[Giải đáp thắc mắc] Chỉ số mỡ máu bao nhiêu là nguy hiểm?

Nhật Mai

17-10-2022

goole news
16

Mỡ máu tăng không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống mà nó còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy, chỉ số mỡ máu bao nhiêu là nguy hiểm cho sức khỏe? Có cách điều trị nào giúp kiểm soát mỡ máu không? Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết giúp giải đáp thắc mắc nói trên.

Bác sĩ chuyên khoa giải đáp chi tiết chỉ số mỡ máu bao nhiêu là nguy hiểm?

Chỉ số mỡ máu bao nhiêu là nguy hiểm, đây là thắc mắc của không ít người đang ở tình trạng thừa cân, béo phì. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh chỉ số mỡ máu cao hay cholesterol tăng là yếu tố dẫn đến các bệnh tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành và tai biến mạch máu não. Vậy chỉ số mỡ máu là gì?

Chỉ số mỡ máu là căn cứ giúp bác sĩ xác định sự xuất hiện của bệnh máu nhiễm mỡ. Khi bác sĩ nắm bắt được các chỉ số mỡ máu (cao, thấp, trung bình), từ đó sẽ áp dụng các biện pháp điều trị đúng lúc và phù hợp.

Chỉ số mỡ máu giúp đánh giá nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh về tim mạch

Chỉ số mỡ máu giúp đánh giá nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh về tim mạch

Để đảm bảo các hoạt động sống diễn ra bên trong cơ thể, chỉ số nhiễm mỡ máu có mức giới hạn, nếu vượt qua mức đó, đồng nghĩa với việc sức khỏe của bạn đã và đang bị đe dọa. Để biết chính xác, cần tiến hành xét nghiệm 3 chỉ số sau:

  • Chỉ số cholesterol toàn phần lớn hơn 6,2 mmol/L tương ứng với 240 mg/dL là không an toàn.
  • Chỉ số LDL-cholesterol (cholesterol xấu) lớn hơn 4,1 mmol/L tương ứng với 160 mg/dL là không an toàn.
  • Triglyceride lớn hơn 2,3 mmol/L tương ứng với 200 mg/dL sẽ không an toàn.

Việc kiểm soát, khống chế, điều trị rối loạn mỡ máu cần thực hiện thường xuyên, mục tiêu quan trọng là ngăn ngừa biến cố về tim mạch có thể xảy ra như: Xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, gan nhiễm mỡ…

Mỡ máu là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm

Mỡ máu là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm

Để biết được chỉ số mỡ máu bao nhiêu là nguy hiểm, bạn có thể làm xét nghiệm mỡ máu, nếu kết quả xét nghiệm vượt qua ngưỡng giới hạn, thì rất có thể lúc này bệnh máu nhiễm mỡ sẽ xuất hiện. Tùy cơ địa của mỗi người mà chỉ số máu nhiễm mỡ tăng lên hay vượt quá giới hạn sẽ khác nhau, cho nên bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng đối với từng người.

Giải pháp điều trị giúp kiểm soát mỡ máu hiệu quả

Để biết chính xác chỉ số mỡ máu bao nhiêu là nguy hiểm, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để xác định mức độ nguy hiểm và có phương pháp điều trị. Tùy từng trường hợp và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp như: Sử dụng thuốc tây, thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên…cụ thể như sau:

  • Sử dụng thuốc tây điều trị: Việc sử dụng thuốc tây trong điều trị với từng bệnh nhân có chỉ số mỡ máu tăng cao sẽ không giống nhau do còn phải căn cứ vào tình trạng bệnh, tuổi tác,... Bệnh nhân nên tuân thủ triệt để chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa tác dụng phụ.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp: Bạn có thể kiểm soát hàm lượng chất béo có hại cho cơ thể bằng việc hạn chế sử dụng các thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa từ thực phẩm chế biến sẵn. Bên cạnh đó bạn nên tăng cường chất xơ vào khẩu phần ăn. Thành phần này có nhiều trong các loại rau củ quả, ngũ cốc,...
  • Sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo tốt: Chất béo tốt thường có trong các loại dầu như dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu đậu phộng, dầu oliu,… Các loại chất béo này làm giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt và hỗ trợ điều trị mỡ máu.
  • Sử dụng thực phẩm chứa lượng đạm thích hợp: Lượng chất đạm từ cá biển như: Cá hồi, cá mòi, cá trích sẽ tốt cho người mỡ máu cao. Bên cạnh đó, người bệnh nên thay thế các loại thịt đỏ bằng các loại thịt trắng từ gà, vịt.
  • Hạn chế các thực phẩm: Mỡ động vật, nội tạng động vật, da gà, da vịt, đồ chiên rán vì trong các loại thực phẩm này có chứa nhiều chất béo xấu, thay vào đó bạn nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả.
  • Xây dựng chế độ luyện tập: Tập luyện thể dục hàng ngày sẽ giúp người bệnh tiêu hao lượng mỡ dư thừa, đốt cháy năng lượng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Với người bị rối loạn mỡ máu, nên thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi, đạp xe, yoga….

