Viêm tĩnh mạch huyết khối là một tình trạng nghiêm trọng, khi các cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch gây tắc nghẽn lưu thông máu. Đây không chỉ là mối đe dọa đối với sức khỏe tĩnh mạch mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như thuyên tắc phổi. Việc nhận biết sớm, điều trị kịp thời và áp dụng các biện pháp phòng ngừa đúng cách là chìa khóa giúp kiểm soát căn bệnh này hiệu quả.
Bệnh viêm tĩnh mạch huyết khối là gì?
Viêm tĩnh mạch huyết khối (Thrombophlebitis) hay còn được gọi là viêm tĩnh mạch. Đây là tình trạng một hay nhiều tĩnh mạch bị sưng viêm do các cục máu đông hình thành ở cả chi trên và chi dưới. Tuy nhiên, bệnh hay xảy ra ở chi dưới hơn các vị trí khác.
Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng
Tùy thuộc vào vị trí tắc nghẽn mà ta có thể chia thành 2 nhóm, bao gồm:
- Viêm tĩnh mạch nông: Vị trí tắc nghẽn là những mạch có kích thước nhỏ, nằm sát bề mặt da có thể quan sát được bằng mắt thường. Tĩnh mạch này tắc đa phần do các tác động ngoại lực như đặt kim truyền dịch,...không đa phần không gây nguy hiểm và bệnh có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị đặc hiệu, trừ trường hợp bị viêm tắc lan tỏa.
- Viêm tĩnh mạch sâu: Hay còn gọi là viêm huyết khối tĩnh mạch sâu. Vị trí tắc nghẽn là các tĩnh mạch sâu, có kích thước lớn và đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển máu từ các khối cơ tay chân về tim. Các tĩnh mạch này dễ bị viêm do huyết khối, gây nguy hiểm đến tính mạng với những biến chứng khó lường.
Tên bệnh viêm tắc tĩnh mạch được phát âm là “thromb-oh-fleb-eye-tiss”, được hiểu như sau:
- Thrombo-: Từ này bắt nguồn từ “thrombus” - thuật ngữ y học chỉ cục máu đông hình thành bên trong mạch máu;
- -phleb-: Liên quan đến tĩnh mạch;
- -itis: Viêm.
Nguyên nhân gây nên bệnh viêm tĩnh mạch huyết khối
Bệnh viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và lứa tuổi nào. Tuy nhiên, sẽ có những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường, cụ thể:
- Người lớn tuổi (>60 tuổi);
- Người thừa cân, béo phì, BMI vượt ngưỡng an toàn;
- Người có thói quen hút thuốc;
- Người bị rối loạn đông máu;
- Người bị giãn tĩnh mạch, đã có huyết khối trước đó;
- Người mắc các bệnh lý như suy tim, ung thư, hội chứng thận hư, lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa khớp dạng thấp,...;
- Người gặp phải các vấn đề chấn thương hoặc phẫu thuật liên quan tới gãy xương, đặt catheter tĩnh mạch lớn;
- Người nằm điều trị bất động tại chỗ lâu ngày;
- Người đang sử dụng thuốc có yếu tố gây tăng đông như thuốc tránh thai, điều trị hormon thay thế, giai đoạn hậu sản với phụ nữ sau sinh.
Triệu chứng của viêm tĩnh mạch huyết khối
Viêm tĩnh mạch huyết khối, còn gọi là viêm tắc tĩnh mạch, là tình trạng viêm của tĩnh mạch kèm theo sự hình thành cục máu đông trong lòng mạch. Triệu chứng của viêm tắc tĩnh mạch huyết khối bao gồm:
- Thay đổi màu sắc da: Vùng da tại vị trí viêm có thể trở nên đỏ, sưng hoặc nóng. Người bệnh có thể cảm nhận sự khác biệt giữa chi bị ảnh hưởng và chi lành.
- Đau: Cảm giác cứng, căng và đau xuất hiện ở vùng chân hoặc cánh tay bị ảnh hưởng. Đau có thể liên tục hoặc tăng lên khi di chuyển, với mức độ thay đổi tùy theo từng trường hợp.
- Giãn tĩnh mạch nông: Có thể quan sát thấy các tĩnh mạch nông bị giãn ở khu vực bị viêm.
- Loét và hoại tử: Trong trường hợp nghiêm trọng, thiếu máu nuôi dưỡng có thể dẫn đến loét hoặc hoại tử da.
- Sốt: Người bệnh có thể bị sốt kèm theo các triệu chứng trên.
Triệu chứng của bệnh có thể kéo dài từ đùi xuống đến mắt cá chân
Đặc biệt, nếu cục máu đông di chuyển đến phổi, có thể gây thuyên tắc phổi với các biểu hiện như khó thở, đau ngực và ho ra máu. Tình trạng này vô cùng nguy hiểm cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.
Biến chứng của viêm tĩnh mạch huyết khối
Nếu không được điều trị, tình trạng viêm tắc tĩnh mạch huyết khối có thể để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm như:
- Thuyên tắc phổi: Biến chứng này vô cùng nguy hiểm bởi đây là biến chứng cấp, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau tức ngực, ho ra máu, khó thở, tụt huyết áp, nôn ói, da tái xanh, đổ nhiều mồ hôi. Trường hợp này cần phải được xử trí ngay, nếu không tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.
- Đau mạn tính và phù nề chi kéo dài;
- Hội chứng hậu huyết khối: Hội chứng này có thể tiến triển nhiều tháng hay thậm chí là nhiều năm khi người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Một số biến chứng người bệnh có thể gặp phải như xơ hoá mô dưới da, loét tĩnh mạch, suy tĩnh mạch.
Xem thêm:
Cách chẩn đoán bệnh viêm tĩnh mạch huyết khối
Để chẩn đoán bệnh viêm tĩnh mạch huyết khối, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, tiền sử mắc bệnh của bản thân và gia đình, tìm ra tĩnh mạch bị tổn thương bề mặt da. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm sau:
Siêu âm mạch máu là phương pháp phổ biến để chẩn đoán bệnh giúp phát hiện cục máu đông tại các chi
- Siêu âm Doppler: Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ xác định và chẩn đoán phân biệt giữa huyết khối tĩnh mạch nông và huyết khối tĩnh mạch sâu. Bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị đầu dò có tín hiệu sóng để quan sát. Khi sóng âm đi vào mô chân và dội ngược lại, máy tính sẽ truyền tải tín hiệu đó thành ảnh động trên màn hình.
- Xét nghiệm máu D - dimer: Đây là xét nghiệm máu để tìm protein, được gọi là D-dimer, được tạo ra khi cục máu đông bị phá vỡ. Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm này nếu họ nghĩ rằng bệnh nhân có cục máu đông nguy hiểm, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hoặc thuyên tắc phổi (PE).
Nếu mức D-dimer cao, điều đó có nghĩa là cục máu đông đang tan. Nếu kết quả là âm tính, điều đó có nghĩa là người bệnh có thể không có cục máu đông. Nhưng kết quả dương tính không có nghĩa là bệnh nhân có cục máu đông. Bác sĩ sẽ cần phải yêu cầu chụp hình ảnh để hình dung cục máu đông.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Nếu kết quả siêu âm không rõ ràng, bác sĩ sử dụng dụng các nghiên cứu hình ảnh để xác nhận sự hiện diện của huyết khối. Họ sẽ tiêm thuốc phản quang vào tĩnh mạch và hình ảnh sẽ hiển thị trên phim chụp X-quang. Tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm đau, phản ứng dị ứng với thuốc.
- Chụp CT: Nếu bác sĩ lo ngại rằng huyết khối trong tĩnh mạch đã di chuyển tới phổi, họ có thể yêu cầu thực hiện chụp CT để hình ảnh rõ hơn.
Cách điều trị viêm tĩnh mạch huyết khối
Điều trị bằng thuốc
- Thuốc làm loãng máu: Những loại thuốc này thường được sử dụng cho tình trạng huyết khối có nguy cơ cao gây thuyên tắc phổi hoặc não. Huyết khối tĩnh mạch sâu cần phải dùng thuốc chống đông vì lý do này. Bác sĩ có thể chỉ định tiêm Heparin và Enoxaparin để ngăn ngừa cục máu đông phát triển lớn hơn. Bên cạnh đó, cần phải sử dụng Warfarin (Coumadin) để tránh tình trạng tái phát. Các thuốc làm loãng máu bao gồm thuốc ức chế thrombin trực tiếp, nhưng bác sĩ thường không khuyến nghị chúng là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân vì chúng có chi phí khá cao và gây chảy máu không kiểm soát được. Bao gồm Apixaban (Eliquis), dabigatran (Pradaxa), edoxaban (Savaysa) và rivaroxaban (Xarelto);
- Thuốc tiêu huyết khối: Thường được gọi là thuốc phá vỡ cục máu đông. Chúng có thể được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc đưa trực tiếp vào cục máu đông bằng ống thông trong mạch máu.
Điều trị bằng phẫu thuật hoặc thực hiện thủ thuật can thiệp
Trong những trường hợp đặc biệt, phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất để điều trị tình trạng viêm. Tuỳ vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật bao gồm một hoặc nhiều thủ thuật sau:
- Cắt bỏ huyết khối cơ học: Có thể thực hiện bằng cách rạch một vết nhỏ để bác sĩ lấy cục máu đông ra khỏi tĩnh mạch. Một kỹ thuật khác bao gồm việc đưa ống thông vào tĩnh mạch để hút cục máu đông ra.
- Loại bỏ tĩnh mạch: Đúng như tên gọi, thủ thuật này liên quan đến việc loại bỏ tĩnh mạch có vấn đề, giúp bác sĩ tiếp cận và ngắt kết nối nó ra khỏi hệ thống tuần hoàn.
- Tách tĩnh mạch: Trong quá trình tách tĩnh mạch, bác sĩ sẽ thực hiện một vài vết cắt nhỏ để tiếp cận tĩnh mạch có vấn đề, sau đó họ sẽ đưa một sợi dây nhỏ, vừa khít bên trong tĩnh mạch và kéo sợi dây cũng tĩnh mạch ra ngoài (giống như việc bạn cho tay vào một chiếc tất và kéo ngược ra ngoài).
- Phẫu thuật bắc cầu: Một số trường hợp tĩnh mạch bị tổn thương do viêm tắc tĩnh mạch có thể không có lưu lượng máu thích hợp qua đó. Bác sĩ sẽ lấy một đoạn mạch màu từ nơi khác trong cơ thể và sử dụng nó để tạo ra một mạch bắc cầu mới, đóng vai trò như một đường vòng quanh vùng hẹp để khôi phục lưu lượng máu thích hợp.
Điều trị hỗ trợ
Ngoài dùng thuốc tất y khoa cũng được sử dụng để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc mạch
Sau khi cục máu đông đã tan và bệnh nhân đang dùng thuốc làm loãng máu, bác sĩ có thể chỉ định nên mang tất nén y khoa để giảm nguy cơ mắc hội chứng sau huyết khối hoặc sau viêm tĩnh mạch. Tất làm giảm sưng ở chân, giúp giảm áp lực trong tĩnh mạch và giảm nguy cơ giãn tĩnh mạch.
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tĩnh mạch huyết khối hiệu quả
Để phòng ngừa hiệu quả tình trạng viêm tắc tĩnh mạch huyết khối, người có nguy cơ mắc bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Duy trì hoạt động thể chất đều đặn: Việc thường xuyên vận động giúp cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Đối với những người phải ngồi lâu hoặc ít vận động, nên thực hiện các bài tập đơn giản như duỗi chân, xoay cổ chân, hoặc đứng dậy đi lại mỗi giờ để kích thích tuần hoàn máu.
- Sử dụng tất y khoa: Mang tất y khoa ngăn giãn tĩnh mạch có thể hỗ trợ lưu thông máu và giảm nguy cơ DVT. Tuy nhiên, việc sử dụng cần tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc có vấn đề về lưu thông máu.
- Uống đủ nước và tránh mất nước: Mất nước có thể làm tăng độ nhớt của máu, dẫn đến nguy cơ hình thành cục máu đông. Do đó, cần uống đủ nước hàng ngày và hạn chế tiêu thụ các chất kích thích như rượu, cà phê, có thể gây mất nước.
- Tránh mặc quần áo chật: Bởi điều này có thể cản trở lưu thông máu. Vì vậy, mọi người nên ưu tiên chọn những trang phục thoải mái, đặc biệt khi phải ngồi lâu hoặc trong các chuyến đi dài.
- Sử dụng thuốc chống đông theo chỉ định: Trong một số trường hợp có nguy cơ cao, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống đông máu để ngăn ngừa DVT. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ nghiêm túc theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Việc áp dụng đồng bộ các biện pháp trên sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ viêm tĩnh mạch huyết khối và bảo vệ sức khỏe tim mạch một cách hiệu quả.
Mọi thắc mắc cần giải đáp chi tiết, quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám tại website để được hỗ trợ thăm khám sớm nhất.
Kết luận
Hiểu rõ viêm tĩnh mạch huyết khối và chủ động chăm sóc sức khỏe là cách tốt nhất để phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn. Hãy chú ý đến các dấu hiệu bất thường của cơ thể, thăm khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị và xây dựng lối sống lành mạnh và khoa học để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.