Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra nên có khả năng lây lan nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh sởi đặc hiệu. Do đó, việc kết hợp điều trị triệu chứng và chăm sóc sức khỏe là phương pháp điều trị duy nhất. Vậy chăm sóc người bệnh sởi tại nhà như nào là đúng cách? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về bệnh sởi
Bệnh sởi rất dễ lây lan qua đường hô hấp như ho, hắt hơi, tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh. Virus sởi có thể tồn tại trong không khí hoặc trong các bề mặt trong 2 giờ. Nó lây truyền trong vòng 4 ngày trước khi phát ban tới 4 ngày sau khi phát ban.
Thông thường, người mắc sởi sẽ trải qua 4 thời kỳ:
- Thời kỳ ủ bệnh: Ở giai đoạn này, người bệnh không xuất hiện những biển hiện lâm sàng. Chúng diễn ra trong 8-11 ngày.
- Thời kỳ khởi phát: Bắt đầu sốt nhẹ hoặc sốt vừa, sau đó sốt cao, kéo dài khoảng 3- 4 ngày. Đồng thời, người bệnh gặp tình trạng viêm kết mạc mắt, viêm xuất tiết dịch mũi họng, có thể nổi hạch ngoại biên.
- Thời kỳ toàn phát: Đây là giai đoạn cơ thể mọc ban, kéo dài 4- 6 ngày. Thứ tự mọc lần lượt từ sau tai, lan ra mặt, xuống cổ, ngực, lưng, tay, chân,... Ban dạng ban hồng, dát sẩn, ban nhỏ nổi gờ trên bề mặt da. Nốt baan có thể mọc rải rác hoặc dính liền với nhau thành từng vùng tròn.
- Thời kỳ lui bệnh (giai đoạn ban bay): Ban sẽ hết dần theo thứ tự như đã mọc, chúng để lại vết thâm trên da. Thông thường, khi hết ban thì cơ thể sẽ hết sốt.
Xuất hiện những nốt phát ban trên khắp cơ thể, kéo dài từ 4-6 ngày
Những biến chứng nguy hiểm của sởi
Nếu bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm tai giữa: thường gặp ở trẻ em.
- Viêm thanh quản: Có các triệu chứng của viêm thanh quản hoặc khó thở thanh quản cấp.
- Viêm phổi: Có thể gặp phải do virus sởi hoặc bội nhiễm vi khuẩn.
- Viêm não do virus sởi.
- Viêm miệng: Viêm loét môi, miệng và viêm hoại tử miệng gặp ở người bệnh vệ sinh kém.
- Viêm dạ dày ruột: Gây tiêu chảy cấp hoặc kéo dài.
- Các biến chứng hiếm gặp khác: Viêm cơ tim, viêm đài bể thận, loét giác mạc, bệnh lao,...
Hướng dẫn chăm sóc người bệnh sởi tại nhà
Đầu tiên, khi có những triệu chứng nghi ngờ bệnh cần đến các bệnh viện gần nhất để thăm khám. Nên lựa chọn cơ sở không quá đông bệnh nhân để tránh lây nhiễm. Sau khi thăm khám, nếu bị sởi thông thường và đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, bác sĩ có thể chỉ định điều trị triệu chứng và chăm sóc tại nhà.
Khi bệnh nhân sốt cao
Việc theo dõi thân nhiệt thường xuyên là điều cần thiết đối với người bị bệnh sởi. Khi thấy sốt cao, cần hạ sốt đúng cách:
- Sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol, không quá 60mg/kg/ngày.
- Nên để người bệnh nằm nghỉ ngơi tại nơi thoáng mát, tránh gió lùa.
- Uống đủ nước: Sốt cao có thể gây thiếu nước nên cần bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể, có thể dùng nước hoa quả.
Sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ khi người bệnh sốt cao
Vệ sinh cơ thể đúng cách
Người bệnh sởi sẽ gặp tình trạng viêm kết mạc mắt, viêm xuất tiết dịch mũi họng nên cần vệ sinh mắt và răng miệng đúng cách, hàng ngày để tránh nhiễm khuẩn
- Tắm, lau người, vệ sinh răng miệng bằng nước ấm, xà phòng và khăn mềm. Khi tắm cần chọn nơi kín gió, không tắm quá lâu. Vệ sinh răng miệng mỗi ngày, có thể sử dụng nước muối để súc miệng.
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi và tai.
- Không nên kiêng nước, kiêng tắm vì không thể loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi và vi khuẩn bám trên da. Điều này gây viêm da, tăng nguy bội nhiễm.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Người bệnh thường có cảm giác chán ăn do tình trạng nhiễm trùng và viêm loét miệng. Tuy nhiên, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn.
- Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Đối với trẻ đang bú mẹ: Mẹ cần cho trẻ tiếp tục bú, cho bú nhiều lần hơn, đối với trẻ đã ăn dặm có thể ăn bổ sung một số thực phẩm khác.
- Nên chế biến các món ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín và nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất giúp cơ thể nhanh chóng khỏe mạnh
Lưu ý:
- Không nên quá kiêng khem vì cơ thể lúc này cần đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Không sử dụng các loại gia vị khó tiêu.
- Nếu bị tiêu chảy hoặc viêm phổi, có thể bổ sung kẽm bằng đường uống.
Nếu quý khách hàng có các thắc mắc nào khác thì đừng ngần ngại để lại thông tin tại phần hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của Phương Đông để được hỗ trợ kịp thời.
Bổ sung vitamin A
Vitamin A đã được chứng minh làm giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh sởi gây ra. Hơn nữa, thiếu vitamin A có thể gây viêm loét giác mạc, thậm trí mù lòa. Người bệnh có thể bổ sung vitamin A như sau:
- Đối với trẻ < 6 tháng tuổi: Nên uống 50.000 đơn vị (IU)/ngày trong 2 ngày liên tiếp.
- Trẻ từ 6-12 tháng: Nên uống 100.000 đơn vị (IU)/ngày trong 2 ngày liên tiếp.
- Trẻ >12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): Nên uống 200.000 đơn vị (IU)/ngày trong 2 ngày liên tiếp.
Nếu có những biểu hiện thiếu vitamin A có thể lặp lại liều trên sau 4-6 tuần.
Cách ly người bệnh
Người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khỏe mạnh, các thành viên trong gia đình, tránh đến các nơi đông người. Người chăm sóc cần đeo khẩu trang để tránh nhiễm bệnh.
Cần hạn chế tiếp xúc giữa người bệnh và người khỏe mạnh để tránh lây nhiễm
Phát hiện các biến chứng từ sớm
Khi chăm sóc, cần lưu ý một số biểu hiện như:
- Theo dõi thân nhiệt thường xuyên: Hết phát ban nhưng còn sốt hoặc hạ sốt nhưng tái lại.
- Ho nhiều: Ho đột ngột tăng lên, ho ông ổng, người bệnh mệt hơn.
- Bệnh trở nặng, khó thở, thở bất thường, nhịp thở nhanh.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu này cần phải nghi ngờ có biến chứng, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Những lưu ý quan trọng khác
Để phòng tránh sởi, cần chú ý một số điều sau:
- Cần tiêm phòng sởi đầy đủ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
- Đối với trẻ chưa đủ tuổi tiêm phòng, cần đáp ứng đủ sữa mẹ vì trong sữa mẹ có đủ chất đề kháng giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ đối với người bệnh, đặc biệt là vệ sinh răng miệng và đường hô hấp.
- Hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây bệnh.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.
- Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám khi có những dấu hiệu của bệnh.
Cần đưa người bệnh đến bệnh viện khi có những dấu hiệu nghi ngờ biến chứng
Chăm sóc người bệnh sởi là một trong những yếu tố quan trọng trong việc điều trị bệnh. Vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên bệnh sởi chủ yếu dựa vào phương pháp kết hợp giữa điều trị triệu chứng và chăm sóc. Do đó, chăm sóc người bệnh sởi đúng cách giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, tránh biến chứng nguy hiểm.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã hướng dẫn chăm sóc người bệnh sởi tại nhà đúng cách, hiệu quả. Nếu nghi ngờ xuất hiện các biến chứng, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra quý khách hàng có thể liên hệ hotline 1900 1806 của Phương Đông để được hỗ trợ.