Sa tử cung tuy không phải bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đặc biệt với phụ nữ lớn tuổi, bệnh sa tử cung ở người già thường kéo dài đến 5 - 10 năm, diễn biến nặng kéo theo sa trực tràng, sa bàng quang,... Khi đó, việc điều trị can thiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Bệnh sa tử cung ở người già là gì?
Bệnh sa tử cung ở người già là hiện tượng cơ sàn chậu và dây chằng bàng quang của bệnh nhân bị lão hóa khiến một phần tử cung bị tụt xuống vào ống âm đạo. Sa tử cung thường gặp hơn ở người già vì tuổi tác cao và thường đã mang thai nhiều lần. Đặc biệt nếu các chị em sinh mổ, mang đa thai hoặc mang thai lớn thì nguy cơ bị sa tử cung sẽ lớn hơn đáng kể.
Tử cung bình thường và tử cung bị sa
Trong trường hợp, sa tử cung cấp 1, khối tử cung chỉ bị sa xuống nhưng vẫn nằm trong ống âm đạo, có thể điều trị bằng bài tập để tử cung co lên. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân cao tuổi thường mắc sa tử cung cấp 2,3, tức tử cung tụt xuống sâu có thể nhìn thấy khi làm việc nặng hoặc sa hẳn ra ngoài cửa âm đạo. Khi đó, tử cung sẽ chạm vào đồ lót tạo cảm giác khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt.
Bên cạnh đó, bệnh sa tử cung ở người trẻ cũng gây ra nhiều nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa, đau đớn hàng ngày. Biến chứng của bệnh lý là tình trạng sa tạng chậu như sa trực tràng, sa bàng quang,... cũng gây khó khăn và tốn kém khi điều trị.
Người già bị sa tử cung có nguy hiểm không? Có biến chứng gì không?
Đây là bệnh không đe dọa đến tính mạng của người bệnh nhưng bệnh sa tử cung ở người già nguy hiểm ở chỗ:
Diễn biến nặng thành các biến chứng
Bệnh sa tử cung ở người già có thể diễn biến thành các biến chứng như sau:
- Viêm loét và gây nhiễm trùng diện rộng khiến người bệnh phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung.
- Sa các cơ quan vùng chậu như bàng quang, trực tràng hoặc ruột
Các ca sa tử cung ở người cao tuổi thường đi kèm với các biến chứng sa tạng chậu và khó điều trị hơn so với người trẻ
Ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày
- Mất kiểm soát trong tiểu tiện, đại tiện: Phụ nữ bị sa tử cung thường hay buồn tiểu, đi tiểu nhiều nhưng tiểu ít. Một số người khác bị tiểu són, bí tiểu. Các ca bệnh có triệu chứng xì hơi, táo bón, són phân cũng thường gặp.
- Khó chịu, đau đớn, ngứa âm đạo: Các chị em bị sa tử cung có thể thấy cộm, rát hoặc đau đớn ở vùng kín.
- Lo âu và mệt mỏi: Bất thường ở vùng tam giác có thể khiến người bệnh lo lắng, xấu hổ và tự chịu đựng các triệu chứng của bệnh khiến tinh thần căng thẳng kéo dài.
Phụ nữ lớn tuổi sa tử cung không thể ngồi một chỗ quá lâu hay ngồi ghế quá cứng
Tại sao người già bị sa tử cung?
- Sinh nở nhiều lần, sau sinh không kiêng cữ mà đã vận động mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều người già mắc bệnh sa tử cung.
- Không được chăm sóc sinh sản, hỗ trợ sinh thường, sinh mổ đúng cách
- Chế độ ăn trước và sau sinh có thể gây táo bón, gây áp lực lớn lên các ổ bụng dẫn đến tình trạng sa tử cung.
- Cơ dây chằng tử cung bị suy yếu, thoái hoá theo thời gian
Triệu chứng của bệnh sa tử cung ở người già
Bệnh lý có các biểu hiện không quá đặc trưng, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý nếu mẹ, bà và những người quen có các biểu hiện bất thường:
- Nhịp tim nhanh
- Huyết áp thấp (dấu hiệu: choáng nhẹ)
- Đau bụng dưới đột ngột và dữ dội
- Tiết dịch âm đạo bất thường
- Táo bón kéo dài
- Đi tiểu nhiều, són tiểu khi ho, hắt hơi, đau nhức lưng
- Thấy khối sa khi làm việc nặng
Mất kiểm soát tiểu tiện thường gặp ở người già bị sa tử cung
Cách điều trị bệnh sa tử cung ở người già
Phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ và diễn biến bệnh lý mà bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định chữa bệnh phù hợp.
Điều trị tại nhà
Nếu bệnh sa tử cung ở người già mới ở cấp độ 1, 2 thì bác sĩ có thể hướng dẫn và yêu cầu bệnh nhân tập các bài tập Kegel để cải thiện sức mạnh các cơ và dây chằng tử cung. Theo các nghiên cứu cho thấy bài tập là phương pháp có hiệu quả cao nhất, tập trung vào thắt chặt và củng cố các cơ bàng quang để kiểm soát nước tiểu.
Nếu bệnh nhân duy trì tập luyện đều đặn, Kegel có thể hỗ trợ phục hồi bệnh lý lên tới 80% và phòng tránh sa tử cung hiệu quả cho những người chưa mắc bệnh.
Kiên trì tập kegel giúp ích rất nhiều cho phụ nữ cải thiện tình trạng sa sàn chậu
Can thiệp phẫu thuật
Trên thực tế lâm sàng, các bệnh nhân lớn tuổi (70 - 90 tuổi) bị sa tử cung thường đến Bệnh viện trong tình trạng không quá khả quan. Nhiều người có khối sa kéo dài 5 - 20 năm nhưng chưa điều trị hoặc điều trị thất bại. Quan sát bên ngoài âm hộ có thể thấy khối sa lồi to, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Thông thường, nếu phẫu thuật can thiệp tử cung cho sa tử cung ở người già thì sẽ không thực hiện cắt bỏ tử cung hoàn toàn. Lý do là tình trạng sức khoẻ của người bệnh suy giảm, rủi ro từ phẫu thuật là khá lớn. Vì thế, các bác sĩ có thể cân nhắc giải phẫu nội soi để treo nâng cố định vùng sàn chậu, khắc phục tối đa hạn chế của phương pháp mổ mở cắt tử cung.
Phẫu thuật là phương pháp phổ biến nhất dành cho các ca sa sinh dục với bệnh nhân là người cao tuổi
Đặt vòng âm đạo
Đây là cách điều trị bệnh sa tử cung ở người già được chỉ định cho các cụ bà bị sa tử cung độ 2 - 3 nhưng không thể phẫu thuật do có nhiều bệnh lý nền. Hoặc người bệnh đi lại khó khăn, tuổi cao thì bác sĩ có thể can thiệp bằng cách đặt vòng âm đạo (vòng Pessary). Vòng này có tác dụng nâng đỡ bàng quang và tử cung giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tiểu tiện do bệnh lý gây ra.
Tuy nhiên, đặt vòng nâng cổ tử cung có tác dụng phụ như:
- Kích thích âm đạo, có thể hơi khó chịu
- Tiết dịch âm đạo nhiều, mùi hôi
- Ra huyết âm đạo không rõ nguyên nhân
Như vậy, bệnh sa tử cung ở người già không phải bệnh lý nghiêm trọng nhưng lại xảy ra phổ biến vì không được điều trị kịp thời. Để tránh bệnh diễn biến nặng, khó khăn trong điều trị và gây đau đớn cho người bệnh, gia đình và bệnh nhân nên chủ động đến các Bệnh viện uy tín để được điều trị hiệu quả.