Tập thể dục giúp tiêu hao mỡ thừa, giảm cholesterol trong máu

Tập thể dục giúp tiêu hao mỡ thừa, giảm cholesterol trong máu

  • Kiểm soát, duy trì cân nặng phù hợp: Thừa cân, béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mỡ máu cao. Vì vậy, để phòng ngừa căn bệnh này, mỗi người cần thực hiện giảm cân từ từ bằng cách luyện tập và tăng cường rau xanh thay cho tinh bột, duy trì mức cân nặng hợp lý. Tuy nhiên, bạn nên tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng khoa học, tránh việc ép cân quá mức gây ảnh hưởng đến cơ quan khác trong cơ thể như: Dạ dày, bao tử và các cơ.
  • Hạn chế rượu bia, chất kích thích: Sử dụng rượu bia, chất kích thích là nguyên nhân làm giảm khả năng chuyển hóa mỡ ở gan. Cho nên, với những người đã có mỡ máu cao cần tuyệt đối kiêng những loại đồ uống gây hại cho cơ thể.
  • Điều trị theo dược liệu: Trong kho tàng dược liệu phong phú của Việt Nam có vô số thảo dược giúp thanh nhiệt, giải độc, hạ mỡ máu hiệu quả, trong đó có lá sen. Dịch chiết suất từ lá sen có tác dụng giảm trọng lượng cơ thể, giảm sự tích tụ lipid và giảm hoạt động tổng hợp acid béo, sau đó giúp hạ mỡ máu an toàn, hiệu quả.

Dịch chiết từ lá sen được nghiên cứu có tác dụng tốt trong hỗ trợ làm hạ mỡ máu

Dịch chiết từ lá sen được nghiên cứu có tác dụng tốt trong hỗ trợ làm hạ mỡ máu

Chế độ ăn uống dành cho người mắc bệnh mỡ máu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng máu nhiễm mỡ, phần lớn là do chế độ ăn uống. Để duy trì chỉ số mỡ máu mức bình thường, ngăn ngừa bệnh mỡ máu cao, bạn cần có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học. Theo đó, bạn cần lưu ý những điều nên làm khi mắc bệnh máu nhiễm mỡ:

  • Bệnh nhân có mỡ máu cao nên ăn nhạt, ăn thực phẩm có nhiều tác dụng giảm mỡ máu như gừng, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, trà, dầu ngô.
  • Sử dụng dầu ô liu, dầu cải, dầu ngô, dầu hạt rum, dầu đậu nành và dầu hướng dương để làm hạ mức cholesterol thay cho mỡ động vật.
  • Ăn nhiều cá để bổ sung axit béo hệ Omega-3, giúp bảo vệ tim mạch. Trong cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích và cá thu có nhiều axit béo này.
  • Tăng lượng chất xơ trong bữa ăn, đặc biệt là dưới dạng hòa tan, thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan như gạo lức, các hạt họ đậu, lúa mạch, rau, trái cây (táo, lê, ổi, mận, cam, bưởi).
  • Sử dụng mỗi ngày 400 microgram axit folic qua các thực phẩm như rau chân vịt, nước ép trái cam, bánh mì, lạc, đậu trắng và mầm lúa mì.
  • Ăn nhiều rau quả và trái cây tươi loại ít ngọt (khoảng 500g mỗi ngày), nên ăn trái cây nguyên múi/tép hơn là ép lấy nước uống.
  • Ăn nhiều các loại củ như củ mì, khoai lang, khoai sọ, củ cải…
  • Ăn nhiều tỏi.
  • Nếu ăn thịt nạc không lẫn mỡ, da và gan, nếu ăn tôm, cua, ghẹ…bỏ phần gạch.
  • Chỉ nên ăn 2 quả trứng gà hoặc trứng vịt mỗi tuần.
  • Nên uống đủ 2 lít trong ngày.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học giúp giảm mỡ máu đáng kể

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học giúp giảm mỡ máu đáng kể

Những điều không nên làm: Những thực phẩm sau chứa hàm lượng cholesterol cao mà người bị mỡ máu nên tránh xa:

  • Hạn chế sử dụng muối trong nấu ăn bằng việc lựa chọn những thực phẩm tươi, tránh thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp. Chỉ nên sử dụng 5g muối/ngày.
  • Bệnh nhân bị mỡ máu cao cần hạn chế tối đa sử dụng các loại đồ uống có cồn.
  • Hạn chế sử dụng đồ uống, thực phẩm có đường, đặc biệt là nước ngọt.
  • Tránh hút thuốc lá hoặc tiếp xúc trực tiếp với thuốc lá.
  • Hạn chế dùng các thực phẩm giàu cholesterol trong mỗi bữa ăn như: não, bầu dục, gan, nội tạng động vật.

Những loại thực phẩm làm tăng cholesterol xấu gây hại sức khỏe

Những loại thực phẩm làm tăng cholesterol xấu gây hại sức khỏe

  • Không ăn quá 2 quả trứng/ngày, do lòng đỏ trứng rất giàu cholesterol.
  • Hạn chế ăn thịt đỏ, các loại thịt mỡ, thịt có gân, da động vật…
  • Hạn chế dùng thực phẩm chứa chất béo no như mỡ, bơ, nước luộc thịt. Do chất béo no không chỉ làm tăng hàm lượng cholesterol mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
  • Việc ăn tối quá muộn khiến cho hàm lượng cholesterol nạp vào không kịp tiêu hóa, đọng lại tại thành động mạch. Vì vậy, nên sắp xếp thời gian ăn tối sớm trước 7 giờ, kết hợp tập thể dục điều độ để lượng chất béo nạp vào cơ thể bị tiêu hao.

Điều chỉnh lối sống và thay đổi chế độ ăn lành mạnh, khoa học là phương pháp quan trọng cần áp dụng trong điều trị rối loạn mỡ máu. Liên hệ tới số hotline 19001806 của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được tư vấn chi tiết về bệnh lý và lắng nghe giải đáp thắc mắc “Chỉ số mỡ máu bao nhiêu là nguy hiểm” từ các bác sĩ chuyên gia hàng đầu.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,733

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

ThS. Bác sĩ

LÊ THỊ HẰNG NGA

Khoa Khám Bệnh
19001806 Đặt lịch khám