Hôi miệng không chỉ gây mất tự tin trong giao tiếp mà còn là dấu hiệu cho những bệnh lý răng miệng. Trong nhiều phương pháp dân gian, gừng được xem là nguyên liệu tự nhiên giúp khắc phục hôi miệng hiệu quả. Vậy cách trị hôi miệng bằng gừng có thực sự hiệu quả không? Theo dõi bài viết dưới đây của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được giải đáp chi tiết nhé!
Cách trị hôi miệng bằng gừng có hiệu quả không?
Trước khi áp dụng các cách tri hôi miệng bằng gừng, không ít người tò mò về chứng hôi miệng và hiệu quả của việc trị hôi miệng bằng gừng.
Làm thế nào để biết mình có bị hôi miệng hay không?
Bạn có thể thử xem mình có bị hôi miệng không bằng 1 trong các cách đơn giản như sau:
- Đưa bàn tay lên ngang miệng và hà hơi lên tay để xem hởi thở có mùi lạ không
- Rửa cổ tay thật sạch và liếm nước bọt lên cổ tay. Đợi đến khi nước bọt khô đi, hãy ngửi thử xem có mùi gì không
- Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng, sau đó ngửi đoạn chỉ nha khoa. Nếu có mùi hôi, chứng tỏ hơi thở của bạn cũng có vấn đề.
- Cạo nhẹ mặt sau của lưỡi bằng thìa inox, để khô trong vài giây rồi ngửi. Nếu có mùi hôi, chứng tỏ hơi thở của bạn không thơm.
Ngoài ra, nếu không ngại, bạn có thể nhờ một người thân đáng tin cậy kiểm tra hơi thở và trao đổi lại với bản thân để chứng thực.

Bạn có thể hỏi người đối diện xem hơi thở của mình có mùi hay không
Trị hôi miệng bằng gừng hiệu quả như thế nào?
Gừng là một nguyên liệu tự nhiên giúp khử mùi hôi miệng hiệu quả nhờ vào các đặc trưng như:
- Thành phần chứa gingerol và shogaol - hợp chất có khả năng kháng khuẩn mạnh, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây hôi miệng trong khoang miệng.
- Hương thơm cay nồng, giúp át đi mùi khó chịu trong khoang miệng, đặc biệt là sau khi ăn thực phẩm có mùi mạnh như hành, tỏi.
- Có vai trò kích thích tuyến nước bọt hoạt động đều đặn, từ đó miệng luôn ẩm và hạn chế mùi hôi hơn
- Giúp trung hòa axit dạ dày, giảm tình trạng trào ngược và giảm nguy cơ hôi miệng
- Có đặc tính chống viêm, giúp làm dịu nướu bị viêm và hỗ trợ điều trị các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu – những nguyên nhân tiềm ẩn gây hôi miệng.

Gừng giúp đẩy lùi triệu chứng hôi miệng hiệu quả
5+ cách trị hôi miệng bằng gừng đơn giản, hiệu quả tại nhà
Bạn có thể áp dụng các cách trị hôi miệng bằng gừng như sau:
Uống trà gừng
Như đã giải thích ở trên, trà gừng hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng, giảm hôi miệng do vi khuẩn gây ra. Ngoài ra nó cũng đóng vai trò giữ ẩm miệng, ngăn ngừa mùi hôi do khô miệng và trào ngược dạ dày.
Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần thực hiện theo 4 bước sau:
- Gừng rửa sạch, thái lát hoặc đập dập.
- Đun sôi gừng với 300ml nước trong khoảng 5-10 phút.
- Lọc lấy nước, để nguội bớt, có thể thêm mật ong để tăng hương vị.
- Uống khi còn ấm, có thể dùng 1-2 lần/ngày.
Lưu ý: Chỉ nên uống trà gừng với liều lượng vừa phải, đặc biệt là nếu bạn có tiền sử huyết áp cao hoặc đau dạ dày.

Trà gừng được ví như liều thuốc vạn năng
Súc miệng bằng nước gừng
Một trong những lợi ích điển hình của cách trị hôi miệng bằng gừng này là làm dịu các ổ viêm ở nướu và họng, giúp hơi thở của bạn có mùi dễ chịu hơn.
Hướng dẫn:
- Gừng rửa sạch, giã nhỏ hoặc thái lát mỏng.
- Đun sôi với 200ml nước trong 5 phút.
- Để nước nguội bớt, lọc bỏ bã gừng.
- Dùng nước này súc miệng trong 30 giây – 1 phút, thực hiện 2-3 lần/ngày.
Lưu ý: Chỉ nên súc miệng bằng nước gừng, không nên nuốt trực tiếp vì dễ gây nóng rát cổ họng
Súc miệng bằng nước gừng tươi và muối
Muối có tính sát khuẩn mạnh, kết hợp với gừng có hương vị cay nồng là cách trị hôi miệng khá đơn giản mà đem lại hiệu quả rõ rệt.
Các bước thực hiện:
- Gừng rửa sạch, giã nhỏ hoặc thái lát.
- Đun sôi với 200ml nước trong 5 phút, sau đó lọc bỏ bã.
- Thêm ½ thìa cà phê muối vào nước gừng, khuấy đều.
- Súc miệng 2-3 lần/ngày, mỗi lần 30 giây – 1 phút.

Bạn có thể pha nước muối với gừng để khử khuẩn cổ họng
Dùng gừng tươi và chanh
Ngoài hỗn hợp gừng tươi và muối, kết hợp giữa gừng tươi và chanh cũng là cách trị hôi miệng bằng gừng được nhiều người tin dùng.
- Gừng rửa sạch, giã nhỏ hoặc thái lát.
- Đun sôi gừng với 200ml nước trong 5 phút, sau đó để nguội.
- Thêm nước cốt chanh vào nước gừng, khuấy đều.
- Sử dụng để súc miệng hoặc có thể uống từng ngụm nhỏ.
Lưu ý gì khi áp dụng cách trị hôi miệng bằng gừng
Mặc dù lợi ích của các biện pháp chăm sóc sức khoẻ kể trên là không thể phủ nhận. Tuy nhiên khi ứng dụng chúng trong cuộc sống hàng ngày, bạn nên lưu ý các điểm quan trọng sau:
- Không dùng gừng liên tục trong thời gian dài, chỉ sử dụng gừng trị hôi miệng 2 - 3 lần/ ngày
- Nên đánh răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn gây mùi. Các cách vệ sinh răng miệng với gừng chỉ mang tính chất hỗ trợ
- Nếu bạn bị nhiệt miệng, viêm loét miệng hoặc có vết thương hở thì bạn không nên dùng gừng vì có thể gây xót và kích ứng vết thương
- Nếu có bệnh lý dạ dày, nên dùng trà gừng loãng, tránh uống lúc đói.
- Kiên trì thực hiện đều đặn trong 1 - 2 tuần
Có thể nói, để phát huy hiệu quả của các cách trị hôi miệng bằng gừng, bạn phải áp dụng đúng cách, không lạm dụng và kết hợp với chế độ vệ sinh răng miệng hợp lý. Trong điều kiện các biểu hiện hôi miệng kéo dài không khỏi, bạn hãy chủ động đến gặp các y bác sĩ để có giải pháp điều trị phù hợp.