9 cách chữa chảy nước mũi đơn giản tại nhà

Phạm Thị Lương

03-08-2023

goole news
16

Chảy nước mũi là tình trạng xuất hiện ở nhiều người nhất là khi thời tiết giao mùa, cảm lạnh hoặc cảm cúm,... dù không nghiêm trọng nhưng lại gây khó chịu cho người bệnh. Vậy có cách nào làm ngưng chảy nước mũi nhanh chóng, cùng tìm hiểu với bệnh viện Phương Đông ngay sau đây.

Chảy nước mũi là gì?

Chảy nước mũi là hiện tượng dịch trong hoặc dịch nhầy chảy ra phía trước cửa mũi hoặc chảy xuống phía sau của mũi họng gây khó chịu cho mọi người. Khi niêm mạc mũi, xoang có các tác nhân tấn công, dịch nhầy sẽ được tiết ra nhiều hơn, gây ra hiện tượng sổ mũi. 

Nước mũi chảy ra phía trước cửa mũi gây khó chịu cho người bệnh.Nước mũi chảy ra phía trước cửa mũi gây khó chịu cho người bệnh.

Về đặc điểm, có thể dễ nhận thấy khi chảy nước mũi, ban đầu nước mũi trong suốt, loãng như nước. Sau vài ngày, nếu nó không tự hết, dịch này có thể trở nên đặc và đục hơn hoặc ngả dần sang màu vàng, xanh. Tuy nhiên, màu sắc này cũng chưa đủ để khẳng định chắc chắn rằng bạn đang bị nhiễm trùng hay tình trạng chảy mũi nặng lên.

Chảy mũi “sụt sịt” có thể khiến người bệnh khó chịu nhưng đây lại là cơ chế tự vệ tự nhiên của cơ thể, bởi dịch nhầy này có chức năng ngăn cản các hạt bụi bẩn hay các tác nhân gây bệnh có trong không khí đi vào cơ thể và gây bệnh. Tuy nhiên, nếu tiết quá nhiều, nước mũi chảy xuống họng có thể gây ho thậm chí viêm họng.

Nguyên nhân gây ra chảy nước mũi

Trước khi đưa ra biện pháp giải quyết làm sao để ngưng chảy nước mũi thì việc xác định chính xác nguyên nhân sẽ có ý nghĩa lớn giúp việc điều trị hiệu quả hơn, cụ thể nguyên nhân như sau:

Dị ứng

Nếu bạn bị hắt xì hơi chảy nước mũi liên tục có thể là bạn đã tiếp xúc phải các tác nhân gây dị ứng như hít hoặc ngửi phấn hoa, lông chó mèo hoặc bất kỳ chất gây dị ứng nào khác. Bởi lúc này, niêm mạc mũi rất nhạy cảm, dễ bị kích thích khiến tăng tiết dịch nhầy nước mũi chảy ra ngoài.

Dị ứng phấn hoa có thể gây chảy mũi, hắt xì hơi liên tục.Dị ứng phấn hoa có thể gây chảy mũi, hắt xì hơi liên tục.

Dị vật bên trong mũi

Dị vật thậm chí bụi bẩn xâm nhập vào bên trong mũi sẽ kích thích màng nhầy tăng tiết dịch. Bị chảy nước mũi một bên có thể do trong mũi có dị vật, cơ thể sẽ đáp lại thông qua các phản ứng miễn dịch khiến một bên mũi bị chảy nước, sau đó là dịch nhầy, có mùi hôi hoặc chảy máu. Lúc này tình trạng đã nguy hiểm cần được đi khám để lấy dị vật. Chảy mũi do dị vật thường gặp ở trẻ nhỏ do bé nghịch, chơi đồ chơi vô tình nhét vào mũi.

Cảm lạnh

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất khiến mũi bị sụt sịt liên tục. Trẻ bị chảy nước mũi cũng có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do nhiễm lạnh. Thực tế cho thấy, trẻ còn nhỏ phế tạng chưa đạt sự hoàn thiện thế nên thời tiết thay đổi đột ngột như giao mùa sẽ khiến trẻ bị cảm lạnh. Trong giai đoạn khởi phát bệnh, ba mẹ thường thấy những dấu hiệu như hắt hơi, chảy mũi trong, sổ mũi, nghẹt mũi,… Tiếp theo, trẻ có thể ho nặng và gây ra một số biến chứng như viêm họng, viêm tiểu phế quản. 

Ở người lớn cũng như vậy, cảm lạnh lúc đầu dịch mũi chảy ra loãng, trong suốt sau vài ngày có thể chảy dịch đặc hơn, cơ thể có biểu hiện sốt kèm theo ngạt mũi, đau họng, khàn tiếng,… Cảm lạnh sẽ tự khỏi sau vài ngày nếu được áp dụng biện pháp chăm sóc phù hợp.

Xem thêm: Cảm cúm và cảm lạnh khác nhau như thế nào? Dấu hiệu nhận biết 

Cảm cúm

Cảm cúm là bệnh phổ biến do virus cúm tấn công vào niêm mạc mũi, họng gây sốt cao, mệt mỏi, nước mũi chảy liên tục, ho, đau họng, nghẹt mũi,… Nếu không chữa trị đúng cách, bệnh có thể gây nhiều biến chứng, nhất là những người lớn tuổi, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Virus cúm tấn công niêm mạc mũi khiến người bệnh mệt mỏi, sốt cao và chảy mũi liên tục.Virus cúm tấn công niêm mạc mũi khiến người bệnh mệt mỏi, sốt cao và chảy mũi liên tục.

Viêm xoang

Viêm mũi xoang là tình trạng sưng viêm vùng niêm mạc mũi, xoang, sản sinh nhiều dịch nhầy làm thu hẹp đường mũi. Do đó khi mắc bệnh bạn sẽ có biểu hiện nghẹt mũi, chảy nước mũi màu vàng, xanh ra ngoài hoặc chảy ngược xuống cổ họng. Bệnh ở giai đoạn cấp tính cần điều trị dứt điểm nếu không có thể tiến triển thành viêm xoang mạn tính khiến việc chữa trị khó khăn và kéo dài.

Polyp mũi

Nước mũi chảy liên tục có thể là biểu hiện của Polyp mũi - một bệnh tai mũi họng phổ biến. Bệnh xảy ra khi hình thành các tổ chức Polyp là những khối mềm, không gây đau bên trong niêm mạc mũi.

Nếu Polyp phát triển quá lớn có thể làm tắc hẹp đường thở khiến người bệnh nghẹt mũi, khó thở,… ảnh hưởng đến khả năng hô hấp.  

Khi nào cần tới gặp bác sĩ khi bị chảy nước mũi 

Thông thường, chảy nước mũi do cảm lạnh, cảm cúm hay dị ứng thường không nguy hiểm tới sức khoẻ, chỉ cần áp dụng các biện pháp tại nhà có thể hết chảy mũi, tuy nhiên chảy mũi do một số nguyên nhân như polyp, viêm xoang cần đi khám để được chỉ định các biện pháp điều trị. Nhất là khi bé bị chảy mũi ba mẹ cần quan sát bất thường để đưa con đi khám nếu gặp những biểu hiện sau đây:

  • Áp dụng các cách chữa trị nhưng sau 1 tuần mà các dấu hiệu không thuyên giảm nên đi khám bác sĩ.
  • Đi kèm biểu hiện sốt cao trên 39 độ C hoặc sốt 3 ngày liên tiếp không thuyên giảm.
  • Khi nghi ngờ trẻ có dị vật trong mũi như chảy mũi 1 bên, dịch đặc dần, có mùi hôi hay kèm chảy máu cần đi khám ngay.
  • Chảy mũi không thuyên giảm mà có thể đi kèm triệu chứng như đau tai, chảy mủ tai, thở khò khè, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực.

Cho trẻ đi khám bác sĩ nếu chảy mũi kèm sốt cao, đau họng, bỏ ăn, li bì.Cho trẻ đi khám bác sĩ nếu chảy mũi kèm sốt cao, đau họng, bỏ ăn, li bì.

Cách điều trị chảy nước mũi 

Mặc dù có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh bị chảy nước mũi và việc điều trị theo từng nguyên nhân gây bệnh sẽ mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh đó là do nhiễm virus và dị ứng. Vì vậy, bạn có thế áp dụng một số cách trị chảy nước mũi dưới đây để nhanh khỏi bệnh và giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn:

Uống đủ nước

Nếu chảy nước mũi đặc bạn hãy uống nhiều nước ấm giúp dịch nhầy loãng hơn và người bệnh dễ dàng xì mũi tống dịch ra khỏi cơ thể. Nếu bị mất nước, dịch nhầy dính và đặc lại khiến đường thở tắc nghẽn và tăng nguy cơ tiến triển nặng. Nên dùng nước lọc, nước ép hoa quả, không nên uống đồ uống chứa cồn và cà phê.

Uống các loại trà ấm

Những loại đồ uống ấm nóng như trà thảo dược có thể giúp trị sổ mũi tốt hơn. Hơi nước ấm sẽ giúp thông thường thở, tránh tắc nghẹt mũi. Một số loại trà có các thành phần chống viêm còn giúp giảm chảy nước mũi như trà gừng, trà bạc hà,...

Uống trà gừng rất tốt cho việc thông đường thở và giảm nghẹt mũi.Uống trà gừng rất tốt cho việc thông đường thở và giảm nghẹt mũi.

Xông mũi mặt

Xông vùng mặt bằng nước ấm nóng có thể giúp giảm chảy mũi, sổ mũi và rút ngắn thời gian hồi phục bệnh. Bạn có thể làm nước xông bằng cách cho nước nóng với gừng, sả, tỏi, vỏ bưởi, bạc hà, húng...vào chậu lớn. Rồi để mặt cách xa chậu nước khoảng 30cm và hít thở sâu bằng mũi.

Tắm bằng nước ấm

Một trong những cách làm ngưng chảy nước mũi nhanh, dễ thực hiện tại nhà và hiệu quả là tắm bằng nước ấm. Biện pháp mang đến cảm giác thoải mái, thư thái đồng thời làm thông thoáng đường thở cho người bệnh. Bởi vì hơi nước ấm sẽ khiến các cuốn mũi co lại, tạo điều kiện cho dịch nhầy thoát ra ngoài.

Rửa mũi

Bạn có thể cải thiện tình trạng chảy mũi, sổ mũi bằng cách rửa mũi thường xuyên nhằm đẩy nước mũi và các chất gây kích ứng ra ngoài. Biện pháp này cũng giúp tăng độ ẩm cho xoang mũi. Cách rửa mũi như sau:

  • Cho nước muối sinh lý ấm hoặc dung dịch rửa mũi pha với khoảng 100ml nước vào bình chuyên dụng. Bạn nghiêng đầu rồi đặt đầu bình vào một bên mũi.
  • Bóp bình để nước chảy qua lỗ mũi bên kia, trong quá trình bạn há miệng, sau đó lặp lại tương tự với bên mũi còn lại.

Thời gian thực hiện bạn có thể áp dụng 1 - 2 lần mỗi ngày. Sau mỗi lần rửa mũi bạn cần vệ sinh bình thật sạch và để khô ráo cho lần dùng sau.

Tăng độ ẩm không khí

Bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm và kết hợp với một số loại tinh dầu như tràm, sả chanh...để làm loãng dịch nhầy, giữ ẩm hốc mũi. Ngoài ra tinh dầu còn có tác dụng diệt khuẩn rất tốt cho vùng mũi, mặt.

Ngâm chân

Nếu bạn bị cảm lạnh, việc ngâm chân bằng nước ấm cùng một số loại thảo dược như gừng, vỏ bưởi, sả, muối... là một giải pháp hết sức hiệu quả giúp làm ấm cơ thể và giảm hiện tượng chảy mũi.

Ngâm chân để làm ấm cơ thể nếu chảy mũi do cảm lạnh.Ngâm chân để làm ấm cơ thể nếu chảy mũi do cảm lạnh.

Chế độ ăn uống

Người bệnh cần được chăm sóc với chế độ riêng, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng, hạn chế vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào đường hô hấp.

Tránh tiếp xúc với dị nguyên

Đây là giải pháp quan trọng nhất để điều trị chảy mũi, sổ mũi đối với những người bị viêm mũi dị ứng. Nếu như bạn biết trước tiền sử dị ứng thì nên tránh không đến gần, không tiếp xúc với các tác nhân dị ứng thì sẽ phòng tránh được bệnh.

Ngoài những biện pháp kể trên bạn nên đến thăm khám để được kê một số loại thuốc giảm các triệu chứng nghẹt mũi bằng nhỏ thuốc co cuốn mũi, hoặc phải dùng kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm vi khuẩn.

Cách phòng tránh chảy nước mũi, nhất là khi giao mùa

Chảy nước mũi không nguy hiểm nhưng nếu gặp phải hiện tượng này khiến bạn mất tự tin, ảnh hưởng tới sinh hoạt, nhất là việc ngủ. Vì vậy tốt nhất là phòng tránh với những biện pháp sau:

  • Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi nhất là trẻ nhỏ, khi thời tiết khô hay giao mùa
  • Đeo khẩu trang thường xuyên
  • Tránh tập trung tại những nơi đông người
  • Hạn chế tiếp xúc gần với những người bị cảm cúm hay ho, hắt hơi sổ mũi
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng
  • Vệ sinh chỗ ở, chỗ chơi của trẻ sạch sẽ
  • Uống đủ nước, ăn đủ chất để cơ thể tăng đề kháng
  • Tiêm vắc xin cúm đầy đủ để tạo miễn dịch cho cơ thể

Nhỏ nước muối sinh lý ấm cho bé là cách phòng bệnh đường hô hấp hiệu quả.Nhỏ nước muối sinh lý ấm cho bé là cách phòng bệnh đường hô hấp hiệu quả.

Chảy nước mũi sau 7 ngày không đỡ đi kèm một số triệu chứng khác như sốt, khó thở, chảy máu, dịch có mùi hôi,... bạn cần đi khám sớm. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông với đầy đủ trang thiết bị, bác sĩ giỏi và nhiều kinh nghiệm, dịch vụ nhanh chóng, tận tâm đẳng cấp khách sạn 5 sao sẽ là lựa chọn tin cậy cho bạn. Hãy gọi số hotline 19001806 để được tư vấn miễn phí với chuyên gia.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
21,151

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám