Huyết áp tâm thu cao: Mối lo các biến chứng và cách điều trị

Thao Tran

04-09-2023

goole news
16

Huyết áp gồm có 2 chỉ số là huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu. Một khi chỉ 1 trong 2 chỉ số này cao vượt ngưỡng bình thường, chính là dấu hiệu cảnh báo bệnh tăng huyết áp. Trong đó, có bao gồm huyết áp tâm thu cao, vậy tình trạng này nguy hiểm như thế nào, làm sao để điều trị, cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu ngay.

Huyết áp tâm thu cao là gì?

Huyết áp tâm thu đại diện cho áp lực tại động mạch chủ khi tim co bóp, bơm máu vào hệ tuần hoàn. Đây là trị số huyết áp cao nhất đo được, còn được gọi là huyết áp tối đa.

Theo Hội tim mạch Hoa Kỳ, tăng huyết áp tâm thu đơn độc (huyết áp tâm thu cao) là tình trạng trị số huyết áp tâm thu tăng (≥ 140 mmHg) nhưng huyết áp tâm trương vẫn ở mức bình thường hoặc thấp (< 90 mmHg).
chỉ số huyết áp tâm thu cao

Hình ảnh chỉ số huyết áp tâm thu cao

Một bài báo năm 2021, huyết áp tâm thu cao đơn độc thường xảy ra ở người cao tuổi, khoảng 30% người trên 60 tuổi bị mắc chứng tăng huyết áp này. Người trẻ tuổi hơn cũng có khả năng bị tăng huyết áp nhưng tỷ lệ thấp hơn đáng kể. Khoảng 1,8% những người thuộc độ tuổi từ 18- 39 và 6% người trong độ tuổi 40- 50 mắc phải tình trạng này.

Nguyên nhân tăng huyết áp tâm thu

Đối với hầu hết các trường hợp người cao tuổi thì nguyên nhân khiến chỉ số huyết áp tâm thu cao là do hệ thống động mạch bị suy giảm tính đàn hồi. Tiến trình lão hóa tự nhiên làm vôi hóa sợi elastin, tăng độ cứng cơ trơn thành động mạch, gây rối chức năng nội mô, giải phóng chất tiền viêm, khiến động mạch không còn sự nhạy cảm với các chất giãn mạch do cơ thể tiết ra. Hậu quả dẫn đến thành mạch trở nên xơ cứng, dày hơn, từ đó khiến kích thước lòng mạch nhỏ lại, làm tăng áp lực dòng máu đi qua động mạch. Kết quả là huyết áp tâm thu tăng cao trong khi huyết áp tâm trương không bị ảnh hưởng. Những thay đổi này xảy ra chủ yếu ở động mạch chủ và các động mạch lớn.

Ngoài ra, huyết áp tâm thu cao có thể tăng thứ phát do hậu quả của một số tình trạng sau:

  • Tuyến giáp hoạt động quá mức.
  • Các bệnh lý tuyến yên và tuyến cận giáp.
  • Bệnh thận cấp tính/mãn tính như viêm thận mô kẽ, viêm cầu thận, sỏi thận, thận ứ nước, suy thận, thận đa nang, u tủy thượng thận…
  • Cường aldosteron tiên phát.
  • Hẹp eo động mạch chủ.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Nhiễm độc thai nghén.
  • Bệnh viêm động mạch Takayasu.
  • Yếu tố tâm thần.
  • Do thuốc gây ra, như thuốc tránh thai, corticoid, thuốc kháng viêm non- steroid, thuốc nhỏ mũi, dược liệu cam thảo…

nguyên nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độcThận trọng với một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ tăng huyết áp tâm thu 

Đối với trường hợp bệnh nhân còn trẻ (dưới 30 tuổi), việc xác định nguyên nhân huyết áp tâm thu cao đặc biệt quan trọng.

Đối tượng có nguy cơ bị tăng huyết áp tâm thu cao?

Ngoải một số yếu tố về tim mạch và bệnh lý nêu trên, bạn có nguy cơ bị tăng huyết áp tâm thu đơn độc nếu:

  • Có microalbumin niệu hoặc mức lọc cầu thận < 60 mL/phút.
  • Mắc bệnh tiểu đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp.
  • Tiền sử gia đình có người thân bị bệnh tim mạch sớm (nữ giới trước 65 tuổi và nam giới trước 55 tuổi).
  • Béo phì, thừa cân.
  • Hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Lười vận động.
  • Chế độ ăn thiếu lành mạnh: ăn nhiều muối, các đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, nhiều chất béo; ăn ít rau; thường xuyên uống rượu…
  • Căng thẳng tâm lý, stress.

Một số triệu chứng của huyết áp tâm thu cao

Huyết áp cao, bao gồm huyết áp tâm thu cao thường không có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu dễ nhận thấy nào trong hầu hết các trường hợp. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, đo huyết áp là cách duy nhất để biết liệu bạn có bị huyết áp cao không.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể tìm thấy các dấu hiệu bệnh lý gây ra tăng huyết áp tâm thu như:

  • Cơ bị yếu.
  • Da mỏng.
  • Đổ mồ hôi.
  • Ngáy to.
  • Trầm cảm.
  • Rung giật.

Nếu huyết áp tâm trương cao đã gây ra tổn thương ở giai đoạn cuối, bạn có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

  • Buồn nôn.
  • Khó thở.
  • Đau đầu.
  • Lú lẫn.
  • Vấn đề thị giác.

 

Nếu bạn có bất kỳ các dấu hiệu nghi ngờ bản thân mình mắc bệnh tăng huyết áp tâm trương, bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám. Đặt lịch khám hoặc liên hệ đến hotline 1900 1806 để đăng ký khám cùng chuyên gia hàng đầu tại BVĐK Phương Đông.

Huyết áp tâm thu cao gây nguy hiểm như thế nào?

Tròng vòng 8- 10 năm, 30% người bị huyết áp cao mức độ từ nhẹ đến trung bình có nguy cơ mắc các bệnh lý về xơ vữa động mạch và 50% người mắc bệnh có thể bị tổn thương nội tạng.

biến chứng tăng huyết áp tâm thuTăng huyết áp tâm thu có thể gây tổn thương tim, đe dọa tính mạng của người bệnh

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, huyết áp tâm thu cao có thể dẫn đến:

  • Đau tim.
  • Suy tim.
  • Đột quỵ.
  • Bệnh thận mãn tính.
  • Chứng phình động mạch.
  • Rối độn cương dương.
  • Các vấn đề về thị lực.

Phương pháp điều trị huyết áp tâm thu cao

Huyết áp tâm thu cao là tình trạng nguy hiểm và diễn tiến mạn tính. Chính vì thế, người bệnh cần được điều trị lâu dài, đúng cách và đồng thời theo dõi đều đặn.

Mục tiêu điều trị:

  • Duy trì huyết áp mục tiêu (huyết áp < 140/90 mmHg, với người có nguy cơ tim mạch cần duy trì < 130/80 mmHg).
  • Giảm tối đa nguy cơ các biến chứng trên cơ quan đích.

Tùy vào mức độ cao huyết áp, nguy cơ biến chứng, khả năng người bệnh đã có tổn thương trên cơ quan đích hay chưa, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định phương pháp kiểm soát huyết áp phù hợp. Người bệnh có thể chỉ cần thay đổi lối sống hoặc cần phải kết hợp thêm với sử dụng thuốc.

Trong các loại thuốc để hạ huyết áp dùng điều trị huyết áp tâm thu cao, thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn canxi là ưu tiên sử dụng đầu tay. Thuốc hàng thứ 2 gồm thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II hoặc thuốc ức chế men chuyển. Phần lớn người bệnh cần phối hợp 2 hoặc nhiều thuốc để giúp việc hạ huyết áp được hiệu quả.

Điều quan trọng trong điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc chính là không gây ảnh hưởng hay làm huyết áp tâm trương giảm xuống quá thấp. Bởi vì, nếu tình trạng đó xảy ra thì người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm khác. Cuối cùng, người bệnh cần được tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để khám, kiểm tra tình trạng huyết áp, đảm bảo việc điều trị đang phát huy được hiệu quả.

kiểm soát huyết áp tâm thu caoĐo huyết áp tại nhà thường xuyên là cách giúp người bệnh kiểm soát tốt huyết áp.

Cách duy trì huyết áp tâm thu ổn định

Để kiểm soát cũng như phòng ngừa cao huyết áp và huyết áp tâm thu cao, bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Tránh hoặc hạn chế sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá, uống rượu bia.
  • Hạn chế lượng Natri ăn vào mỗi ngày (nên <1,5 gam).
  • Thường xuyên tập thể dục.
  • Kiểm soát căng thẳng.
  • Đo huyết áp thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng trung bình hoặc giảm cân (nếu thừa cân).

Qua những chia sẻ trên, BVĐK Phương Đông hy vọng rằng đã cung cấp tới bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh huyết áp tâm thu cao. Để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, bên cạnh duy trì một lối sống lành mạnh, thường xuyên đo huyết áp tại nhà thì bạn nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện nguy cơ bệnh.

Nếu quý khách hàng có nhu cầu, vui lòng bấm máy đến Hotline 1900 1806 của bệnh viện Phương Đông để được hỗ trợ.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,530

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám