Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp là tình trạng xuất hiện những triệu chứng hô hấp cấp tính ở giai đoạn ổn định sang giai đoạn xấu đi đột ngột. Điều này làm ảnh hưởng đến chức năng của phổi và cần thay đổi phác đồ điều trị. Vậy bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp là gì? Có những triệu chứng như thế nào? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu về bệnh qua bài viết sau.
Tìm hiểu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đợt cấp
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp (*COPD) là tình trạng các triệu chứng hô hấp biến đổi cấp tính từ giai đoạn ổn định sang giai đoạn xấu đi đột ngột. Điều này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi, từ đó dẫn đến cần có sự thay đổi trong phương pháp điều trị bệnh. Ngoài ra, các đợt cấp không được phát hiện sớm sẽ khó khăn hơn trong quá trình điều trị, dẫn đến tiên lượng bệnh nặng.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp là tình trạng các triệu chứng hô hấp tiến triển xấu
Đối tượng dễ mắc bệnh
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là đối tượng của đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Các dấu hiệu thường gặp là khó thở, thở nông hoặc nhanh, thở khò khè, ho nặng, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể tăng. Những bệnh nhân mắc bệnh có thể xuất hiện một hoặc hai đợt cấp mỗi năm, những đợt cấp này sẽ trở nặng theo thời gian.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến các đợt cấp:
- Sử dụng thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc.
- Sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, chứa nhiều khói bụi.
- Người lớn tuổi, chức năng phổi suy giảm là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện đợt cấp.
Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp
Phổi có nhiệm vụ trao đổi Oxy và Carbon Dioxide để thực hiện cung cấp đầy đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể. Đối với người mắc bệnh COPD sẽ khó khăn trong quá trình trao đổi này vì phổi hoạt động không tốt. Điều này có thể làm tích tụ Carbon Dioxide và giảm lượng oxy trong cơ thể, nếu để tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến tử vong do cơ thể không được cung cấp đủ oxy.
Một trong những triệu chứng mà người bệnh nên chú ý như:
- Khó thở: Người bệnh khi bị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể thở bình thường, thoải mái, cảm giác sẽ không đủ không khí để thở. Tình trạng này có xu hướng tăng dần, nếu kéo dài và trở nặng, người bệnh cần dùng thuốc hỗ trợ và đến bác sĩ để được hỗ trợ.
- Thở rít: Với người bệnh mắc phổi tắc nghẽn mạn tính, tiếng thở rít thường xuất hiện thường xuyên khi thở ra bởi do tắc nghẽn đường thở do tích tụ chất tiết, đờm mủ.
- Đau ngực: Người bệnh cố gắng dùng sức để thở nên dẫn đến tình trạng đau tức, nặng ngực. Ở đợt kịch phát, hơi thở không đều, phần ngực di chuyển nhanh chậm bất thường.
- Ho: Tình trạng ho nhiều và nặng hơn bình thường là một triệu chứng đợt cấp COPD. Người bệnh có thể ho khan, ho có đờm xanh hoặc vàng.
- Da và móng tay đổi màu: Trong đợt kịch phát của COPD, người bệnh có một số thay đổi về màu sắc của da như: Quanh môi xuất hiện màu xanh tím, sắc mặt nhợt nhạt, móng tay chuyển sang màu xanh, tím,... là dấu hiệu của suy hô hấp.
- Khó ngủ và chán ăn: Khi các triệu chứng tăng lên, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn kèm mất ngủ.
- Đau đầu vào buổi sáng: Là một dấu hiệu của đợt cấp COPD cần chú ý. Những người mắc bệnh có nồng độ oxy trong máu thấp và lượng carbon dioxide tích tụ là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu vào sáng sớm.
- Sốt: Là một trong những dấu hiệu của nhiễm trùng và bắt đầu đợt cấp COPD xảy ra.
- Cảm thấy lo lắng, kích thích: Khi vào đợt cấp COPD, người bệnh không nhận đủ oxy cần thiết nên tạo cảm giác lo lắng, hoảng loạn.
- Không đủ sức nói: Người bệnh có cơn suy hô hấp không đủ sức để nói, phải sử dụng cử chỉ để diễn đạt.
Khó thở, đau ngực là triệu chứng điển hình của COPD đợt cấp
Nguyên nhân của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp
Nguyên nhân thường gặp nhất khiến người bệnh gặp đợt cấp COPD là nhiễm trùng (COPD bội nhiễm), các đợt nhiễm trùng có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra.
- Virus gây bệnh thường gặp: Rhinovirus, Influenza, Parainfluenza, Respiratory Syncytial Virus (Virus hợp bào RSV), Human Metapneumovirus, Picornaviruses, Coronavirus (Covid 19), Adenovirus,…
- Vi khuẩn gây bệnh thường gặp: Haemophilus Influenzae, Moraxella Catarrhalis, Staphylococcus Aureus, Streptococcus Pneumoniae,…
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp có thể liên quan đến:
- Các yếu tố nội khoa: Người bệnh tắc mạch phổi, tràn khí màng phổi, không sử dụng thuốc điều trị, sử dụng thuốc không đúng phác đồ, người bệnh sử dụng thuốc an thần, thuốc gây mê, nhịp tim loạn, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng nội tạng khác,...
- Các yếu tố ngoại khoa: Gãy xương, chấn thương lồng ngực, phẫu thuật bụng và ngực,...
- 1/3 trường hợp không rõ nguyên nhân gây ra bệnh.
Có nhiều trường hợp không xác định được rõ nguyên nhân gây bệnh
Phân loại mức độ đợt cấp phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp thường được phân loại mức độ dựa theo các triệu chứng. Những cách phân loại bệnh đợt cấp COPD bao gồm:
Phân loại theo Anthonisen
- COPD đợt cấp nhẹ: Có 1 trong 3 triệu chứng nặng là khó thở; số lượng đờm và màu sắc đục/vàng; Đồng thời có các triệu chứng khác như ho, thở rít, sốt. Trong 5 ngày trước xuất hiện hiện tượng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nhịp thở, nhịp tim tăng >20% so với bình thường.
- COPD đợt cấp trung bình: Xuất hiện 2 trong 3 triệu chứng: Khó thở; nhiều đờm hơn hơn, đờm có màu đục/vàng. Người bệnh nên sử dụng thuốc kháng sinh để cải thiện màu sắc của đờm.
- COPD đợt cấp nặng: Xuất hiện cả 3 triệu chứng: Khó thở, nhiều đờm, đờm có màu đục/vàng. Người bệnh cần được sử dụng kháng sinh.
Phân loại theo ATS/ERS sửa đổi
- COPD đợt cấp nhẹ: Cảm thấy khó thở khi đi nhanh, leo cầu thang, không xuất hiện những cơn co kéo cơ hô hấp và hõm ức, có 1 trong các triệu chứng: đờm mủ, sốt, tim hoặc phù. Có thể điều trị bằng tăng liều các thuốc điều trị hàng ngày.
- COPD đợt cấp trung bình: Cảm thấy khó thở khi di chuyển chậm trong phòng, nhịp thở từ 20-25 lần/phút. Xuất hiện tình trạng co kéo cơ hô hấp và hõm ức. Gặp 2 trong 4 triệu chứng sau: Đờm mủ, sốt, tìm hoặc phù. Người bệnh cần điều trị bằng corticoid toàn thân hoặc thuốc kháng sinh.
- Đợt cấp COPD nặng và rất nặng: Gây khó thở nghiêm trọng ngay cả khi nghỉ ngơi, thở ngáp, nói khó hoặc không nói được. Triệu chứng gồm ngủ gà, lẫn lộn, hôn mê, nhịp thở bất thường, co kéo cơ hô hấp, tím tái, đờm mủ, sốt, phù nặng hơn. Người bệnh cần cấp cứu ngay.
Phân loại COPD đợt cấp theo ATS/ERS sửa đổi
Phân loại theo GOLD 2017
- Đợt cấp nhẹ: Điều trị bằng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn (SABDs).
- Đợt cấp trung bình: Điều trị kết hợp SABDs với kháng sinh hoặc corticosteroid đường uống.
- Đợt cấp nặng: Có thể kèm theo suy hô hấp cấp, cần nhập viện hoặc khám cấp cứu để được can thiệp ngay.
Những biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp
Bệnh nhân mắc COPD nếu thường xuyên xuất hiện các đợt cấp sẽ đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Các đợt cấp không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp mà còn giảm chất lượng cuộc sống, tăng chi phí điều trị, đẩy nhanh tốc độ suy giảm chức năng hô hấp và khiến bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong. Số lần đợt cấp càng nhiều, nguy cơ tử vong càng cao.
Các biến chứng nguy hiểm sau đợt cấp COPD:
- Tràn khí màng phổi: Tắc nghẽn đường dẫn khí kéo dài khiến khí bị giữ lại trong phế nang, gây giãn phế nang và khí phế thũng. Khi các phế nang giãn lớn và vỡ ra, khí thoát vào khoang màng phổi, gây biến chứng tràn khí màng phổi rất nguy hiểm.
- Tăng áp lực động mạch phổi: Biến chứng này do thay đổi cấu trúc mạch máu trong phổi, dẫn đến áp lực động mạch phổi tăng cao.
- Suy tim: Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của đợt cấp COPD. Tình trạng thiếu oxy kéo dài và áp lực động mạch phổi tăng làm suy tim phải. Lâu dần, suy tim phải kết hợp với thiếu oxy mạn tính sẽ dẫn đến suy tim trái và suy tim toàn bộ.
- Các biến chứng khác: Đợt cấp COPD còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác như ung thư phổi, loãng xương, trào ngược dạ dày thực quản, biến chứng thần kinh và suy dinh dưỡng.
Suy tim là biến chứng nghiêm trọng của đợt cấp COPD
Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp
Chẩn đoán đợt cấp COPD
Theo tiêu chuẩn Anthonisen, đợt cấp COPD xảy ra khi bệnh nhân có tiền sử COPD đột ngột xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Khó thở tăng.
- Khạc đờm nhiều hơn.
- Đờm thay đổi màu sắc.
- Các triệu chứng toàn thân khác như sốt, đau ngực, rối loạn ý thức...
Để chẩn đoán và điều trị hiệu quả, bác sĩ dựa vào các biểu hiện tăng nặng:
- Hô hấp: Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, tím tái, SPO2 < 88%, co kéo cơ hô hấp, nhịp thở > 25 lần/phút.
- Tim mạch: Nhịp tim > 100 lần/phút, rối loạn nhịp, xanh tím, phù hai chân.
- Ý thức: Kích thích hoặc rối loạn ý thức.
- Khí máu: PaO2 < 55 mmHg, PaCO2 > 45 mmHg.
Người bệnh có thể có tiền sử điều trị oxy tại nhà hoặc mắc kèm các bệnh lý như tim mạch, nghiện rượu, tổn thương thần kinh.
Chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng
Phương pháp điều trị đợt cấp COPD
Mặc dù COPD là bệnh mạn tính chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng việc điều trị sớm giúp kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Điều trị bằng thuốc:
- Thuốc giãn phế quản: Là nền tảng điều trị, kết hợp giữa loại tác dụng kéo dài và tác dụng ngắn, tùy tình trạng bệnh.
- Kháng sinh: Dùng khi có dấu hiệu đợt cấp trung bình hoặc đờm mủ. Thời gian điều trị thường kéo dài 10–14 ngày. Ở bệnh nhân có nhiều đợt cấp, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh nhóm macrolid để giảm tần suất tái phát.
- Corticosteroid: Sử dụng rộng rãi, với các loại như Prednisolon hoặc Methylprednisolone.
- Thuốc kháng cholinergic: Kết hợp hoặc xen kẽ với thuốc kích thích beta, giúp giãn phế quản hiệu quả.
- Thuốc cường beta-2 adrenergic: Sử dụng dạng khí dung, xịt, uống hoặc truyền tĩnh mạch.
Người bệnh có thể chỉ định sử dụng thuốc giúp cải thiện COPD đợt cấp
Điều trị không dùng thuốc:
- Bổ sung oxy: Cần thiết cho hầu hết bệnh nhân trong đợt cấp, với liều thấp (dưới 3 lít/phút). Quá trình sử dụng oxy được giám sát chặt chẽ để tránh biến chứng.
- Thở máy không xâm nhập: Giảm tỷ lệ đặt nội khí quản và tử vong, phù hợp với bệnh nhân khó thở nhiều, co kéo cơ hô hấp.
- Thở máy xâm nhập: Áp dụng khi bệnh nhân suy hô hấp nặng, cần đặt nội khí quản.
Ngoài ra, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, tránh khói thuốc và đến khám định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh.
Xem thêm:
Phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp
Mặc dù các đợt cấp COPD không thể loại bỏ hoàn toàn, bạn có thể áp dụng một số biện pháp để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt trong mùa đông:
- Hạn chế tiếp xúc với tác nhân kích ứng: Tránh xa khói bụi, than, dầu đốt và các chất gây ô nhiễm môi trường.
- Giảm thiểu rủi ro lây nhiễm: Tránh tụ tập ở nơi đông người, nhất là khi trời lạnh, để ngăn ngừa các bệnh đường hô hấp và cúm.
- Uống đủ nước: Duy trì cơ thể đủ nước giúp làm lỏng dịch nhầy trong đường thở, cải thiện hô hấp.
- Tiêm phòng: Đảm bảo tiêm vắc xin cúm hàng năm và vắc xin phế cầu để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp – yếu tố chính gây khởi phát đợt cấp COPD.
- Duy trì phác đồ điều trị: Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều và tái khám định kỳ để kiểm soát bệnh tốt nhất.
- Xây dựng thói quen sống lành mạnh: Ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học, cân bằng dinh dưỡng và hạn chế chất béo.
- Bỏ thuốc lá: Ngừng hút thuốc hoặc tránh xa khói thuốc thụ động để bảo vệ phổi.
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay để ngăn ngừa vi khuẩn, virus lây lan.
- Hoạt động thể chất nhẹ nhàng: Nghỉ ngơi đầy đủ nhưng vẫn duy trì vận động nhẹ để tăng cường sức khỏe tổng thể.
Xây dựng thói quen sống lành mạnh giúp phòng tránh bệnh
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp là tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Việc nhận biết sớm, tuân thủ điều trị và áp dụng lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát bệnh, giảm biến chứng và cải thiện sức khỏe hô hấp lâu dài.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp. Nếu xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên cần nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị đúng cách.
Nếu Quý khách có những thắc mắc về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc để nhân viên hỗ trợ nhanh chóng.