẫm màu. 

Khi có biến chứng não cấp sẽ xuất hiện một số triệu chứng thần kinh như: Bú kém, lừ đừ giảm trương lực cơ, khóc ré, cơ xoắn vặn,...

Xét nghiệm chẩn đoán vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh

Thực hiện một số xét nghiệm thường quy: Công thức máu đầy đủ, nhóm máu của mẹ và bé, bilirubin toàn phần, bilirubin trực tiếp và bilirubin gián tiếp. 

Ngoài ra, các xét nghiệm khác cũng hỗ trợ trong việc chẩn đoán bệnh: Nghiệm pháp Coombs, bilan nhiễm trùng, albumin máu (mức độ vàng da nặng)

Trẻ sơ sinh tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột có thể gây ra vàng daCó nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán bệnh vàng da do tăng bilirubin gián tiếp

Chẩn đoán bệnh 

Chẩn đoán theo độ nặng của vàng da: 

  • Với mức độ vàng da nhẹ: Da có màu vàng nhạt trong 3-10 ngày, trẻ bú vẫn tốt, không kèm theo các yếu tố nguy cơ, nồng độ bilirubin trong máu chưa vượt ngưỡng phải can thiệp. 
  • Vàng da bệnh lý: Trẻ vàng da sớm, mức độ vàng da ngày càng tăng, kèm các yếu tố nguy cơ, nồng độ bilirubin trong máu vượt ngưỡng cần phải can thiệp. 
  • Bệnh não cấp do tăng bilirubin: Tình trạng vàng da nặng, nồng độ bilirubin tăng cao > 20mg%, có các biểu hiện thần kinh. 

Chẩn đoán nguyên nhân:

  • Vàng da tán huyết: Do bất đồng nhóm máu của mẹ và con (ABO hoặc Rh). Trẻ sơ sinh bị vàng da, xanh xao và phù trong 24h sau sinh. 
  • Nhiễm trùng: Có tình trạng vàng da, phát hiện ổ nhiễm trùng, có biểu hiện của nhiễm trùng.
  • Máu tụ: Vàng da kèm bướu huyết thanh, bướu huyết xương sọ, máu tụ khác.

Phương pháp điều trị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh

Điều trị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh có hai phương pháp đặc hiệu được áp dụng là: Liệu pháp ánh sáng và điều trị hỗ trợ. 

Liệu pháp ánh sáng

Chỉ định: 

Để chỉ định phương pháp liệu pháp ánh sáng, em bé bị vàng da cần đạt yêu cầu đủ cân và đủ tháng. Trong trường hợp trẻ sơ sinh nhẹ cân hay sinh non thì áp dụng chiếu đèn dựa theo trọng lượng của trẻ và chỉ số TSB. Về cơ bản, không có tiêu chuẩn ngưng chiếu đèn chính xác, bác sĩ sẽ dựa vào hai yếu tố trên để đưa ra quyết định. 

Nguyên tắc: 

Sử dụng đèn chiếu có ánh sáng xanh hoặc hệ thống đèn có ánh sáng trắng hai mặt, khoảng cách giữa đèn và trẻ khoảng 40cm. Diện tích tiếp xúc với đèn càng nhiều sẽ đạt được hiệu quả càng cao. Chiếu đèn liên tục, chỉ ngừng khi bú mẹ, có thể truyền dịch nếu bú không đủ hay bé có dấu hiệu thiếu nước hoặc cân nặng giảm. 

Lưu ý: Bậc phụ huynh không nên cho trẻ phơi nắng để tránh làm giảm bilirubin toàn phần trong máu. 

Theo dõi: 

Trong thời gian chiếu đèn, cần theo dõi nhiệt độ, thời gian chiếu đèn, mức độ vàng da của trẻ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến cân nặng, nước tiểu và kiểm tra TSB của trẻ sau khi thực hiện liệu pháp ánh sáng. 

Tác dụng phụ: 

Trẻ sơ sinh có nguy cơ gây hồng ban, tiêu phân lỏng, thân nhiệt tăng, mất nước và đặc biệt là hội chứng “em bé da đồng”

Áp dụng liệu pháp ánh sáng trong điều trị vàng da ở trẻ sơ sinhÁp dụng liệu pháp ánh sáng trong điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh

Điều trị hỗ trợ

  • Điều trị kháng sinh nếu có nhiễm trùng.
  • Truyền albumin đối với trẻ có mức độ vàng da nặng hoặc chỉ số albumin trong máu < 3g/dL.
  • Dùng Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIg) liều 0.5 -1g/kg nếu cần thiết.
  • Chống co giật với Phenobarbital.
  • Với trẻ bị vàng da nhân có thể điều trị vật lý trị liệu

Biến chứng của bệnh nếu không được điều trị kịp thời

Nếu không được can thiệp kịp thời, có thể có một số biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ:

  • Trẻ bú kém, ngủ li bì, giảm phản xạ, khóc thét từng cơn, gồng ưỡn người và có tình trạng co giật. 
  • Dần dần, trẻ đi đến trạng thái hôn mê và thường tử vong trong giai đoạn này. 
  • Có thể để lại di chứng thần kinh hoặc tinh thần: Nói ngọng, câm điếc, lác mắt, mù mắt, liệt chi, mắt nhìn lên, kém thông minh,...

Chính vì vậy, cần điều trị bệnh vàng da tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trong 15 ngày đầu sau sinh để tránh mọi tổn thương não, nhất là vàng nhân não. 

Khi trẻ có dấu hiệu của vàng da cần được thăm khám và điều trị kịp thờiKhi trẻ có dấu hiệu của vàng da cần được thăm khám và điều trị kịp thời

Vàng da tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của bé, thậm chí gây tử vong. Chính vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị sớm và kịp thời. Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng bạn có thêm cho mình những thông tin hữu ích về bệnh vàng da tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh.

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một địa chỉ đáng tin cậy về Khoa Nhi. Với đội ngũ y bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm thăm khám và điều trị các bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh chính xác và chữa trị bệnh hiệu quả.

Để Đặt lịch khám nhi, bệnh nhân có thể liên hệ hotline 19001806 để đội ngũ nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ kịp thời.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

113

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám