Tăng sản tuyến tiền liệt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Phương Loan

11-07-2024

goole news
16

Tăng sản tuyến tiền liệt là một vấn đề sức khỏe phổ biến ở nam giới lớn tuổi, tỷ lệ tăng lên theo độ tuổi. Bệnh gây ra các triệu chứng khó chịu, điển hình như chặn dòng nước tiểu đào thải ra ngoài bàng quang, dẫn đến các vấn đề bất thường tại bàng quang, đường tiết niệu và thận.

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính là gì?

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, gọi tắt BPH, là sự phát triển quá mức của tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo, nhưng không ác tính. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, có khoảng 50% nam giới trong độ tuổi 60 - 70 mắc căn bệnh này, tăng lên 88% khi bước qua tuổi 80.

Tăng sản tiền liệt tuyến lành tính chủ yếu gặp ở người trên 60 tuổi

(Tăng sản tiền liệt tuyến lành tính chủ yếu gặp ở người trên 60 tuổi)

Bệnh có thể phát triển từ từ trong một thời gian dài mà không gây nên bất kỳ nguy hiểm nào, nhưng sẽ cản trở dòng nước tiểu từ bàng quang ra niệu đạo, dẫn đến rối loạn tiểu tiện. Các triệu chứng này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh, nên vẫn cần được điều trị.

Nguyên nhân tăng sản lành tính tuyến tiền liệt

Hiện nay, vẫn chưa công bố hay giải thích chính thức cụ thể nào về nguyên nhân gây tăng sản lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới. Tuy nhiên, một bộ phận chuyên gia nghiên cứu cho biết, sự thay đổi trong cân bằng hormone và sự tăng trưởng tế bào là yếu tố gây bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến phì đại tuyến tiền liệt

(Nguyên nhân dẫn đến phì đại tuyến tiền liệt)

Cùng với đó, di truyền cũng có thể góp phần hình thành nên bệnh tăng sản tuyến tiền liệt ở nam giới trung niên. Vậy nên, khi nhận thấy các triệu chứng bất thường tại bộ phận, vùng này, cần nhanh chóng thăm khám y tế để nhận chẩn đoán chính xác.

Triệu chứng bệnh tăng sản tuyến tiền liệt

BPH tác động nghiêm trọng đến đường tiểu dưới, khi tuyến tiền liệt phì đại tạo áp lực lên niệu đạo và ngăn dòng nước tiểu chảy khỏi bàng quang. Áp lực càng tăng, bàng quang càng dần co lại, kể cả khi không chứa đầy nước tiểu, dần dần mất khả năng thoát tiểu hoàn toàn.

Bảng dưới đây sẽ cung cấp thông tin triệu chứng, bạn có thể căn cứ để có hướng xử lý kịp thời:

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

Tiểu rắt

Đắt rắt hay đái tăng dần là hiện tượng đi tiểu liên tục, khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu < 2 giờ, mỗi lần chỉ tiểu một ít (dưới 150ml). Thời gian đầu đái tăng dần về đêm, do cường hệ thần kinh phó giao cảm, sau tăng dần cả ngày lẫn đêm.

Đái khó

Đái khó là hiện tượng khó đẩy nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Kèm với đó là tình trạng tia tiểu yếu, nhỏ, đôi khi không thành tia mà tiểu nhỏ giọt ngay dưới mũi chân.

Bí đái

Gồm hai dạng, bí đái cấp tính và bí đái mạn tính.

Đái còn sót nước tiểu

Tiểu tiện rất lâu nhưng không ra hết được nước tiểu, không có cảm giác thoải mái mà vẫn còn cảm giác buồn vệ sinh. Lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang khi này được gọi là nước tiểu tồn dư, lớn hơn 50ml.

Đái rỉ

Tức đái dầm dề, không giữ được nước tiểu, nước tiểu tự chảy qua miệng sáo. Xảy ra khi bàng quang bị căng giãn quá mức, đặc biệt khi tăng sản tuyến tiền liệt lành tính bước sang giai đoạn 3.

Đái buốt

Là cảm giác đau rát, khó chịu khi đi tiểu, tăng dần từ đau, nóng rát đến buốt như kim châm trong bàng quang, lan ra khi đi tiểu, khiến bệnh nhân sợ đi tiểu.

Hội chứng kích thích

Khởi phát từ tình trạng ứ đọng nước tiểu, đái rắt ban ngày, ban đêm liên tục, không kiểm soát được, đại nhỏ giọt tự động. Cần được xử lý sớm, phòng tránh viêm nhiễm.

Hội chứng bít tắc

Có biểu hiện như đái khó, tia đái nhỏ, đái chậm, chờ mãi mới đái được, tia đái đứt quãng, rặn đái hoặc đái thành nhiều lần.

Đái ra máu

Biểu hiện đặc biệt nhất của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, dễ xảy ra khi có nhiễm khuẩn nhưng khả năng điều trị cao.

Dù biểu hiện nặng hay nhẹ, nam giới đều cần đến bệnh viện thăm khám để được kiểm tra, chẩn đoán nguyên nhân chính xác. Từ đó nhận hướng dẫn điều trị phù hợp, tránh kéo dài khiến triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Như đã chia sẻ, tỷ lệ mắc BPH tăng theo độ tuổi ở nam giới. Ngoài yếu tố đó, một số tác nhân khác có thể tác động gây bệnh như:

  • Gia đình có tiền sử bệnh liên quan đến tuyến tiền liệt.
  • Mắc bệnh tiểu đường, tim, rối loạn cương dương.
  • Ít vận động.
  • Thừa cân, béo phì.

Béo phì, thừa cân là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

(Béo phì, thừa cân là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh)

Nếu nằm trong nhóm đối tượng nêu trên, nam giới nên chủ động phòng tránh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng. Ngoài ra, có thể thăm khám y tế để nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa, hướng cải thiện phù hợp với thể trạng.

Biến chứng tăng sản xuất tuyến tiền liệt là gì?

Tăng sản xuất tuyến tiền liệt nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Bí tiểu cấp tính là tình trạng hoàn toàn không thể bài xuất nước tiểu. Nam giới có thể phải đặt ống thông vào bàng quang để xả nước tiểu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu do bàng quang còn tồn đọng nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
  • Sỏi bàng quang thường phát triển khi tái nhiễm trùng đường tiết niệu, dẫn đến viêm bàng quang hoặc tắc lưu lượng nước tiểu.
  • Tổn thương bàng quang khiến các cơ bàng quang giãn ra, suy yếu theo thời gian.
  • Suy thận hình thành từ áp lực nước tiểu giữ lâu trong bàng quang, làm tổn thương thận vĩnh viễn, cần lọc máu suốt đời.

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không điều trị tốt có thể dẫn đến nhiều biến chứng

(Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không điều trị tốt có thể dẫn đến nhiều biến chứng)

Cho nên, BPH cần được điều trị để làm giảm các nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Trong đó, bí tiểu và tổn thương thận là mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên cần lưu ý, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không làm tăng sự phát triển của tế bào ung thư.

Phương pháp chẩn đoán

Để đưa ra kết luận nam giới mắc tăng sản tuyến tiền liệt hay không, bác sĩ cần xác định và thăm khám qua nhiều bước khác nhau. Nam giới có dấu hiệu nghi ngờ nên đến bệnh viện có chuyên khoa chuyên môn để thăm khám, kiểm tra và đánh giá chi tiết.

Khám lâm sàng

Đầu tiên, bác sĩ sẽ dựa vào thang điểm quốc tế IPSS để đánh giá mức độ khó tiểu của bệnh nhân. Theo đó:

  • Mức độ nhẹ: 1 - 7 điểm.
  • Mức độ trung bình: 8 - 19 điểm.
  • Mức độ nặng: 20 - 35 điểm.

Tuy nhiên, để đưa ra mức điểm phù hợp với tình trạng bệnh thì bác sĩ sẽ cần khám cơ quan sinh dục như dương vật, tinh hoàn, cầu bàng quang,... Tiếp đến khám trực tràng, là thao tác bắt buộc xác định người bệnh bị phì đại tuyến tiền liệt hay không, phân biệt với bệnh hậu môn như u trực tràng.

Khám cận lâm sàng

Từ chẩn đoán ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật cận lâm sàng phù hợp như:

  • Xét nghiệm thường quy: Công thức máu, chức năng gan, chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, cặn nước tiểu, cấy nước tiểu,...
  • Siêu âm: Siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm qua trực tràng để đo chính xác kích thước tuyến tiền liệt, thể tích, trọng lượng cũng như quan sát cơ quan lân cận.
  • Marker ung thư tuyến tiền liệu: Đặc hiệu và có giá trị trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. 
  • Chụp niệu đồ tĩnh mạch: Ít áp dụng do có ít giá trị chẩn đoán.
  • Soi bàng quang, niệu đạo: Phân biệt với các khối u không phải u phì đại lành tính

Chẩn đoán cận lâm sàng phát hiện, đánh giá BPH

(Chẩn đoán cận lâm sàng phát hiện, đánh giá BPH)

Dựa kết quả cận lâm sàng, bác sĩ sẽ có thêm cơ sở đến kết luận bất thường ở tuyến tiền liệt có phải tình trạng tăng sản xuất lành tính hay không. Qua đây, có đánh giá để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, kịp thời.

Điều trị tăng sản tuyến tiền liệt

Dù mỗi bệnh nhân đều có hướng điều trị khác nhau, tuy nhiên đều cần tuân theo nguyên tắc là được giải thích tình trạng trước khi điều trị. Đồng thời, để quá trình diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả mong muốn thì bệnh nhân cũng cần phối hợp, tuân thủ chỉ định lẫn hướng dẫn của bác sĩ.

Điều trị không dùng thuốc

Hướng điều trị không dùng thuốc thường được áp dụng với bệnh nhân thể nhẹ, chủ yếu điều chỉnh lối sinh hoạt cá nhân. Phái mạnh mắc bệnh sẽ được theo dõi bởi bác sĩ, tái khám định kỳ nhằm đánh giá lại mức độ rối loạn đường tiểu theo thang IPSS.

Một số thói quen cần được hình thành như:

  • Không uống nhiều nước vào buổi tối, đặc biệt trước khi đi ngủ.
  • Không dùng chất kích thích (cà phê, nước có gas, bia, rượu,...) vào buổi tối.
  • Hạn chế tối đa các nhóm thuốc lợi tiểu, chống trầm cảm,...
  • Tập thể thao với các bài tập tăng sức mạnh cơ sàn chậu.
  • Bổ sung rau xanh nhằm hạn chế tình trạng táo bón.
  • Tập phản xạ bàng quang.

Bổ sung rau xanh vào thực đơn bữa ăn hàng ngày

(Hình ảnh 6 - Bổ sung rau xanh vào thực đơn bữa ăn hàng ngày)

Ở giai đoạn này, bệnh có thể dễ dàng chữa trị dứt điểm mà không gây ra tác động khó chịu lớn đến sinh hoạt thường ngày. Vì vậy, bạn nên tập trung điều trị, tránh xao nhãng khiến bệnh diễn tiến xấu.

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa được chỉ định với bệnh nhân có mức độ bí tiểu trung bình, chấm theo thang điểm IPSS. Hoặc với bệnh nhân có khối u tuyến tiền liệt nhưng chưa cản trở nhiều đến bàng quang, lượng nước tiểu tồn dư sau bãi đái < 100ml.

Một số loại thuốc có thể sử dụng như:

  • Thuốc chẹn alpha-adrenergic: Dùng Doxazosin liều 2mg/24h hoặc Tamsulosin liều 0.4 - 0.8mg/24h. Thuốc này có tác dụng giãn cơ trơn cổ bàng quang, tuyến tiền liệt nhưng nguy cơ hạ huyết áp.
  • Thuốc tác động đến sự chuyển hóa androgen: Giúp ngăn cản sự phát triển của tuyến tiền liệt. Dùng liều 5mg/24h thuốc Finasteride, ức chế chuyển hóa testosterone thành dihydrotestosterone.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về hướng sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền. Không ít bài thuốc đã được nghiên cứu, chứng minh giúp kìm hãm hoặc giảm sự phát triển của khối u.

Điều trị ngoại khoa

Hướng can thiệp ngoại khoa thường được chỉ định với các trường hợp:

  • Khối u lớn hơn 50g, lượng nước tiểu tồn dư >100ml, người bệnh bí đái mức độ nặng.
  • Bí tiểu cấp điều trị nội khoa thất bại.
  • Khối u to dẫn đến tái nhiễm khuẩn nhiều lần.

Những trường hợp tăng sản tuyến tiền liệt cần can thiệp ngoại khoa

(Những trường hợp tăng sản tuyến tiền liệt cần can thiệp ngoại khoa)

Một số phương pháp phẫu thuật được áp dụng như nội soi niệu đạo ngược dòng cắt u, phẫu thuật qua đường trên, millin, hryntschak. Tùy điều kiện và mong muốn mà người bệnh sẽ được thực hiện kỹ thuật khác nhau, đảm bảo đạt hiệu quả tối đa.

Người bệnh hậu phẫu cần chăm sóc vết thương cẩn thận, chú ý hoạt động thường ngày, tránh khởi phát các biến chứng sau mổ như chảy máu, nhiễm khuẩn, hội chứng nội soi. Nếu phát hiện bất thường, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Biện pháp phòng tránh tăng sản tuyến tiền liệt

Không có biện pháp chính xác phòng tăng sản tuyến tiền liệt, nhưng nam giới có thể giảm nguy cơ bằng một số gợi ý sau:

  • Chế độ dinh dưỡng cân bằng, nhiều rau củ, trái cây, ít chất béo xấu.
  • Hạn chế đồ uống chứa cồn, chất kích thích.
  • Xây dựng lối sống năng động, đều đặn tập thể dục thể thao.
  • Duy trì cân nặng, tránh béo phì hay thừa cân.

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH) là tình trạng tuyến tiền liệt và các mô xung quanh mở rộng. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, nhận phác đồ phù hợp thì có thể dẫn đến bí tiểu cấp tính, nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi bàng quang, tổn thương bàng quang và suy thận.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
346

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

PGS.TS.BS Cao Cấp

NGUYỄN MAI HỒNG

Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp

PGS.TS.BS Cao Cấp

NGUYỄN MAI HỒNG

Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp
19001806 Đặt lịch khám