Vào những tháng cuối thai kỳ, cơ thể mẹ có nhiều thay đổi để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Trong số đó, không ít mẹ bầu bị đau xương mu. Vậy tình trạng đau xương mu khi mang thai có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây đau do đâu và có cần phải điều trị ở viện hay không? Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ giúp mẹ giải đáp những thắc mắc này nhé.
Dấu hiệu đau xương mu khi mang thai
Đau xương mu và khớp háng khi mang thai vào những tháng cuối của thai kỳ sẽ có biểu hiện sau đây:
- Cơn đau xảy ra ở vùng xương mu và vùng lân cận như xương hông, lưng, đáy xương chậu, đùi và quanh khung chậu.
- Những cơn đau này có thể theo cơn, đau dữ dội rồi biến mất hoặc đau âm ỉ kéo dài.
- Vùng bị đau xương mu và háng khi mang thai có cảm giác nóng ran, nhức nhối.
- Cơn đau nghiêm trọng hơn khi bước xuống giường, leo cầu thang hay vặn người.
- Cảm giác đau nhiều về đêm.
Những cơn đau xương mu dai dẳng hoặc từng cơn xuất hiện vào tháng cuối thai kỳ
Nguyên nhân đau xương mu khi mang thai
Xương mu là một phần trong cấu tạo của xương chậu và đối xứng hai bên, hợp lại tạo thành khớp xương chậu. Phần khớp này sẽ giãn ra khi mang thai để phù hợp với kích thước của thai nhi và chuẩn bị cho quá trình “vượt cạn”. Nguyên nhân dẫn tới các cơn đau xương mu đó là:
- Do sự thay đổi hormone khi mang thai: Hormone progesterone trong máu tăng lên trong thai kỳ khiến các khớp xương giãn nở, đặc biệt là khớp xương vùng chậu giãn ra và không còn dẻo dai, dẫn tới những cơn đau khi vận động.
- Do phù nề: Khi mang thai, thể tích tuần hoàn trong cơ thể mẹ tăng lên và tập trung vào tuần hoàn nhau thai với mục đích là cung cấp dưỡng chất để nuôi thai. Chính vì vậy mà phần dưới cơ thể dễ bị phù nề do hoạt động quá mức của hệ tuần hoàn, dẫn tới chèn ép và tăng áp lực lên xương mu.
- Tư thế của thai nhi: Thai nhi lớn lên và thay đổi từng ngày, càng về những tháng cuối, em bé chuyển dần xuống dưới phía âm đạo để sẵn sàng chào đời. Do đó xương mu ngày càng chịu nhiều áp lực khi thai nhi lớn.
- Mẹ mang đa thai hoặc sinh đẻ nhiều lần: Người mang thai đôi, thai ba hoặc đã sinh con nhiều lần sẽ làm tăng áp lực lên xương chậu, đồng thời khi sinh đẻ nhiều lần, cơ thể sẽ có cơ bụng mềm, thai nhi tụt xuống vị trí thấp hơn dẫn đến xương mu phải chịu áp lực nặng hơn.
- Do lao động nặng: Nếu trong thời gian mang thai, mẹ bầu phải lao động quá mức sẽ dẫn tới những cơn đau xương mu khi mang thai trầm trọng hơn.
- Do cử động của thai nhi: Thai nhi lớn dần với những chuyển động mạnh có thể gây đau cho mẹ, kể cả phần xương mu.
- Do kích thước thai lớn: Nếu trọng lượng của thai nhi >4kg sẽ làm tăng gánh nặng cho vùng xương chậu, đặc biệt là khớp mu.
- Đau xương mu cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân mẹ bầu bị loãng xương thai kỳ do thiếu canxi, khiến xương và các khớp xương đau mỏi.
- Mẹ bị thoát vị địa đệm, thoái hoá khớp sẽ làm gia tăng các cơn đau khi càng về cuối thai kỳ.
Mẹ bầu bị đang xương mu những tháng cuối có thể do chịu nhiều áp lực từ thai nhi
Bà bầu bị đau nhức xương mu có nguy hiểm không?
Đa phần trường hợp đau xương mu khi mang thai không nguy hiểm và cũng không để lại biến chứng nào, sau khi sinh thì tình trạng này sẽ biến mất.
Các cơn đau này cũng sẽ được kiểm soát bằng một số biện pháp chăm sóc mà không cần phải điều trị bằng thuốc.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau xương mu ở tháng cuối thai kỳ xuất phát từ bệnh lý sẽ có thể ảnh hưởng tới khả năng vận động. Trường hợp này, cơn đau sẽ nghiêm trọng, khó kiểm soát và cần được thăm khám, điều trị để không gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ bầu và sức khỏe của thai nhi.
Đau nhức xương mu đa phần là hiện tượng sinh lý bình thường
Các phương pháp giúp giảm đau xương mu khi mang thai tại nhà
Bị đau xương mu khi mang thai tháng cuối tuy là hiện tượng bình thường khi mang thai trong những tháng cuối thai kỳ, không tác động quá nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ bầu nhưng lại gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Do đó để giảm bớt sự khó chịu, mẹ bầu nên áp dụng theo những cách sau đây:
- Không vận động nhiều: Trong thời gian mang thai, mẹ bầu không nên làm việc tay chân, vận động hay tập thể thao cường độ mạnh. Những hoạt động này sẽ tăng thêm áp lực cho hệ xương khớp vốn dĩ đang giãn ra và lỏng lẻo hơn do sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, khi xuất hiện cơn đau xương mu khi mang thai 3 tháng cuối, chị em hãy nằm nghỉ ngơi ngay tránh khiến cảm giác đau dai dẳng, kéo dài.
- Chọn tư thế nghỉ ngơi phù hợp: Phụ nữ mang thai nên thường xuyên thay đổi tư thế, không nên ngồi lâu, khi ngủ nên nằm nghiêng sang trái để tạo sự thoải mái và đảm bảo lưu lượng tuần hoàn đến thai nhi. Khi ngồi, chị em nên kê thêm gối tựa lưng, cũng không nên đứng hay giữ một tư thế nào quá lâu.
- Dùng đai đeo: Một số đai đeo dành riêng cho bà bầu sẽ giúp giảm áp lực lên hệ xương, trong đó có tình trạng đau xương mu khi mang thai tháng cuối.
- Tập luyện nhẹ nhàng với các bộ môn như yoga để giúp xương khớp được vận động, tăng độ dẻo dai cũng giúp giảm được tác động của việc thay đổi cơ xương khớp trong quá trình mang thai.
- Lựa chọn giày dép bệt, không nên đi giày cao gót để tránh ảnh hưởng đến cột sống và tăng áp lực lên phần cơ thể dưới.
- Ăn uống đủ chất, đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi để củng cố cho hệ xương khớp trong giai đoạn mang thai và giảm ảnh hưởng do loãng xương thời điểm này.
Giảm đau xương mu bằng cách đeo đai dành riêng cho bà bầu
Câu hỏi liên quan đến tình trạng đau xương mu ở bà bầu
Để hiểu rõ hơn về tình trạng đau xương mu khi mang thai, dưới đây là lý giải cho những thắc mắc thường gặp nhất.
Đau xương mu có phải dấu hiệu sắp sinh không?
Có rất nhiều dấu hiệu dự báo mẹ sắp chuyển dạ, tuy nhiên đau xương mu thực tế lại không phải là một trong những dấu hiệu đó. Tình trạng đau xương mu thường diễn ra trong những tháng cuối của thai kỳ và nằm trong tổng hợp các biểu hiện thay đổi của cơ thể khi mang thai.
Do đó khi bị đau xương mu khi mang thai, bạn có thể yên tâm là không phải dấu hiệu báo chuyển dạ nên sẽ không ảnh hưởng đến tuổi thai của em bé. Tuy nhiên nếu đau ở tháng thứ 6 trở lại thì mẹ bầu nên đi khám để tìm ra nguyên nhân vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý.
Khi nào tình trạng đau xương mu cần đi khám?
Nếu mẹ xuất hiện những tình trạng sau đây liên quan đến đau xương mu cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám:
- Đau xương mu khi mang thai 3 tháng đầu và các tháng giữa.
- Cơn đau nghiêm trọng ảnh hưởng đến vận động, không đi lại được hay gây đau kể cả khi nói chuyện.
- Cơn đau xương mu kèm theo đau đầu, chóng mặt, choáng váng.
- Tay chân, mặt bị sưng phù.
- Chảy máu âm đạo, sốt, ớn lạnh.
Nếu cơn đau xương mu trầm trọng và kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt cần đi khám ngay
Một số dấu hiệu sắp sinh
Cảm giác đau xương mu khi mang thai không được xác định là dấu hiệu sắp sinh, vậy nên nếu mẹ đã đến cận ngày dự kiến sinh và đang mong ngóng bé yêu chào đời thì hãy theo dõi những biểu hiện sau đây. Đây chính là những dấu hiệu sắp sinh khá chính xác:
Sa bụng
Khi sắp sinh, thai nhi sẽ di chuyển dần vào khung xương chậu. Đồng thời, mẹ cũng sẽ cảm thấy dễ thở hơn do khi này vị trí thai nhi đã thấp xuống và không chèn ép lên phổi nhưng bàng quang khi này sẽ chịu áp lực nên sẽ dẫn đến hiện tượng đi tiểu nhiều hơn.
Dịch nhầy thay đổi
Vào tuần thứ 37-40, dịch nhầy trở nên nhớt hơn, có thể lẫn chút máu do hiện tượng bong nút nhầy tử cung. Cơn chuyển dạ có thể diễn ra sau đó vài tuần nhưng có một số người phải đợi 1-2 tuần sau mới thực sự đến ngày “vượt cạn”.
Tiêu chảy
Tiêu chảy có thể xảy ra do thay đổi nội tiết tố, do ăn uống hay sử dụng thuốc… Tuy nhiên nếu đã sát ngày dự sinh, tình trạng này có thể là do hormone cơ thể đang tiết ra để chuẩn bị chuyển dạ sẽ khiến ruột bị kích thích dẫn tới buồn nôn và tiêu chảy.
Bị chuột rút và đau lưng trầm trọng
Khi sắp đến ngày sinh, mẹ có thể sẽ bị chuột rút thường xuyên hơn, vùng lưng và hai bên háng cũng đau mỏi hơn so với bình thường. Đây cũng là dấu hiệu sắp sinh do cơ khớp ở vùng xương chậu đang bị kéo giãn để chuẩn bị sinh nở.
Vỡ nước ối
Tuy chỉ có khoảng 8-10% mẹ bầu vỡ ối trước khi sinh, thế nhưng đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bé yêu đã sẵn sàng chào đời. Lượng nước ối có thể chảy ra nhiều hay ít tùy vào mỗi người, tuy nhiên nếu vỡ ối trước 37 tuần của thai kỳ là điều bất thường cần chú ý. Dù là thời điểm nào ối bị rò rỉ hay vỡ ồ ạt, bạn đều cần nhanh chóng đến bệnh viện kịp thời tránh nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
Xuất hiện cơn gò tử cung
Khi sắp sinh, các cơn gò tử cung diễn ra với tần suất liên tục và cường độ mạnh gây đau tức vùng bụng. Bạn sẽ cảm nhận được cơn co từ 30s đến 1 phút và lặp lại 5-7 phút một lần.
Cơn gò tử cung sẽ xuất hiện liên tục khi sắp đến ngày sinh
Giảm cân hoặc ngừng tăng cân
Tăng cân trong suốt thai kỳ là điều bình thường khi cơ thể mẹ đang nuôi dưỡng một bào thai. Thế nhưng đến những tuần cuối của thai kỳ, bạn sẽ thấy cân nặng chững lại hoặc có thể giảm cân. Nguyên nhân đó là lượng nước ối giảm đi kể từ tuần thứ 37 để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sắp diễn ra.
Cổ tử cung giãn nở
Cổ tử cung trong những tuần cuối thai kỳ sẽ giãn ra và mỏng dần, hiện tượng này gọi là xoá mở cổ tử cung. Bác sĩ sẽ thăm khám để đánh giá chỉ số này và dự kiến ngày sinh chính xác để mẹ bầu nhập viện và chờ đón em bé ra đời. Trung bình, cổ tử cung cần mở 10cm mới được đánh giá là thuận lợi nhất, thời gian mở ở mỗi thai phụ cũng khác nhau. Thông thường sẽ chia thành 2 giai đoạn gồm:
- Giai đoạn 1: Cổ tử cung mở đến 3cm, sau đó trung bình mở 1cm/2 giờ đồng hồ và cần phải mất 6-7 tiếng.
- Giai đoạn 2: Cổ tử cung mở 3-10cm, trung bình mở 1cm/1 giờ hoặc nhiều hơn và cần 7 giờ để mở trọn vẹn.
Tóm lại, đau xương mu khi mang thai là một hiện tượng bình thường và không phải là dấu hiệu dự sinh như nhiều người vẫn nghĩ. Mẹ bầu nên thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe và những biểu hiện thay đổi của cơ thể. Nếu cơn đau vượt quá sức chịu đựng hoặc thực hiện những biện pháp giảm đau tại nhà mà không thuyên giảm, mẹ bầu cần đến bệnh viện để được thăm khám và có giải pháp can thiệp kịp thời.