Viêm màng não mủ ở trẻ em là gì?
Viêm màng não mủ là tình trạng viêm ở màng não do có sự xâm lấn và tăng sinh của các yếu tố gây bệnh trong dịch não tủy. Đây là một bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có thể để lại di chứng nặng nề về thần kinh và vận động, thậm chí gây tử vong.
Viêm não màng mổ có 3 loại vi khuẩn phổ biến là H. influenza (Haemophilus influenzae), phế cầu (Streptococcus pneumoniae) và não mô cầu (Neisseria meningitidis). Đối với trẻ sơ sinh thì vi khuẩn gây bệnh phổ biến là Escherichia coli, Listeria monocytogenes, B.streptococcus. Ngoài ra, có một số loại vi khuẩn và nấm khác cũng gây bệnh nhưng khá hiếm gặp.
Viêm màng não mủ là tình trạng viêm ở màng não do các yêu tố gây bệnh trong dịch tủy não
Các triệu chứng của viêm màng não mủ ở trẻ em
Hầu hết trẻ khi mắc bệnh đều có những triệu chứng lâm sàng như sốt, mệt, trẻ bỏ ăn bỏ bú, quấy khóc, viêm long đường hô hấp trên,... Đối với bệnh nhi trên 18 tháng có thể xuất hiện tình trạng cứng cổ.
Các triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị mắc viêm màng não mủ chủ yếu xảy ra đối với trẻ sinh non, nhiễm khuẩn ối hoặc ngạt sau khi đẻ. Các triệu chứng của bệnh thường không điển hình, một số dấu hiệu có thể nhận biết như:
- Trẻ chán ăn, bú kém
- Quấy khóc, không dỗ nín được. đôi khi khóc thét
- Mệt mỏi, vận động kém
- Không có phản ứng với mọi thứ xung quanh
- Trẻ sốt cao hoặc thân nhiệt lạnh
- Thở không đều, có thể xuất hiện những cơn ngừng thở đột ngột
- Da bị vàng hoặc xanh tái, nhợt nhạt
- Có thể bị co giật
- Thóp phồng hoặc căng nhẹ
- Giảm trương lực cơ
- Đường huyết hạ
- …
Các triệu chứng của viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh
Các triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ em
Ở trẻ em, các triệu chứng viêm màng não mủ sẽ rõ ràng hơn so với trẻ sơ sinh. Cụ thể như:
- Trẻ sốt cao
- Cơ thể mệt mỏi, khó chịu
- Đau đầu
- Trẻ bỏ ăn, chán ăn, buồn nôn và nôn
- Quấy khóc
- Sợ ánh sáng
- Da tái xanh
- Ý thức suy giảm, dễ bị kích thích
- Phát ban hoại tử hình sao
- Cứng cổ gáy
- Có thể co giật và hôn mê
Các triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ em
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não mủ ở trẻ
Bệnh viêm màng não mủ ở trẻ có thể do nhiều loại vi khuẩn gây ra như vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, não mô cầu,... Vi khuẩn di chuyển từ tai mũi họng, đi vào phổi, theo máu vào trong não và tấn công vào não bộ và tủy sống của trẻ.
Do Haemophilus influenzae loại b (Hib)
Đây là loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Lúc này, não bộ của trẻ đang phát triển mạnh mẽ nên nếu mắc bệnh sẽ để lại biến chứng nặng nề, có thể gây tử vong.
Haemophilus influenzae loại b có thể dễ dàng lây nhiễm qua đường hô hấp nên có khả năng bùng thành dịch.
Do Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn)
Phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm màng não mủ. Phế cầu khuẩn có thể tấn công bất kỳ đối tượng nào.
Hầu hết trẻ nhỏ bị viêm màng não mủ do phế cầu khuẩn đều là biến chứng của viêm xoang, viêm phổi, viêm tai giữa,... chúng thường cư trú trong niêm mạc họng và tấn công não bộ và tủy sống.
Phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae
Do não mô cầu
Viêm màng não mủ do não mô cầu chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ từ 6-12 tháng tuổi, trẻ trên 1 tuổi thường ít gặp hơn. Khi mắc bệnh, trẻ có thể xuất hiện những ban xuất huyết hoại tử, có thể gây tử vong nhanh chóng.
Vi khuẩn thường ẩn náu trong khoang họng, có thể lây truyền qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc thông thường. Tuy nhiên, không phải có vi khuẩn não mô cầu đều bị bệnh viêm màng não mủ, có nhiều trường hợp phát hiện vi khuẩn nhưng không gây triệu chứng nào.
Do E.Coli
Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là E.Coli, thường ít gặp ở trẻ lớn và người lớn. Bệnh gây nhiễm trùng huyết, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, có tỷ lệ tử vong cao.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là E.Coli
Xem thêm:
Biến chứng của viêm màng não mủ ở trẻ
Viêm màng não mủ có thời gian ủ bệnh và xuất hiện triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh. Thông thường, thời gian ủ bệnh sẽ diễn ra trong 2-10 ngày, trẻ xuất hiện tình trạng sốt, mệt mỏi, đau đầu,... Trẻ dưới 3 tháng tuổi thường khó phát hiện do các triệu chứng không rõ ràng.
Trẻ bị viêm màng não mủ nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Cụ thể như:
- Tổn thương não bộ, tổn thương các dây thần kinh sọ não.
- Viêm tắc tĩnh mạch, viêm mạch máu não,...
- Áp xe não, áp xe dưới màng cứng
- Não úng thủy
- Bại não
- Biến chứng khác: Viêm khớp, viêm thận, viêm phổi, xuất huyết nội tạng,...
- Tử vong
Ngoài ra, bệnh có thể để lại một số di chứng cho trẻ như:
- Gặp các vấn đề về thị lực và thính lực: Điếc, mù lòa, lác,...
- Phát triển chậm về trí tuệ và vận động
- Liệt nửa người hoặc liệt các chi
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
- Động kinh
Viêm màng não mủ có thể gây ra di chứng và biến chứng nguy hiểm
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm màng não mủ ở trẻ
Bệnh viêm màng não mủ cần được phát hiện và can thiệp điều trị sớm để hạn chế những di chứng và biến chứng của bệnh.
Phương pháp chẩn đoán viêm màng não mủ
Để xác định có mắc viêm màng não mủ không cần thông qua các biểu hiện lâm sàng và kết quả xét nghiệm.
- Biểu hiện lâm sàng: Trẻ sốt cao, mệt mỏi, da tái xanh, buồn nôn, nôn, đau đầu, sợ ánh sáng, cứng gáy, thóp phồng,... tương tự như các triệu chứng kể trên.
- Xét nghiệm dịch não tủy: Thực hiện ngay khi nghi ngờ mắc bệnh. Nếu dịch não tủy có màu đục hoặc trong như vo gạo cần can thiệp điều trị ngay.
- Xét nghiệm máu: Xác định bạch cầu, lượng bạch cầu tăng cao, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính chiếm ưu thế ở trẻ có giảm nồng độ huyết tố.
- Cấy máu và dịch tỵ hầu: Xác định được loại vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như siêu âm qua thóp, chụp CT sọ não,...
Phương pháp điều trị viêm màng não mủ ở trẻ
Vì là một bệnh lý nguy hiểm nhưng thường được phát hiện và nhập viện muộn nên nhiều trẻ nhập viện với tình trạng bệnh nặng. Với các biểu hiện lâm sàng không quá rõ ràng, nhiều cha mẹ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường và tự điều trị tại nhà. Điều này gây ra khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.
Nguyên tắc chung trong điều trị viêm màng não mủ là cần nhanh chóng chẩn đoán, điều trị và theo dõi tình hình của bệnh. Phương pháp điều trị bệnh chủ yếu là sử dụng liệu pháp kháng sinh, do đó cần được chỉ định đúng liều lượng và càng sớm càng tốt. Nếu bệnh trở nặng, cần thực hiện điều trị tích cực để cứu sống người bệnh và giảm các di chứng.
Điều trị viêm màng não mủ ở trẻ
Đối với trẻ trong tình trạng hôn mê hoặc nhiễm khuẩn nặng, có khả năng sốc nhiễm khuẩn cần được điều trị và chăm sóc tại phòng cấp cứu và phòng điều trị tích cực. Với trường hợp suy hô hấp, cần được thở oxy và hỗ trợ hô hấp, có thể dùng máy thở khi cần thiết.
Người bệnh cần đảm bảo về thông khí, chống ứ dịch tiết mũi họng,... Nếu không thể ăn, người bệnh cần truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch hoặc cho ăn qua sonde.
Biện pháp phòng tránh viêm màng não mủ ở trẻ
Thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh viêm màng não mủ ở trẻ giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh và khả năng để lại biến chứng. Cha mẹ cần chú ý một số lưu ý sau để ngăn ngừa khả năng mắc bệnh ở trẻ:
- Điều trị dứt điểm các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng tai mũi họng ở trẻ nhỏ.
- Vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ
- Dọn dẹp nơi ở và môi trường xung quanh trẻ thường xuyên, đảm bảo thoáng mát.
- Vệ sinh tai mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý cho trẻ.
- Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh viêm màng não mủ cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.
Chủ động tiêm vaccine viêm màng não mủ cho trẻ đầy đủ và đúng lịch
Viêm màng não mủ ở trẻ em là một bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng đến não bộ của trẻ do nhiều loại vi khuẩn gây ra. Khi mắc bệnh, trẻ có những triệu chứng không rõ ràng nên nhiều cha mẹ nhầm lẫn khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn. Hơn nữa, bệnh tiến triển nhanh chóng nên có thể gây ra nhiều biến chứng hoặc di chứng suốt đời nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, cha mẹ nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, đặc biệt là tiêm vaccine ngừa bệnh viêm màng não mủ.
Nếu Quý khách quan tâm và có nhu cầu tiêm vaccine viêm màng não mủ cho trẻ hoặc các dịch vụ tiêm chủng khác, có thể liên hệ Hotline 1900 1806 hoặc cung cấp thông tin tại để được nhân viên tư vấn và đặt lịch tiêm nhanh chóng.