Viêm mô tế bào là một căn bệnh về da liễu khá phổ biến ở người. Nó sẽ trở nên nghiêm trọng nếu như không được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, tình trạng bệnh này có thể điều trị nếu tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Bài viết này sẽ mang đến cho mọi người một cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh này.
Viêm mô tế bào là gì?
Viêm mô ở tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính do vi khuẩn tấn công vào sâu các lớp dưới da và dễ gây nhiễm trùng.
Đây là một bệnh lý về da liễu khá nguy hiểm. Bệnh có thể làm lây lan ở các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là vùng cẳng chân. Tùy thuộc vào vị trí nhiễm trùng và nguyên nhân gây bệnh được chia ra làm nhiều loại: Viêm mô tế bào hốc mắt, vú, quanh hậu môn, vùng hàm mặt, cẳng chân.
Ở người lớn thường gặp viêm mô ở chi thể, còn trẻ em thì có xu hướng phát triển bệnh ở mặt hoặc cổ.
Viêm mô tế bào là một bệnh lý về da khá phổ biến
Các vị trí trên cơ thể dễ bị viêm mô tế bào
Viêm nhiễm mô mềm cấp tính trên da có thể khu trú ở một vùng hoặc lây lan sang các vùng lân cận ở một số vị trí trên cơ thể như:
- Vùng hàm mặt: Tình trạng viêm nhiễm ở vùng này do vi khuẩn từ răng hoặc mô nha chu bị viêm xâm nhập và gây phá hủy xương hàm và lan đến nhiễm trùng mô mềm ở mặt.
- Vùng hốc mắt: Do nhiễm trùng từ tổn thương quanh hốc mắt gây lên nhiễm trùng mô mềm xung quanh mắt. Tuy nhiên tình trạng này không lây cho mắt còn lại và chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới 6 tuổi.
Viêm nhiễm mô mềm ở vùng hốc mắt thường gặp ở trẻ em dưới 6 tuổi
- Vùng vú: Đây là tình trạng bị viêm và có mủ tạo thành các ổ áp xe tại mô tế bào tuyến vú. Bệnh này thường gặp ở phụ nữ giai đoạn do con bú, do vi khuẩn từ khoang miệng bé xâm nhập qua tổn thương ở núm vú vào các ống tuyến vú.
- Vùng cẳng chân: Khi người mắc có các vết thương hở trên da vùng cẳng chân (do bị cắn, vết loét, vết phẫu thuật, động vật cắn,...) sẽ dễ bị vi khuẩn Streptococcus xâm nhập sâu dưới lớp da gây viêm mô tế bào cẳng chân.
- Vùng quanh hậu môn: Tình trạng này do các vết nứt hậu môn bị vi khuẩn làm nhiễm trùng gây lên các mối áp xe cạnh hậu môn.
Nguyên nhân gây viêm mô tế bào
Vi khuẩn Streptococcus pyogenes và Staphylococcus aureus là 2 tác nhân chính gây nên căn bệnh này. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như:
- Streptococcus nhóm B ở người mắc bệnh đái tháo đường.
- Vi khuẩn gram âm ở trẻ em, Pseudomonas aeruginosa ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc giảm bạch cầu.
- Người sử dụng bồn tắm nóng hoặc sử dụng spa và những bệnh nhân nằm viện chung với người mắc.
- Vết cắn của động vật có thể dẫn đến viêm mô tế bào và thường do vi trùng,...
- Hệ miễn dịch của cơ thể kém.
- Người bệnh có tiền sử mắc bệnh viêm nhiễm mô tế bào.
- Một số bệnh về da gây rách tổn thương da như eczema, nấm bàn chân mà người bệnh đang mắc.
Vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây nhiễm khuẩn mô mềm
Những triệu chứng của viêm mô tế bào
Bệnh viêm mô ở tế bào này thường có những triệu chứng như: Vùng bị viêm sẽ có những dấu hiệu như bắt đầu đau, vùng da bị nhiễm hơi mềm, có màu đỏ, sưng tấy và căng bóng. Sau đó vùng viêm này bắt đầu lan rộng ra xung quanh.
Vết thương sẽ dần trở nên nóng rát gây cảm giác khó chịu. Nếu không được điều trị đúng lúc cơ thể sẽ có triệu chứng nóng sốt và vùng nhiễm trùng sẽ xuất hiện mủ áp xe.
Khi cơ thể bắt đầu có các triệu chứng như có cảm giác ốm yếu, mệt mỏi và chóng mặt thì đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh đã trở nên nặng thêm. Nghiêm trọng hơn, cơ thể người bệnh nếu lạnh run, cơ bắp đau nhức hay đổ mồ hôi lạnh nhiều thì chính là biểu hiện nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay.
Khi thấy vết thương bắt đầu lằn đỏ, vùng da nhiễm trùng bị phồng rộp thì đó là dấu hiệu xấu cho căn bệnh này. Nguy hiểm hơn, người bệnh rơi vào trạng thái đầu óc lơ mơ hay rơi vào hôn mê, lúc này cần có sự kết hợp của nhiều phương pháp điều trị khác nhau để chữa bệnh.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh là vùng bị viêm sưng đỏ và đau
Viêm mô tế bào có bị lây từ người sang người hay không?
Viêm mô tế bào thường không bị lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên bạn nên lưu ý rằng: nếu vùng da bị đứt hở trên da của bạn chạm phải vùng da của người bị nhiễm trùng, thì bạn sẽ có khả năng bị lây bệnh.
Hệ miễn dịch suy giảm có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở do bị chàm hoặc nấm và dễ dàng gây nên việc viêm lở loét nghiêm trọng.
Tóm lại, bệnh này không dễ dàng lây từ người này sang người khác song người có vấn đề về sức khỏe vẫn phải rất cẩn trọng. Vì nếu không được điều trị đúng cách thì bệnh sẽ trở nên nguy hiểm. Chính vì vậy, người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để tìm ra cách chữa trị phù hợp nhất.
Vết thương hở khi tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ gây nên viêm nhiễm mô tế bào
Viêm mô tế bào để lại biến chứng gì?
Căn bệnh này có những biến chứng nguy hiểm khi không kịp thời điều trị như:
- Áp xe tại chỗ: khi gặp tình trạng này cần trính rạch, tháo mủ.
- Nhiễm trùng máu: Vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng. Triệu chứng của bệnh là sốt, tim đập nhanh, thở nhanh, huyết áp thấp, chóng mặt khi đứng lên, giảm lượng nước tiểu và da đổ mồ hôi, xanh xao và lạnh.
- Nhiễm trùng ở các vùng khác: Ở một số trường hợp hiếm, vi khuẩn đã gây ra viêm lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, nó bao gồm cả cơ, xương hoặc van tim gây hoại tử chi và phải cắt bỏ.
Nhiễm trùng máu do nhiễm trùng da
Cách chẩn đoán tình trạng viêm mô tế bào
Các y bác sĩ ngoài việc dựa vào các biểu hiện lâm sàng, họ còn cần các bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh chính xác:
- Nuôi cấy bệnh phẩm lấy từ các vết loét trên da để xác định nguyên nhân gây bệnh và xây dựng kháng sinh đồ.
- Xét nghiệm máu để thấy bạch cầu tăng, tốc độ máu lắng và procalcitonin tăng.
- Chẩn đoán dựa trên định lượng kháng thể kháng liên cầu trong máu.
Xét nghiệm máu là một trong những cách để xác định bệnh này
Phương pháp điều trị bệnh viêm mô tế bào
Người bệnh viêm mô tế bào cần điều trị sớm bằng kháng sinh để tránh nhiễm khuẩn nặng, cụ thể như sau:
- Dùng kháng sinh phù hợp theo đúng chỉ định của bác sĩ, với trường hợp nhẹ có thể sử dụng kháng sinh đường uống. Tuy nhiên trong trường hợp nặng như nghi ngờ có nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp, viêm cơ cần nhập viện điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch.
- Có thể chọn một trong số các phác đồ kháng sinh như Penicillin G, Amoxicillin-clavulanate, Ceftriaxon, Roxithromycin,..
- Trường hợp có viêm tắc tĩnh mạch cần sử dụng thuốc chống đông theo đúng chỉ định.
- Khi bệnh chuyển nặng, các tế bào bị nhiễm trùng nghiêm trọng, thuốc kháng sinh không còn có tác dụng thì bác sĩ có thể kết hợp phẫu thuật để loại bỏ mô hoại tử, tránh để tình trạng bệnh thêm nặng.
Dùng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ
Một số lưu ý khi điều trị bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn
Khi gặp tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính, người mắc cần phải chú ý một số điều sau để cải thiện triệu chứng, giảm cảm giác khó chịu:
- Người bệnh nên kê vùng da bị tổn thương do nhiễm trùng cao hơn cơ thể khi ngủ hoặc nghỉ ngơi. Điều đó để cải thiện tình trạng sưng tấy và giảm bớt các cơn đau khi mắc bệnh viêm mô tế bào.
- Dùng nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn để rửa vết thương ở trên vùng da bị viêm nhiễm hằng ngày để tránh nhiễm trùng. Nếu vết thương quá nghiêm trọng hoặc vết thương dễ bị chà xát thì người bệnh cũng nên băng bằng gạc mỏng.
- Người bệnh cần hạn chế mang tất bó và mặc quần áo quá chật để tránh bị ép lên vùng da bị tổn thương cho đến khi lành hẳn. Điều đó nhằm hạn chế nguy cơ làm lở loét và nhiễm trùng nặng hơn.
Viêm mô tế bào kiêng ăn gì?
Mọi chuyên gia luôn khuyên người mắc tình trạng bệnh nên lưu ý dùng hoặc kiêng một số loại đồ ăn sau:
- Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, sinh tố và uống đủ nước mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng.
- Người bệnh nên kiêng ăn các loại đồ ăn có mùi tanh như: cá, trứng hay các loại thịt đỏ như thịt bò để tránh tình trạng nhiễm trùng thêm nặng.
- Không nên hút thuốc và uống rượu.
Người mắc bệnh nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính cần kiêng thuốc lá
Phương pháp phòng tránh viêm mô tế bào
Phòng bệnh nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính đóng vai trò quan trọng, giúp hạn chế nguy cơ nhiễm các bệnh nhiễm trùng dưới da. Vì vậy, để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh viêm mô tế bào, mọi người nên lưu ý:
- Khi phát hiện có vết trầy xước ngoài da, bạn cần phải vệ sinh thật sạch sẽ và cẩn thận.
- Khi bị ngứa do côn trùng đốt không nên cào gãi.
- Tránh những tình huống như bị phù nề do những bệnh của hệ tuần hoàn.
- Khi có vết thương cần rửa vết thương đều đặn bằng nước sát khuẩn hoặc nước sạch, nước muối sinh lý; sử dụng thuốc bôi ở vùng da tổn thương để nhanh lành hơn (theo kê đơn từ bác sĩ). Khi vết thương nghiêm trọng thì nên băng lại để hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn. Các bước vệ sinh, thay băng gạc vô cùng quan trọng, cần thực hiện hàng ngày và đúng nguyên tắc.
- Tránh đi chân trần không đồ bảo hộ chân khi đến những nơi dễ gây tổn thương, chẳng hạn như ngoài đường, trong rừng, trong nhà kho.
- Kem dưỡng ẩm có chức năng làm da dẻ tránh khô nứt, tuy nhiên nếu bạn bị nhiễm trùng thì không nên sử dụng.
Người mắc nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính không nên sử dụng kem dưỡng ẩm
- Có thể mang găng tay, áo dài tay để hạn chế việc trầy xước da và bị côn trùng cắn.
- Nên duy trì cân nặng một cách hợp lý, bởi béo phì là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.
- Kiểm soát tốt tình trạng sức khoẻ của mình để tăng cường hệ miễn dịch.
Viêm mô tế bào là bệnh da liễu nhưng nếu chủ quan, tình trạng này có thể gây viêm nặng và đe dọa đến tính mạng. Do vậy, khi nhận thấy dấu hiệu trở nặng, kéo dài, phương pháp điều trị hiện tại không đáp ứng thì người bệnh nên tới bệnh viện uy tín thăm khám và điều trị.