Tổng quan về bệnh viêm đa cơ
Viêm đa cơ thuộc nhóm bệnh viêm cơ tự miễn với biểu hiện là yếu cơ đặc biệt là cơ vân.Căn bệnh này khiến hai bên cơ thể của bệnh nhân chịu rất nhiều tổn thương do tình trạng yếu cơ đối xứng, sinh hoạt hàng ngày bị gián đoạn.
Một loại bệnh gần giống bệnh viêm đa cơ là bệnh viêm da cơ.Bệnh này cũng thuộc nhóm bệnh tự miễn và có các biểu hiện gần giống bệnh viêm đa cơ.
Để phân biệt hai loại bệnh này người ta dựa vào tổn thương da.Khi chỉ có biểu hiện ở cơ thì đó là bệnh viêm đa cơ,còn khi kèm theo tổn thương ở da thì đó là bệnh viêm da cơ.
Hình ảnh phân biệt viêm đa cơ và viêm da cơ
Nguyên nhân đẫn đến bệnh viêm đa cơ
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm đa cơ. Đó là:Di truyền, môi trường, miễn dịch.
-Di truyền: trong bệnh cơ tự miễn liên quan đến các gen HLA như HLA-DR3, HLA-DQ2, HLA- DRB1, HLA- DQA1... Những người mang gen này có tính nhạy cảm cao hơn, nguy cơ tiến triển thành bệnh cơ tự miễn cao hơn những người khác.
-Môi trường: các tác nhân như thuốc, ánh sáng mặt trời hay nhiễm trùng…đều là những tác nhân gây ra bệnh viêm đa cơ.
-Miễn dịch: đây là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến bệnh viêm đa cơ.Sự thay đổi về miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch dịch thể đã làm phá vỡ cấu trúc miễn dịch làm cho các tế bào viêm dễ dàng xâm nhập vào cơ dẫn đến viêm cơ.
Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đa cơ
Triệu chứng lâm sàng:
+ Biểu hiện toàn thân: hầu hết các bệnh nhân đều có dấu hiệu mệt mỏi,có thể kèm theo sốt hoặc sụt cân.
+ Biểu hiện tại cơ: triệu chứng chủ yếu của viêm đa cơ là yếu cơ,ngoài ra còn có các biểu hiện khác như đau cơ,teo cơ.
- Yếu cơ:Bệnh nhân thường gặp khó khăn khi thực hiện các động tác vận động do yếu cơ; mỏi cơ khi chạy, lên xuống cầu thang,đứng dậy, nâng vai.Bệnh nhân có dáng đi không vững, dễ ngã và khi ngã khó tự đứng dậy.
- Đau cơ: cũng là triệu chứng thường gặp, dễ nhầm lẫn với đau cơ trong các bệnh viêm khớp khác.
- Teo cơ: là triệu chứng gặp sau một thời gian bị bệnh, người bệnh giảm vận động kết hợp tổn thương tại cơ gây ra tình trạng nhão cơ, giảm chu vi đùi, cánh tay.
+ Biểu hiện tại da: là biểu hiện đặc trưng của viêm da cơ. Tổn thương này giúp phân biệt viêm da cơ với viêm đa cơ. Tổn thương da thường xuất hiện trước, sau đó tổn thương cơ sẽ xuất hiện sau vài tuần đến vài năm. Ban xuất hiện ở các vùng da hở, nhạy cảm với ánh sáng, thường rất ngứa, đôi khi có loét, calci hóa trên da, tổn thương móng.
+ Các biểu hiện khác: người bị viêm đa cơ thường sẽ dẫn đến các bệnh lý khác như viêm khớp,đau khớp; tổn thương phổi,đường tiêu hóa,tim…
Triệu chứng cận lâm sàng:
+ Xét nghiệm: các biểu hiện như kháng thể kháng Jo-1 dương tính; xét nghiệm và thăm dò cơ có các tổn thương điển hình. Nồng độ các enzyme được giải phóng từ tổ chức cơ tăng trong huyết thanh bao gồm các transaminases (AST và ALT), lactate dehydrogenase (LDH), creatine kinase (CK).
+ Thăm dò chức năng: điện cơ,đo chức năng hô hấp,điện tim,nội soi thực quản-dạ dày,...
+ Chẩn đoán hình ảnh:chụp cộng hưởng từ phần mềm,siêu âm,X-quang,...
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Viêm đa cơ thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 10-15 tuổi và người trưởng thành từ 45-60 tuổi.Theo số liệu thống kê cho thấy người da đen mắc bệnh nhiều hơn người da trắng và phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn đàn ông.Như vậy nhìn chung bệnh viêm đa cơ cũng không quá phổ biến và cũng khó gặp phải.Tuy nhiên đây lại là một loại bệnh nguy hiểm và rất khó điều trị.Vì vậy chúng ta không nên chủ quan khi phòng và chữa loại bệnh này.
Biến chứng bệnh viêm đa cơ
Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng nhóm bệnh tự miễn là nhóm bệnh không gây nguy hiểm và không tạo ra những biến chứng nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.Bệnh viêm đa cơ nếu như không điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nhiều bệnh nhân chủ quan do bệnh chưa có dấu hiệu nghiêm trọng nên chỉ uống thuốc giảm đau rồi thôi, dần bệnh lan rộng ra đến các cơ quan khác như phổi, hệ tiêu hóa,...Từ đó gây ra các bệnh lý khác đặc biệt là viêm phổi.Đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên bị suy dinh dưỡng,sụt cân.
Bệnh nhân cũng có nguy cơ tổn thương phổi với những triệu chứng như phổi cứng, khả năng co giãn kém.Từ đó người bệnh có nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ.
Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm đa cơ
Có 2 cách chẩn đoán bệnh viêm đa cơ là chẩn đoán xác định và chẩn doán phân biệt.
Chẩn đoán xác định:
Có 2 tiêu chuẩn chẩn đoán là tiêu chuẩn chẩn đoán của Tanimoto và tiêu chuẩn chẩn đoán của Bohan và Peter.
+Tiêu chuẩn chẩn đoán của Tanimoto là xuất hiện 4 trong 8 triệu chứng sau:
- Đau cơ do viêm gây nên hoặc đau có tính chất tự phát.
- Yếu cơ vùng gốc chi.
- Tăng nồng độ CK trong huyết thanh hoặc aldolase.
- Điện cơ có các biến đổi nguồn gốc cơ:thời gian ngắn, đơn vị vận động nhiều pha với các rung giật tự phát.
- Khi sinh thiết cơ xuất hiện hình ảnh thâm nhiễm cơ vân kèm theo dấu hiệu thoái hóa và hoại tử sợi cơ.
- Viêm khớp hoặc đau khớp.
- Sốt nhẹ(>37 độ),CRP tăng hoặc tốc độ máu lắng tăn(>20 mm/h).
- Kháng thể kháng Jo-1 dương tính.
+Tiêu chuẩn chẩn đoán của Bohan và Peter là xuất hiện các yếu tố sau:
- Yếu cơ vùng gốc chi hai bên đối xứng.
- Sinh thiết cơ thấy xuất hiện triệu chứng của bệnh viêm cơ
- Men cơ trong huyết thanh tăng.
- Điện cơ có dấu hiệu của viêm cơ.
- Tổn thương ngoài da: ban Gottron, ban màu đỏ hoặc tím ở vùng mi mắt, ban đỏ hình chữ V ở cổ và ngực.
Chẩn đoán phân biệt:
- Các dấu hiệu thần kinh vận động, điện cơ và sinh thiết cơ có thể giúp phân biệt bệnh viêm đa cơ với các tình trạng bệnh lý thần kinh.
- Yếu cơ cấp tính trong các bệnh viêm đa cơ: viêm tủy cắt ngang, nhiễm độc thần kinh, viêm cơ do virus.Ở các bệnh lý này thường có dấu hiệu co rút cơ.
- Yếu cơ do đau cơ, đau khớp:trong một số bệnh lý đau cơ do thấp, viêm cơ có thể gây yếu cơ.
- Yếu cơ trong các bệnh lý nội tiết và chuyển hóa như cường hoặc suy tuyến giáp.Chẩn đoán phân biệt viêm đa cơ dựa vào kết quả xét nghiệm hocmon nội tiết.
Phương pháp điều trị bệnh viêm đa cơ
Đối với nhóm bệnh tự miễn thì nguyên tắc điều trị bệnh là dùng thuốc kết hợp với phục hồi chức năng.Trong điều trị bệnh viêm đa cơ cần phải lưu ý đến vấn đề tác dụng phụ của thuốc và điều trị tránh biến chứng của thuốc gây ra.
+ Liệu pháp corticosteroid: 1,0-1,5 mg Methylprednisone/kg/ngày trong nhiều tuần (trung bình từ 4-8 tuần) sau đó giảm liều từ từ theo diễn biến lâm sàng và men cơ.
Với thể nặng, men cơ tăng qúa cao, đặc biệt nhất là trong trường hợp có tổn thương phổi mô kẽ hay liệt tiến triển: Điều trị xung corticosteroid (pulse therapy) TTM 10 15 mg/ kg hoặc 500 đến 1000mg Methylprednisone trong 30 phút x 3 ngày liên tiếp. Sau đó trở về liều cao 1,5 mg / kg / ngày rồi giảm liều dần theo diễn tiến lâm sàng.
Trong một số trường hợp nặng có thể phối hợp xung corticosteroid với xung cyclophosphamide (liều 500 -1000mg/m2 da, TTM)
+ Các thuốc ức chế miễn dịch khác: Methotrexat 7,5-25 mg/tuần, Rituximap(anti CD20) 500-1000 mg TTM mỗi 2-4 tuần, globulin miễn dịch hoặc thay huyết tương được chỉ định trong một sô trường hợp nặng hoặc kháng trị với các liệu pháp trên.
+ Ngoài ra còn có các cách điều trị như:bổ sung chế độ ặn giàu đạm, bổ sung các thuốc ức chế bơm proton, bổ sung calcium-vitamin D,...
Hiện nay bệnh viêm đa cơ chưa có biện pháp phòng ngừa nên mọi người cần chú ý đến các dấu hiệu của bệnh và sớm đến các cơ sở uy tín để khám bệnh. Bệnh viện Phương Đông luôn tự hào là một cơ sở y tế uy tín với đội ngũ y bác sĩ có năng lực và phẩm hạnh cao cùng với đó là cơ sở thiết bị tân trang tiên tiến. Chúng tôi tin chắc sẽ mang đến cho các bạn những kết quả chuẩn xác và đưa ra những liệu trình chữa trị phù hợp. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thăm khám nhé!