Viêm củng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị đúng

Thao Tran

02-08-2023

goole news
16

Viêm củng mạc là một bệnh hiếm gặp, không những đe dọa đến thị lực mà có thể gây tử vong do thường đi kèm với các bệnh toàn thân, đặc biệt là các bệnh rối loạn miễn dịch và hệ thống. Vì thế, việc hiểu rõ về viêm củng mạc là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị là điều vô cùng quan trọng, cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu ngay trong bài viết ngày hôm nay.

Tìm hiểu về viêm củng mạc

Trước khi đi vào viêm củng mạc là gì thì hãy cùng tìm hiểu về củng mạc. Củng mạc là phần màu trắng của mắt, tạo lớp ngoài bảo vệ mắt khỏi những tác nhân từ môi trường bên ngoài gây hại bên trong mắt. Củng mạc chiếm khoảng 4/5 thể tích nhãn cầu, được cấu tạo từ nhiều lớp băng xơ dày đan chéo lên nhau rất vững chắc.

viêm củng mạc là gìViêm củng mạc là gì?

Viêm củng mạc là bệnh viêm nặng ở mắt, đặc trưng bởi tình trạng phù, thâm nhiễm hoặc viêm đỏ của tế bào củng mạc, gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Tùy theo loại người mắc phải mà triệu chứng có thể khác nhau:

  • Viêm củng mạc trước: Đây là loại phổ biến, chiếm hơn 90% trong tổng số ca mắc. Dựa theo biểu hiện lâm sàng, loại này lại được chia thành viêm củng mạc không có hoại tử (chia thành viêm lan tỏa và dạng nốt) và viêm củng mạc hoại tử (chia thành có viêm và không có viêm).
  • Viêm củng mạc sau: Là tình trạng viêm cùng mạc nằm sau vùng ora serrata và rất hiếm gặp.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm củng mạc   

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm củng mạc, thực tế cũng không ít trường hợp không xác định được nguyên nhân chính xác. Nguyên nhân có thể do:

  • Liên quan đến các bệnh toàn thân, như viêm đa khớp dạng thấp, viêm đa sụn tái diễn, viêm nút quanh động mạch, u hạt kèm theo viêm đa mạch (GPA, trước đây được gọi là bệnh u hạt Wegener) và Lupus ban đỏ hệ thống. Trong đó, viêm đa khớp dạng thấp được xem là nguyên nhân phổ biến nhất trong các bệnh hệ thống có liên quan đến bệnh về mắt này.
  • Nhiễm trùng: nếu thiếu vắng sự xuất hiện các bệnh hệ thống hay bệnh tự miễn tiềm ẩn thì nên nghi ngờ đến căn bệnh này. Viêm củng mạc nhiễm trùng do Staphylococcus, Proteus, Pseudomonas aeruginosa hoặc Herpes Zoster có thể dạng hoại tử và bắt chước hoại tử thứ phát do các nguyên tự miễn gây ra.
  • Do thuốc: rất hiếm gặp nhưng với bisphosphonat lại là nguyên nhân mạnh nhất gây ra viêm củng mạc (thang điểm Naranjo đánh giá là 10). Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng được báo cáo có thể gây ra bệnh như erlotinib, procainamide, etanercept, topiramate và sự kết hợp của nivolumab và cabiralizumab.
  • Tiền sử phẫu thuật: Sau can thiệp phẫu thuật như mổ đục thủy tinh thể ngoài bao, cắt bè, phẫu thuật lác, phẫu thuật mộng thịt, tiêm nội nhãn và phẫu thuật bong võng mạc có thể để lại biến chứng, gây viêm củng mạc hoại tử.

Ngoài ra, viêm củng mạc thường xảy ra ở độ tuổi 40 - 60 và nữ bị nhiều hơn nam, hiếm gặp ở trẻ em và không liên quan đến vấn đề di truyền.

Những triệu chứng nhận biết viêm củng mạc mắt 

Dưới đây là một số biểu hiện của viêm củng mạc và được dùng để nhận biết sớm bệnh: 

  • Đau nhức mắt: Người bị bệnh thường có biểu hiện mắt đỏ và đau dữ dội. Các cơn đau được mô tả là âm ỉ, nhức nhối, có thể lan đến da đầu, trán, tai, hàm và thường giảm ít với thuốc giảm đau. Cơn đau nghiêm trọng đến mức có thể chẩn đoán nhầm thành các bệnh lý khác như đau nửa đầu, đau dây thần kinh sinh ba, rối loạn nội sọ hay viêm xoang.
  • Đỏ mắt: Màu đỏ có sắc hơi xanh, phát hiện tốt nhất khi quan sát dưới ánh sáng tự nhiên và có thể khu trú ở vùng khe mi hoặc trên toàn bộ củng mạc. 
  • Cương tụ hệ mạch sâu: Phù nề, tắc nghẽn mạch máu tầng thượng củng và sau hơn là một biểu hiện thực thể của bệnh, bên cạnh đó sự tắc vi mạch cũng là một dấu hiệu quan trọng.
  • Các dấu hiệu viêm củng mạc khác: sợ ánh sáng, nhạy cảm với ánh sáng, co đồng tử và cận thị thoáng qua.

Đau nhức mắt - Dấu hiệu của viêm củng mạc

Đau nhức mắt - Dấu hiệu của viêm củng mạc

Biến chứng nguy hiểm khi củng mạc bị viêm 

Viêm củng mạc đều không được phát hiện sớm, điều trị nhanh chóng và hiệu quả có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, cụ thể như:

  • Viêm giác mạc, mỏng giác mạc chu biên, loét giác mạc chu biên, thủng giác mạc… khi viêm từ củng lan đến các cấu trúc tiếp giáp của mắt.
  • Viêm màng bồ đào với các mức độ khác nhau và thường xảy ra trong giai đoạn muộn của bệnh.
  • Glocom góc mở, góc đóng hoặc glocom tân mạch do những cơ chế gây ra khác nhau.

Trong đó, biến chứng glocom và viêm màng bồ đào trong viêm củng mạc là những chỉ định chính loại bỏ nhãn cầu.

Chẩn đoán viêm củng mạc

Bên cạnh dựa trên các biểu hiện lâm sàng, để chẩn đoán bệnh viêm củng mạc thì bác sĩ sẽ:

  • Khai thác tiền sử của bệnh nhân một cách kỹ lưỡng, khám mắt đầy đủ, xem cẩn thận các hệ thống. 
  • Siêu âm, chẩn đoán hình ảnh: Chụp cắt lớp kết hợp quang học nguồn quét phân đoạn trước (OCT - bán phần trước) để đánh giá bao Tenon, kết mạc, thượng củng mạc và củng mạc một cách chi tiết, đồng thời phân tích độ sâu của viêm củng mạc và xác định mức độ dày mỏng của củng mạc. Chụp mạch huỳnh quang, siêu âm B, OCT là những phương tiện chẩn đoán hình ảnh hữu ích trong việc chẩn đoán, theo dõi tiến triển và đánh giá biến chứng của bệnh.
  • Xét nghiệm: Thực hiện các xét nghiệm với mục tiêu để loại trừ các bệnh cụ thể như lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa khớp thấp, viêm đa sụn khớp, lao, sarcoidosis vì thường đi kèm với viêm củng mạc. Các xét nghiệm cơ bản gồm yếu tố dạng thấp, kháng thể kháng nhân, ANCA thu được ở bệnh nhân cùng với công thức máu, tốc độ máu lắng, protein phản ứng C, HLA-B27 và phân tích nước tiểu.

gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoánGặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và chẩn đoán chính xác

Cách điều trị bệnh viêm củng mạc

Ứng dụng điều trị đa mô thức (sử dụng nhiều hơn một loại thuốc hoặc phương thức) là cách tiếp cận mới để tăng hiệu quả, giảm biến chứng, tránh tái phát và duy trì được thị lực hiện hữu cho người bị viêm củng mạc.

Corticosteroid tại chỗ và thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) 

Được sử dụng theo đường uống là liệu pháp điều trị cho bệnh viêm củng mạc không do nhiễm trùng thường được bác sĩ chỉ định đầu tiên. Tiêm corticosteroid dưới kết mạc cũng được sử dụng cho nhiều bệnh nhân bị viêm kết mạc trước không có hoại tử, không nhiễm trùng với tác dụng giải quyết tình trạng viêm và ít tác dụng phụ. Liệu pháp corticosteroid đường tĩnh mạch, liều cao và ngắt quãng được áp dụng đối với những trường hợp cấp cứu đe dọa thị lực, viêm củng mạc sau và viêm củng mạc hoại tử.

Thuốc ức chế miễn dịch 

Là một trong những cách kiểm soát bệnh viêm củng mạc. Methotrexate là phương pháp điều trị được lựa chọn trước tiên và nhiều nhất vì sự thuận tiện của liều lượng hàng tuần, tính linh hoạt của liều lượng tùy vào đáp ứng lâm sàng cùng sự dung nạp của bệnh nhân viêm củng mạc. Mycophenolate mofetil cho thấy hiệu quả tiết kiệm corticosteroid, nhanh hơn so với Methotrexate nên giảm nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ liên quan đến corticosteroid. Cyclophosphamide là liệu pháp điều trị cho những bệnh nhân viêm mạch hệ thống hoặc có viêm củng mạc liên quan đến các bệnh lý toàn thân. Ngoài ra, các thuốc ức chế miễn dịch tại chỗ như Ciclosporin và Tacrolimus  được nhiều tác giả báo cáo với các kết quả khác nhau.

Điều trị viêm củng mạc bằng thuốcĐiều trị viêm củng mạc bằng thuốc

Chế phẩm sinh học 

Sử dụng với mục tiêu có chọn lọc và ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong điều trị viêm kết mạc không do nhiễm trùng và viêm màng bồ đào không đáp ứng với các liệu pháp thông thường. Rituximab là kháng thể đơn dòng hợp thể chống lại CD-20, được sử dụng tiêm vào tĩnh mạch để điều trị viêm củng mạc. Liều dùng gồm 2 lần tiêm, cách nhau từ 6 đến 8 tuần.

Ngoài ra, trường hợp điều trị viêm củng mạc bằng phẫu thuật cũng rất hiếm, chỉ định duy nhất là trường hợp viêm củng mạc hoại tử dẫn đến biến chứng dọa thủng hoặc thủng nhãn cầu. Tuy nhiên, điểm mấu chốt vẫn là khâu kiểm soát quá trình viêm trước khi thực hiện phẫu thuật.

Viêm củng mạc thưởng gây ra những thách thức đáng kể trong việc chẩn đoán, điều trị đối với bác sĩ nhãn khoa. Nếu không được điều trị hiệu quả, tình trạng viêm sẽ ngày càng trầm trọng, lan rộng và dần dần phá hủy các cấu trúc lân cận, dẫn đến giảm thị lực. Chính vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở mắt, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám ngay.

Nếu còn thắc mắc nào khác hoặc đặt lịch cùng bác sĩ giàu nhãn khoa giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến Hotline 1900 1806 hoặc để lại thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám để đặt lịch khám tại bệnh viện đa khoa Phương Đông.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
977

Bài viết hữu ích?

Nguồn tham khảo

Đặt lịch khám bệnh

Lưu ý: Tổng đài sẽ liên hệ xác nhận thời gian khám chính xác tới quý khách sau khi quý khách đặt hẹn

19001806 Đặt lịch khám