Khớp cắn chéo là tình trạng thế nào?
Khớp cắn chéo (tiếng Anh: Crossbite) xảy ra khi các răng hàm trên không nằm ở vị trí bình thường bên ngoài răng hàm dưới khi ngậm miệng mà lại bị xoay, nghiêng vào trong (ở phía răng sau) hoặc nằm lệch vào trong hoặc ra ngoài so với răng đối diện (ở vùng răng trước hoặc răng sau). Sự lệch lạc trong phát triển xương hàm, hướng mọc răng hoặc sự bất thường trong tương quan giữa các đơn vị răng dẫn đến mất đi sự tương quan chuẩn này, gây ra tình trạng răng hàm dưới hoặc một nhóm răng hàm dưới phủ ngoài răng hàm trên tại một hoặc nhiều vị trí.
Khớp cắn chéo là tình trạng một hoặc nhiều răng của hàm trên có thể nằm bên trong hoặc bên ngoài răng của hàm dưới, dẫn đến việc không có sự tiếp xúc đồng đều giữa các răng khi cắn
Khớp cắn chéo không chỉ đơn thuần là một sai lệch về mặt thẩm mỹ răng miệng mà còn được xếp vào nhóm các rối loạn khớp cắn chức năng, có khả năng ảnh hưởng đến vận động cơ nhai, phát âm, và sự phát triển hàm mặt lâu dài nếu xảy ra từ sớm ở trẻ em. Việc phân loại chính xác loại khớp cắn chéo có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán, tiên lượng và hoạch định phác đồ điều trị.
Các dạng khớp cắn chéo thường gặp và cách nhận biết
Khớp cắn chéo được chia thành 4 dạng khác nhau. Cụ thể:
Khớp cắn chéo phía trước (Anterior Crossbite)
Hình minh hoạ khớp cắn chéo phía trước
Đặc trưng bởi dạng khớp cắn chéo phía trước chính là một hoặc nhiều răng trước hàm trên cắn khớp với mặt trong của răng cửa hàm dưới. Tình trạng này tương đối phổ biến, từ các bạn nhỏ tới người trưởng thành đều có thể mắc phải.
Kiểu cắn chéo này có thể dẫn đến những thay đổi trong cách cười và sự cân xứng trên khuôn mặt. Khớp cắn chéo phía trước thường bị nhầm với khớp cắn ngược. Tuy nhiên, chúng chỉ ảnh hưởng tới một vài răng chứ không phải là toàn bộ hàm.
Khớp cắn chéo phía sau (Posterior Crossbite)
Hình minh hoạ khớp cắn chéo phía sau
Theo thống kê, có khoảng 16% dân số trên thế giới bị khớp cắn chéo phía sau.
Khớp cắn chéo phía sau chỉ sự lồng múi bất thường của các răng hàm lớn, răng hàm nhỏ nằm phía sau mỗi cung hàm. Biểu hiện của dạng khớp cắn chéo này là lệch mặt, lệch mặt, hàm dưới trượt sang bên khi vận động, khó ăn nhai, cắn má,...
Khớp cắn chéo một bên (Unilateral Crossbite)
Khớp cắn chéo một bên là sự mất cân xứng chức năng trong chuyển động của hàm dưới khi bệnh nhân đóng hoặc nghiến răng. Do sự sai lệch vị trí của răng hoặc xương hàm, hàm dưới thường lệch khỏi đường giữa, gây nên hiện tượng “trượt hàm”. Trong nhiều trường hợp, mặc dù hình thái xương hai bên đối xứng, hàm dưới vẫn có thể lệch sang một bên do răng hàm trên và dưới không tiếp xúc đúng, buộc khớp cắn phải "bù trừ" để đạt được sự ăn khớp tạm thời trong chức năng.
Sự khác biệt giữa khớp cắn chéo một bên và khớp cắn chéo hai bên
Khớp cắn chéo hai bên (Bilateral Crossbite)
Khớp cắn chéo hai bên là một dạng sai khớp cắn trong đó các răng hàm trên nằm lệch vào trong so với răng hàm dưới ở cả hai bên của cung hàm khi ngậm miệng ở vị trí trung tâm. Biểu hiện là sự đảo ngược tương quan giữa hai cung răng ở cả bên phải và bên trái, gây mất cân đối trong tiếp xúc khớp cắn theo mặt phẳng ngang.
Xem thêm:
Nguyên nhân gây ra khớp cắn chéo
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng lệch khớp cắn chéo, cụ thể:
- Di truyền: Nếu như trong gia đình của bạn có cha mẹ, ông bà hoặc họ hàng có những đặc điểm sai lệch về sự sắp xếp răng, cấu trúc xương hàm thì khả năng con cái cũng sẽ thừa hưởng tình trạng tương tự. Không có giải pháp nào để ngăn ngừa sự di truyền về khớp cắn chéo. Tuy nhiên chúng ta có thể cải thiện hiệu quả nhờ các bác sĩ nha khoa có kinh nghiệm.
- Thói quen xấu: Mút ngón tay, đẩy lưỡi, sử dụng ti giả kéo dài,...có thể làm thay đổi sự phát triển của xương hàm, dẫn đến khớp cắn chéo.
- Thở bằng miệng: Thường xảy ra trong khi ngủ. Nếu trẻ đã có hàm trên nhỏ và thở bằng miệng, chúng có nguy cơ cao bị mắc sai lệch cắn chéo.
- Mất răng sữa quá sớm.
- Mọc răng vĩnh viễn trễ: Răng sữa tồn tại lâu sẽ ngăn cản sự mọc răng mới. Điều này xảy ra ở hàm trên, răng nên được nhổ để ngăn chặn tình trạng mọc chéo với răng ở hàm dưới. Nếu răng vĩnh viễn mọc lên và gây ra tình trạng bị lệch thì cần điều trị chỉnh nha để di chuyển răng về đúng vị trí của nó.
Những tai hại của việc sai khớp cắn chéo nếu không được xử lý sớm
Nếu không được can thiệp điều trị sớm, tình trạng sai khớp cắn chéo có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về chức năng ăn nhai, phát triển xương hàm, thẩm mỹ gương mặt và sức khỏe tổng thể.
- Rối loạn chức năng ăn nhai: Điều này dẫn đến lực nhai không đều, gây quá tải lên một bên hàm, làm mòn răng, nứt vỡ men răng và gây đau khớp thái dương hàm (TMJ). Theo các chuyên gia, khớp cắn sai lệch có thể gây ra các biểu hiện như: đau nhức khi nhai, tiếng kêu lục cục ở hàm và thậm chí là co cứng cơ hàm nếu kéo dài không điều trị.
- Sai khớp cắn chéo: Đặc biệt là khớp cắn chéo xương, gây lệch hàm do phát triển không cân đối của xương hàm trong quá trình tăng trưởng. Trẻ em trong độ tuổi từ 6–12 là giai đoạn xương hàm còn mềm dẻo, nếu không điều chỉnh sớm, tình trạng lệch hàm sẽ trở nên cố định và khó can thiệp bằng phương pháp chỉnh nha đơn thuần. Lâu dài có thể dẫn đến lệch đường giữa khuôn mặt, cằm vẹo, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và tâm lý người bệnh, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha chu và sâu răng: Do sai khớp cắn khiến việc chải răng và làm sạch các vùng tiếp xúc khó khăn hơn, các mảng bám và vi khuẩn dễ tích tụ, gây viêm lợi, tụt nướu, tiêu xương ổ răng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sự sai lệch khớp cắn là một trong những yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm bệnh nha chu nếu không được phát hiện sớm và xử lý phù hợp.
- Ảnh hưởng đến giọng nói và phát âm: Do vị trí răng và hàm lệch gây cản trở đường ra của luồng hơi và âm thanh. Đặc biệt với trẻ nhỏ, đây có thể là nguyên nhân gây nói ngọng, nói không rõ chữ, từ đó ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp và sự phát triển tâm lý xã hội.
Cách điều trị khớp cắn chéo hiệu quả, an toàn
Để đưa ra cách điều trị phù hợp cần dựa vào nguyên nhân gây khớp cắn chéo. Bởi nguyên nhân xuất phát từ răng hay xương hàm sẽ có cách điều trị khác nhau.
Can thiệp bằng khí cụ chỉnh răng
Các khí cụ chỉnh nha giúp điều chỉnh vị trí của răng, từ đó cải thiện sự khớp cắn
Với những trường hợp bị lệch hàm nghiêm trọng, bác sĩ sẽ khuyến nghị điều trị bằng phương pháp mở rộng hàm với niềng răng. Khí cụ nong hàm, được sử dụng cho trẻ em, giúp mở rộng cung răng trên để tạo điều kiện cho răng phát triển đúng hướng và khỏe mạnh. Dụng cụ này tương đối an toàn và hiệu quả, khó phát hiện khi đeo trong miệng.
Sau khi điều trị, bạn sẽ được hướng dẫn sử dụng khí cụ tháo lắp hoặc máng nhựa vào ban đêm để duy trì kết quả chỉnh nha.
Niềng răng
Niềng răng là phương pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng răng khấp khểnh, không đều,...Thông qua việc sử dụng các khí cụ như mắc cài, dây cung, bands, minivis,...hoặc khay niềng trong suốt để nắn chỉnh răng về đúng vị trí trên cung hàm.
Niềng răng giúp điều chỉnh vị trí của các răng, từ đó cải thiện sự khớp cắn và đảm bảo sự hài hòa trong khuôn mặt
Bác sĩ có thể nhổ đi một vài chiếc răng để kéo răng được nhanh chóng và hiệu quả hơn. Hiện nay có 2 phương pháp niềng răng chính là niềng răng mắc cài và niềng răng không mắc cài.
- Niềng răng mắc cài kim loại: Là phương pháp niềng răng truyền thống nhưng hiệu quả cao, chi phí vừa phải và có thể là lựa chọn tốt cho nhiều người.
- Niềng răng mắc cài trong suốt: Có thể khắc phục được các nhược điểm như vướng víu, thẩm mỹ không cao, gây nhiệt miệng, vệ sinh răng miệng phức tạp hơn,...Đồng nghĩa với chi phí cũng cao hơn nhiều niềng răng truyền thống.
Phẫu thuật chỉnh hình xương hàm
Nếu tình trạng lệch khớp cắn do xương hàm phát triển quá mức hoặc có dị tật tạo khe hở vòm miệng, bác sĩ sẽ đề xuất thực hiện phẫu thuật để chỉnh hình xương hàm.
Phương pháp này chỉ phù hợp với người bệnh đã đủ 18 tuổi, khi xương hàm đã phát triển đầy đủ và ổn định, đảm bảo đủ tiêu chuẩn về sức khỏe để phẫu thuật.
Câu hỏi thường gặp
- Sau điều trị khớp cắn chéo có nguy cơ xảy ra biến chứng không?
Sau điều trị khớp cắn chéo, có thể xảy ra một số biến chứng nhất định. Một trong những nguy cơ chính là sự tái phát của tình trạng khớp cắn, khi các răng không duy trì được vị trí đã điều chỉnh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải cảm giác khó chịu hoặc đau đớn ở vùng hàm, do sự thay đổi trong cấu trúc và chức năng của khớp. Việc không tuân thủ đúng hướng dẫn chăm sóc sau điều trị cũng có thể dẫn đến viêm nướu hoặc sâu răng. Do đó, việc theo dõi định kỳ và chăm sóc răng miệng đúng cách là rất quan trọng để giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra sau điều trị khớp cắn chéo.
- Thời điểm phù hợp để điều trị khớp cắn chéo?
Thời điểm phù hợp để tiến hành điều trị thường phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng của bệnh nhân. Thông thường, việc điều trị nên được bắt đầu khi trẻ từ 7 – 10 tuổi, bởi vì đây là giai đoạn mà sự phát triển của hàm và răng đang diễn ra mạnh mẽ. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của khớp cắn chéo giúp bác sĩ có thể can thiệp kịp thời, điều chỉnh sự phát triển của răng và hàm, từ đó ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng hơn trong tương lai.
- Phòng ngừa khớp cắn chéo bằng cách nào?
Để phòng ngừa khớp cắn chéo, việc chăm sóc răng miệng đúng cách là rất quan trọng. Trẻ em nên được kiểm tra răng miệng định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về sự phát triển của răng và hàm. Bên cạnh đó, việc duy trì thói quen ăn uống hợp lý, hạn chế đồ ngọt và thực phẩm cứng có thể giúp bảo vệ răng. Ngoài ra, nếu trẻ có thói quen mút ngón tay hay nghiến răng, cần tìm cách khắc phục để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của khớp cắn.
Cuối cùng, việc sử dụng niềng răng hoặc các thiết bị chỉnh hình khi cần thiết cũng là một giải pháp hiệu quả để điều chỉnh khớp cắn, đảm bảo sự phát triển hàm răng đúng cách.
Kết luận
Khớp cắn chéo hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng phương pháp. Tuy nhiên, nếu chủ quan hoặc trì hoãn điều trị, người bệnh có thể đối mặt với những hệ quả lâu dài về cả mặt sức khỏe và thẩm mỹ. Hãy chủ động thăm khám và lựa chọn phương án điều trị phù hợp càng sớm càng tốt.