Tổng quan về phì đại thất trái
Phì đại thất trái (Left Ventricular Hypertrophy - LVH) là tình trạng mở rộng và dày lên của các mô cơ tạo nên thành của buồng tâm thất trái. Đây cũng chính là một trong 4 buồng chính của tim thực hiện nhiệm vụ bơm máu.
Bệnh phì đại thất trái là tình trạng nguy hiểm gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe
Phì đại tâm thất trái có thể phát triển để phản ứng với một số yếu tố. Chẳng hạn như tim làm việc quá sức hoặc huyết áp cao khiến cho tâm thất trái phải hoạt động nhiều hơn. Khi khối lượng công việc tăng lên, thành phát triển dày hơn, mất độ đàn hồi và cuối cùng không thể bơm đủ lực giống với một trái tim khỏe mạnh.
Đối tượng nào dễ mắc phì đại thất trái?
Phì đại thất trái phổ biến hơn ở những người bị cao huyết áp không kiểm soát được. Tuy nhiên, bất kể huyết áp của bạn là bao nhiêu thì phì đại tâm thất vẫn có thể xảy ra nguy cơ bị suy tim hay đột quỵ. Việc điều trị huyết áp cao có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh nhân. Đồng thời còn có thể đảo ngược chứng phì đại này.
Phì đại thất trái có điều trị dứt điểm được không?
Việc điều trị dứt điểm phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương và thời điểm phát hiện bệnh. Trong trường hợp phì đại thất trái do tăng huyết áp hoặc các bệnh lý có thể kiểm soát được, việc điều trị đúng cách bằng thuốc hạ huyết áp, thay đổi lối sống và kiểm soát các yếu tố nguy cơ (như béo phì, tiểu đường) có thể làm giảm mức độ phì đại và ngăn chặn tiến triển bệnh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc kiểm soát huyết áp hiệu quả có thể giảm đến 20-30% độ dày của cơ tim sau 6-12 tháng điều trị.
Tuy nhiên, đối với phì đại thất trái do các nguyên nhân di truyền như bệnh cơ tim phì đại, bệnh thường không thể điều trị dứt điểm. Thay vào đó, các phương pháp như dùng thuốc beta-blockers hoặc calcium channel blockers, đặt máy tạo nhịp hoặc thậm chí phẫu thuật giảm độ dày cơ tim có thể được áp dụng để cải thiện triệu chứng và chất lượng sống cho bệnh nhân. Một số trường hợp nặng cần cấy ghép tim để đảm bảo sự sống.
Tiên lượng của bệnh nhân phụ thuộc vào mức độ tuân thủ điều trị. Nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh mà không gặp biến chứng nghiêm trọng. Ngược lại, nếu không kiểm soát tốt, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy tim, loạn nhịp tim, hoặc đột tử do tim. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân không điều trị kịp thời có thể tăng đến 50% trong vòng 5 năm.
Dấu hiệu mắc bệnh phì đại thất trái
Người bệnh thấy khó thở khi gắng sức, về đêm khi nằm hay có đau thắt ngực
Phì đại tâm thất trái thường phát triển một cách tăng dần. Ở giai đoạn đầu, rất khó có thể nhận biết được các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh có những diễn biến phức tạp hơn, bệnh nhân có thể phải trải qua những triệu chứng như:
- Khó thở, hụt hơi;
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi;
- Đau ngực;
- Tim đập nhanh;
- Ngất xỉu hoặc chóng mặt;
- Các vấn đề liên quan tới phổi như viêm phổi, viêm phế quản có thể tái phát thường xuyên.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh phì đại thất trái
Những nguyên nhân phì đại thất trái có thể đến từ việc tim phải làm việc quá sức để bơm máu cho cơ thể. Cụ thể:
- Cao huyết áp: Đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên phì đại thất trái. Có hơn 30% người bệnh cho thấy bằng chứng phì đại thất trái tại thời điểm họ được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp.
- Hẹp van động mạch chủ: Đối với tình trạng này, van dẫn từ tâm thất trái đến động mạch chủ bị hẹp trở nên mở không đủ để lượng máu thích hợp đi vào mạch máu. Khi đó tim phải làm việc nhiều hơn để có thể đáp ứng bơm đủ máu đáp ứng nhu cầu của cơ thể khiến tâm thất trái bị dày lên.
- Cơ tim phì đại: Nguyên nhân này liên quan tới sự thay đổi gen. Tiền căn gia đình có bố hoặc mẹ bị bệnh cơ tim phì đại thì khả năng có đến 50% nguy cơ cũng mắc bệnh này.
- Vận động thể thao nặng: Việc tập luyện hay rèn luyện sức bền với cường độ cao trong thời gian dài cũng có thể gây ra những thay đổi khiến cơ tim phát triển lớn hơn gây kiểu hình phì đại thất trái “sinh lý”.
- Bệnh Amyloidosis: Bệnh xảy ra khi có một loại protein như amyloid tích tụ trong thận, khiến cho thận không hoạt động bình thường. Ngoài ra, các cơ quan bao gồm tim, lá lách, gan, hệ thần kinh, đường tiêu hoá cũng có nguy cơ mắc chứng amyloidosis.
Các yếu tố khiến nguy cơ tăng phì đại thất trái tăng lên bao gồm:
- Tuổi tác: Đặc biệt đối với nhóm người lớn tuổi, dễ bị cao huyết áp.
- Cân nặng: Nguy cơ thừa cân-béo phì cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, từ đó dẫn đến phì đại thất trái.
- Di truyền: Những thay đổi về cấu trúc gen di truyền trong gia đình có thể làm tăng nguy cơ phì đại thất trái.
- Loạn nhịp tim: Cụ thể như tim đập không đều, rối loạn nhịp nhanh/chậm có thể làm tổn thương cơ tim, gây ra các bệnh cơ tim do loạn nhịp.
Các biến chứng của phì đại thất trái
Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, phì đại thất trái có thể dẫn đến suy tim, tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nguy hiểm hơn là tử vong. Theo một nghiên cứu gần nhất năm 2021 đã được công bố cho biết với hơn 130.000 bệnh nhân bị phì đại thất trái là yếu tố tăng nguy cơ cao gây rối loạn nhịp tim và rung nhĩ.
Cách chẩn đoán phì đại tâm thất trái
Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng liên quan tới bệnh tim như khó thở, đánh trống ngực hay đau ngực, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra chức năng và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu có huyết áp cao, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm liên quan đến tim như một phần của quá trình quản lý tình trạng này.
Siêu âm tim cung cấp thông tin về các vấn đề trong tâm thất trái
Một số xét nghiệm sàng lọc phì đại thất trái bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG/ECK): Phì đại thất trái ecg giúp ghi tín hiệu điện tim, đưa ra kết quả để bác sĩ xác định được chức năng tim bất thường và sự tăng mô cơ tâm thất trái, được gọi là hình ảnh dày thất trái trên điện tâm đồ.
- Siêu âm tim: Xét nghiệm này sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của tim, cho phép bác sĩ xem tâm thất thư giãn và các van đóng mở trong nhịp tim. Đồng thời, siêu âm tim cũng có thể tiết lộ máu được bơm từ tim với mỗi nhịp và chuyển động thành tim. Theo Hiệp hội Siêu âm tim Mỹ và Hiệp hội Hình ảnh Tim mạch châu Âu, phì đại tâm thất trái được định nghĩa là chỉ số khối cơ thất trái ≥ 115g/m2 ở nam và ≥95g/m2 ở nữ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng kết quả thu được để chẩn đoán những bất thường ở tim bao gồm cả việc ước tính chính xác khối lượng cơ thất trái. Chụp MRI không gây hại cho cơ thể trong suốt quá trình quét nhờ không sử dụng bức xạ ion hoá gây hại của tia X. Máy cho ra nhiều hình ảnh và góc độ của một vùng duy nhất trên cơ thể mà không cần phải di chuyển trong quá trình quét.
Xem thêm:
Phương pháp điều trị phì đại thất trái
Quá trình điều trị phì đại thất trái phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, với mục tiêu chung giúp giảm phì đại thất trái, ngăn ngừa rối loạn chức năng thất trái, từ đó làm chậm tiến triển suy tim.
Sử dụng thuốc
Đối với người bệnh bị phì đại thất trái do huyết áp cao, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để kiểm soát tình trạng huyết áp, ngăn ngừa biến chứng. Một số loại thuốc hạ huyết áp thường được chỉ định bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu thiazid: Giúp cơ thể loại bỏ muối và nước, do đó làm giảm thể tích máu. Mặc dù được chỉ định đầu tiên, song đây không phải là thuốc duy nhất được lựa chọn trong các loại thuốc cao huyết áp.
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Giúp làm giãn mạch máu, giảm huyết áp, cải thiện lưu thông máu và giảm khối lượng công việc cho tim. Các loại thuốc ức chế men chuyển bao gồm Enalapril (Vasotec), Lisinopril (Prinivil, Zestril), Captopril (Capoten).
- Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ARB): Bao gồm losartan (COZAAR) và valsartan (Diovan). Đây có thể là một sự lựa chọn thay thế cho những người không thể chịu đựng ức chế ACE.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Giúp ngăn chặn canxi xâm nhập vào tế bào tim và thành mạch máu. Các thuốc này bao gồm Amlodipine (Norvasc), diltiazem (Cardizem, Dilacor XR), verapamil (Calan, Cover-HS, Verelan), nifedipine (Procardia).
Với bệnh nhân mắc bệnh cơ tim phì đại, thuốc chẹn beta và ức chế kênh canxi được sử dụng giúp làm giảm nhịp tim để kéo dài thời gian đổ đầy tâm trương.
Đối với những người tập luyện thể thao chuyên sâu thì quá trình điều trị phì đại thất trái sẽ đơn giản hơn nhiều, chỉ cần ngừng tập luyện trong khoảng 3-6 tháng để hồi phục.
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật
Đối với những bệnh nhân bị hẹp van động mạch nhẹ thường không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh trước khi bệnh trở nên nặng hơn, tim phải làm việc nhiều hơn dẫn đến phì đại cơ tâm thất trái. Phẫu thuật thay van động mạch chủ thường được được khuyến cáo ở những bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nặng có triệu chứng.
Phẫu thuật giúp giảm tắc nghẽn và triệu chứng của phì đại tâm thất trái
Trường hợp bệnh nhân chưa có triệu chứng rõ ràng, nhưng khi siêu âm thấy hẹp van động mạch chủ tiến triển nhanh kèm theo rối loạn chức năng tâm thất trái có thể được khuyến nghị thay van để cải thiện chức năng thất trái và giảm nguy cơ tử vong.
Phì đại thất trái do bệnh cơ tim phì đại có tắc nghẽn khi đã được điều trị nội khoa nhưng không có cải thiện có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật để mở rộng đường thoát thất trái.
Tại Bệnh viện Phương Đông là nơi hội tụ của những chuyên gia, y bác sĩ đầu ngành về tim mạch. Vì vậy, nếu quý khách hàng cần tìm kiếm địa chỉ thăm khám phì đại thất trái uy tín hoặc có thắc mắc cần được giải đáp, hãy liên hệ theo hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám tại website để được đội ngũ tư vấn hỗ trợ sớm nhất.
Biện pháp phòng ngừa phì đại thất trái
Phòng ngừa bệnh phì đại thất trái đòi hỏi sự kết hợp giữa kiểm soát các yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống lành mạnh.
- Kiểm soát huyết áp: Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), việc kiểm soát huyết áp trong ngưỡng lý tưởng dưới 120/80 mmHg giúp giảm nguy cơ phát triển LVH. Các nhóm thuốc hạ áp như ACE inhibitors, ARBs và chẹn beta đã được chứng minh có khả năng làm giảm LVH ở bệnh nhân tăng huyết áp.
- Quản lý bệnh lý tim mạch liên quan: Bệnh nhân mắc bệnh van tim, hẹp động mạch chủ hoặc bệnh cơ tim phì đại cần điều trị tích cực. Điều trị sớm giúp ngăn chặn gánh nặng áp lực lên thất trái, giảm nguy cơ phì đại thất.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng gánh nặng lên tim. Theo một nghiên cứu trên Journal of the American College of Cardiology (2020), việc giảm 5-10% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện đáng kể chức năng tim và giảm nguy cơ LVH.
- Tăng cường vận động thể chất: Tập luyện thể dục vừa phải, như đi bộ nhanh, đạp xe hoặc bơi lội 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, bệnh nhân có nguy cơ LVH nên tránh các bài tập cường độ cao hoặc luyện tập nặng gây áp lực lớn lên tim.
- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn Địa Trung Hải giàu rau xanh, trái cây, cá, dầu ô-liu, và hạn chế natri, đường và chất béo bão hòa giúp duy trì sức khỏe tim mạch. Hạn chế tiêu thụ muối dưới 5g/ngày có thể giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả, ngăn ngừa phì đại thất trái.
- Kiểm soát căng thẳng: Stress kéo dài có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, gây gánh nặng cho thất trái. Các kỹ thuật giảm stress như thiền, yoga hoặc hít thở sâu đã được chứng minh có lợi trong việc giảm nguy cơ LVH.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Theo dõi huyết áp, nhịp tim và các chỉ số tim mạch định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị các bất thường trước khi tiến triển thành LVH. Siêu âm tim là công cụ hữu ích để chẩn đoán và theo dõi tình trạng thất trái.
Phòng ngừa phì đại thất trái không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch mà còn giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim. Việc tuân thủ các biện pháp này cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Câu hỏi liên quan
Câu 1: Người bị phì đại thất trái có thể sống bao lâu?
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nếu phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều bệnh nhân phì đại thất trái có thể sống thêm từ 10-20 năm với chất lượng cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, thời gian sống có thể bị rút ngắn nếu bệnh không được kiểm soát tốt, đặc biệt khi phì đại thất trái dẫn đến các biến chứng như suy tim, rối loạn nhịp tim, hoặc đột tử do tim. Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc quản lý các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là tăng huyết áp để cải thiện tiên lượng bệnh.
Câu 2: Phì đại thất trái có dẫn đến suy tim không?
Câu trả lời: CÓ
Phì đại thất trái có khả năng tăng nguy cơ suy tim lên đến 3-5 lần (theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ) ở những bệnh nhân có bệnh lý nền như tăng huyết áp hoặc tiểu đường. Sự dày lên của thành cơ tim ban đầu là cơ chế bù trừ, giúp tim duy trì khả năng bơm máu. Tuy nhiên, theo thời gian, tình trạng này dẫn đến giảm đàn hồi cơ tim, làm suy giảm chức năng tâm trương và gây ứ đọng máu trong tâm nhĩ trái và tuần hoàn phổi. Hậu quả là tăng áp lực trong buồng tim và nguy cơ suy tim.
Các nghiên cứu lâm sàng đưa ra có khoảng 20- 30% bệnh nhân phì đại thất trái tiến triển đến suy tim trong vòng 5-10 năm nếu không được điều trị đúng cách. Các yếu tố thúc đẩy bao gồm kiểm soát kém huyết áp, bệnh lý mạch vành, hoặc các rối loạn chuyển hóa. Trong trường hợp được can thiệp sớm và đúng cách, bệnh nhân có thể duy trì chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ nhập viện do suy tim.
Kết luận
Phì đại thất trái không chỉ là một tình trạng nguy hiểm mà còn là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe tim mạch của bạn đang bị đe dọa. Với sự hiểu biết đúng đắn về nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ và phương pháp điều trị, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và cải thiện tình trạng này. Đừng để trái tim của bạn phải làm việc quá sức – hãy hành động ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe tim mạch và chất lượng cuộc sống của chính mình.