Viêm tụy cấp là một bệnh lý liên quan đến đường tiêu hoá và có khả năng gây tử vong lên tới 5-15%. Bệnh có thể xảy đến với bất cứ ai, ở độ tuổi nào, tuy nhiên viêm tụy cấp ở trẻ em là một tình trạng sức khỏe cần điều trị kịp thời để tránh nguy cơ biến chứng, suy đa cơ quan và hoại tử tụy nhiễm trùng ảnh hưởng đến tính mạng.
Thông tin về bệnh viêm tụy cấp ở trẻ em
Tuyến tụy nằm tại ổ bụng có chức năng tiêu hoá tiết ra một số loại men tiêu hoá để xử lý chất đường, mỡ và đạm từ thức ăn do cơ thể nạp vào. Bên cạnh đó, cơ quan này còn tham gia vào chức năng nội tiết đó là tiết insulin để điều hòa đường huyết.
Tuyến tụy bị viêm chia thành 2 loại là viêm tụy cấp và viêm tụy mạn. Trong đó, viêm tụy cấp là tình trạng tự tiêu hủy tuyến tụy do men tụy gây viêm làm cho tế bào nang tuyến bị tổn thương. Viêm tuyến tụy có thể lan đến các mô và cơ quan xung quanh.
Viêm tuyến tụy cấp ở trẻ có thể tự khỏi hoặc diễn tiến trở thành bệnh nghiêm trọng do biến chứng dẫn tới tử vong hoặc tái phát trở thành mãn tính.
Viêm tuyến tụy cấp ở trẻ có thể diễn tiến thành bệnh nghiêm trọng
Nguyên nhân gây viêm tụy cấp ở trẻ em
Viêm tụy cấp ở trẻ em xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cụ thể:
- 10-30% tổng số ca bị viêm tụy cấp ở trẻ do mắc bệnh lý về đường mật như bị sỏi túi mật, sỏi nhỏ và cặn bùn đường mật, tắc nghẽn bóng Vater.
- 10-50% nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý toàn thân như nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, nhiễm độc,...
- 5-25% nguyên nhân viêm tụy cấp ở trẻ em là do sử dụng các loại thuốc như Salicylate, Azathioprine, Valproic acid, Metronidazole,…
- 10-20% do chấn thương.
- 5-10% do mắc bệnh rối loạn chuyển hoá.
- 15-30% vô căn (không tìm được nguyên nhân).
- Ngoài ra, các nguyên nhân như do di truyền, giun chui ống mật, đột biến, dị tật bẩm sinh, béo phì, tăng calci huyết, cường cận giá, gia đình có người bị bệnh, bệnh thận, viêm mạch... cũng được xác định.
Có tới 50% nguyên nhân trẻ bị viêm tuyến tụy cấp do nhiễm siêu vi
Triệu chứng của bệnh viêm tụy cấp ở trẻ em
Viêm tụy cấp ở trẻ em thường sẽ có những biểu hiện sau đây:
- Cơn đau từ từ, kéo dài trong nhiều ngày (khi bệnh nhẹ) hoặc xuất hiện đột ngột (bệnh đã diễn tiến nặng). Cơn đau thường diễn ra sau khi ăn và đau hơn khi nằm ngửa.
- Cơn đau thường tập trung ở vùng bụng trên bên trái hoặc nửa bụng trên, có thể lan ra phía sau lưng.
- Có dấu hiệu suy dinh dưỡng, suy kiệt.
- Vàng da.
- Phân kích thước lớn, có mùi hôi.
- Nôn ra nhiều nước, sau nôn không giảm bớt cảm giác khó chịu và đau.
- Trẻ có thể bị sốt, buồn nôn, ớn lạnh, phình bụng, tăng nhịp tim.
- Trường hợp nặng, trẻ có thể bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mất nước, dễ bị kích thích, tụt huyết áp…
Với trường hợp trẻ bị viêm tụy cấp nặng, trẻ có thể có các biểu hiện sau đây:
- Giảm nhu động ruột hoặc liệt ruột.
- Dấu hiệu mất nước: Môi khô, mắt trũng, lưỡi bẩn, cơ thể lừ đừ, mặt mệt mỏi.
- Triệu chứng viêm tụy cấp ở trẻ em nặng: Suy hô hấp, khó thở.
- Ở bệnh nhân bị viêm tụy thể xuất huyết, vùng da quanh rốn đổi màu xanh tím, đổi màu xanh tím vùng hông.
Viêm tụy cấp có biểu hiện đau tập trung ở vùng bụng trên bên trái hoặc nửa bụng trên
Biến chứng của viêm tụy cấp ở trẻ em
Trẻ nhỏ khi mắc bệnh nếu không được điều trị sớm sẽ chuyển biến xấu rất nhanh. Đa số các bé sẽ ổn định sau 7-10 ngày điều trị mà không xảy ra biến chứng. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp trẻ có thể sẽ phải đối mặt với các biến chứng như:
- Tụ dịch quanh tụy.
- Nang giả tụy hình thành do chất lỏng và mảnh vụn tích tụ trong túi tương tự như nang trong tuyến tụy. Nang giả vỡ có thể gây nhiễm trùng và chảy máu.
- Viêm tụy hoại tử nhiễm trùng.
- Áp xe tụy.
- Hôn mê, tử vong do não tổn thương.
- Suy thận ở trẻ, có khả năng cần phải lọc máu.
- Tổn thương phổi do quá trình trao đổi khí ở phổi bị ảnh hưởng, làm giảm oxy máu.
- Suy dinh dưỡng do tuyến tụy không sản xuất được các enzym cần thiết.
Viêm tụy cấp ở trẻ có khả năng dẫn tới biến chứng nặng nề
Phương pháp chẩn đoán viêm tụy cấp ở trẻ
Triệu chứng của viêm tụy cấp ở trẻ em thường khó để nhận biết, do đó nếu có nghi ngờ trẻ bị bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán sau:
- Siêu âm bụng: Phương pháp này được khuyến cáo áp dụng cho tất cả bệnh nhân để chẩn đoán và xác định mức độ bệnh. Ngoài ra thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ cũng sẽ đánh giá liệu có tình trạng giãn đường mật, sỏi mật hoặc bệnh nhân đau do viêm túi mật, viêm ruột thừa,... không phải do viêm tụy hay không. Tuy nhiên có khoảng 20% số ca bệnh trong giai đoạn đầu cho hình ảnh siêu âm bình thường.
- Xét nghiệm viêm tụy cấp ở trẻ em: Khi có nghi ngờ trẻ bị viêm tụy cấp, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm để đánh giá các bất thường như ứ mật, tăng lipid máu, tăng calci máu… Từ đó sẽ xác định bệnh hoặc có thể chẩn đoán được nguyên nhân của bệnh.
- X quang phổi: Mục đích của phương pháp chẩn đoán này là đánh giá tình trạng tràn dịch màng phổi và mức độ tổn thương nhu mô phổi. Nếu có những ảnh hưởng này thì có nghĩa là viêm tụy cấp đã ở mức độ nặng và có nguy cơ dẫn đến tử vong.
- Chụp CT: Trong trường hợp các xét nghiệm chẩn đoán khác chưa thể xác định được bệnh thì bệnh nhân sẽ được thực hiện chụp cắt lớp vi tính kết hợp với thuốc cản quang tĩnh mạch. Cách làm này giúp loại trừ chẩn đoán hoặc xác định bệnh. Phương pháp này cũng được khuyến cáo thực hiện khi bệnh nhân đã được điều trị và hồi sức tích cực nhưng không có chuyển biến tốt hoặc xấu hơn.
- Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP)/Siêu âm nội soi (EUS): Phương pháp này được chỉ định với những trường hợp đã thực hiện các xét nghiệm đánh giá trên nhưng không tìm được căn nguyên của bệnh.
Siêu âm bụng để chẩn đoán và xác định mức độ bệnh
Phương pháp điều trị viêm tụy cấp ở trẻ em
Sau khi đã xác định được nguyên nhân gây bệnh, trẻ sẽ được can thiệp điều trị tùy thuộc vào mức độ bệnh. Nguyên tắc chung trong chữa trị viêm tụy cấp đó là:
- Để tụy nghỉ ngơi bằng cách ngăn chặn quá trình tiêu hủy tuyến tụy.
- Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh để điều trị theo đúng phác đồ.
- Điều chỉnh cân bằng kiềm toan, bù nước.
- Chống sốc ở những bệnh nhân mắc bệnh thể nặng.
- Chống suy dinh dưỡng bằng cách bổ sung đầy đủ dưỡng chất vào đủ các bữa ăn.
- Phòng ngừa xảy ra biến chứng, điều trị khẩn cấp khi có biến chứng.
- Thực hiện phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.
Điều trị viêm tụy cấp ở trẻ em bằng cách:
- Sử dụng kháng sinh hoặc thuốc kháng acid.
- Bù dịch.
- Giảm đau.
- Nhịn ăn tuyệt đối, đặt sonde dạ dày để nuôi ăn.
- Đặt ống hút dịch dạ dày.
Chỉ định phẫu thuật là cách điều trị viêm tụy cấp ở trẻ em trong các trường hợp sau:
- Trẻ bị viêm tụy hoại tử kèm theo triệu chứng chướng bụng, đau khi ấn, nôn ói, mặt mệt mỏi, trũng sâu.
- Kích thước áp xe tụy trên 3cm.
- Bị viêm tụy xuất huyết.
- Nang giả tụy hình thành trên 4 tuần, kích thước trên 4cm hoặc gia tăng kích thước nhanh.
Chỉ định phẫu thuật trong các ca bệnh nặng
Biện pháp phòng ngừa viêm tụy cấp ở trẻ
Để trẻ có một sức khỏe thật tốt và vững vàng để phòng ngừa bệnh tật không chỉ là căn bệnh viêm tụy cấp, cha mẹ hãy cùng trẻ thực hiện những biện pháp sau đây:
- Xây dựng cho trẻ lối sống lành mạnh, ăn uống các chất cung cấp năng lượng tốt cho cơ thể, cho trẻ vui chơi, vận động để rèn luyện thể lực.
- Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh.
Chế độ ăn cho trẻ bị viêm tụy
Ngoài việc điều trị bằng can thiệp y tế, chế độ ăn cũng đóng góp quan trọng để kiểm soát tốt bệnh viêm tụy cấp ở trẻ em, hồi phục sức khỏe nhanh và tránh tái phát. Các loại thực phẩm tốt cho trẻ bị bệnh đó là các loại giàu protein, chứa chất chống oxy hoá và chứa ít chất béo như đậu phụ, thịt nạc, các loại sữa hạt. Khoai lang có chứa nhiều vitamin như A, B6, C… cùng hơn 10 nguyên tố vi lượng và chất xơ tốt cho tiêu hoá.
Ngoài ra quả việt quất, quả anh đào, rau bina và các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau xanh như súp lơ xanh (có tác dụng kháng độc tố gây ung thư) và cải bó xôi (chứa sắt và vitamin B) giúp bảo vệ tuyến tụy và cũng giúp cơ quan này không phải làm việc quá nhiều.
Cho trẻ ăn nhiều các loại rau củ, khoai lang, ngũ cốc nguyên hạt…
Không nên cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán, trà sữa và các loại nước ngọt. Hãy thay thế bằng các loại trái cây, nước ép, sữa chua không đường tốt cho tuyến tụy của trẻ.
Các loại thực phẩm mà trẻ bị viêm tụy cấp nên tránh đó là các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều đường. Các loại đồ ăn như trái cây ướp lạnh, kem,... cũng nên kiêng cho trẻ ăn. Ngoài ra chất xơ không tan có trong thực phẩm sẽ khiến hệ tiêu hoá dễ sinh khí làm quá trình xử lý thức ăn gặp khó khăn, gia tăng gánh nặng cho tuyến tụy. Không nên cho trẻ ăn nhiều gia vị cay nóng như tiêu, ớt, mù tạt… hoặc thức ăn quá mặn.
Thăm khám và điều trị viêm tụy cấp ở trẻ em ở đâu?
Các bệnh lý ở trẻ thường rất khó để phát hiện và chữa trị, do đó nếu trẻ có biểu hiện khác lạ, cha mẹ hãy nhanh chóng cho con thăm khám tại cơ sở uy tín. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một địa chỉ đáng tin cậy, là cơ sở y khoa lớn thuộc top đầu tại thủ đô.
Trẻ khi đến khám và chữa trị tại bệnh viện sẽ được các bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các cơ sở y tế tuyến đầu trực tiếp thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị tùy vào tình trạng bệnh. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, tiên tiến hàng đầu trên thế giới sẽ giúp làm tăng hiệu quả chữa trị và đẩy nhanh tốc độ hồi phục.
Bệnh viện Đa khoa Phương Đông được nhiều phụ huynh tin tưởng để điều trị bệnh cho con
Viêm tụy cấp ở trẻ em là căn bệnh không quá phổ biến nhưng những biến chứng ở bệnh nhi là điều không thể xem nhẹ. Cha mẹ và người chăm sóc hãy quan tâm đến sức khỏe của trẻ cũng như xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học để giúp tăng sức đề kháng, giúp trẻ có thể chống lại bệnh tật.