Huyết khối tĩnh mạch sâu: Những điều bạn cần lưu ý

Nguyễn Phương Thảo

30-12-2024

goole news
16

Huyết khối tĩnh mạch sâu không chỉ gây đau nhức hay sưng tấy ở chi, mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến biến chứng đe dọa trực tiếp tính mạng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu, các dấu hiệu nhận biết quan trọng và biện pháp phòng ngừa hiệu quả? Hãy cùng khám phá những thông tin hữu ích ngay trong bài viết này để bảo vệ sức khỏe của chính bạn và gia đình.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?

Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis - DVT) xảy ra khi hình thành các cục máu đông ở một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể. Các cục máu đông này có thể chặn một phần hoặc toàn bộ lưu lượng máu qua tĩnh mạch. Hầu hết các huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra ở cẳng chân, đùi hoặc xương chậu. Một vài trường hợp chúng cũng có thể xảy ra ở các bộ phận khác như cánh tay, não, ruột, gan, thận.

Huyết khối tĩnh mạch khá phổ biến và thường gặp ở người cao tuổi

Huyết khối tĩnh mạch khá phổ biến và thường gặp ở người cao tuổi

Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu khá phổ biến (chỉ sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ), cứ 1000 người lớn thì có khoảng 1-3 người mắc bệnh tại Hoa Kỳ. Mỗi năm có khoảng 300.000 tử vong do bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là những người cao tuổi trên 60.   

Sự khác biệt giữa huyết khối tĩnh mạch sâu và huyết khối tĩnh mạch nông   

So với tĩnh mạch nông nằm ở ngoài cơ, gần da hơn thì tĩnh mạch sâu lại nằm trong và dưới lớp cơ (gần xương), thường đi cùng động mạch và thần kinh. 

Huyết khối tĩnh mạch nông là tình trạng cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch gần bề mặt da. Những loại cục máu đông này hiếm khi di chuyển đến phổi trừ khi chúng di chuyển từ hệ thống nông và hệ thống tĩnh mạch sâu trước. Trong khi bác sĩ có thể chẩn đoán cục máu đông tĩnh mạch nông bằng cách khám lâm sàng thì với DVT họ chỉ có thể chẩn đoán bằng siêu âm.                       

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây nên huyết khối tĩnh mạch sâu 

Sau đây là các yếu tố nguy cơ được coi là nguyên nhân gây nên huyết khối tĩnh mạch sâu, cụ thể: 

Yếu tố rủi ro: 

  • Lưu lượng máu giảm: Bất động do nghỉ ngơi dài ngày tại chỗ, gây mê toàn thân, phẫu thuật, đột quỵ,...;
  • Tăng áp lực tĩnh mạch: Nén cơ học hoặc suy giảm chức năng dẫn đến giảm lưu lượng trong tĩnh mạch (u tân sinh, thai nghén, hẹp hoặc dị tật bẩm sinh làm tăng sức cản dòng chảy);
  • Chấn thương cơ học tĩnh mạch: Phẫu thuật, ống thông tĩnh mạch được đưa vào ngoại vi, lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch; 
  • Tăng độ nhớt máu: Đa hồng cầu đỏ, tăng tiểu cầu, mất nước; 
  • Những thay đổi về mặt giải phẫu trong giải phẫu tĩnh mạch có thể góp phần gây ra huyết khối. 

Các yếu tố khác 

  • Thừa cân, béo phì; 
  • Thói quen hút thuốc lá; 
  • Ít vận động hoặc không di chuyển trong thời gian dài. Chẳng hạn như ngồi hoặc đứng lâu, bất động sau phẫu thuật hoặc chấn thương nghiêm trọng; 
  • Tuổi tác; 
  • Đang trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh đẻ; 
  • Sử dụng thuốc tránh thai; 
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình từng mắc bệnh;
  • Thiếu hụt di truyền: Protein chống đông C và S, thiếu hụt antithrombin III, đột biến yếu tố V Leiden;
  • Mắc các bệnh lý tự miễn: Ung thư, nhiễm trùng huyết, nhồi máu cơ tim, suy tim, viêm mạch, bệnh lupus ban đỏ, bệnh viêm ruột, estrogen đường ống, hút thuốc lá, tăng huyết áp, tiểu đường.

Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu 

Huyết khối tĩnh mạch sâu thường hình thành trong tĩnh mạch ở chân hoặc tay. Có tới 30% người bệnh không xuất hiện triệu chứng hoặc đôi khi là rất nhẹ nên dễ bị bỏ qua. 

Huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính thường có triệu chứng sưng phù và đau nhức

Huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính thường có triệu chứng sưng phù và đau nhức

Các triệu chứng liên quan đến DVT cấp tính bao gồm: 

  • Sưng phù chân hoặc tay (tình trạng này thường xảy ra đột ngột)
  • Cảm giác đau nhức ở chân hoặc cánh tay (xảy ra khi người bệnh đứng hoặc đi bộ);
  • Thay đổi màu da ở vùng bị huyết khối. Da chuyển thành màu xanh đen hoặc bầm đỏ; 
  • Các tĩnh mạch gần bề mặt da có thể lớn hơn bình thường;
  • Đau bụng hoặc đau hông (khi cục máu đông ảnh hưởng đến các tĩnh mạch sâu bên trong bụng); 
  • Đau đầu dữ dội (thường khởi phát đột ngột) hoặc co giật (khi cục máu đông ảnh hưởng đến tĩnh mạch não); 

Một số bệnh nhân không biết mình bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu cho đến khi cục máu đông di chuyển từ chân/tay đến phổi. Các triệu chứng cấp tính có thể bao gồm đau ngực, khó thở, ho ra máu, choáng váng và ngất xỉu. 

Xem thêm:

Biến chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu gây ra 

Mặc dù các huyết khối nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến quá trình lưu thông máu. Tuy nhiên, huyết khối tĩnh mạch sâu có thể bị vỡ ra thành các mảnh nhỏ, theo dòng tĩnh mạch trở về tim. Máu sau đó được bơm lên phổi và di chuyển tới các cơ quan khác trong cơ thể. Khi cục máu đông nhỏ mắc kẹt ở các mạch máu của bất kỳ cơ quan nào cũng có thể gây nhồi máu. Dưới đây chính là một số biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như: 

  • Suy giãn tĩnh mạch mãn tính: Là tình trạng giảm khả năng dẫn máu trở về tim của các tĩnh mạch do suy chức năng các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông/tĩnh mạch sâu. Theo thời gian, tình trạng suy giãn tĩnh mạch mạn tính diễn biến thầm lặng và gây ra các triệu chứng đau, tê bì, chuột rút, thay đổi màu sắc ở chân. Nếu để lâu ngày, không được điều trị đúng cách có khả năng diễn tiến đến loét chân lâu lành. 
  • Hội chứng hậu huyết khối: Hội chứng này xảy ra sau khi người bệnh đã từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân nhưng không được điều trị hoặc điều trị sai cách. Tình trạng này sẽ khiến người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau chân, sưng chân, lở loét, thay đổi màu da. 
  • Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch: Thuyên tắc xảy ra khi cục huyết khối bong ra rồi di chuyển khắp nơi trong mạch máu, có thể bị mắc kẹt ở nơi có kích thước nhỏ trong lòng mạch. Bệnh thường xảy ra ở chi dưới, kèm theo nhiều biểu hiện lâm sàng dưới hai bệnh cảnh: huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi. 
  • Thuyên tắc động mạch phổi: Nguyên nhân gây ra biến chứng này chính là do cục máu đông ở tĩnh mạch chân/tay bị vỡ ra, trôi theo dòng máu. Chúng có thể bị mắc lại ở động mạch phổi hoặc tiếp tục di chuyển vào phổi gây thuyên tắc phổi. Tùy vào kích thước của cục máu đông cũng như số lượng mạch máu bị ảnh hưởng, từng người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Chẳng hạn như khó thở đột ngột, đau ngực dữ dội khi ho, choáng váng, ngất xỉu, ngất xỉu, nhịp tim nhanh. 

Các cách chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu

Dựa vào tỷ lệ mắc bệnh cao hay thấp mà bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các loại xét nghiệm, siêu âm khác nhau. Cụ thể: 

Xét nghiệm máu 

Xét nghiệm công thức máu thường được ứng dụng trong chẩn đoán bệnh huyết khối tĩnh mạch. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể ghi nhận các yếu tố nguy cơ gây huyết khối như: Tăng độ nhớt của máu trong bệnh đa hồng cầu hoặc tăng tiểu cầu. Trong huyết khối tĩnh mạch sâu, D-dimer thường tăng. 

Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp đầu tiên để chẩn đoán tình trạng bệnh

Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp đầu tiên để chẩn đoán tình trạng bệnh

Siêu âm Doppler 

Siêu âm Doppler được sử dụng phổ biến vì đây là phương pháp không xâm lấn, đơn giản, thuận tiện, gợi ý hình ảnh và vị trí huyết khối nếu có. Trong trường hợp siêu âm không rõ ràng nên kết hợp các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.  

Chụp tĩnh mạch 

Trong xét nghiệm xâm lấn này, bác sĩ sẽ gây tê da cổ hoặc bẹn của bệnh nhân và sử dụng ống thông để tiêm chất cản quang vào tĩnh mạch để xem có cục máu đông nào chặn một phần hoặc toàn bộ lưu lượng máu bên trong tĩnh mạch hay không. Mặc dù ít khi được sử dụng nhưng đôi khi chúng lại vô cùng cần thiết. 

Chụp cộng hưởng từ (MRI) hay Chụp tĩnh mạch cộng hưởng từ (MRV) 

MRI cho thấy hình ảnh các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể người bệnh. MRV cho thấy hình ảnh các tĩnh mạch ở các vị trí cụ thể trong cơ thể. Trong nhiều trường hợp, MRI và MRV có thể cung cấp nhiều thông tin hơn so với siêu âm Doppler hoặc chụp CT. 

Phương pháp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu cộng hưởng từ MRI

Phương pháp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu cộng hưởng từ MRI

Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Đây là loại chụp X-quang cho thấy các cấu trúc bên trong cơ thể. Bác sĩ có thể sử dụng CT để tìm huyết khối tĩnh mạch sâu ở bụng, xương chậu hoặc trong não, cũng như cục máu đông trong phổi (thuyên tắc phổi).

Giải pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Mục tiêu điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy ra, bao gồm tắc mạch phổi, hội chứng sau huyết khối cũng như nguy cơ tái phát bệnh. Tùy vào tình trạng sức khoẻ của người bệnh mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu phù hợp. Cụ thể: 

Điều trị trong giai đoạn cấp (0-10 ngày)

Ở giai đoạn này, bệnh chưa nhiều diễn biến phức tạp nên hầu như bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc chống đông để ngăn ngừa các triệu chứng và biến chứng. Các trường hợp người bệnh cần phải dùng thuốc bao gồm: 

  • Người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới giai đoạn cấp; 
  • Người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch sâu đoạn xa có triệu chứng từ cẳng đến bàn chân; 
  • Người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới không có triệu chứng;
  • Người bệnh có xác xuất lâm sàng trung bình - cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu để chờ tiến hành chẩn đoán thăm dò trên 4 giờ. 

Một số phương pháp khác:

  • Tiểu sợi huyết đường toàn thân cân nhắc chỉ định khi huyết khối cấp tính (>14 ngày) ở vùng chậu hoặc đùi, có nguy cơ bị hoại tử do chi động mạch chèn ép, tiên lượng > 1 năm;
  • Lưới lọc tĩnh mạch dành cho bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đoạn gần hoặc bệnh nhân bị tái thuyết tắc huyết khối tĩnh mạch;
  • Phẫu thuật lấy huyết khối chỉ dành cho bệnh nhân có huyết khối lớn vùng chậu - đùi, thể trạng tốt hoặc đang có nguy cơ hoại tử chi, tiên lượng > 1 năm. 
  • Sử dụng băng chun áp lực, tất áp lực y khoa;

Điều trị trong giai đoạn duy trì (10 ngày - 3 tháng)

Tất cả bệnh nhân trong giai đoạn này đều được chỉ định sử dụng thuốc chống đông. Trong các trường hợp có các yếu tố thúc đẩy tạm thời (phẫu thuật, nguy cơ chảy máu cao) thì không nên sử dụng thuốc chống đông. Với từng bệnh nhân sẽ có khoảng thời gian điều trị khác nhau, trung bình sẽ từ 6-12 tháng. 

Điều trị trong giai đoạn duy trì kéo dài (3 tháng - kéo dài)

Giai đoạn này người bệnh sẽ điều trị duy trì bằng cách dùng thuốc. Cụ thể: 

  • Bệnh nhân bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch lần đầu, không rõ căn nguyên thúc đẩy, nguy cơ chảy máu thấp; 
  • Bệnh nhân bị thuyên tắc khối tĩnh mạch tái phát do bẩm sinh hay nguy cơ thuyên tắc cao; 
  • Bệnh nhân bị bệnh ung thư tiến triển, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và chảy máu thấp được khuyến cáo sử dụng Heparin TLTP thấp trong 3-6 tháng, sau đó sử dụng thuốc chống đông duy trì; 
  • Bệnh nhân bị bệnh ung thư tiến triển, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và chảy máu cao được khuyến cáo sử dụng thuốc chống đông kéo dài; 

Điều trị hậu biến chứng huyết khối tĩnh mạch      

Hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch là những triệu chứng của suy tĩnh mạch mạn tính bao gồm đau, loét, phù, loạn dưỡng. 

Chẩn đoán bằng siêu âm Doppler, phát hiện dòng trào ngược trong tĩnh mạch đùi, khoeo lớn hơn 1 giây, dòng trào ngược trong tĩnh mạch sâu cẳng chân >0,5 giây. 

Bác sĩ chỉ định người bệnh điều trị bằng băng chun/tất áp lực kết hợp cùng quá trình vận động phục hồi chức năng và thuốc trợ tĩnh mạch. Bên cạnh đó có thể can thiệp đặt stent tĩnh mạch vùng đùi, chậu trong trường hợp bị hẹp tĩnh mạch hậu huyết khối. Trường hợp khác có thể thực hiện phẫu thuật ghép đoạn hoặc chuyển đoạn tĩnh mạch sâu, tạo hình van tĩnh mạch sâu mới. 

Mọi thắc mắc cần giải đáp thêm về phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu, quý khách hàng có thể liên hệ với Bệnh viện Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được hỗ trợ kịp thời. 

8 bài tập phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu

Nếu bạn thường xuyên phải ngồi làm việc hoặc đứng quá lâu, thì dưới đây chính là 8 bài tập giúp phòng ngừa bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu vô cùng hiệu quả, đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà: 

1. Xoay mắt cá chân

Cách thực hiện: Nâng chân lên khỏi mặt sàn. Hướng các ngón chân lên trên, từ từ xoay mắt cá chân theo kim đồng hồ và giữ trong vài giây, sau đó quay trở lại vị trí ban đầu. Thực hiện tương tự như vậy theo chiều ngược lại, lần lượt như thế lặp đi lặp lại khoảng 10 lần. 

Bài tập xoay mắt cá nhân giúp phòng ngừa tình trạng huyết khối hình thành

Bài tập xoay mắt cá nhân giúp phòng ngừa tình trạng huyết khối hình thành

2. Nâng chân trước và sau

Cách thực hiện: Hai chân tiếp đất. Sau đó, nâng bàn chân trước lên trong khi bàn chân sau vẫn chạm sàn và giữ trong khoảng 5 giây. Từ từ hướng ngón chân xuống sàn. Nhấc đế lên, giữ trong 5 giây. Lặp lại như thế 10 lần mỗi chân. 

3. Nâng cao đầu gối

Cách thực hiện: Đặt cả hai chân xuống sàn. Nâng nhẹ đầu gối và giữ yên trong 5 giây. Tương tự, lặp lại 10 lần/mỗi đầu gối. 

4. Xoay cổ

Cách thực hiện: Xoay nhẹ cổ 10 lần theo chiều kim đồng hồ và 10 lần ngược chiều kim đồng hồ. 

5. Xoay vai

Cách thực hiện: Xoay vai về phía trước 10 lần rồi ngược chiều lại 10 lần. 

6. Vuốt bàn tay và ngón tay 

Cách thực hiện: Vuốt nhẹ bàn tay và ngón tay mỗi lần từ 10-20 giây, lặp đi lặp lại một vài lần. 

Bệnh nhân có thể thực hiện bài tập vuốt bàn tay và ngón tay ngay tại nhà

Bệnh nhân có thể thực hiện bài tập vuốt bàn tay và ngón tay ngay tại nhà

7. Duỗi cánh tay

Cách thực hiện: Đưa hay cánh tay qua đầu, sau đó chắp tay lại. Duỗi hai tay lên trên với lòng bàn tay hướng về phía trước và giữ trong khoảng 5 giây. Sau đó duỗi hai tay lên với lòng bàn tay hướng lên trên và giữ trong 5 giây. Luân phiên lặp lại trong 10 lần. 

8. Đi bộ 

Thay vì ngồi lâu một chỗ, bạn nên dành khoảng 5-10 phút để nghỉ ngơi, đi bộ nhẹ nhàng, đi vệ sinh hoặc uống nước.                                                                                                     

Kết luận   

Hiểu rõ về bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu này, từ nguyên nhân, triệu chứng đến cách phòng ngừa là cách tốt nhất để bạn chủ động bảo vệ mình. Nếu bạn đang có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao, đừng chần chừ mà hãy thăm khám bác sĩ ngay. Sức khỏe luôn là tài sản vô giá, và chỉ khi quan tâm đúng cách, bạn mới có thể duy trì cuộc sống trọn vẹn và an lành.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

100

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

ThS.BS

ĐOÀN DƯ MẠNH

Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ Quốc tế Phương Đông

ThS.BS

ĐOÀN DƯ MẠNH

Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ Quốc tế Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám