Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hay thậm chí là tử vong đột ngột. Khi lưu lượng máu tới cơ tim bị giảm sút, cơ tim sẽ thiếu oxy và dưỡng chất để hoạt động bình thường, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tim mạch. Trong bài viết này, hãy cùng nhau đi tìm hiểu chi tiết hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như những dấu hiệu cảnh báo và cách phòng ngừa bệnh?
Thiếu máu cơ tim cục bộ là gì?
Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ (còn gọi là bệnh động mạch vành hay bệnh mạch vành tim) là một bệnh lý xảy ra khi lưu lượng máu về tim bị giảm một cách nghiêm trọng, khiến chức năng của cơ tim bị gián đoạn do không nhận đủ oxy. Đây thường là kết quả của việc bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn của động mạch tim (động mạch vành) do hình thành cục máu đông hoặc xơ vữa động mạch hay có thắt mạch. Bệnh có thể dẫn đến những cơn đau tim (nhẹ nhàng thoáng qua hoặc kéo dài), kèm theo tình trạng rối loạn nhịp tim vô cùng nguy hiểm.
Thiếu máu cơ tim cục bộ là bệnh lý khiến chức năng của cơ tim bị gián đoạn do không nhận đủ oxy cần thiết
Thiếu máu cục bộ cơ tim tồn tại ở hai dạng: Cấp tính và mãn tính.
- Dạng cấp tính: Bệnh có tình trạng nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hoặc rối loạn nhịp tim nghiêm trọng do một trong những động mạch của tim bị tắc nghẽn đột ngột.
- Dạng mãn tính: Đây là tình trạng bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ tái đi tái lại nhiều lần. Trong chẩn đoán, bệnh còn được gọi với tên khác như bệnh động mạch vành ổn định hoặc các cơn đau thắt ngực ổn định.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019 cho biết, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5% trong đó: bệnh mạch máu não (55,4%), bệnh tim thiếu máu cục bộ (32%), bệnh tim do tăng huyết áp (6,9%) và các bệnh tim mạch khác.
Tại Việt Nam, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch ngày càng tăng, đặc biệt là có xu hướng trẻ hoá ở những đối tượng đang trong độ tuổi lao động.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu máu cơ tim cục bộ là ai?
Đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu máu cơ tim cục bộ thường là:
- Người bị cao huyết áp;
- Người có tiền sử mắc bệnh tim mạch (đặc biệt là bệnh mạch vành);
- Bệnh nhân bị thận;
- Bệnh nhân bị đái tháo đường, mỡ máu cao, thừa cân, béo phì;
- Bệnh nhân lạm dụng thuốc lá, rượu bia,...các chất kích thích có hại cho sức khỏe.
Thiếu máu cơ tim cục bộ thường xảy ra với những đối tượng sau 45 tuổi (đối với nam giới), sau 55 tuổi (đối với nữ giới).
Triệu chứng thiếu máu cục bộ cơ tim
Một số người mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ thường không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào (hay còn được mô tả là thiếu máu cơ tim thầm lặng).
Đau thắt ngực là biểu hiện phổ biến nhất của bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ
Khi bệnh tái phát, triệu chứng phổ biến nhất chính là đau thắt ngực ổn định và không ổn định. Cụ thể:
- Đau thắt ngực ổn định: Thường giảm ngay sau khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giảm đau phù hợp.
- Đau thắt ngực không ổn định: Có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả khi bạn đang ngủ. Mức độ đau đớn cao hơn so với người bị đau thắt ngực ổn định. Cơn đau sẽ không thuyên giảm kể cả khi bạn đã nghỉ ngơi và sử dụng thuốc.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như:
- Khó thở;
- Nhịp tim nhanh bất thường;
- Ngất xỉu;
- Chóng mặt;
- Đổ mồ hôi;
- Mệt mỏi;
- Đau vai hoặc cánh tay;
- Ho;
- Lo lắng;
- Đau ở ngực, lưng, hàm và các khu vực khác trên cơ thể;
- …
Lưu ý rằng không phải tất cả người bệnh đều có thể gặp các triệu chứng như trên cùng một lúc với mức độ như nhau. Trong thực tế, có một số phụ nữ có nói rằng họ cảm thấy các triệu chứng của bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim cũng giống như các triệu chứng của bệnh cúm, rất dễ nhầm lẫn.
Nguyên nhân thiếu máu cơ tim cục bộ
Thiếu máu cơ tim có thể xảy ra dần dần khi các động mạch bị thu hẹp và tắc nghẽn theo thời gian, làm giảm lưu lượng máu đến tim. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xuất hiện đột ngột nếu một động mạch bị tắc nghẽn hoàn toàn, khiến tim không nhận đủ máu ngay lập tức.
Nguyên nhân gây ra thiếu máu cơ tim cục bộ bao gồm:
- Bệnh động mạch vành: Xảy ra khi mảng bám và cholesterol tích tụ bên trong động mạch vành, làm hẹp các mạch máu cung cấp oxy cho tim. Sự tích tụ này cản trở lưu thông máu, gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ và có thể dẫn đến triệu chứng đau thắt ngực. Mảng bám xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây ra 70% các cơn đột quỵ dẫn đến tử vong.
- Cục máu đông: Khi các mảng bám phát triển trong động mạch vành hẹp của bạn vỡ ra, nó có thể gây ra cục máu đông, dẫn đến thiếu máu cục bộ nghiêm trọng.
- Co thắt động mạch vành: Là hiện tượng các cơ trong thành động mạch co lại tạm thời, gây giảm hoặc chặn dòng máu đến một phần của cơ tim trong thời gian ngắn. Hiện tượng này có thể làm giảm cung cấp oxy, gây đau ngực hoặc làm tổn thương tim nếu xảy ra thường xuyên.
- Nguyên nhân khác: Hút thuốc lá, kháng insulin, béo phì, tiểu đường, quan hệ mạnh bạo, nồng độ triglyceride cao, thiếu hoạt động thể chất, huyết áp cao, căng thẳng hay tình trạng viêm từ các căn bệnh như viêm khớp, lupus, nhiễm trùng, viêm không rõ nguyên nhân.
Phương pháp chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
Để có thể đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác về tình trạng người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, bác sĩ sẽ kết hợp giữa hai phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng. Cụ thể:
Chẩn đoán lâm sàng là bước đầu để bác sĩ có thể xác nhận được tình trạng sức khoẻ của người bệnh
Phương pháp chẩn đoán lâm sàng
- Kiểm tra huyết áp và nhịp tim của bệnh nhân;
- Bác sĩ sẽ trao đổi và tiến hành thu thập thông tin của người bệnh bao gồm: Các triệu chứng ban đầu, tiền sử gia đình và các bệnh lý nền là yếu tố tăng nguy cơ tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch.
Phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng
- Điện tâm đồ (ECG): Phương pháp này sử dụng các điện cực gắn vào da để ghi nhận các hoạt động của tim. Những thay đổi bất thường của tim thông qua hoạt động điện có thể là dấu hiệu tổn thương tim.
- Xét nghiệm sinh hoá máu: Xét nghiệm dùng để phân tích các chất hoá học có trong huyết tương của người bệnh bao gồm: chất điện giải, protein, chất béo,...Đồng thời, xét nghiệm còn giúp kiểm tra số lượng hồng cầu, tiểu cầu trong máu, chức năng của một số cơ quan. Xét nghiệm này thường đi song song với việc kiểm tra công thức máu toàn bộ.
- Thử nghiệm gắng sức: Kết quả của phương pháp này giúp bác sĩ phân tần được tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ của người bệnh. Từ đó sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Holter điện tim: Phương pháp này giúp theo dõi được nhịp tim của người bệnh trong vòng 1 đến 2 ngày, từ đây bác sĩ sẽ phát hiện được những thời điểm xuất hiện tình trạng thiếu máu, cũng như xác định được các vấn đề về tim mạch liên quan.
- Chụp CT mạch vành: Xác định hình ảnh và vị trí của mạch vành bị hẹp hoặc tắc.
- Chụp động mạch vành: Phương pháp này được xem là tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán cũng như điều trị cho bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ. Kết quả sẽ giúp bác sĩ đánh giá và cân nhắc xem bệnh nhân có cần can thiệp y khoa hay không.
Biến chứng nguy hiểm của thiếu máu cơ tim cục bộ
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ có thể để lại nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm. Dưới đây là một số biến chứng bạn cần biết:
- Nhồi máu cơ tim (Heart Attack): Thiếu máu cơ tim cục bộ khiến cơ tim không được cung cấp đủ oxy, dẫn đến tổn thương mô tim và có thể gây nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim nghiêm trọng sẽ khiến một phần cơ tim bị chết, gây suy giảm khả năng bơm máu và có thể dẫn đến tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
- Suy tim: Do cơ tim bị thiếu oxy kéo dài, các tế bào cơ tim bị tổn thương không thể phục hồi hoàn toàn, dẫn đến suy giảm chức năng bơm máu của tim. Suy tim khiến cơ thể không được cung cấp đủ oxy, gây ra mệt mỏi, khó thở và ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống.
- Loạn nhịp tim (Arrhythmia) là tình trạng tim đập bất thường, có thể xảy ra do mảng xơ vữa trong động mạch vành gây cản trở lưu thông máu. Những rối loạn này có thể từ nhẹ như ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như rung nhĩ, nhịp nhanh thất. Trong các trường hợp nguy hiểm, loạn nhịp tim có thể dẫn đến ngừng tim đột ngột, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
- Tổn thương van tim do biến đổi cấu trúc cơ tim: Do thiếu máu cơ tim kéo dài nên sẽ có những tác động đặc biệt đến hoạt động của van tim, đặc biệt là van hai lá, dẫn đến tình trạng hở van hai lá.
>>> Tham khảo:
Cách điều trị cho bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ
Tuỳ vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau. Trong đó, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp được ưu tiên, áp dụng hầu hết cho các trường hợp thiếu máu cục bộ cơ tim mạn tính hay đau thắt ngực ổn định.
Phương pháp điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là kết hợp sử dụng thuốc và thay đổi chế độ sinh hoạt sao cho phù hợp. Những nhóm thuốc được dùng trong trường hợp này bao gồm:
- Nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu, dự phòng huyết khối tim mạch: Aspirin, Flurbiprofen, Dipyridamole, Clopidogrel...Trong đó chỉ có Aspirin và Clopidogrel là được ứng dụng rộng rãi.
- Thuốc điều trị rối loạn Lipid máu, giúp hạn chế hình thành mảng xơ vữa trong lòng mạch: Simvastatin, Rosuvastatin, Atorvastatin,...
- Thuốc ức chế men chuyển, giúp kiểm soát huyết áp và nhịp tim: Lisinopril, Enalapril, Perindopril,...
- Thuốc chẹn thụ thể beta giao cảm: Propranolol, Bisoprolol, Metoprolol,...
- Thuốc thuốc nhóm chẹn kênh Calci: Amlodipin, Nifedipin, Felodipin,...
- Các dẫn suất nitrates: Isosorbide, Nitroglycerin,...
Lưu ý, tất cả các loại thuốc mà người bệnh dùng cần có sự chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng.
Phương pháp điều trị can thiệp
- Nong và đặt stent mạch vành: Bác sĩ sẽ tiến hành đưa một đoạn ống thông rất mỏng vào phần hẹp của động mạch. Sau đó sẽ tiếp tục luồn một quả bóng nhỏ và một sự dây vào khu vực hẹp, bơm căng chúng lên để mở rộng động mạch. Một lưới dây thép nhỏ (stent) sẽ được đưa vào nhằm giữ cho động mạch mở.
Nong stent mạch vành là một trong những phương pháp điều trị được bác sĩ ứng dụng
- Phương pháp mổ bắc cầu động mạch vành: Đây là một loại phẫu thuật tim hở. Bác sĩ sẽ sử dụng một đoạn mạch từ cơ quan khác trong cơ thể để tạo thành một cành ghép. Điều này sẽ giúp cho máu lưu thông dễ dàng hơn ở khu vực động mạch vành bị tắc nghẽn.
- Phương pháp điều trị cơ học hiện đại: Bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp này trong điều kiện người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ nghiêm trọng mà các cách điều trị trên không mang lại hiệu quả.
Thiếu máu cơ tim cục bộ sống được bao lâu?
Thời gian sống của người mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Mức độ tổn thương, thời điểm phát hiện bệnh, phương pháp điều trị và lối sống hàng ngày,...
Nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì vẫn có cơ hội kéo dài tuổi thọ đáng kể. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sống thêm cả chục năm nếu duy trì lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Ngược lại, ở những bệnh nhân có tình trạng bệnh diễn biến tệ hơn có thể sẽ phải đối mặt với các biến chứng nặng nề hay thậm chí có nguy cơ tử vong.
Biện pháp phòng ngừa bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
Xây dựng lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng của bệnh
Để có thể ngăn ngừa cũng như cải thiện được các triệu chứng của bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ thì người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Duy trì một lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi điều độ và đủ giấc;
- Không hút thuốc lá và các loại đồ uống có cồn như bia, rượu hay các chất kích thích có hại khác;
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể;
- Luôn luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, vui vẻ. Tránh căng thẳng, lo lâu dễ dẫn đến trầm cảm;
- Chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể nắm bắt được tình trạng sức khoẻ hiện tại cũng như có thể đưa ra các biện pháp điều trị kịp thời nếu bệnh có diễn biến xấu đi;
- Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng mỗi ngày. Một số bài tập khuyến khích cho người bệnh như thiền, yoga, đạp xe, đi bộ,...;
- Đặc biệt, cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Không tự ý ngưng hay sử dụng các loại thuốc khi chưa được bác sĩ chỉ định.
Liên hệ ngay hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được các bác sĩ tư vấn, thăm khám trực tiếp tại Bệnh viện Phương Đông.
Kết luận
Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tim mạch và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe tim mạch một cách hiệu quả. Hãy chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện lối sống lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của chính bạn và gia đình.