Mất ngủ sau sinh là nỗi ám ảnh của nhiều chị em, tình trạng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và thể chất. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin để mẹ bỉm sữa tìm hiểu các thông tin liên quan đồng thời tìm ra được phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
Tại sao lại mất ngủ sau sinh?
Các nhà khoa học đã công bố có khoảng 60% phụ nữ trải qua chứng mất ngủ ở tuần thai kỳ thứ 32 và 8 tuần sau sinh. Các mẹ bỉm sữa gặp vấn đề này thường có các biểu hiện: Trằn trọc, tỉnh giấc nhiều lần, ngủ mơ, thao thức bồn chồn, ngủ không ngon giấc…
Dù cơ thể rất mệt mỏi, cạn kiệt sức lực trong quá trình sinh nở và chăm sóc con nhưng những tiếng động rất nhỏ cũng khiến các mẹ giật mình, rất khó có thể ngủ lại. Mất ngủ kéo dài và không được hỗ trợ kịp thời có thể khiến phụ nữ rơi vào tình trạng trầm cảm.
Các mẹ bỉm sữa thường mất ngủ trong khoảng 2 tháng đầu sau sinh
Nguyên nhân gây mất ngủ sau sinh
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ, các mẹ cùng tham khảo trong phần dưới đây nhé!
- Nội tiết tốt cơ thể thay đổi: Sau khi em bé được sinh ra, cơ thể mẹ sẽ tự điều tiết một số loại hoocmon giúp làm sạch các chất lỏng dư thừa sản xuất trong quá trình mang thai. Ngoài ra lượng estrogen và progesteron suy giảm đột ngột sau sinh trong khoảng 8 tuần đầu, điều này khiến các mẹ thức lâu hơn, khó đi vào giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và sắc đẹp.
- Giờ giấc sinh hoạt thay đổi: Sau sinh, các thói quen và nếp sinh hoạt của chị em bị thay đổi đột ngột, phụ thuộc phần lớn vào con. Việc các mẹ thức dậy vào ban đêm từ 1,5-2h/lần để cho con ăn, thay bỉm, ru con ngủ… khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng nặng nề, đây là nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng đó. Đặc biệt với các trẻ nhỏ “ngủ ngày cày đêm” thì việc chăm sóc con càng khiến mẹ thêm mệt mỏi và cạn kiệt sức lực.
- Rối loạn tâm lý: Đối với các chị em lần đầu làm mẹ, ngoài cảm giác hạnh phúc không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, áp lực và lo lắng. Ngoài ra, mẹ bỉm sau sinh thường mang tâm lý tự ti, nhạy cảm, khi thiếu sự quan tâm từ chồng và mọi người xung quanh dễ dẫn đến tâm lý bất ổn, có những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
- Cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ: Sau sinh các mẹ thường có quan niệm kiêng cữ: hạn chế tắm gội, ở trong phòng kín, mặc quần áo dài tay… khiến cho cơ thể bí bách khó chịu, đặc biệt trong thời tiết mùa hè. Điều này cũng là một trong các yếu tố gây mất ngủ ở phần lớn các mẹ bỉm.
Rối loạn tâm lý là một nguyên nhân gây mất ngủ sau sinh
Mất ngủ sau sinh có khỏi được không?
Đối với các sản phụ bị mất ngủ do thay đổi nội tiết và thói quen sinh hoạt thường có khả năng tự điều chỉnh giấc ngủ sau một thời gian thích nghi. Mỗi người sẽ có thời gian thích nghi khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố như: Nguyên nhân gây mất ngủ, lựa chọn phương pháp chữa mất ngủ, sự hỗ trợ từ người thân…
Tuy nhiên, một số trường hợp sản phụ không được chăm sóc và quan tâm đúng cách, bệnh mất ngủ có thể kéo dài, trở thành mất ngủ mạn tính, mất ngủ kinh niên rất khó để điều trị dứt điểm. Với những mẹ bị mất ngủ kết hợp các biểu hiện của bệnh trầm cảm như lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, tự ti… cần đi thăm khám bác sĩ kịp thời để được chia sẻ và tư vấn. Lúc này, chứng mất ngủ là một trong các dấu hiệu của bệnh trầm cảm, không thể tự khỏi và cần được điều trị trong thời gian dài.
Cách khắc phục tình trạng mất ngủ
Mất ngủ làm thay đổi thói quen sinh hoạt, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của phụ nữ. Nếu không được xử lý sớm, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái suy nhược, có khả năng mắc trầm cảm. Vì vậy khi có dấu hiệu mất ngủ, các mẹ cần tìm hiểu và khắc phục. Dưới đây là những chia sẻ chị em có thể dễ dàng thực hiện tại nhà.
- Sắp xếp thời gian phù hợp để nghỉ ngơi: Hãy tranh thủ thời gian ngủ của bé để nghỉ ngơi, hạn chế làm việc nhà ở thời gian này vì bé có thể tỉnh giấc bất cứ lúc nào. Các mẹ cần đi ngủ càng sớm càng tốt. Nếu vẫn khó vào giấc, hãy tắm nước ấm trước khi ngủ, đọc sách, sử dụng một ly nước ấm… cơ thể bạn sẽ cảm thấy thư giãn và dễ chịu hơn rất nhiều.
- Chia sẻ công việc cùng chồng: Mẹ bỉm cần trò chuyện thật nhiều, chia sẻ cùng chồng việc nhà, việc chăm sóc bé và thời gian nghỉ ngơi.
Cánh mày râu nên chia sẻ công việc cùng chị em phụ nữ
- Tạo lập nếp sinh hoạt cho bé: Nhiều trẻ mắc chứng” ngủ ngày cày đêm” và không có giờ giấc sinh hoạt ổn định. Các bé có thể dậy bất kỳ lúc nào khiến giấc ngủ của mẹ bị gián đoạn. Do đó, các mẹ cần thiết lập nếp sinh hoạt cho con, kết hợp bữa ăn và giấc ngủ hợp lý, khoa học giúp mẹ có thời gian hơn cho bản thân và gia đình
- Không sử dụng chất cafein: Nhiều mẹ có thói quen sử dụng cà phê, trà và các sản phẩm chứa caffein khác, tuy nhiên việc này có thể là nguyên nhân gây khó ngủ, giấc ngủ không ngon. Nếu như không thể bỏ hoàn toàn, hãy hạn chế sử dụng chúng.
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ: Hormone melatonin được cơ thể sản sinh ra với mục đích giúp cơ thể ngủ sâu và ngủ ngon hơn. Việc sử dụng điện thoại, laptop, tivi… gây ức chế sản sinh loại chất này, chính vì vậy cần hạn chế sử dụng các loại thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, thay vào đó hãy tập các bài tập nhẹ nhàng giúp cơ thể thư giãn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Cách điều trị mất ngủ sau sinh
Sau sinh bị mất ngủ là vấn đề thường gặp nên các mẹ không cần quá lo lắng. Hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp cải thiện tình trạng này, các mẹ cùng tham khảo nhé!
- Sử dụng các loại trà thảo dược: Trà hoa cúc và trà hoa oải hương được cho là có tác dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị mất ngủ. Sử dụng loại sản phẩm này giúp cơ thể ấm lên, giảm mệt mỏi và hạn chế trầm cảm. Tuy nhiên việc này chỉ mang lại hiệu quả tạm thời và không kéo dài quá 1 tháng.
- Bấm huyệt, châm cứu trị mất ngủ sau sinh: Liệu pháp không sử dụng thuốc này yêu cầu các mẹ kiên trì trong khoảng 2 tuần, mỗi ngày bấm huyệt 4 lần để đạt được hiệu quả.
- Bổ sung đầy đủ vitamin và chất khoáng: Từ khi mang thai và sau khi sinh, cơ thể mẹ cần được bổ sung đầy đủ các chất cần thiết như sắt, canxi, kẽm, magie… để cả mẹ và con đều khỏe mạnh, đặc biệt giúp ngăn ngừa rối loạn thần kinh, thúc đẩy giấc ngủ ngon và đánh bại các triệu chứng của trầm cảm.
- Sử dụng thuốc ngủ: Trong quá trình cho con bú, các mẹ vẫn có thể sử dụng một số loại thuốc ngủ được kê toa nhẹ nhàng và không gây nghiện như Nytol, Sominex… để hỗ trợ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Tuy nhiên cần lưu ý các loại thuốc này mang thành phần chính là diphenhydramine, lạm dụng quá mức có thể làm khô sữa mẹ.
Phụ nữ sau sinh cần bổ sung các chất khoáng
Hy vọng sau bài viết này, các chị em đã hiểu được lý do và biện pháp giúp hạn chế mất ngủ sau sinh. Tuy nhiên nhiều trường hợp dù đã áp dụng các phương pháp khắc phục tại nhà nhưng không mang lại hiệu quả tốt, các mẹ cần đến bệnh viện để được tư vấn cách chữa trị.
Nếu như cần tư vấn hoặc đăng ký khám, khách hàng có thể gọi điện thông qua hotline 19001806 hoặc đăng ký trực tiếp tại Bệnh viện đa khoa Phương Đông - Số 9 phố Viên - Cổ Nhuế 2 - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.