Bệnh sỏi mật ở trẻ em được phát hiện và điều trị như thế nào?

Nguyễn Thu Hà

03-04-2021

goole news
16

Sỏi mật ở trẻ em để lại nhiều hệ lụy ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực.

Sỏi mật là sỏi hình thành trong mật. Đây là bệnh lý phổ biến ở người trưởng thành và tương đối hiếm gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy trong những năm gần đây bệnh sỏi mật ở trẻ em có xu hướng gia tăng, thường gặp nhất ở trẻ từ 10 - 15 tuổi. 

Sỏi mật ở trẻ em biến chứng nguy hiểm hơn so với người lớn vì vậy cần phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy làm thế nào để biết trẻ đang bị sỏi mật? 

Các loại sỏi mật ở trẻ em

sỏi mật ở trê em là như thế nàoHình ảnh hình thành sỏi túi mật

Sỏi là kết quả tích tụ của một số chất như chất béo, cholesterol, muối, protein hoặc cũng có thể là bilirubin. Gan tạo ra mật được dự trữ trong túi mật sau đó đổ vào ruột non hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Một khi sỏi mật hình thành sẽ cản trở sự lưu thông bình thường của mật gây tắc nghẽn khiến mật bị viêm và ảnh hưởng đến chu trình tiêu hóa. 

Các chuyên gia đã thống kê có 4 loại sỏi mật ở trẻ em thường thấy đó là: 

- Sỏi sắc tố đen: chiếm gần 50% sỏi mật ở trẻ em. Chúng được hình thành khi mật trở nên bão hòa với canxi bilirubin và thường được hình thành trong một số rối loạn máu

- Sỏi cholesterol: chiếm khoảng 25% ở trẻ em (tỷ lệ này ở người lớn là 75%)

- Sỏi canxi cacbonat: chiếm khoảng 25% sỏi mật ở trẻ em (hiếm gặp ở người lớn)

- Sỏi mật protein: khoảng 5% trẻ em bị.

Nguyên nhân hình thành sỏi mật ở trẻ em

sỏi mật ở trẻ em nguyên nhân là do đâu

Trẻ béo phì dễ mắc sỏi mật

Sỏi ở trẻ em chủ yếu là sỏi sắc tố, rất ít khi là sỏi cholesterol. Ở trẻ em, nguyên nhân hình thành sỏi mật không rõ ràng. Nhưng thông thường các bác sĩ cho rằng nó liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến yếu tố ảnh hưởng. Cụ thể là: 

- Trẻ mắc bệnh thiếu máu tán huyết bẩm sinh: Nếu trẻ bị căn bệnh này, lượng bilirubin tự do – sản phẩm tạo ra khi hồng cầu bị phá hủy tăng cao trong dịch mật kết tụ lại với nhau tạo thành sỏi bilirubin (sỏi sắc tố).

- Trẻ bị béo phì: Những trẻ bị thừa cân, béo phì có nguy cơ bị sỏi mật cao hơn những đứa trẻ khác. Béo phì làm tăng nồng độ cholesterol trong cơ thể, dẫn đến sự hình thành sỏi trong túi mật.

- Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng: Đặc biệt là giun đũa. Khi môi trường dịch tiêu hóa bị rối loạn hoặc giun đũa phát triển quá nhiều di chuyển lạc lên đường dẫn mật. Chúng ký sinh, đẻ trứng sau đó chết đi. Trứng và xác giun tạo điều kiện cho các thành phần sắc tố mật và canxi trong dịch mật bám vào, về lâu dài hình thành sỏi.

- Di truyền: Sỏi mật có thể là do di truyền. Nếu trong gia đình có người bị sỏi mật thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh này cao hơn.

- Trẻ phải dùng nhiều thuốc hoặc tiêm dinh dưỡng qua tĩnh mạch trong thời gian dài: Một số loại thuốc giảm cholesterol có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong túi mật, dẫn đến sự hình thành sỏi.

- Trẻ bị suy thận, nhịn ăn kéo dài và sụt cân mạnh

- Trẻ mắc bệnh Crohn

Triệu chứng sỏi túi mật ở trẻ em

triệu chứng bệnh sỏi mật ở trẻ em

Sỏi mật ở trẻ em gây ra triệu chứng đau bụng dữ dội

Theo số liệu thống kê, có đến 33-40% trẻ em mắc sỏi mật nhưng không có triệu chứng. Ở những bệnh nhân có triệu chứng thì xuất hiện một số dấu hiệu như:

Đối với trẻ nhỏ

Đôi khi sỏi mật không gây ra triệu chứng hoặc khó xác định triệu chứng do trẻ còn nhỏ. Phổ biến nhất là đau bụng đặc biệt sau bữa ăn khiến trẻ quằn quại oằn mình, gào khóc không rõ nguyên nhân. Có nhiều trường hợp trẻ buồn nôn và nôn có thể xảy ra khiến trẻ trớ sữa, thức ăn.

Nhưng tỷ lệ trẻ nhỏ mắc sỏi mật là hiếm nên cha mẹ không cần phải quá lo lắng. 

Đối với trẻ lớn hơn

Đối với những trẻ đã lớn, có thể tả lại cảm giác của bản thân thì những triệu chứng dưới đây giống với triệu chứng do sỏi túi mật gây nên:

- Trẻ bị đau bụng trên bên phía hoặc ở giữa bên trên 

- Cơn đau trải ra phía sau hoặc giữa xương bả vai

- Cơn đau như chuột rút, cơn đau ngừng rồi sau đó đau lại sau mỗi bữa ăn

- Sau khi ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ hay thức ăn béo trẻ thấy cơn đau mạnh mẽ hơn 

- Trẻ buồn nôn, nôn

- Trẻ sốt, ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi

- Vàng da, vàng mắt

Phương pháp chẩn đoán sỏi mật ở trẻ

sỏi mật ở trẻ em chẩn đoán

Chụp cộng hưởng từ mật tụy để chẩn đoán bệnh sỏi mật ở trẻ

Các chuyên gia y tế cho biết, để chẩn đoán sỏi mật ở trẻ, phương pháp phổ biến nhất đó là siêu âm. Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dựa vào sóng âm, giúp xác định kích thước và vị trí của viên sỏi cũng như tìm được các dấu hiệu của phản ứng viêm. 

Ngoải phương pháp siêu âm, sỏi mật và các rối loạn túi mật còn được chẩn đoán bằng các xét nghiệm sau: 

- Chụp X-quang vùng bụng

- Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP): Đây là kỹ thuật sử dụng từ trường mạnh và sóng radio để tạo ra hình ảnh gan, túi mật, ống dẫn mật và tuyến tụy. Từ đó phát hiện xem có sỏi mật trong ống dẫn xung quanh túi mật hay không. Đây là phương pháp chẩn đoán ít xâm lấn, thường được thực hiện khi nghi ngờ độ chính xác của kết quả siêu âm.

- Chụp Hida scan: Đây là phương pháp sử dụng chất phóng xạ để theo dõi dòng chảy của mật từ gan vào ruột non, qua đó đánh giá được những bất thường của túi mật và ống dẫn mật. 

- Quét Disida: Phương pháp có sử dụng thuốc cản quang để thực hiện xét nghiệm túi mật và hệ thống gan mật gồm ống dẫn nối túi mật với gan và ruột non. 

- Nội soi mật ngược dòng: Phương pháp này ít được thực hiện bởi trẻ thường sợ và quấy khóc. Nội soi mật ngược dòng cho phép chẩn đoán, đánh giá và đôi khi điều trị các vấn đề về gan, túi mật, ống mật và tuyến tụy. Phương pháp này kết hợp với X-quang và sử dụng máy nội soi và được công nhận mang đến hiệu quả cao trong chẩn đoán các bệnh lý sỏi ống mật, tắc nghẽn ống mật. 

Ngoài ra, các bé có thể cần tiến hành xét nghiệm máu để xem xét dấu hiệu của nhiễm trùng, tắc nghẽn, vàng da… và để loại trừ các nguyên nhân khác.

Điều trị sỏi mật ở trẻ em như thế nào?

sỏi mật ở trẻ em

Phẫu thuật cắt bỏ túi mật để điều trị sỏi 

Theo các chuyên gia khoa Tiết niệu, nếu sỏi mật ở trẻ em không gây triệu chứng và chưa xuất hiện biến chứng thì không cần thiết phải điều trị. Điều cha mẹ cần làm đó là điều chỉnh lại chế độ ăn, thay đổi lối sống cho trẻ bằng cách khuyến khích trẻ vận động nhiều, hạn chế ngồi lâu và đưa trẻ đi tái khám sức khỏe định kỳ. 

Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh của trẻ tái đi, tái lại nhiều lần hoặc các biến chứng đã trở nên nghiêm trọng, bác sĩ sẽ không chỉ định trẻ sử dụng thuốc làm tan sỏi bởi chúng để lại nhiều tác dụng không mong muốn. Thay vào đó, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ túi mật bằng một số phương pháp sau: 

Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn

Phẫu thuật nội soi là phương pháp giúp loại bỏ túi mật mà ít để lại sẹo, đau đớn, thời gian hồi phục nhanh. Đây còn được gọi là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ túi mật thông qua các vết mổ nhỏ ở bụng. Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự hình thành sỏi. 

Sau phẫu thuật nội soi, trẻ cần ở lại bệnh viện từ 1 - 2 ngày để theo dõi. Sau khi trở về nhà, các bác sĩ khuyến cáo trẻ cần hạn chế hoạt động trong vài ngày và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt. 

Phẫu thuật cắt bỏ túi mật mở bụng

Với những trường hợp sỏi mật ở trẻ em đã biến chứng, cần can thiệp ngay thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ túi mật mở bụng thay vì phẫu thuật nội soi. Quá trình phẫu thuật sẽ phức tạp hơn với một vết mổ lớn được cắt ở bên dưới xương sườn bên phải của bụng. Bác sĩ sẽ thông qua vết mổ này để cắt bỏ túi mật. 

Phương pháp này khiến trẻ hồi phục lâu hơn và thường áp dụng với trẻ em đã từng phẫu thuật hoặc tình trạng trẻ mắc sỏi túi mật tái đi, tái lại nhiều lần hay túi mật bị mất chức năng phẫu thuật nội soi. 

Sau khi phẫu thuật mở, trẻ ở lại bệnh viện trong 2 - 7 ngày để theo dõi và cần phải hạn chế hoạt động trong vài tuần để nhanh chóng phục hồi. Đồng thời, trẻ cần được giữ vết mổ sạch và khô ráo, tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng nhiễm trùng vết mổ. 

Tán sỏi bằng nội soi đường mật ngược dòng

Với trường hợp trẻ bị mắc sỏi mật nhẹ, chưa biến chứng, bác sĩ có thể chỉ cho trẻ được nội soi đường mật ngược dòng để tán sỏi ERCP. Đây là phương pháp giúp tránh cho trẻ phải thực hiện một ca phẫu thuật. Sau khi thực hiện thủ thuật từ 2 - 3 tuần, trẻ cần tái khám để đánh giá trạng thái phục hồi. 

Trẻ không có túi mật có sao không?

phẫu thuật sỏi mật ở trẻ em cần lưu ý gì

Sau khi phẫu thuật cần chú ý nếu trẻ có tình trạng sốt cao

Thông thường, việc cắt bỏ túi mật ít làm ảnh hưởng đến việc ăn uống và sinh hoạt bình thường của trẻ. Nếu trẻ không có túi mật, mật sẽ chỉ chảy từ gan trực tiếp vào ruột non. Trẻ vẫn có thể ăn uống bình thường và tiếp tục các hoạt động bình thường sau khi phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật, trẻ có thể gặp phải một số biến chứng như tiêu chảy hay khó tiêu. Đặc biệt sau khi ăn một bữa ăn nhiều chất béo, trẻ sẽ gặp hiện tượng đi phân lỏng. Do đó, trẻ sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật được khuyến cáo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh ít chất béo, gia vị như đường muối.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cẩn thận theo dõi sức khỏe của con sau hậu phẫu. Nếu thấy các dấu hiệu sau cha mẹ cần nhanh chóng đưa con nhập viện để kiểm tra:

- Trẻ sốt cao trên 39 độ

- Dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ

- Ăn ngủ kém, vàng da

Phòng ngừa sỏi mật ở trẻ em

phòng ngừa sỏi mật ở trẻ em

Tập thể dục thường xuyên với trẻ là biện pháp phòng ngừa sỏi mật

Sỏi mật ở trẻ em là bệnh lý không có triệu chứng rõ ràng nên trẻ em khó có thể tự mình quản lý tốt bệnh sỏi mà cần có sự hỗ trợ của cha mẹ. Có rất nhiều cách dễ dàng ngăn chặn sự hình thành sỏi mật ở trẻ mà cha mẹ có thể làm bằng cách tuân thủ một số thói quen đơn giản hàng ngày. Chẳng hạn như: 

- Ăn đúng bữa, đủ lượng, tuân thủ lịch trình bữa ăn. Đừng để trẻ bỏ bất kỳ bữa ăn nào bởi việc bỏ bữa thường xuyên có thể dẫn đến sự hình thành sỏi.

- Tránh cho trẻ nhịn ăn bởi điều đó khiến dịch mật trong cơ thể bị xáo trộn, làm tăng cơ hội hình thành sỏi mật.

- Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh. Lượng cholesterol luôn được kiểm soát trong mỗi bữa ăn. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhanh bởi sẽ làm tăng mức cholesterol và hình thành sỏi mật.

- Đối với trẻ béo phì hãy khuyến khích trẻ tập thể dục nhiều hơn. Hạn chế cho trẻ ngồi nhiều trước máy tính hoặc điện thoại. Một chế độ ăn cân bằng không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật mà còn hạn chế mắc phải nhiều bệnh nguy hiểm khác. 

- Giáo dục con trong cách vệ sinh cá nhân hàng ngày và trước hoặc sau khi ăn để hạn chế sự phát triển của các loại giun sán. Và đừng quên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

Trên đây là những chia sẻ về vấn đề sỏi mật ở trẻ em. Khi trẻ bị sỏi mật thì cha mẹ nên xây dựng chế độ ăn hạn chế chất béo (nhất là đối với những trẻ béo phì) nhưng khẩu phần ăn cần đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển của trẻ, đồng thời cho trẻ đi khám để bác sĩ có phương pháp điều trị kịp thời. Nếu trẻ có những biến chứng nhất là những biến chứng nặng như viêm phúc mạc mật, chảy máu đường mật... thì cần phải phẫu thuật cấp cứu. Nếu có bất cứ điều gì thắc mắc, hãy liên hệ ngay theo hotline 19001806 để được hỗ trợ. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

4,540

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám