Cơ chế phù trong suy thận là gì? Các triệu chứng chính xác

Ngọc Anh

31-07-2024

goole news
16

Phù nề trong suy thận có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, thường gặp nhất ở chân, mắt cá chân, mí mắt và tay. Phù nề có thể không gây triệu chứng hoặc có thể gây ra các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và đau nhức cơ thể. Cách điều trị phù nề phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

Cơ chế phù trong suy thận là gì?

Suy thận mạn là tình trạng thận bị suy giảm chức năng từ từ và không có khả năng hồi phục theo thời gian. Khi đó, cơ quan này chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ hoặc mất hoàn toàn chức năng thải độc khiến độc tố và nước dư thừa không thể đào thải ra ngoài được. Một trong các hệ quả là lượng dịch và nước sẽ ứ đọng tại các khoang bào trên cơ thể gây ra hiện tượng phù. Đây gọi là cơ chế phù trong suy thận.

Trên thực tế lâm sàng, khi bệnh suy thận mạn đã tiến triển nặng, người bệnh dễ bị phù ở mí mắt, tay, mắt cá chân, chân,... vào ngày và ban đêm. Khi nhận thấy những biến chứng này, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân điều trị bằng thuốc, kiểm soát chế độ ăn và giám sát thói quen sinh hoạt chặt chẽ của người bệnh. 

Các triệu chứng nhận biết cơ chế phù trong suy thận

Người nhà và bản thân bệnh nhân có thể căn cứ vào các dấu hiệu điển hình dưới đây để nhận biết dấu hiệu của tình trạng phù do suy thận mạn:

  • Phù nề ở vùng mi mắt, tay và mắt cá chân
  • Cơn đau âm ỉ ở vùng thắt lưng
  • Khó chịu, bồn chồn
  • Mất ngủ do một số bộ phận của cơ thể bị sưng phù, đau nhức
  • Cân nặng thay đổi bất thường do dịch tích tụ trong cơ thể
  • Chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi
  • Đi ngoài lỏng

(Hình 1 - Triệu chứng của tình trạng phù nề do suy giảm chức năng thận)

(Hình 1 - Triệu chứng của tình trạng phù nề do suy giảm chức năng thận)

Các trường hợp phù thường gặp của bệnh nhân suy thận mạn?

Như đã chia sẻ ở trên, cơ chế phù trong suy thận có thể gây ra hiện tượng phù chân, phù tay, phù mắt cá chân,... Sau đây là các trường hợp phù do suy thận thường gặp:

Suy thận gây ra phù chân

Khi quan sát, người bệnh có thể thấy chân sưng to ở vùng mu bàn chân hoặc toàn bộ bàn chân. Điều này khiến bệnh nhân cảm thấy nặng nề khi di chuyển. Một số dấu hiệu thường gặp ở người bệnh suy thận phù chân là:

  • Nếp nhăn chân bị mờ
  • Vùng chân phù nề có màu nhạt hơn
  • Khi ấn vào vùng phù nề thì bị lõm xuống, đặc biệt ở vùng da có nền xương cứng

(Hình 2 - Tình trạng phù chân không hiếm gặp ở bệnh nhân suy thận)

(Hình 2 - Tình trạng phù chân không hiếm gặp ở bệnh nhân suy thận)

Suy thận gây ra phù phổi

Ngoài biến chứng phù nề có thể nhìn thấy được, không ít bệnh nhân suy thận mạn đang gặp biến chứng phù phổi cấp. Các triệu chứng nhận biết của tình trạng này bao gồm:

  • Lo lắng, hoảng hốt
  • Đổ mồ hôi trộm
  • Khó thở, thở nhanh (>30 lần/ phút)
  • Nhịp tim nhanh (100 - 140 lần/ phút)
  • Nổi tĩnh mạch cổ
  • Tái môi
  • Đờm có bọt hồng
  • Nghe rales ẩm từ đáy phổi dâng lên
  • Huyết áp tăng. Theo cơ chế phù trong suy thận thì tình trạng phù kéo dài có thể khiến huyết áp từ cao tụt xuống đột ngột và rối loạn ý thức

(Hình 3 - Dịch tràn vào các phế nang khiến bên phổi trái của người bệnh to hơn so với bên phải (ảnh))

(Hình 3 - Dịch tràn vào các phế nang khiến bên phổi trái của người bệnh to hơn so với bên phải (ảnh))

Cơ thể bị phù trong khi điều trị suy thận có sao không?

Có. Tình trạng này hết sức nguy hiểm và yêu cầu bệnh nhân phải được can thiệp y tế ngay lập tức!

Tràn dịch màng phổi

Khi lượng nước thừa trong cơ thể tích tụ đến mức nhất định dễ gây tình trạng tràn dịch màng phổi. Bình thường, lượng dịch trong khoang màng phổi chỉ có từ 10 - 20ml. Nếu lượng dịch này tăng lên thì có thể khiến bệnh nhân bị:

  • Khó thở khi nghỉ ngơi hoặc hoạt động mạnh
  • Đau và căng tức ngực. Sau khi nói to thì không thể hít thở sâu. Cảm giác đau đớn khi hít thở sâu
  • Ho khan hoặc ho có đờm
  • Sốt có hoặc không kèm theo rét run
  • Mệt mỏi, ăn uống kém
  • Chân bị phù 

(Hình 4 - Tràn dịch màng phổi trên siêu âm)

(Hình 4 - Tràn dịch màng phổi trên siêu âm)

Bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi cần được điều trị kịp thời bởi nếu không xử lý nhanh, tràn dịch màng phổi có thể gây:

  • Dày dính màng phổi, hạn chế hô hấp và biến dạng lồng ngực
  • Xẹp phổi
  • Suy hô hấp
  • Chèn ép tim,…

Tràn dịch ổ bụng

Tương tự như cơ chế phù trong suy thận gây ra tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng cũng tương tự. Lượng dịch thừa tràn vào ổ bụng sẽ khiến bụng căng tròn, to trướng và phần rốn cũng bị lồi ra ngoài. 

Đồng thời, nếu quan sát bạn dễ thấy người bệnh bị tràn dịch ổ bụng có triệu chứng khó thở và gặp vấn đề ở hệ tiêu hoá như đầy hơi, chướng bụng, cảm giác nặng nề ở bụng, khó tiêu, ợ nóng, ăn không ngon,... Ngoài ra, người bệnh có thể bị hạ huyết áp, ảnh hưởng đến chức năng gan và có nguy cơ nhiễm trùng cao. 

Gặp các nguy cơ về bệnh lý tim mạch

Lượng nước dư thừa đi liên tục vào các mô khiến áp suất tĩnh mạch tăng cao. Điều này khiến bệnh nhân dễ mắc biến chứng suy tim, đột quỵ,...

(Hình 5 - Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch của người bệnh suy thận khá cao)

(Hình 5 - Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch của người bệnh suy thận khá cao)

Máu khó đông

Áp lực keo máu giảm, lượng protein và nước trong mô tăng khiến người bệnh bị rối loạn đông máu. Nếu chẳng may va chạm có vết thương thì sẽ rất khó cầm máu.  

Độ lọc cầu thận tiếp tục giảm

Người bệnh bị suy thận có độ lọc cầu thận thấp hơn bình thường. Khi tình trạng phù tức lượng nước và dịch thừa đổ xô vào các khoang bào khiến tuần hoàn máu giảm, lượng máu vào thận giảm khiến chỉ số này càng thấp. Hệ quả là hiện tượng ứ muối và nước thừa càng diễn biến xấu. 

Hướng dẫn phân biệt triệu chứng phù do suy thận và do các nguyên nhân khác

Bạn có thể phân biệt dấu hiệu của bệnh phù do nhiều nguyên nhân khác và bệnh phù do suy thận gây ra như sau. 

  • Phù do tim: Triệu chứng phụ kèm theo khó thở, đặc biệt là khó thở khi nằm do huyết ứ ở phổi và ở tĩnh mạch. Phù kèm theo dấu hiệu xanh tím toàn thân
  • Phù do thận: Biểu hiện rõ nhất vào buổi sáng ở mặt và ở mi mắt
  • Phù do xơ gan: Cổ bị trướng, chi dưới bị phù và tràn dịch tại màng tinh hoàn
  • Phù do thuyên tắc hạch bạch huyết: Có đặc điểm là ấn không lõm và có thể rất rắn

Chẩn đoán tình trạng phù trong suy thận

Để chẩn đoán tình trạng phù trong suy thận, bác sĩ cần đưa ra các biện pháp chẩn đoán như sau:

  • Xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ creatinin, ure máu
  • Kiểm tra rối loạn điện giải (Na, K, Calci, Mg)
  • Xét nghiệm nước tiểu tìm albumin
  • Siêu âm thận để đánh giá hình dạng, kích thước, đánh giá lưu lượng máu qua thận và phát hiện tình trạng tràn dịch (nếu có)
  • Chụp CT, chụp MRI để phát hiện bất thường cấu trúc và khối u ở thận
  • Chụp X quang ngực để kiểm tra tình trạng phù phổi
  • Sinh thiết thận giúp tìm kiếm nguyên nhân và mức độ tổn thương (nếu có)

(Hình 6 - Bệnh nhân chụp CT để phát hiện những bất thường ở Bệnh viện Đa khoa Phương Đông)

(Hình 6 - Bệnh nhân chụp CT để phát hiện những bất thường ở Bệnh viện Đa khoa Phương Đông)

Cách xử lý tình trạng phù do suy thận gây ra

Căn cứ vào từng tình trạng ca bệnh và các yếu tố khác, bác sĩ có thể đưa ra các cách giảm nhẹ triệu chứng phù do suy thận gây ra như sau:

Thay đổi chế độ ăn uống

  • Hạn chế muối, ưu tiên ăn nhạt: Lượng muối khuyến nghị cho bệnh nhân suy thận thường dưới 2g/ngày. Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, thực phẩm nhiều muối như dưa muối, cà muối, mắm tôm, nước mắm,...
  • Giảm protein và đạm, khuyến khích lựa chọn các nguồn đạm lành mạnh: Lượng protein khuyến nghị cho bệnh nhân suy thận tùy thuộc vào mức độ suy giảm chức năng thận. Thay vì bổ sung protein từ thịt, cá, trứng, sữa, bác sĩ khuyến khích bệnh nhân thêm vào thực đơn cá biển, các loại hạt, olivo và quả bơ,...
  • Kiểm soát lượng kali: Hạn chế các thực phẩm giàu kali như chuối, khoai lang, rau bina,... Bác sĩ có thể kê thêm thuốc lợi tiểu để loại bỏ kali dư thừa.
  • Uống đủ nước: Uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 1.5 - 2 lít) để giúp cơ thể đào thải độc tố và giảm phù nề. Tuy nhiên, cần lưu ý lượng nước nạp vào cần phù hợp với chức năng tim mạch của bệnh nhân.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất: Bệnh nhân suy thận thường thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất như vitamin D, canxi, sắt,... Bác sĩ có thể kê thêm vitamin và khoáng chất theo nhu cầu của từng bệnh nhân

(Hình 7 - Người bệnh nên ưu tiên ăn rau xanh, hoa quả, ít chế biến, ít dầu mỡ)

(Hình 7 - Người bệnh nên ưu tiên ăn rau xanh, hoa quả, ít chế biến, ít dầu mỡ)

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ cần kiêng các sản phẩm carbohydrate tinh chế, đồ ăn chứa nhiều muối và các loại chất kích thích. 

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt

  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý trong ngày.
  • Hạn chế vận động nặng: Tránh các hoạt động thể chất gắng sức, chỉ nên tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, yoga,...
  • Tránh căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tình trạng phù nề nặng thêm. Bệnh nhân nên tập các bài tập thư giãn như thiền, yoga,...
  • Theo dõi cân nặng thường xuyên: Ghi chép cân nặng mỗi ngày để theo dõi tình trạng phù nề.
  • Giữ ấm cơ thể: Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vào mùa lạnh để tránh co thắt mạch máu, làm tình trạng phù nề nặng thêm.

Điều trị nội khoa

Để giảm nhẹ triệu chứng của phù nề, bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc cụ thể. Gia đình và người nhà tuyệt đối không nên lạm dụng đơn thuốc, chỉ uống đủ liều và không sử dụng bất kỳ loại thuốc, thực phẩm nào mà không có chỉ định của bác sĩ.

  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu giúp tăng lượng nước tiểu, đào thải natri và nước dư thừa ra khỏi cơ thể, từ đó giảm phù nề.
  • Thuốc hạ huyết áp: Huyết áp cao có thể làm tình trạng phù nề nặng thêm. Do vậy, cần kiểm soát huyết áp tốt bằng thuốc hoặc chế độ ăn uống.
  • Thuốc điều trị thiếu máu: Bệnh nhân suy thận thường bị thiếu máu do thiếu erythropoietin (EPO). Bác sĩ có thể kê thuốc EPO hoặc truyền máu để điều trị thiếu máu.
  • Lọc máu: Trong trường hợp phù nề nặng do suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể cần phải lọc máu để loại bỏ độc tố và nước dư thừa ra khỏi cơ thể.

Nếu bạn đang tìm kiếm địa chỉ thăm khám uy tín thì gợi ý bạn đến Bệnh viện Đa khoa Phương Đông. Đây là địa chỉ thăm khám, điều trị các bệnh lý bàng quang, tiết niệu, thận học được nhiều bệnh nhân tin tưởng. Được trang bị đầy đủ các dụng cụ phẫu thuật như dàn máy mổ nội soi, các máy thở hiện đại, dao điện cao tần, hệ thống đèn mổ có gắn camera,... trực tiếp thăm khám, đứng mổ và điều trị bởi các bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.

(Hình 8 - Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Phương Đông giải thích kết quả chụp X quang cho bệnh nhân)

(Hình 8 - Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Phương Đông giải thích kết quả chụp X quang cho bệnh nhân)

Có thể nói, cơ chế phù trong suy thận là một trong số các biến chứng nguy hiểm của bệnh lý thận, tiết niệu. Hy vọng bạn có thể tìm ra nguyên nhân và chữa trị hiệu quả khi thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hay các cơ sở y tế uy tín. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,857

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám