Khoét chóp cổ tử cung: Là gì? Bao nhiêu tiền? Theo dõi sau phẫu thuật?

Ngọc Anh

27-04-2024

goole news
16

Khoét chóp cổ tử cung là thủ thuật an toàn. Mặc dù vẫn dẫn đến các biến chứng như giảm tỷ lệ mang thai, tăng nguy cơ sảy thai nhưng phương pháp vẫn được đánh giá cao vì điều trị tốt cho polyp, u xơ và cà ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. 

Khoét chóp cổ tử cung là gì?

Khoét chóp cổ tử cung hay cắt LEEP cổ tử cung bằng vòng điện là kỹ thuật điều trị tổn thương tử cung. Bằng cách này, bác sĩ sẽ đưa dao điện vào âm đạo, loại bỏ hoàn toàn vùng bất thường để lấy mẫu bệnh phẩm sinh thiết hoặc điều trị bệnh lý ở cổ tử cung .

Vì đặc trưng dao điện rất sắc, mảnh nên thời gian thực hiện chỉ mất vài phút, lấy mẫu bệnh phẩm nhanh và ít chảy máu nên phương pháp này được ứng dụng rất phổ biến trên lâm sàng. 

(Hình 1 - Minh hoạ trước và sau khi thực hiện khoét chóp)

Minh hoạ trước và sau khi thực hiện khoét chóp

Khoét chóp gần như là chỉ định hàng đầu trong giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung hay giai đoạn ung thư sớm mà vẫn bảo toàn được tử cung, buồng trứng để đảm bảo mong muốn sinh sản trong tương lai. 

Khoét chóp cổ tử cung để làm gì?

Thủ thuật thường được sử dụng trong các trường hợp:

  • Điều trị tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, ung thư biểu mô tại chỗ hoặc ung thư cổ tử cung giai đoạn IA, loạn sản biểu mô các mức độ từ nhẹ đến nặng
  • Điều trị tổn thương lành tính ở cổ tử cung: polyp cổ tử cung, u xơ cổ tử cung, đa polyp cổ tử cung,...

(Hình 2 - Mô phỏng khoét chóp cổ tử cung cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung)

Mô phỏng khoét chóp cổ tử cung cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung

Thực hiện khoét chóp cổ tử cung có hiệu quả không?

Khả năng điều trị của LEEP cổ tử cung là đã được công nhận rộng rãi với khả năng loại bỏ 98% các tế bào bất thường. Chỉ bằng một lượng nhỏ mô lành ở vùng rìa của tử cung bị cắt đi, phương pháp này hỗ trợ:

  • Thu thập mẫu bệnh phẩm để sinh thiết hay xét nghiệm chuyên sâu để tìm kiếm các tế bào ung thư hay đánh giá mức độ tổn thương
  • Loại bỏ các tế bào ung thư chỉ bằng 1 thủ thuật, mặc dù các tế bào bất thường có thể quay trở lại trong tương lai. 

Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp khoét chóp cổ tử cung

Chỉ định 

Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thủ thuật nếu:

  • Người bệnh bị ung thư cổ tử cung tại chỗ, giai đoạn IA1, IA2 và còn có nhu cầu sinh đẻ 
  • Phát hiện tổn thương tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN) 
  • Sinh thiết hoặc xét nghiệm tế bào học cho thấy có tế bào tiền ung thư hoặc ung thư nhưng soi cổ tử cung không thấy tổn thương  

Chống chỉ định

Phương pháp này không không dành cho các đối tượng:

  • Có tiền sử bệnh lý tim mạch, tiểu đường, huyết áp chưa được điều trị ổn định
  • Bệnh nhân rối loạn đông máu
  • Bị viêm nhiễm vùng chậu vừa hoặc nặng, trì hoãn khoét chóp tới khi điều trị khỏi bệnh
  • Thai phụ, trì hoãn tới khi chấm dứt thời kỳ hậu sản. 

(Hình 3 - Thai phụ bị ung thư cổ tử cung không thể điều trị leep cổ tử cung ngay)

Thai phụ bị ung thư cổ tử cung không thể điều trị leep cổ tử cung ngay

Quy trình khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) 

Trước khi thực hiện 

Bệnh nhân cần lưu ý những điều sau trước khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP):

  • Tiến hành thủ thuật vào tuần ngay sau khi hành kinh (từ 2- 5 ngày) để lấy mẫu thử sạch hơn. Đồng thời các bệnh viêm cổ tử cung - âm đạo nên được điều trị dứt điểm trước khi thực hiện thủ thuật. 
  • Báo cáo với bác sĩ về những loại thuốc mình đang sử dụng, tạm dừng những loại thuốc tăng nguy cơ chảy máu như aspirin, naproxen, ibuprofen và warfarin
  • Không sử dụng tampon, thụt tháo, bôi kem âm đậo hoặc quan hệ tình dục ít nhất 1 ngày trước khi thực hiện
  • Nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi làm thủ thuật
  • Đã thực hiện nội soi cổ tử cung và sinh thiết làm mô bệnh học trước khi chỉ định khoét chóp. 

Trong khi tiến hành

Bác sĩ tiến hành gây mê hoặc gây tê vùng trước khi khoét chóp cổ tử cung cho bệnh nhân. Người bệnh mặc trang phục của bệnh viện và nằm ngửa trên bàn khám phụ khoa. Hai chân đặt vào giá đỡ có lót nệm gắn vào bàn phẫu thuật.  

Tiếp theo, nhân viên y tế sẽ đặt mỏ vịt vào âm đạo để quan sát rõ cổ tử cung hơn. Sau đó, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô hình ra khỏi cổ tử cung bằng cách sử dụng vòng dây điện nóng (dao LEEP) hoặc dao mổ (sinh thiết lạnh) hay chùm laser.

Kết thúc, bác sĩ sẽ sát khuẩn lại âm đạo cho bệnh nhân và gửi mẫu bệnh phẩm để thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Cả quá trình có gây mê diễn ra trong khoảng 1 giờ, ngoài lấy mẫu mô để chẩn đoán thì bác sĩ còn có thể thực hiện kỹ thuật này để loại bỏ hoàn toàn mô bệnh ở cổ tử cung. 

Sau khi thực hiện, người bệnh không cần lưu viện mà có thể về nhà luôn sau 30 phút theo dõi tại Bệnh viện. Thủ thuật được thực hiện dưới thuốc tê và có gây mê nên bạn sẽ không cảm thấy đau đớn. 

Khoét chóp cổ tử cung có ảnh hưởng gì không?

Đây là phương pháp có xâm lấn và bệnh nhân có thể gặp các biến chứng, bao gồm:

  • Bất thường trong dịch âm đạo: Người bệnh sẽ được khuyến khích dùng băng vệ sinh để theo dõi diễn biến dịch âm đạo trong vài tuần. Khi mới phẫu thuật xong, dịch âm đạo có thể có màu nâu hoặc vàng.
  • Chảy máu trong và sau khi phẫu thuật: Bệnh nhân sẽ bị chảy máu âm đạo trong hoặc sau 2 tuần khi thực hiện khoét chóp. Nếu chảy máu quá nhiều, người bệnh có thể phải cắt bỏ tử cung. Đối với xuất huyết hậu phẫu, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân sử dụng thuốc bôi để cầm máu
  • Cảm giác co thắt hoặc khó chịu nhẹ ở vùng bụng dưới. Có nguy cơ nhiễm trùng.

(Hình 5 - Hậu phẫu thuật, thay đổi trong dịch âm đạo là biểu hiện dễ thấy nhất)

Hậu phẫu thuật, thay đổi trong dịch âm đạo là biểu hiện dễ thấy nhất

Ngoài ra, sau khi thực hiện thủ thuật này, người bệnh có nhiều nguy cơ hơn về:

  • Hẹp cổ tử cung - bất thường về kinh nguyệt khiến việc thụ thai gặp khó khăn vì tinh trùng khó gặp trứng
  • Suy cổ tử cung - hiện tượng cổ tử cung giãn nở không đau dẫn đến sảy thai ở tháng thứ hai hoặc tháng thứ ba của thai kỳ.
  • Biến chứng sinh non, vỡ ối sớm, sinh mổ can thiệp,... Tỷ lệ biến chứng thai kỳ càng cao nếu lượng mô bị cắt đi càng nhiều. 

Sau khi khoét chóp cổ tử cung có mang thai được không?

Mặc dù khả năng mang thai bị giảm đi nhưng nếu  phần còn lại không còn tế bào thì người bệnh hoàn toàn có thể mang thai và sinh con. (Chỉ đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn 0 hoặc IA1)

Ngoài ra, vì LEEP cổ tử cung là phương pháp điều trị tổn thương nên phụ nữ hậu phẫu có nguy cơ sảy thai cao gấp 6 lần bình thường. Bởi khi thực hiện khoét chóp làm mất nhiều sợi collagen ở cổ tử cung bị mất làm cổ tử cung chịu lực kém hơn. 

Đồng thời các tuyến ở cổ tử cung cũng bị khoét đi mất khiến cổ tử cung có thể không hình thành được nút nhầy. Do đó, thai nhi phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng màng ối, ối vỡ non cao hơn bình thường. 

Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo, người phụ nữ chỉ nên mang thai sau khi khoét chóp cổ tử cung ít nhất 12 tháng. Để biết chính xác nhất thì bệnh nhân nên đến các Bệnh viện uy tín để được tư vấn và có phương án điều trị từ khi điều trị bệnh. 

(Hình 6 - Chị em nên tập trung phục hồi sức khỏe tốt trước khi có dự định mang thai)

Chị em nên tập trung phục hồi sức khỏe tốt trước khi có dự định mang thai

Sau khi khoét chóp cổ tử cung cần kiêng gì?

LEEP cổ tử cung là một trong các phương án điều trị tổn thương ở cổ tử cung nên sau khi điều trị bệnh nhân cần hạn chế:

  • Làm việc nặng, vận động mạnh trong vòng 6 tuần
  • Thụt rửa vào trong âm đạo, ngâm âm đạo hay đặt thuốc
  • Quan hệ trong vòng 6 tuần để tránh nhiễm khuẩn và giúp vết thương mau lành
  • Ăn các thực phẩm nhiều gia vị như đồ ăn cay nóng, đồ ăn chứa nhiều đường hoặc đồ ăn chế biến sẵn hoặc các đồ uống chứa chất kích thích  

Ngoài ra, vì sau khi thực hiện thủ thuật, dịch âm đạo sẽ ra khá nhiều khoảng 3 tuần sau đó. Bao gồm dịch vàng ở tuần đầu tiên, máu ở tuần thứ 2 và 3 nên bệnh nhân nên sử dụng băng vệ sinh, dùng dung dịch vệ sinh và uống đầy đủ thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 

Khi nào cần tái khám khoét chóp cổ tử cung?

Theo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh nhân phải tái khám sau 8 tuần thực hiện thủ thuật để bác sĩ đánh giá cổ tử cung đã liền sẹo hay chưa. Nếu cổ tử cung đã lên sẹo, bạn nên đi khám định kỳ 1 lần/ năm.

Đồng thời, sau khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung, bạn cần đến ngay Bệnh viện gần nhất nếu có các dấu hiệu:

  • Dịch âm đạo có mùi hôi
  • Đau bụng nhiều
  • Sốt
  • Ra máu âm đạo nhiều
  • Mệt mỏi
  • Hoa mắt, chóng mặt

(Hình 7 - Tái khám định kỳ sau khi khoét chóp cổ tử cung là hết sức cần thiết)

Tái khám định kỳ sau khi khoét chóp cổ tử cung là hết sức cần thiết

Khoét chóp cổ tử cung bao nhiêu tiền?

Chi phí thực hiện thủ thuật rơi vào 2.747.000 VNĐ/ ca.

Lưu ý: Chi phí chỉ mang tính chất tham khảo và thay đổi vào thời điểm thực hiện cụ thể.

Có thể nói, phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung là phương pháp điều trị vô cùng hiệu quả cho tiền ung thư và ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Để đạt được hiệu quả tối đa khi chữa bệnh, bệnh nhân nên đến các Bệnh viện uy tín để được thực hiện phẫu thuật, chăm sóc trước và sau sinh cẩn thận, tận tâm. 

Mọi thắc mắc về phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung hoặc bất kì bệnh nào, quý khách hàng có thể để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của Bệnh viện Phương Đông để được hỗ trợ.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
6,815

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám