Viêm loét dạ dày - Nắm được nguyên nhân, triệu chứng để điều trị hiệu quả

Nguyễn Thị Vân Anh

24-11-2022

goole news
16

Hệ tiêu hoá nói chung rất dễ bị ảnh hưởng, bởi đây là cơ quan trực tiếp xử lý thức ăn mà cơ thể nạp vào. Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý thường gặp với những cơn đau khiến người bệnh phải trăn trở. Vậy đâu là nguyên nhân gây bệnh? Phương pháp nào để chẩn đoán và cách điều trị ra sao? Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh này.

Viêm loét dạ dày là gì?

Viêm loét dạ dày là tình trạng trên niêm mạc dạ dày bị tổn thương, sưng viêm và thời gian dài gây loét do bị bào mòn khiến lớp mô bên dưới bị lộ ra, có thể gây xuất huyết. Trong các trường hợp bị viêm loét, 90% vết loét xảy ra ở tá tràng, 60% vết loét ở dạ dày và 25% là ở bờ cong nhỏ của dạ dày.

Các vết loét nhỏ có thể tự lành nếu người bệnh có chế độ sinh hoạt khoa học và được điều trị sớm. Tuy nhiên nếu để bệnh tiến triển, các vết loét gây chảy máu tiêu hoá và có thể tử vong do mất máu quá nhiều.

Viêm loét dạ dày chiếm 60% tổng số ca bệnh loét đường tiêu hoáViêm loét dạ dày chiếm 60% tổng số ca bệnh loét đường tiêu hoá

Nguyên nhân viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày có thể gây ra bởi tác nhân trực tiếp gây các ổ loét hoặc từ những yếu tố nguy cơ khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Cụ thể là:

Nguyên nhân trực tiếp

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm dạ dày mãn tính. Loại vi khuẩn này sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ sinh sôi và phát triển tại lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, tiết ra độc tố làm vô hiệu hoá khả năng chống acid của niêm mạc, từ đó gây nên các ổ loét hoặc nghiêm trọng hơn là tiến triển thành ung thư dạ dày.

Yếu tố nguy cơ

Khi lặp đi lặp lại các thói quen hoặc sử dụng các sản phẩm tác động lên niêm mạc dạ dày cũng có thể gây nên các vết loét tại đây. Đó là:

  • Lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm: Sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài có thể dẫn tới sự ức chế các chất có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày, từ đó gây đau và viêm loét.
  • Thường xuyên bị stress, lo lắng, căng thẳng khiến dạ dày bị mất cân bằng các chức năng, dẫn tới tăng tiết dịch vị dạ dày khiến cho lớp niêm mạc bị phá vỡ hàng rào bảo vệ, dẫn tới các tổn thương.
  • Thói quen ăn uống thiếu điều độ: Ăn không đúng bữa, quá đói hoặc quá no, sử dụng các chất kích thích như bia rượu ảnh hưởng tới hoạt động co bóp của dạ dày, tăng tiết dịch vị, tổn thương niêm mạc,....
  • Do hoá chất hay các nguyên nhân tự miễn,...

Vi khuẩn HP là nguyên nhân trực tiếp gây nên viêm loét dạ dàyVi khuẩn HP là nguyên nhân trực tiếp gây nên viêm loét dạ dày

Triệu chứng viêm loét dạ dày

Bạn có thể tự nhận biết liệu rằng mình có đang bị viêm loét dạ dày hay không khi dựa vào các triệu chứng sau đây:

  • Đau vùng thượng vị: Những cơn đau âm ỉ vài giờ hoặc quặn thắt từng cơn trong vài phút xuất hiện vào ban đêm hoặc lúc đói, đây cũng là dấu hiệu viêm loét dạ dày đặc trưng nhất.
  • Dạ dày khó chịu, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn.
  • Những cơn đau dạ dày gây mất ngủ, gián đoạn giấc ngủ.
  • Rối loạn tiêu hoá như táo bón, ỉa chảy do chức năng tiêu hoá bị ảnh hưởng.

Các giai đoạn viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không? Điều này sẽ phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện và can thiệp điều trị bệnh. Viêm - loét dạ dày được chia làm hai giai đoạn là:

Viêm loét dạ dày cấp tính

Triệu chứng của viêm dạ dày cấp tính thường bộc phát với những biểu hiện rõ ràng như đã kể trên. Bệnh ở giai đoạn này có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được can thiệp điều trị sớm.

Viêm loét dạ dày mãn tính

Là giai đoạn bệnh sau của loét dạ dày cấp tính. Tổn thương trên niêm mạc khi này sẽ lan rộng gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm như:

  • Xuất huyết tiêu hoá trên: Có biểu hiện đau vùng thượng bị, hạ huyết áp, nôn ra máu, tiêu máu hoặc tiêu phân đen.
  • Thủng dạ dày: Các vết loét ăn sâu có khả năng khiến dạ dày bị thủng dẫn tới tình trạng tăng nhịp tim, hạ huyết áp, đau thắt cường độ lớn cần được cấp cứu kịp thời.
  • Hẹp môn vị: Các mô xơ hình thành tại các vết loét khiến lòng dạ dày bị hẹp, cản trở vận chuyển thức ăn gây đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, đau thượng vị, sụt cân trầm trọng.
  • Ung thư dạ dày: Dễ gặp tại các vị trí vết loét ở bờ cong nhỏ dạ dày với kích thước trên 2cm. Đặc điểm tại nơi này thường kém đáp ứng với điều trị nên có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư dạ dày.

Viêm loét có thể dẫn tới ung thư dạ dàyViêm loét có thể dẫn tới ung thư dạ dày

Phương pháp chẩn đoán viêm loét dạ dày

Để chẩn đoán viêm loét dạ dày, ngoài việc thăm khám qua các biểu hiện lâm sàng, tiền sử sử dụng thuốc và thói quen sinh hoạt, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các biện pháp sau:

  • Nội soi: Thủ thuật này cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp và rõ ràng nhất các vết loét tại dạ dày để đánh giá mức độ bệnh. Với những ổ loét mới và đơn giản có thể sẽ chỉ cần điều trị nội khoa, tuy nhiên nếu xuất hiện các vết loét lồi lõm, viêm xơ,... sẽ cần sinh thiết bờ ổ loét để chẩn đoán ung thư dạ dày thể loét sớm và có phương án điều trị thích hợp.
  • Xét nghiệm máu, phân: Xác định được tình trạng hồng cầu trong phân, nồng độ enzyme trong niêm mạc dạ dày để đánh giá tình trạng thiếu máu.

Nội soi là thủ thuật giúp chẩn đoán viêm loét tại dạ dàyNội soi là thủ thuật giúp chẩn đoán viêm loét tại dạ dày

Cách điều trị viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày sẽ được các bác sĩ đánh giá mức độ và đưa ra phương án phù hợp. Việc tự điều trị tại nhà có thể dẫn đến tình trạng nguy cấp hơn và làm giảm đáp ứng thuốc cho những lần chữa trị sau này. Thông tin sau đây mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không tự mua thuốc:

Dùng thuốc điều trị viêm loét dạ dày

Các bác sĩ thường sẽ sử dụng nhóm thuốc có tác dụng tăng bảo vệ niêm mạc dạ dày và giảm tác động acid. Các thuốc điều trị có thể là thuốc trung hòa acid dịch vị, thuốc ức chế bơm proton, thuốc ức chế thụ thể histamin H2, thuốc ức chế thụ thể choline,... 

Ngoài ra, những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori sẽ được chỉ định dùng kháng sinh để tiêu diệt mầm bệnh, giảm nguy cơ biến chứng. Trong quá trình điều trị sẽ có ít nhất hai loại kháng sinh phối hợp (gồm một thuốc ức chế acid dạ dày và một kháng sinh đường uống) với thời gian dùng trung bình 14 ngày. 

Điều trị bằng thuốc cho các trường hợp viêm loét dạ dày giai đoạn sớmĐiều trị bằng thuốc cho các trường hợp viêm loét dạ dày giai đoạn sớm

Điều trị bằng phẫu thuật

Trong các trường hợp bệnh không đáp ứng với thuốc hoặc xảy ra biến chứng sẽ cần can thiệp điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Đa số bệnh nhân bị biến chứng hẹp môn vị, thủng dạ dày, ung thư dạ dày sẽ phải chỉ định cắt dạ dày. Cụ thể là:

  • Cắt dây thần kinh phế vị.
  • Cắt 1/2 dạ dày.
  • Cắt 3/4 dạ dày.
  • Cắt một phần dạ dày.

Điều trị viêm loét dạ dày tại nhà

Những bệnh nhân sớm phát hiện bệnh, vết loét dạ dày nhỏ, chưa ăn sâu, triệu chứng bệnh diễn ra với tần suất thấp sẽ được điều trị tại nhà. Bên cạnh sử dụng thuốc kê đơn để điều trị bệnh, việc cần làm của người bệnh để hỗ trợ các vết tổn thương tại dạ dày nhanh hồi phục đó là thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống phù hợp.

Thay đổi thói quen ăn uống

Tuy không phải là biện pháp có thể can thiệp điều trị viêm loét dạ dày nhưng ăn uống lại có tác động trực tiếp tới các tổn thương tại niêm mạc. Có thể giúp cải thiện hoặc khiến bệnh trở nên trầm trọng tùy vào cách mà người bệnh chọn lựa thực phẩm tiêu thụ. 

Trong quá trình điều trị tại nhà, người bị viêm loét dạ dày nên lựa chọn các thực phẩm sau đây có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt nhờ các vi chất tự nhiên:

  • Rau quả giàu flavonoid: Có tác dụng ức chế sự phát triển của Helicobacter Pylori. Chọn thực phẩm như trà xanh, gừng, táo, hành có hàm lượng flavonoid cao.
  • Thực phẩm chứa khuẩn có lợi như sữa chua, miso giúp tăng cường hàng rào bảo vệ hệ tiêu hoá.
  • Thực phẩm giàu chất xơ có tác dụng làm giảm cơn đau, giảm lượng acid trong dạ dày. Các thực phẩm gồm bột yến mạch, táo, lê, rau xanh,...
  • Vitamin A: Trong rau có màu xanh đậm, khoai lang, cà chua, cà rốt, gan động vật,... có chứa vitamin A giúp giảm cơn đau tại ổ loét, hạn chế tái phát.
  • Vitamin C có trong cam, quýt, kiwi, bông cải xanh,... có tác dụng làm lành vết thương, tăng khả năng đề kháng chống lại vi khuẩn.
  • Ngoài ra các thực phẩm như nghệ, mật ong, nha đam, sữa, trứng gà, quả sung, thịt nạc, cá tươi,... cũng nên cho vào thực đơn của người bị viêm loét dạ dày có tác dụng hỗ trợ điều trị rất tốt.

Lựa chọn thực phẩm tươi, có lợi cho hệ tiêu hoáLựa chọn thực phẩm tươi, có lợi cho hệ tiêu hoá

Viêm loét dạ dày kiêng ăn gì? Các thực phẩm hạn chế sử dụng trong thời gian điều trị bệnh đó là:

  • Các đồ uống có cồn, có gas: Chúng gây kích thích đường tiêu hoá, ngăn cản quá trình tiêu hoá thức ăn.
  • Đồ ăn nhiều dầu mỡ: Dễ gây khó tiêu, khiến hệ tiêu hoá gia tăng gánh nặng do thời gian xử lý lâu hơn và gây kích thích dạ dày.
  • Các thực phẩm cứng, dai khó tiêu hoá.
  • Các loại thịt nguội, thức ăn đóng hộp, chiên rán, rau sống
  • Các gia vị như tiêu ớt, dấm tỏi, đồ muối chua.
  • Loại quả chua như chanh, cóc, sấu,...
  • Chè, cà phê đậm đặc.

Hạn chế ăn đồ cay nóng, đồ ăn sẵn đóng hộp giúp giảm triệu chứng viêm loét dạ dàyHạn chế ăn đồ cay nóng, đồ ăn sẵn đóng hộp giúp giảm triệu chứng viêm loét dạ dày

Sinh hoạt khoa học 

Xây dựng lối sống lành mạnh bằng cách bỏ thuốc lá, thường xuyên vận động, ăn uống nghỉ ngơi đúng giờ, không để quá đói hoặc ăn quá no giúp dạ dày hoạt động tốt hơn, giảm các cơn đau do co thắt. Bên cạnh đó, duy trì suy nghĩ tích cực, cân bằng công việc, cuộc sống để giảm ảnh hưởng tới hệ tiêu hoá.

Cách phòng tránh bệnh viêm loét dạ dày

Căn bệnh viêm loét dạ dày hoàn toàn có thể phòng tránh bằng một lối sống khoa học và lành mạnh. Hãy thực hiện những biện pháp sau đây để luôn có một hệ tiêu hoá khỏe mạnh:

  • Không hút thuốc lá, không uống bia rượu quá 2 ly 1 ngày và uống thường xuyên.
  • Không lạm dụng các loại thuốc như aspirin, Ibuprofen, naproxen (NSAID).
  • Ăn các thực phẩm nấu chín, sử dụng nguồn nước sạch.
  • Tăng cường sử dụng các thực phẩm có lợi cho sức khỏe như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh,...
  • Khám định kỳ với các gói khám sức khỏe tại bệnh viện Đa khoa Phương Đông để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý.

Hạn chế bia rượu, hút thuốc là cách phòng ngừa bệnh về tiêu hoáHạn chế bia rượu, hút thuốc là cách phòng ngừa bệnh về tiêu hoá

Viêm loét dạ dày được xem là căn bệnh của thời hiện đại khi mà thị trường “lên ngôi” các thực phẩm chế biến sẵn, đồng thời con người cũng phải chịu nhiều áp lực từ công việc và cuộc sống. Hãy xây dựng cho mình một cuộc sống lành mạnh để tránh xa bệnh tật và làm chủ sức khỏe của bản thân bạn nhé. Để đăng kí thăm khám tại BVĐK Phương Đông, bạn vui lòng bấm số 1900 1806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,041

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám