Hướng dẫn cách đọc chỉ số xét nghiệm gan chuẩn xác nhất

Thanh Tuyền

07-10-2022

goole news
16

Xét nghiệm chức năng gan giúp các bác sĩ kiểm tra và phát hiện được các tổn thương mà gan đang gặp phải. Bài viết sau sẽ hướng dẫn bạn cách đọc chỉ số xét nghiệm gan, cũng như bước đầu phát hiện bệnh lý và xác định mức độ bệnh để có hướng theo dõi điều trị.

Các trường hợp được khuyến nghị xét nghiệm chức năng gan

Nếu như nắm được sơ bộ cách đọc chỉ số xét nghiệm gan, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình sức khỏe gan mật của bản thân và những người trong gia đình. 

Dưới đây là những trường hợp cần làm xét nghiệm chức năng gan:

  • Người thường xuyên uống rượu
  • Người mắc bệnh túi mật
  • Người có tiền sử bệnh gan 
  • Người có các bệnh như triglyceride cao, huyết áp cao, thiếu máu, tiểu đường 
  • Cơ thể có nhiều thay đổi: cảm giác chán ăn, mệt mỏi ốm yếu, bụng chướng, thay đổi tính tình, vàng da…

Cách đọc chỉ số xét nghiệm gan

Biết cách đọc chỉ số xét nghiệm gan sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề mà gan gặp phải

Các cách đọc chỉ số xét nghiệm gan

Có nhiều cách đọc kết quả xét nghiệm gan thông qua các chỉ số men gan, Bilirubin, protein gan, tiểu cầu hoặc qua xét nghiệm nước tiểu… Dưới đây là những cách đọc chỉ số chức năng gan phổ biến. 

Cách đọc chỉ số xét nghiệm gan thông qua men gan 

Men gan có 4 loại: AST và ALT (được biết đến như transaminase), AP và GGT (được biết như men gan mật).

  • Chỉ số AST và ALT: 

Chỉ số ổn định trung bình của AST và ALT khi xét nghiệm gan tương ứng là 0-40 IU/L và 0-45 IU/L. Khi tế bào gan bị tổn thương và chết sẽ tạo ra AST và ALT giải phóng ra máu ngoại vi. Chính vì vậy cả AST và ALT đều tăng lên. Đa số các bệnh ở gan thì mức tăng ALT sẽ cao hơn mức tăng AST. Nhưng riêng nghiện rượu và xơ gan thì ngược lại, mức tăng AST cao hơn mức tăng ALT, tỷ lệ thường là 2:1.

Ngoài các bệnh về gan thì nhồi máu cơ tim cũng làm AST tăng cao. Các bệnh về hệ xương, nhồi máu phổi, nhồi máu thận và nhiều bệnh khác cũng khiến transaminase cũng tăng nhẹ.

Cần kết hợp nhiều loại xét nghiệm chỉ số chức năng gan để chẩn đoán chính xác bệnh gan mật

Cần kết hợp nhiều loại xét nghiệm chỉ số chức năng gan để chẩn đoán chính xác bệnh gan mật

  • Chỉ số GGT và AP (men gan mật) 

Chỉ số AP ổn định trung bình vào khoảng 35-115 IU/l và nồng độ GGT ổn định trung bình vào khoảng 3-60 IU/L. Khi xét nghiệm chức năng gan, trường hợp GGT và AP tăng có khả năng lớn là biểu hiện gan bị tổn thương, có thể là tắc mật, viêm đường mật, ung thư đường mật, sỏi ống mật và nguyên phát xơ gan mật… Khi đó, GGT và AP tăng cao - gấp gần 10 lần giá trị bình thường ở giới hạn trên.

Cách đọc chỉ số xét nghiệm gan thông qua chỉ số Bilirubin 

Bilirubin là một sắc tố có màu vàng do gan tạo ra, được chuyển hóa từ hemoglobin trong quá trình tái tạo hồng cầu già. Khi bilirubin tăng lên, niêm mạc mắt và da có thể đổi sang màu vàng (vàng da), nước tiểu đậm màu như nước trà đặc.

Xét nghiệm đánh giá chức năng gan giúp chẩn đoán vấn đề của gan

Xét nghiệm đánh giá chức năng gan giúp chẩn đoán vấn đề của gan

Nếu mắc bệnh lý tắc nghẽn đường mật như: ung thư tụy, ung thư đường mật, sỏi ống mật chủ,… thì bilirubin toàn phần trong máu tăng cao rõ rệt.

Cách đọc chỉ số xét nghiệm gan thông qua Protein gan

Dựa vào chỉ số protein gan, bác sĩ sẽ xác định được tình trạng bệnh gan của bệnh nhân có nghiêm trọng hay không.

  • Albumin

Đối với một người bình thường khỏe mạnh, lượng albumin trong máu đạt khoảng 4g/dl. Khi gan bị tổn thương nghiêm trọng, khả năng sản xuất albumin không còn hoạt động được nữa. Vậy nên những người bị bệnh gan mãn tính đi kèm với biểu hiện xơ gan, thường chỉ đạt mức albumin dưới 3 g/dl. Việc albumin giảm thấp là nguyên nhân của hiện tượng phù nề, chướng bụng. Ngoài bệnh gan, mức albumin thấp cũng thể hiện rõ tình trạng sức khỏe và ăn uống kém, không hấp thụ.

Chỉ số Albumin cao dẫn tới vàng mắt vàng da 

Chỉ số Albumin cao dẫn tới vàng mắt vàng da 

  • Globulin miễn dịch 

Globulin miễn dịch là những protein liên quan đến hệ miễn dịch, một số globulin được tạo ra ở gan hay từ bạch cầu. Ở những người mắc bệnh gan mạn tính thì một số Globulin miễn dịch tăng lên. Đối với mỗi loại virus khác nhau thì mức tăng chỉ số globulin miễn dịch A, G và M (IgA, IgG, IgM) cũng không giống nhau, tuy nhiên nó đều biểu hiện bạn đang mắc một bệnh gan nào đó.

  • Thời gian prothrombin

Gan sản xuất ra phần lớn các yếu tố giúp đông máu mà cơ thể cần. Thông thường để máu có thể đông cần 9-11 giây, ta gọi đó là thời gian prothrombin (PT). Trong đó Vitamin K là một thành phần không thể thiếu góp mặt trong quá trình hình thành cục máu đông. 

Nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng hoặc không đủ vitamin K, thời gian đông máu kéo dài hơn nhiều so với bình thường, tăng nguy cơ chảy máu ồ ạt quá mức, đặc biệt là trên những bệnh nhân xơ gan.

Cách đọc xét nghiệm gan thông qua tiểu cầu

Tiểu cầu là tế bào giúp máu có thể đông lại được. Lá lách giữ vai trò như một kho dự trữ tiểu cầu. Ở những người xơ gan, lá lách phải hoạt động nhiều hơn để bù lại những tổn thương ở gan gây ra. Chính vì vậy lá lách bị to lên và số lượng tiểu cầu giảm, được gọi là giảm tiểu cầu. 

Ở người xơ gan, tiểu cầu phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp phần chức năng gan bị suy giảm

Ở người xơ gan, tiểu cầu phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp phần chức năng gan bị suy giảm

Đối với một người khỏe mạnh bình thường, lượng tiểu cầu là 150-400 x 103/microlit. Khi kết quả xét nghiệm chức năng gan thể hiện tiểu cầu của người bệnh thấp hơn 150 x 103/microlit được coi là giảm tiểu cầu, khả năng bị xơ gan là rất lớn

Cách đọc chỉ số xét nghiệm chức năng gan qua nước tiểu

Đối với loại xét nghiệm này, chúng ta có thể phát hiện được các bệnh lý gây tổn thương và biến đổi chuyển hóa đang tạo ra đối với cơ thể. Không chỉ xác định được các bệnh gan, xét nghiệm nước tiểu còn giúp chẩn đoán cơ thể đang mắc các bệnh về thận, đái tháo đường…

Cách đọc xét nghiệm gan qua khảo sát chức năng bài tiết và khử độc

Gan giữ vai trò quan trọng có chức năng bài tiết và thải độc tố cho cơ thể, do đó đánh giá chức năng này sẽ được thực hiện thông qua cả xét nghiệm máu và nước tiểu.

  •  Bilirubin niệu 

Có tới 95% bilirubin được tạo ra từ việc thoái biến của hồng cầu gồm hai thành phần là bilirubin gián tiếp (GT) và bilirubin trực tiếp (TT). Bilirubin niệu chỉ tồn tại ở dạng bilirubin TT. Khi xuất hiện bilirubin niệu thì khả năng cao bạn đã mắc vấn đề về gan mật. 

Bilirubin niệu có thể dễ dàng thấy được kết quả với que test. Kết quả thể hiện dương tính trước khi xuất hiện các biểu hiện vàng da vàng mắt rõ ràng.

  • Phosphatase kiềm (alkaline phosphatase, ALP)

ALP là enzym thủy phân các ester phosphat với pH = 9 (môi trường kiềm). ALP có nguồn gốc ở gan và xương, trong ruột, thận và nhau thai thì ít hơn. Ở người bình thường, ALP 25 - 85 U/L hoặc 1,4 - 4,5 đơn vị Bodansky.

Khi ALP tăng từ 1-2 lần bình thường thì cơ thể có thể bị viêm gan, xơ gan, di căn hoặc thâm nhiễm ở gan (bệnh bạch cầu, lymphoma, sarcoidosis). ALP tăng cao từ 3-10 lần bình thường  thường do tắc mật trong hoặc ngoài gan.

Bác sĩ khuyến cáo xét nghiệm gan định kỳ để theo dõi, kiểm tra sức khỏe

Bác sĩ khuyến cáo xét nghiệm gan định kỳ để theo dõi, kiểm tra sức khỏe

  • 5’Nucleotidase (5NT)

Đây là một ALP tương đối chuyên biệt cho gan, nó giúp xác định nguyên nhân tăng ALP bởi gan, hay từ xương hoặc các trạng thái sinh lý bình thường như trẻ em trong tuổi dậy thì hoặc phụ nữ có thai. Sự tăng 5NT có tương quan với mức tăng ALP, trong khi đó bình thường 5NT 0,3 - 2,6 đơn vị Bodansky/dL

  • Amoniac máu

NH3 được cơ thể tạo ra từ việc chuyển hóa protein trong cơ thể và do vi khuẩn sống ở đại tràng. Gan giữ đóng vai trò khử độc NH3 bằng cách chuyển thành urê để thải qua thận. Đối với người bình thường, lượng NH3 trong máu đạt 5 - 69 mg/dL, tuy nhiên nếu mắc bệnh gan cấp và mạn tính, NH3 sẽ tăng cao.

Trước khi xét nghiệm chức năng gan cần làm gì?

Bên cạnh tìm hiểu cách đọc chỉ số xét nghiệm gan, các lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm chức năng gan cũng là một thông tin quan trọng mà bạn cần nhớ.

  • Trước khi làm xét nghiệm không uống bất kỳ loại thuốc nào không trong chỉ định của bác sĩ.
  • Không sử dụng các chất kích thích (cà phê, thuốc lá…) trước khi lấy máu càng lâu càng tốt để kết quả chẩn đoán bệnh chính xác, không bị ảnh hưởng.
  • Người bệnh cần nhịn đói 4 - 6 giờ trước khi làm xét nghiệm hoặc không ăn sáng sau một đêm ngủ dậy để mang lại kết quả xét nghiệm chính xác. Buổi sáng là thời điểm tốt nhất để lấy các mẫu xét nghiệm.
  • Không sử dụng các loại nước ngọt, nước có gas, sữa, nước hoa quả, rượu chè, cà phê, trong vòng 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm máu.

Trên đây là các cách đọc chỉ số xét nghiệm gan chi tiết và chính xác. Mong rằng với những thông tin trên bài, bạn đọc sẽ hiểu hơn về các bệnh về gan và chức năng gan. Khi có kết quả các chỉ số chức năng gan bất thường, hãy tìm đến bác sĩ chuyên môn để tìm hiểu nguyên nhân và sớm đưa ra hướng chăm sóc điều trị. 

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có nhiều gói khám sức khỏe và xét nghiệm phát hiện bệnh với giá hợp lý. Để được giải đáp thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về Gói khám sức khỏe và đặt lịch khám, khách hàng vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

9,690

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám