Viêm màng não mô cầu ACYW chẩn đoán và điều trị ra sao?

Thiên Hương

27-12-2022

goole news
16

50% bệnh nhân tử vong do viêm màng não mô cầu ACYW nếu không được chữa trị kịp thời. Thậm chí với đối tượng là trẻ em có thể tử vong chỉ sau 24h kể từ thời điểm khởi phát bệnh. Chính vì vậy, viêm màng não mô cầu được xem là “bệnh tử” vô cùng nguy hiểm và có thể để lại những di chứng vĩnh viễn. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ thông tin chi tiết đến bạn về căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nghiêm trọng này trong bài viết.

Tổng quan về bệnh viêm màng não mô cầu ACYW

Viêm màng não mô cầu ACYW là bệnh do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis thuộc tuýp A, C, Y, W-135 gây nên tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính lại lớp màng não và tủy sống. 

Trong cộng đồng, có khoảng 5-25% người mang vi khuẩn khu trú tại vùng mũi, hầu, họng nhưng không phát bệnh (không có biểu hiện lâm sàng).  Vi khuẩn ở những người lành mang trùng này có khả năng vượt khỏi hàng rào miễn dịch, khi có cơ hội chúng sẽ tấn công bệnh nhân hoặc lây lan từ người này sang người khác. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới vị trí màng não mà còn có thể gây nên nhiều tác động đến các cơ quan khác, dẫn tới tình trạng suy hô hấp, viêm phổi, liệt dây thần kinh số 2, suy tuần hoàn, liệt nửa người…

Viêm màng não mô cầu ACYW là căn bệnh vô cùng nguy hiểm.

Viêm màng não mô cầu ACYW là căn bệnh vô cùng nguy hiểm.

Trẻ em dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Bệnh có khả năng chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tuy nhiên kể cả khi đã được chữa trị tích cực thì vẫn có khả năng bị tử vong hoặc gặp phải những hậu quả lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mô cầu ACYW

Vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis (còn gọi là còn gọi là vi khuẩn meningococcus) có 12 tuýp huyết thanh gây bệnh, trong đó tuýp A, B, C, Y, X, W-135 là phổ biến nhất. Bệnh viêm màng não mô cầu ACYW gây ra bởi các chủng vi khuẩn gồm A, C, Y, W. 

Vi khuẩn Neisseria Meningitidis là cầu khuẩn gram âm, thuộc loại hiếu khí tuyệt đối. Nó có dạng như hạt cà phê có kích thước khoảng 0,8 x 0,6 mm. Để phân loại chúng cần dựa vào các tuýp huyết thanh trên lớp vỏ. Loại vi khuẩn này có chứa 2 loại kháng nguyên là:

  • Kháng nguyên vỏ: Là các polysaccharide đặc hiệu nhóm, sau khi xâm nhập vào cơ thể, kháng nguyên vỏ được giải phóng vào trong dịch não tủy ở giai đoạn đầu của bệnh. Do đó bác sĩ hoàn toàn có thể chẩn đoán chính xác bệnh dựa vào sự có mặt kháng nguyên trong dịch não tủy. Dựa vào kháng nguyên vỏ, vi khuẩn viêm màng não chia thành 13 nhóm gồm A, B, C, 29-E, H, I, K, L, W-135, X, Y và Z. 
  • Kháng nguyên vách: Đây là loại protein nằm ở lớp màng ngoài cùng của vách tế bào mang tính đặc hiệu tuýp. Do đó, nhóm vi khuẩn não mô cầu B được chia thành 12 tuýp khác nhau.

Vi khuẩn não mô cầu chỉ sống được khoảng 3-4 giờ sau khi ra khỏi cơ thể và chết ở nhiệt độ 60 độ C trong 10 phút. Trong cơ thể, vi khuẩn này sau khi xâm nhập sẽ khu trú ở vùng tỵ hầu, tùy vào tình trạng sức khỏe mà vi khuẩn sẽ không gây bệnh trong khoảng vài ngày hoặc vài tháng. Khi cơ thể có dấu hiệu suy giảm hệ miễn dịch, suy nhược cơ thể, mắc bệnh,... vi khuẩn sẽ bùng phát và di chuyển vào máu rồi gây bệnh ở các cơ quan đích.

Triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu ACYW

Viêm màng não mô cầu thường khởi phát đột ngột bằng những triệu chứng như sốt, đau họng, buồn nôn… rất giống với cảm cúm thông thường. Do đó người bệnh, đặc biệt là trẻ em thường rất khó để chẩn đoán đúng bệnh ở giai đoạn sớm và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác.

Tuy nhiên sau đó 24h, bệnh có thể diễn tiến rất nhanh. Cụ thể như sau:

  • 8 giờ đầu tiên có thể trẻ mới có các triệu chứng như mệt mỏi, cáu gắt, buồn nôn, rét run, bỏ ăn, sốt… 
  • 9 đến 15 tiếng tiếp theo thì trẻ đã có những nốt ban đỏ nổi tại bẹn, đùi, sợ ánh sáng, dấu hiệu cứng cổ… 
  • 16 đến 24 giờ sau khi khởi phát bệnh, vết ban sẽ lan ra khắp cơ thể là dấu hiệu của nhiễm trùng máu. Khi các nốt ban chuyển sang sẫm màu, thâm đen thì khi này là biểu hiện của tình trạng hoại tử. Trẻ sẽ bị hôn mê, co giật, mất ý thức và có thể tử vong. 

Trên thực tế, đa phần các ca bệnh nhập viện vào thời điểm giờ thứ 19 là quá chậm trễ để điều trị.

Triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu dễ nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp thông thường.

Triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu dễ nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp thông thường.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao

Vi khuẩn não do mô cầu tuýp ACYW có thể gây bệnh cho bất cứ ai, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Tuy nhiên, như đã nói, đối tượng có nguy cơ mắc cao nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, thanh niên 14-20 tuổi, người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch.

Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ sau đây thúc đẩy khả năng nhiễm bệnh cao hơn đó là:

  • Người chưa được tiêm phòng viêm màng não mô cầu chủng A, C, Y, W hoặc tiêm không đủ số mũi.
  • Người bị suy giảm miễn dịch như bị rối loạn tự miễn dịch, bệnh nhân ung thư đang trị liệu, người cấy ghép nội tạng/tuỷ xương, người bệnh HIV/ AIDS, người đang sử thuốc ức chế miễn dịch.
  • Phụ nữ mang thai do giảm chức năng của hệ miễn dịch, làm tăng tính cảm nhiễm và dễ bộc phát bệnh tiềm ẩn.

Đường lây nhiễm của vi khuẩn não mô cầu 

Viêm màng não mô cầu ACYW là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây từ người sang người thông qua dịch tiết đường hô hấp mang vi khuẩn, phát tán vào không khí do hắt hơi, ho, hôn và xâm nhập trực tiếp vào cơ thể của người khỏe mạnh. 

Do tỷ lệ người lành mang mầm bệnh trong cộng đồng khá cao nên đây là yếu tố nguy cơ khiến viêm màng não mô cầu có khả năng bùng phát thành dịch. Chính bởi lý do này mà chúng ta cần bảo vệ bản thân và gia đình thường xuyên bằng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả đã được khuyến cáo.

Biến chứng của bệnh viêm màng não mô cầu ACYW

Viêm màng não mô cầu tuýp ACYW có diễn biến rất nhanh và có khả năng gây tử vong chỉ sau 24h phát bệnh. Nguyên nhân là do tình trạng nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn, trong đó nhiễm khuẩn huyết có 3 thể là tối cấp, cấp và mãn tính. 

Thể tối cấp được đánh giá là nguy hiểm nhất với tiên lượng nặng ngay từ ban đầu. Bệnh nhân bị rối loạn vi tuần hoàn gây xuất huyết ồ ạt, truỵ tim mạch, giảm thể tích nội mạch do hội chứng đông máu rải rác nội mạch, giảm oxy máu gây suy tuần hoàn, suy hô hấp, thoát vị não dẫn tới tử vong.

Nhiều ca bệnh, trong đó đa phần là trẻ nhỏ, dù đã được điều trị tích cực, thế nhưng vẫn có tới 8-15% ca bệnh bị tử vong do gặp phải biến chứng nặng. 20% ca bệnh đã khỏi bệnh nhưng phải chịu hậu quả vĩnh viễn như hoại tử, điếc, động kinh, liệt dây thần kinh dẫn tới bại liệt, chậm phát triển trí tuệ, suy giảm thị lực, não úng thuỷ…

Viêm màng não mô cầu ACYW diễn tiến rất nhanh và có khả năng gây tử vong cao.

Viêm màng não mô cầu ACYW diễn tiến rất nhanh và có khả năng gây tử vong cao.

Chẩn đoán viêm màng não mô cầu tuýp ACYW bằng cách nào?

Những dấu hiệu sớm của bệnh viêm màng não khi khởi phát thường gây khó khăn cho việc chẩn đoán, kể cả đối với những người có chuyên môn. Lý do là bởi rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm, bệnh do virus thông thường. Do đó,  nếu nghi ngờ mắc viêm màng não mô cầu ACYW, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số phương pháp xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm dịch não tủy.
  • Ngoáy họng lấy chất nhầy đưa đi xét nghiệm.
  • Xét nghiệm máu. 
  • Xét nghiệm ban xuất huyết hoặc chích mụn nước.
  • Nhuộm gram soi kính hiển vi.
  • Phân lập vi khuẩn não mô cầu.

Điều trị viêm màng não mô cầu A C Y W

Để điều trị viêm màng não mô cầu nói chung và viêm màng não mô cầu ACYW-135 nói riêng, thời gian chính là “chìa khoá vàng”  trong nguyên tắc điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị càng sớm sẽ càng làm tăng tỷ lệ chữa lành, hạn chế nguy cơ biến chứng và để lại di chứng.  

Một số lưu ý trong điều trị viêm màng não mô cầu ACYW đó là:

  • Sử dụng Sunfamit, Penicillin có thể kết hợp (hoặc không) với một số kháng sinh điều trị dự phòng. Nguyên tắc là các loại thuốc này nhạy cảm với chủng vi khuẩn gây bệnh.
  • Nếu Sunfamit không còn nhạy cảm với vi khuẩn thì có thể thay thế bằng rifamycin theo liều lượng được chỉ định.
  • Điều trị đặc hiệu bằng Ampicillin đường uống, Cephalosporin thế hệ III đường tiêm tĩnh mạch cho trẻ sơ sinh. Uống Ampicillin, Chloramphenicol hoặc Ampicillin và Cephalosporin cho trẻ dưới 10 tuổi. Với người lớn sẽ dùng Penicillin tiêm tĩnh mạch hoặc Ampicillin hoặc Cephalosporin thế hệ III tiêm tĩnh mạch. Thời gian điều trị được bác sĩ đưa ra phù hợp với mức độ và tình trạng chuyển biến của bệnh.

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu ACYW

Tiêm chủng vắc xin chính là cách bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất trước sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn não mô cầu ACYW. Đây chính là phương pháp dự phòng tốt nhất giúp chủ động ngăn ngừa bệnh, đồng thời giảm thiểu nguy cơ biến chứng và di chứng của bệnh. Tuy nhiên hiện tại, mũi tiêm chủng viêm màng não mô cầu chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên mọi gia đình cần chủ động trong việc đưa con em mình và bản thân đến các điểm tiêm chủng uy tín để được tư vấn.

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu A C Y W, Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện:

  • Vệ sinh cá nhân thường xuyên, xây dựng thói quen súc miệng, họng bằng dung dịch sát khuẩn, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
  • Dọn dẹp nơi ở, khu làm việc, khu vui chơi của trẻ.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học kết hợp với vận động và thể thao cho cả gia đình.

Tiêm chủng vắc xin chính là cách bảo vệ trước vi khuẩn não mô cầu hiệu quả nhất.

Tiêm chủng vắc xin chính là cách bảo vệ trước vi khuẩn não mô cầu hiệu quả nhất.

Những điều cần biết về vắc xin viêm màng não mô cầu ACYW

Hiện nay tại Việt Nam, các phòng tiêm chủng chất lượng, trong đó có phòng tư vấn và tiêm ngừa tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hiện đang có đầy đủ vắc xin viêm màng não mô cầu ACYW là vắc xin Menactra (của công ty Sanofi Pasteur, Mỹ). Đây là loại vắc xin cộng hợp thế hệ mới có khả năng phòng ngừa chủng vi khuẩn não mô cầu tuýp A, C, Y, W-135 gây nên viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết có hiệu quả phòng ngừa tới hơn 90%. Vắc xin được khuyến cáo nên tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn dưới 55 tuổi.

Trước năm 2018, vắc xin polysaccharide meningococcal A + C được dùng để phòng não mô cầu tuýp A và C. Tuy nhiên sau đó loại vắc xin này đã tạm ngừng sản xuất và thay thế bằng vacxin Menactra có hiệu quả phòng 4 tuýp huyết thanh A, C, Y, W-135.

Liều tiêm chủng vacxin Menactra

  • Trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi: Tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 3 tháng.
  • Trẻ từ 2 tuổi đến người lớn 55 tuổi: Tiêm 1 mũi duy nhất. Vẫn có thể tiêm mũi nhắc lại sau 4 năm cho nhóm đối tượng từ 15-55 tuổi để tăng hiệu quả phòng bệnh.

Ngoài vắc xin não mô cầu ACYW, các chủng vi khuẩn khác cũng được khuyến cáo nên tiêm chủng đầy đủ bởi nếu ngừa chủng này thì các chủng khác vẫn có thể gây viêm màng não nguy hiểm. Theo khuyến cáo, để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất, chúng ta nên kết hợp vắc xin não mô cầu ACYW cùng với vắc xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu tuýp BC. Loại Vắc-xin viêm não mô cầu Mengoc BC có khả năng phòng huyết thanh gây bệnh tuýp B, C. Khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên với khoảng cách 2 liều là 6-8 tuần.

Những lưu ý sau tiêm bạn nên biết

  • Khai báo đầy đủ tình trạng sức khỏe, bệnh lý đang mắc, các loại thuốc đang sử dụng điều trị, tình trạng dị ứng thuốc….
  • Theo dõi sức khỏe sau khi tiêm ít nhất 30 phút tại nơi tiêm chủng.
  • Có thể dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Không đè, chạm hay đắp bất cứ thứ gì vào vết tiêm.
  • Liên hệ với bệnh viện nếu sau khi tiêm chủng có các phản ứng bất thường như sốt cao trên 39 độ không hạ, khó thở, mạch đập nhanh, tím tái, co giật…
  • Giữ phiếu tiêm chủng để theo dõi lịch tiêm.

Đối tượng cần cẩn trọng khi tiêm vắc xin 

Tuy mang lại hiệu quả phòng bệnh rất tốt, tuy nhiên những người sau đây cần cân nhắc và tham khảo ý kiến chuyên môn từ các bác sĩ trước khi tiêm phòng vắc xin viêm màng não mô cầu:

  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Người bị suy giảm miễn dịch.
  • Mắc bệnh rối loạn đông máu hoặc bệnh giảm tiểu cầu.
  • Người dị ứng hoặc có phản ứng với các thành phần của thuốc.
  • Người bị nhiễm khuẩn cấp tính, đang bị dị ứng, đang bị sốt.
  • Người mắc hội chứng Guillain-Barre.

Phụ nữ mang thai là đối tượng cần được tư vấn kỹ trước khi tiêm phòng.

Phụ nữ mang thai là đối tượng cần được tư vấn kỹ trước khi tiêm phòng.

Tiêm chủng viêm màng não mô cầu ở đâu?

Hiện tại phòng tư vấn tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đang cung cấp dịch vụ tiêm phòng viêm màng não mô cầu các chủng, trong đó có viêm màng não mô cầu ACYW. Bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn về các loại vắc xin cũng như lịch tiêm chủng chuẩn nhất để đảm bảo phòng vệ an toàn cho sức khỏe trước căn bệnh nguy hiểm này.

Não mô cầu ACYW gây bệnh nghiêm trọng với khả năng gây biến chứng rất nhanh và dễ lây lan. Bạn hãy chủ động phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu ACYW cho con, bản thân và gia đình để ngăn ngừa nguy cơ phát bệnh, lây cho người khác và đe dọa đến sức khỏe.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,857

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám