Rối loạn phát triển: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Phương Loan

04-10-2024

goole news
16

Rối loạn phát triển làm cản trở quá trình tiếp thu, duy trì, áp dụng các kỹ năng hoặc tập hợp nguồn thông tin cụ thể. Người bệnh thường gặp cản trở chức năng về trí nhớ, nhận thức, ngôn ngữ, mức độ chú ý, khả năng giải quyết vấn đề hoặc tương tác xã hội.

Rối loạn phát triển là gì?

Rối loạn phát triển (Developmental Disorder) là những khiếm khuyết xảy ra trong quá trình phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ hoặc hành vi của trẻ. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến hoạt động đời sống, thường kéo dài suốt cuộc đời người bệnh.

Những cơ quan, bộ phận có khả năng bị tác động như thị lực, tinh thần, học tập, trí tuệ và cảm xúc cá nhân. Theo Điều tra Phỏng vấn Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, có khoảng 1/6 trẻ gặp cản trở về phát triển, tỷ lệ cao hơn ở giới tính nam.

Rối loạn phát triển (DD) có thể ảnh hưởng đến người bệnh suốt cuộc đời

Rối loạn phát triển (DD) có thể ảnh hưởng đến người bệnh suốt cuộc đời

Một số loại rối loạn phát triển thường gặp như:

  • Rối loạn giao tiếp ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao tiếp của người bệnh, cần đặc biệt chú ý.
  • Rối loạn khuyết tật học tập phổ biến với các biểu hiện chậm tính toán, khó đọc, chậm hiểu ngôn ngữ.
  • Rối loạn phổ tự kỷ liên quan đến thần kinh, trẻ gặp cản trở khi tương tác với mọi người xung quanh, thường lặp đi lặp lại một vài hành vi.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý khiến trẻ khó tập trung, thường có hành vi bốc đồng, khó kiểm soát,...

Triệu chứng trẻ rối loạn phát triển

Rối loạn phát triển làm ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ nhỏ, kéo dài hoặc diễn tiến nặng hơn khi trưởng thành. Phát hiện sớm các triệu chứng giúp công tác điều trị kịp thời, cha mẹ nên chú ý:

  • Các kỹ năng xã hội bị thiếu hụt, rất khó kết giao với bạn bè cùng lứa tuổi.
  • Rất khó thực hiện các hoạt động cần tính kỹ lưỡng, chỉn chu. Ví dụ như thả một khối chữ nhật vào ô hình chữ nhật tương ứng.
  • Một hoặc nhiều giác quan gặp vấn đề bất thường.
  • Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ kém, khó nói hoặc hoàn thiện một câu hoàn chỉnh.
  • Trẻ dễ rơi vào trạng thái lo lắng, trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
  • Trẻ có sở thích đặc biệt với bộ môn hoặc đồ vật nào đó.
  • Một số trẻ bị ám ảnh với một vấn đề, thích nghiên cứu, tìm hiểu sâu, một vài trường hợp hiếm trở thành chuyên gia trong lĩnh vực.

Trẻ thường gặp khó khăn trong sắp xếp các khối hình

Trẻ thường gặp khó khăn trong sắp xếp các khối hình

Nguyên nhân gây chứng rối loạn phát triển

Hiện chưa có nguyên nhân chính xác gây chứng rối loạn phát triển ở trẻ. Một bộ phận cho rằng bệnh khởi phát từ chính môi trường sống và nuôi dạy. Bên khác khẳng định do bất thường não bộ, di truyền hoặc hệ thống hóa sinh.

Tuy nhiên có thể xác định những yếu tố nguy cơ gây bệnh trong bảng sau:

Yếu tố nguy cơ

Thời kỳ mang thai

- Khách quan: Khoảng cách giữa các lần mang thai quá gần, mang thai ở độ tuổi vị thành niên, bố mẹ cùng huyết thống, khi sinh trẻ bị thiếu oxy, mẹ tai biến sản khoa.

- Chủ quan: Giai đoạn mang thai mẹ không được chăm sóc kỹ lưỡng, thai phụ sử dụng rượu, thuốc lá, thai nhi tiếp xúc với thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại.

Thời thơ ấu

- Trẻ bị ảnh hưởng bởi vấn đề/bất thường tâm thần từ mẹ.

- Trẻ bị thiếu thốn tình cảm từ người thân.

- Trẻ không được cung cấp đủ dinh dưỡng cho quá trình phát triển.

Độ tuổi đi học

- Tiền sử gia đình, bố hoặc mẹ mắc bệnh lý về tâm thần.

- Cha mẹ không sát sao, đồng hành trong thời gian trẻ đi học, phát triển.

- Xảy ra xích mích với gia đình, trường học, bạn bè.

Tuổi dậy thì

- Cha mẹ áp dụng cách nuôi dạy trẻ không phù hợp.

- Quan hệ tình dục sớm.

- Trẻ bị lạm dụng về thể chất và tinh thần.

- Gặp các vấn đề với gia đình, bạn bè, thầy cô,...

Khác

Bệnh lý nền, chịu bạo lực thời gian dài, nhiễm độc tố, di truyền, suy dinh dưỡng, trải qua thảm họa thiên nhiên.

Phần lớn rối loạn phát triển xuất hiện từ sớm, trước khi trẻ được sinh ra. Một số ít khởi phát sau sinh do chấn thương, nhiễm trùng, môi trường,... Phụ huynh lưu ý, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, cần chú ý theo dõi và quan sát con trẻ.

Phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh thường bắt đầu với các bài đánh giá, các tiêu chí cơ bản gồm có:

  • Mức độ sử dụng ngôn ngữ.
  • Kỹ năng giao tiếp xã hội.
  • Khả năng tương tác với người khác.
  • Biểu hiện của khuôn mặt khi giao tiếp.
  • Chức năng vận động thông thường.
  • Thái độ của trẻ với những sự thay đổi xung quanh.

Các tiêu chí đánh giá chức năng thần kinh với đối tượng nghi ngờ mắc bệnh

Các tiêu chí đánh giá chức năng thần kinh với đối tượng nghi ngờ mắc bệnh

Bác sĩ, chuyên gia sẽ dựa vào kết quả khám lâm sàng ban đầu để chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể:

  • Chụp MRI phát hiện các dị dạng thần kinh, bất thường xuất hiện bên trong não bộ.
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể kiểm tra trẻ mắc hội chứng Down, hội chứng DiGeorge hay hội chứng mất nhiễm sắc thể 5p.
  • Xét nghiệm nghiên cứu DNA di truyền liên quan.

Phương pháp điều trị trẻ bị rối loạn phát triển

Y học hiện đại hứa hẹn mở ra cơ hội điều trị rối loạn phát triển, song vẫn cần nghiên cứu thêm trước khi ứng dụng lâm sàng. Những phương pháp hiện nay thường tập trung kiểm soát triệu chứng, hạn chế tình trạng diễn tiến vào độ tuổi trưởng thành.

Can thiệp y tế

Thông thường, bệnh nhân rối loạn phát triển được hướng dẫn sử dụng thuốc giảm nhẹ triệu chứng mất ngủ, khó ngủ, lo âu,... Tuy nhiên cần dùng theo đơn kê của bác sĩ, đúng giờ và đúng liều lượng.

Trong thời gian điều trị, phụ huynh cần đưa con tái khám định kỳ. Trường hợp nghi ngờ vấn đề bất thường, cần nhanh chóng cấp cứu y tế.

Điều trị hỗ trợ

Bên cạnh dùng thuốc, bệnh nhân mắc chứng rối loạn cũng cần được áp dụng liệu pháp hỗ trợ để kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn. Tùy mức độ ảnh hưởng, trẻ được khuyến nghị áp dụng phương pháp sau:

  • Phân tích hành vi ứng dụng (ABA) giúp trẻ hình thành thói quen tích cực, ngăn chặn hành động tiêu cực.
  • Thực hành chánh niệm giúp giải tỏa căng thẳng cho trẻ.
  • Đào tạo kỹ năng giúp trẻ xử lý sự cố, cải thiện kỹ năng xã hội, đời sống hoặc công việc.
  • Liệu pháp nghệ thuật ánh sáng là phương pháp sử dụng âm nhạc, hình thể, giúp trẻ thể hiện tốt bản thân.
  • Liệu pháp gia đình diễn ra nhằm giúp người thân hiểu rõ hơn bệnh lý, từ đó có hướng hỗ trợ người bệnh hiệu quả.
  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ, hành động tiêu cực.

Các liệu pháp điều trị hỗ trợ khuyết tật phát triển

Các liệu pháp điều trị hỗ trợ khuyết tật phát triển

Rối loạn phát triển thường diễn tiến âm thầm, biểu hiện không quá đặc trưng, gia đình khó phát hiện và điều trị kịp thời. Những tháng đầu đời của trẻ cần sự theo dõi sát sao từ phụ huynh, mọi dấu hiệu bất thường hoặc phản hồi chậm trễ/quá khích đều cần được can thiệp xử lý và hỗ trợ giảm nhẹ.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
168

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

GS.TS.BS Cao Cấp

LÊ VĂN THÍNH

Khoa Khám Bệnh

GS.TS.BS Cao Cấp

LÊ VĂN THÍNH

Khoa Khám Bệnh
19001806 Đặt lịch khám