Viêm màng bồ đào: Căn nguyên, triệu chứng và phương án điều trị

Dương Minh Ngọc

17-01-2023

goole news
16

Viêm màng bồ đào là bệnh lý tại mắt phổ biến ở độ tuổi từ 20 - 50. Bệnh có khả năng gây mù lòa, đe dọa đến cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay, vẫn có những phương pháp để kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Để hiểu hơn về bệnh lý tại màng bồ đào, sau đây là những thông tin mà bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ chia sẻ cùng bạn.

Viêm màng bồ đào là gì?

Màng bồ đào là một cấu trúc của mắt gồm 3 phần là mống mắt, thể mi và hắc mạch. Lớp màng này có chứa nhiều mạch máu, gồm cả động mạch và tĩnh mạch để nuôi dưỡng mắt. Các phần của màng bồ đào cụ thể gồm có:

  • Mống mắt (nằm phía trước): Là vòng màu xung quanh con ngươi có khả năng đóng mở để kiểm soát cường độ ánh sáng chiếu vào mắt, tương tự như cửa tập trong cấu tạo của máy ảnh.
  • Thể mi (nằm giữa): Là tập hợp các cơ tham gia vào quá trình điều tiết của mắt. Các cơ thể mi có khả năng co lại giúp thuỷ tinh thể dày hơn giúp tập trung tầm nhìn vào các vật thể ở gần, hoặc giãn ra giúp thuỷ tinh thể mỏng hơn để tập trung tầm nhìn vào vật thể ở xa.
  • Hắc mạc (nằm trong cùng): Còn gọi là màng mạch, được tính từ rìa thể mi, kéo dài đến dây thần kinh thị giác nằm ở phía sau của mắt. Hắc mạc nằm ở vị trí giữa võng mạc (bên trong) và củng mạc (bên ngoài), có chứa các tế bào sắc tố và mạch máu, giúp nuôi dưỡng võng mạc và các bộ phận nằm bên trong mắt.

Cấu tạo của màng bồ đào gồm mống mắt, thể mi và hắc mạcCấu tạo của màng bồ đào gồm mống mắt, thể mi và hắc mạc

Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm một hoặc toàn bộ các tổ chức của màng bồ đào.

Theo thống kê, vị trí tổn thương phổ biến nhất đó là thể mi, chiếm tới 75% trong số các trường hợp bệnh. Đặc điểm của tình trạng viêm màng bồ đào là bệnh lý về mắt phổ biến nhất, căn nguyên phức tạp, không có khả năng lây lan, khả năng tái phát rất cao và có thể gây nên rất nhiều biến chứng nguy hiểm.

Dựa vào vị trí xuất hiện tình trạng viêm tại màng bồ đào, bệnh sẽ được phân chia thành 4 loại như sau:

  • Viêm màng bồ đào trước: Xuất hiện tình trạng viêm mống mắt và thể mi.
  • Viêm màng bồ đào giữa: Xuất hiện tình trạng viêm thể mi.
  • Viêm màng bồ đào sau: Xuất hiện tình trạng viêm màng mạch (hắc mạc).
  • Viêm màng bồ đào toàn bộ: Các tổ chức của màng bồ đào đều bị viêm.

Nguyên nhân gây viêm màng bồ đào mắt

Trên thực tế, đa phần các ca bệnh viêm tại màng bồ đào đều không xác định được nguyên nhân. Các yếu tố nguy cơ có thể chỉ giới hạn tại mắt hoặc do những rối loạn của cơ thể và ảnh hưởng đến mắt. Một số các tác nhân được đánh giá là có liên quan tới tình trạng viêm nhiễm tại màng bồ đào đó là:

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn như tụ cầu, lậu cầu, liên cầu, trực khuẩn mủ xanh; virus như herpes, varicella-zoster (gây bệnh zona); nấm candida hay kỹ sinh trùng như toxoplasma gondii, Cytomegalovirus ở người suy giảm miễn dịch…
  • Do cơ thể bị nhiễm độc từ nguồn nước, môi trường, thức ăn…
  • Do mắc các bệnh lý tự miễn mà cơ thể sản sinh ra kháng thể chống màng bồ đào.
  • Do mắt bị chấn thương.
  • Do mắc bệnh toàn thân như bệnh máu, bệnh da liễu, bệnh Behcet, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp tự phát, viêm khớp phản ứng, bệnh viêm ruột, bệnh sarcoidosis, …
  • Bị nhiễm trùng lan rộng như bệnh giang mai, bệnh lao, bệnh Lyme.
  • Sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh sulfonamide, cidofovir hoặc pamidronate, rifabutin…

Vi khuẩn, virus, nấm được xác định là tác nhân gây viêm tại màng bồ đàoVi khuẩn, virus, nấm được xác định là tác nhân gây viêm tại màng bồ đào

Triệu chứng viêm màng bồ đào

Khi bị viêm màng bồ đào, người bệnh sẽ xuất hiện những dấu hiệu sau đây:

  • Mắt đỏ: Màng bồ đào bị viêm thường diễn ra tình trạng xung huyết mạch máu nhỏ ở màng mắt khiến mắt bị đỏ bất thường. Khi này nếu được điều trị tốt, máu sẽ được hấp thụ dần và làm giảm tình trạng mắt đảo.
  • Mắt đau nhức: Đa số người bệnh đều sẽ cảm nhận được những cơn đau nhói đột ngột hoặc âm ỉ tại mắt. Một số bệnh lý khác tại mắt cũng gây đau nhưng khi bị viêm màng bồ đào thì cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh tập trung nhìn vào một điểm.
  • Giảm thị lực: Người bệnh sẽ cảm thấy khả năng nhìn bị giảm bởi khả năng tiếp nhận hình ảnh của mắt kém đi và cảm giác như có màn sương mờ che đi tầm nhìn. Kể cả khi dụi mắt thì tình trạng cũng không được cải thiện.
  • Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng, đặc biệt là khi có luồng ánh sáng mạnh như vừa từ bóng râm ra ngoài trời, ánh sáng từ đèn pha,...
  • Hiện tượng ruồi bay do thuỷ tinh thể bị ảnh hưởng, xuất hiện bóng mờ, dấu chấm đen di chuyển trước mắt.
  • Người bệnh khó có thể nhìn sự chuyển động và sự vật.
  • Một số bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng toàn thân như đau đầu, sốt nhẹ, ngủ ít, kém ăn…

Mắt đỏ, cảm giác đau khi ánh sáng chiếu vào là dấu hiệu của tổn thương màng bồ đàoMắt đỏ, cảm giác đau khi ánh sáng chiếu vào là dấu hiệu của tổn thương màng bồ đào

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh

Bất cứ đối tượng nào cũng có khả năng bị viêm màng bồ đào. Tuy nhiên những người sống tại môi trường ô nhiễm, nguồn nước không sạch, mắc các bệnh lý nhiễm trùng toàn thân,... sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viêm tại màng bồ đào không lây lan qua tiếp xúc thông thường, tuy nhiên những gia đình có người bệnh vẫn nên có biện pháp bảo vệ bản thân nếu nguyên nhân gây bệnh của bệnh nhân xuất phát từ việc nhiễm các loại vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng….

Biến chứng của bệnh

Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ có thể giải quyết triệt để viêm màng bồ đào. Tuy nhiên nếu để bệnh kéo dài và dai dẳng, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Tăng nhãn áp: Biến chứng này rất phổ biến trong trường hợp bệnh nhân bị viêm màng bồ đào trước. Khi này đồng tử hoặc góc tiền phòng bị tắc nghẽn do mắt tăng tiết dịch gây tăng nhãn áp. Ngoài ra, di chứng của bệnh có thể gây nên tình trạng dính bít đồng tử, dính góc tiền phòng, tân mạch mống mắt và dẫn đến tăng nhãn áp.
  • Đục thuỷ tinh thể: Là biến chứng thường gặp trong trường hợp viêm mống mắt thể mi mãn tính hoặc tái phát nhiều lần do viêm nhiễm kéo dài hoặc điều trị bằng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài.
  • Phù hoàng điểm dạng nang: Thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm màng bồ đào trung gian hoặc viêm hắc mạc, khi này mạch máu võng mạc bị tổn thương, tiết dịch làm phù hoàng điểm gây giảm thị lực.
  • Teo nhãn cầu: Viêm nặng khiến thể mi giảm tiết dịch, lâu dần gây teo nhãn cầu.
  • Tổ chức hóa gây giảm thị lực, dịch kính đục mờ.
  • Xơ dịch kính gây bong dịch kính sau, lâu dần dẫn tới bong võng mạc (lớp màng trong cùng và phía sau mắt tách ra khỏi tổ chức mắt).
  • Những tình trạng trên trở nên nặng nề hơn dẫn tới mù lòa.

Đục thuỷ tinh thể là một biến chứng nguy hiểm do viêm tại màng bồ đàoĐục thuỷ tinh thể là một biến chứng nguy hiểm do viêm tại màng bồ đào

Biện pháp chẩn đoán

Quan trọng nhất là xác định được bệnh xảy ra do quá trình viêm nhiễm hay do biến chứng từ các bệnh mắc từ trước.

Để xác định bệnh và mức độ tổn thương của màng bồ đào, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám về các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp cũng như tiền sử điều trị bệnh và các bệnh lý đang mắc. Trong trường hợp viêm màng bồ đào do bệnh khác thì bệnh nhân sẽ được chuyển đến chuyên khoa tương ứng để điều trị thích hợp. 

Ngoài ra, bác sĩ sẽ sử dụng đèn soi chuyên dụng để khám mắt, kiểm tra độ trong - mờ của các khu vực bên trong mắt. Khi ánh sáng chiếu vào mà bệnh nhân cảm thấy đau thì khả năng bị viêm mống mắt. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ lấy dịch mắt để soi dưới kính hiển vi, trong trường hợp bị viêm sẽ tìm thấy bạch cầu và protein trong dịch mắt. Xét nghiệm máu và chụp X-quang cũng có thể được chỉ định thực hiện để tăng tỷ lệ chính xác cho quá trình chẩn đoán.

Phương pháp điều trị viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào có chữa được không? Sau khi thực hiện chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh hiện tại và dạng viêm nhiễm mà người bệnh đang mắc phải. Một số chỉ định điều trị như sau:

  • Trong trường hợp viêm màng bồ đào không do nhiễm trùng, người bệnh sẽ dùng thuốc giảm đau và thuốc chứa steroid giúp làm giảm sưng. Thuốc nhỏ mắt Corticosteroid, thuốc giãn đồng tử homatropine hoặc cyclopentolate cũng được sử dụng để ngăn chặn quá trình dính đồng tử và co thắt mắt.
  • Trường hợp viêm do nhiễm trùng thì thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus sẽ được chỉ định để giảm triệu chứng và điều trị căn nguyên.
  • Với các tình trạng viêm nặng, người bệnh có thể sẽ được chỉ định dùng thuốc tiêm hoặc can thiệp phẫu thuật. Thủ thuật này sẽ dùng với mục đích loại bỏ dung dịch lỏng (như gel) trong mắt hoặc cấy ghép thiết bị vào mắt để giảm lưu lượng thuốc.
  • Với người bị viêm màng bồ đào sau, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn, khi này bác sĩ sẽ tiến hành cấy thiết bị phóng thích thuốc corticosteroid chậm trong 2-3 năm vào mắt. Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là có thể gây tăng nhãn áp và đục thuỷ tinh thể.

Trong trường hợp bệnh tiên lượng nặng, diễn biến xấu và tái phát nhiều lần, đã có biến chứng xảy ra thì bác sĩ sẽ chỉ định phương án phẫu thuật để điều trị biến chứng từ bệnh, đó là:

  • Phẫu thuật thay thế thuỷ tinh thể nếu biến chứng là đục thuỷ tinh thể.
  • Phẫu thuật can thiệp để điều trị tăng nhãn áp.
  • Phẫu thuật xử lý tình trạng bong võng mạc.
  • Phẫu thuật cắt dịch kính.

Sau khi điều trị viêm màng bồ đào bao lâu thì khỏi sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và đã xảy ra biến chứng hay chưa. Bệnh thường dễ tái phát nên cần chữa trị kịp thời và dứt điểm. Với câu hỏi viêm màng bồ đào cần kiêng gì, người bệnh cần kiêng chạm tay vào mắt và giữ gìn để tránh mắc các bệnh lý liên quan hay các bệnh truyền nhiễm. Viêm màng bồ đào kiêng ăn gì? Tốt nhất người bệnh nên kiêng ăn thực phẩm sống có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và tránh sử dụng nguồn nước bẩn khiến vi trùng trong nước có thể xâm nhiễm vào mắt.

Phẫu thuật để khắc phục khi bệnh diễn biến xấu, đã gây biến chứngPhẫu thuật để khắc phục khi bệnh diễn biến xấu, đã gây biến chứng

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Trong trường hợp bệnh viêm màng bồ đào tự miễn thì việc phòng ngừa là điều không thể. Tuy nhiên nếu do nhiễm khuẩn thì việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, làm việc, đặc biệt là vệ sinh tay, không chạm vào mắt, hạn chế ăn đồ sống, ăn chín, uống sôi tránh nhiễm trùng là điều rất cần thiết để phòng bệnh.

Bên cạnh đó, khi có bất cứ bất thường nào tại mắt, bạn hãy nhanh chóng đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để phát hiện bệnh kịp thời. Thực hiện khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa các nguy cơ dẫn đến bệnhKhám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa các nguy cơ dẫn đến bệnh

Khám và chữa viêm màng bồ đào ở đâu?

Chuyên khoa mắt của bệnh viện Đa khoa Phương Đông là địa chỉ tin cậy của hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt, trong đó có viêm màng bồ đào. Đến với bệnh viện, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm về tay nghề của đội ngũ bác sĩ, sự tận tình chu đáo trong khâu tư vấn, thăm khám và điều trị giúp kết quả đạt được là cao nhất theo tình trạng bệnh.

Viêm màng bồ đào có thể khiến người bệnh mất đi hoàn toàn thị lực nếu quá chủ quan và không điều trị kịp thời. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt để không xảy ra bất cứ hậu quả nặng nề nào bạn nhé.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,251

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám