Viêm da tiết bã là bệnh lý về da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tuổi. Hiện nay y học chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh nhưng vẫn có các yếu tố làm tăng nguy cơ. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ giúp phụ huynh hiểu hơn về tình trạng này và có cách xử lý.
Biểu hiện của viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh
Viêm da tiết bã có các dấu hiệu đặc trưng là xuất hiện hồng ban tróc, mảng vảy da dày màu nâu xám, có giới hạn rõ với vùng da lành, thường tập trung ở da đầu, mặt hay ở sau tai, chân mày, hai bên má, cổ, nách, bẹn,... Trong đó viêm da tiết bã da đầu là thường gặp nhất. Một số trẻ còn có thể bị bội nhiễm thêm vi trùng hay nấm candida. Dân gian thường gọi bệnh lý này là “cứt trâu”.
Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh thường có dấu hiệu khởi phát từ rất sớm, ngay khi trẻ mới được 2-10 tuần tuổi đã bắt đầu xuất hiện tại các vùng da có nhiều nang lông hoặc nếp gấp da.
Sau đó đến 8-12 tháng tuổi thì tình trạng sẽ thuyên giảm và hết hẳn mà không để lại dấu hiệu hay biến chứng nguy hiểm nào. Áp dụng một số cách chữa viêm da tiết bã trẻ sơ sinh sớm sẽ giúp làm giảm triệu chứng, giảm sự khó chịu ngứa ngáy cho trẻ.
Viêm da tiết bã là bệnh lý về da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh
Như đã nói, hiện nay chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây viêm da tiết bã nhờn trẻ sơ sinh. Tuy nhiên có một số yếu tố và tác nhân sau đây có thể khiến gia tăng tỷ lệ bị ở trẻ nhỏ:
Do hormone truyền từ mẹ khi mang thai
Trẻ sẽ nhận được dinh dưỡng và hormone từ mẹ khi còn là bào thai. Một số hormone này có thể khiến tuyến dầu và nang lông tăng tiết dầu hình thành các mảng da tróc rồi khô lại bám trên da.
Do nấm men Malassezia
Malassezia cũng có thể là nguyên nhân gây nên viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh. Loại nấm này rất ưa điều kiện ẩm ướt, khi tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, nấm kết hợp với vi khuẩn phát triển dẫn tới da bị viêm tiết bã.
Nấm men Malassezia có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm tiết bã ở trẻ nhỏ
Do không dung nạp với sữa, gluten
Ở một số trẻ gặp phải tình trạng không dung nạp gluten hay các sản phẩm nguồn gốc từ sữa, từ đó gây kích ứng và viêm da tiết bã.
Do tiền sử gia đình
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong gia đình có người bị dị ứng da, đặc biệt là cha mẹ của trẻ thì khi sinh con, trẻ rất dễ bị viêm da tiết bã. Ngoài ra yếu tố này cũng khiến trẻ khi lớn lên có nguy cơ cao bị các bệnh lý viêm da khác.
Lưu ý: Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh không xuất phát từ việc trẻ vệ sinh kém hay lây từ trẻ này sang trẻ khác.
Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Tin vui cho cha mẹ là bệnh về da như viêm da tiết bã trẻ em không gây nguy hiểm đến sức khỏe và sự phát triển bởi đa phần chỉ gây mất thẩm mỹ và bệnh đáp ứng rất tốt với các điều trị. Qua thời gian nhũ nhi, trẻ có thể tự khỏi. Tuy nhiên để giảm sự khó chịu, kéo dài tình trạng thì việc can thiệp cũng là điều phụ huynh nên làm.
Các vảy nhờn màu vàng hay tróc như gàu trên da đầu rất dễ điều trị, đây cũng không phải là biểu hiện của bất cứ bệnh lý về da liễu nào hay do mẹ chăm sóc vệ sinh không tốt. Bên cạnh đó, tình trạng này hoàn toàn có thể kiểm soát được nên phụ huynh không phải lo lắng mà hãy áp dụng một số sản phẩm đặc trị và các mẹo chữa dân gian để giúp làm sạch da đầu hiệu quả cho bé.
Viêm da tiết bã ở trẻ đa số sẽ khỏi hoàn toàn sau khi trẻ được 8-12 tháng
Phương pháp điều trị viêm da tiết bã cho trẻ sơ sinh
Để chẩn đoán viêm da tiết bã nhờn ở trẻ em, các bác sĩ chỉ cần dựa vào các biểu hiện lâm sàng. Bạn có thể tham khảo các phương pháp điều trị sau đây:
- Dùng dầu dưỡng dành riêng cho bé hoặc dầu khoáng, thoa lên vùng da bị viêm da tiết bã để làm mềm vảy bám, sau đó gội đầu cho bé bằng nước ấm sau vài giờ.
- Dùng lược có đầu chải mềm, chải nhẹ nhàng khi gội đầu để làm sạch dần các vảy da do viêm da tiết bã ở trẻ em.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ/dược sĩ dùng các loại dầu gội trị viêm da tiết bã ở đầu đặc trị có chứa các hoạt chất pyrithione zinc, selenium sulfide… hay dầu gội kháng nấm chứa ketoconazole cũng có tác dụng rõ rệt. Tuy nhiên mẹ nên lưu ý là các sản phẩm có chứa acid salicylic không được dùng cho trẻ sơ sinh vì có thể gây ngộ độc.
- Bác sĩ có thể sẽ kê thêm một số loại thuốc để thoa tại chỗ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến để giảm tình trạng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là có thể dùng kháng sinh chống tụ cầu nếu cần thiết.
- Ở các vùng da khác (không phải viêm da đầu ở trẻ sơ sinh), các loại thuốc như Hydrocortisone 1% hay 2.5%, Desonide 0.05%, thuốc chống nấm chứa Ketoconazole.
Dùng lược chải nhẹ khi gội đầu và dùng dầu gội đặc trị giúp loại bỏ bớt vảy ngứa
Mẹo chữa viêm da tiết bã với nguyên liệu thiên nhiên
Dược liệu từ thiên nhiên tại Việt Nam từ xa xưa đã được dùng để điều trị bệnh với tính hiệu quả cao. Để trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh, bạn có thể tham khảo những nguyên liệu sau đây:
- Bồ kết: Đây là loại quả được dùng để nấu nước gội đầu lưu truyền trong dân gian cho đến nay vẫn được yêu thích. Trong bồ kết có các hoạt chất như flavonoid và saponaretin có tác dụng ức chế vi khuẩn, nấm và các tác nhân gây hại cho da đầu, giúp ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn.
- Lá trầu không: Có chứa hoạt chất Flavonoid có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và sát trùng, hạn chế tình trạng bã nhờn hoạt động quá mức dẫn đến gia tăng tình trạng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh. Mẹ có thể nấu nước từ lá trầu không để gội cho bé giúp làm giảm viêm da tiết bã.
- Trà xanh: Trong lá trà xanh có chứa chất chống oxy hoá là flavonoid có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn cùng tanin có tác dụng hạn chế tiết bã nhờn trên da. Nhờ đó khi nấu nước trà xanh để gội đầu cho trẻ có thể giúp loại bỏ dần các lớp da viêm hiệu quả, hỗ trợ điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh vô cùng công hiệu.
- Tinh dầu trà, dầu hạt lanh, dầu dừa: Hỗn hợp này có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giúp làm lành tổn thương trên da, hỗ trợ điều trị viêm da tiết bã ở trẻ. Sau khi gội đầu cho trẻ, mẹ có thể dùng hỗn hợp này để bôi nhẹ nhàng lên vùng da viêm, chải tóc bằng lược mềm rồi gội lại lần nữa cho con.
- Mật ong: Chứa nhiều loại vitamin, enzyme và các chất chống oxy hoá giúp làm mềm, nuôi dưỡng tế bào da lành và chống viêm do vi khuẩn rất hiệu quả. Mẹ có thể dùng mật ong nguyên chất, massage lên da đầu của trẻ đã được làm ẩm, thấm hơi khô. Thực hiện 3 lần/tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Nha đam tươi: Có chứa tới 23 loại acid amin, vitamin và khoáng chất rất tốt cho da, giúp xoa dịu tổn thương trên vùng da viêm, giảm ngứa ngáy khó chịu và hỗ trợ làm sạch tế bào sừng rất tốt. Bạn lấy phần dịch bên trong của nhánh nha đam, thoa nhẹ nhàng lên vùng da viêm 3-5 phút rồi gội/rửa sạch lại với nước ấm.
Lá trầu không có khả năng hỗ trợ điều trị viêm da tiết bã ở trẻ nhỏ
Các câu hỏi liên quan tới viêm da tiết bã ở trẻ
Dưới đây là những thắc mắc và giải đáp về tình trạng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh được nhiều mẹ quan tâm:
Viêm da nắp nôi là gì?
- Đây là tên gọi khác của viêm da tiết bã, thường xuất hiện ở 10% trẻ sơ sinh, đặc trưng ở da đầu. Tuy nhiên ở nhiều vùng da khác như tại các nếp gấp da, cổ, mặt,... cũng có thể xuất hiện, nhưng không gây ngứa ngáy, khó chịu.
Khi nào trẻ hết bị viêm da?
- Sau 8-12 tháng, trẻ sẽ tự khỏi, một số trẻ 6 tháng đã sạch hoàn toàn, tuy nhiên cũng có trẻ đến tuổi đi học mới có thể hết.
Ngăn ngừa tình trạng viêm da tiết bã như thế nào?
- Không có cách nào để dự phòng ngừa viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh, do đó nếu trẻ xuất hiện tình trạng này, mẹ hãy sử dụng các phương pháp điều trị hướng dẫn ở trên?
Có nên cho trẻ đi khám bác sĩ khi bị viêm da tiết bã không?
- Đa số tình trạng viêm da ở trẻ không gây nguy hiểm hay ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên trong một vài trường hợp khi vùng da viêm bị chảy máu, rụng tóc, phát ban lan ra các vùng xung quanh ngoài da đầu, dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, vùng viêm bị mẩn đỏ, chảy dịch,... Mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám để bác sĩ có hướng điều trị phù hợp.
Ngoài viêm da tiết bã, trẻ bị đóng vảy trên da đầu do đâu?
Bệnh chàm cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng da đầu trẻ bị bong vảy tương tự như viêm da tiết bã. Tuy nhiên đây là bệnh lý có thể lây lan sang các vùng da khác và gây nên cảm giác ngứa ngáy vô cùng khó chịu ở trẻ và cần được can thiệp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tình trạng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh đa phần không thể điều trị khỏi ngay lập tức mà cần phải có thời gian và chăm sóc cẩn thận. Tuy nhiên cha mẹ yên tâm là hầu hết trẻ sẽ tự khỏi nên không cần phải quá lo lắng. Để thăm khám và nhận tư vấn từ bác sĩ, bạn có thể đến khoa Nhi bệnh viện Đa khoa Phương Đông - nơi quy tụ các bác sĩ hàng đầu hiện nay với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại sẽ giúp trẻ khỏe mạnh trong những năm tháng đầu đời.