Thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp là hai dạng xuất hiện phổ biến của thoát vị bẹn, chúng tác động trực tiếp đến sức khỏe cũng như chất lượng đời sống của người bệnh. Bởi vậy, dù không ảnh hưởng đến tính mạng, nam giới hoặc nữ giới mắc bệnh đều cần được thăm khám và điều trị kịp thời.
Thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp là gì?
Trước khi tìm hiểu chi tiết thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp là gì, bạn cần nắm được khái niệm chung về thoát vị bẹn. Đây là tình trạng xảy ra ở một phần thành bụng dưới, do mô tạng bất kỳ rời khỏi vị trí của mình, đi qua các lỗ vùng bẹn để xuống bìu.
(Thoát vị bẹn là là tình trạng mô tạng bất kỳ rời khỏi vị trí ban đầu để xuống bìu)
Mọi đối tượng đều có thể mắc bệnh lý này, tuy nhiên chiếm tỷ lệ cao ở người cao tuổi, người thường xuyên lao động nặng nhọc, táo bón kéo dài. Dù thoát vị bẹn không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm, cần chủ động theo dõi và xử lý kịp thời.
Thoát vị bệnh gồm 2 dạng:
Thoát vị bẹn trực tiếp
Thoát vị bẹn trực tiếp là sự phình lên của mô, xảy ra trực tiếp qua thành ống bẹn hoặc hố bẹn trong. Loại thoát vị bẹn này tương đối phổ biến, thường xảy ra ở người lớn do sự kết hợp của nhiều yếu tố, gồm cơ bụng yếu và áp lực mạn tính lên thành cơ.
(Thoát vị bẹn trực tiếp là sự phình lên của mô qua thành ống bẹn hoặc hố bẹn trong)
Nếu thường xuyên phải làm việc quá sức, khuân vác nặng, ho kéo dài, táo bón lâu ngày,... tác động liên tục lên khối cơ thành bụng sẽ khiến chúng dần trở nên yếu đi. Tình trạng này làm mất khả năng giữ cơ quan nội tạng ở đúng vị trí, tạo điều kiện cho sự phình ra qua thành ống bẹn.
Thoát vị bẹn gián tiếp
Thoát vị bẹn gián tiếp là một dạng thoát vị bẩm sinh, xảy ra khi một tạng trong ổ bụng đi qua ống phúc tinh mạc di chuyển xuống bìu. Tình trạng này gặp phổ biến ở nam giới, là kết quả của dị tật bẩm sinh tạo điều kiện cho mô từ khoang bụng bám vào ống bẹn qua đỉnh.
(Thoát vị bẹn gián tiếp là một dạng thoát vị bẩm sinh)
Dị tật này thường xuất phát từ giai đoạn phôi thai, không liên quan đến các yếu tố cơ bụng yếu hay áp lực bụng lớn. Đây cũng là một điểm phân biệt với thoát vị bẹn trực tiếp, xảy ra chủ yếu do cơ thành bụng suy yếu.
Phân biệt thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp
Thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp có thể phân biệt dựa trên 4 yếu tố, gồm hướng xuất hiện, vị trí và phương pháp chẩn đoán. Trong phần này, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ chia sẻ chi tiết nội dung từng đặc điểm nhận biết, từ đó có góc nhìn tổng quan hơn.
Hướng xuất hiện
Khối thoát vị bẹn trực tiếp nằm ở tam giác bẹn (hố bẹn trung gian), đi từ phía sau lưng lên trước bụng. Còn khối thoát vị gián tiếp di chuyển chéo, hướng từ trên xuống dưới hoặc từ ngoài vào trong theo nếp bẹn.
Vị trí khối thoát vị
Thoát vị trực tiếp nằm đối xứng nhau cạnh xương mu, có dạng khối tròn, ít khi di chuyển xuống bìu qua lỗ bẹn nông. Với trường hợp gián tiếp, khối thoát vị nằm sát gốc dương vật, gần nếp gấp vùng bụng dưới, có hình elip đã đi qua lỗ bẹn nông xuống bìu, nhưng chỉ xuất hiện khi bệnh nhân ho mạnh.
(Sự khác nhau giữa vị trí thoát bẹn trực tiếp và gián tiếp)
Phương pháp nhận biết
Với phương pháp chạm ngón tay, bạn có thể chạm khối thoát vị trực tiếp vào lòng bàn tay khi ho mạnh. Đổi lại, thoát vị gián tiếp chạy dọc ống bẹn rồi chạm vào đầu ngón tay khi ho hoặc rặn.
Ngoài ra có thể kiểm tra với cách chẹn lỗ bẹn sâu, dùng tay chèn vào lỗ bẹn sâu, đồng thời ho hoặc rặn. Khi này sẽ có hai trường hợp xảy ra, tương ứng với hai dạng:
- Khối thoát vị không di chuyển là thoát vị gián tiếp.
- Khối thoát vị vẫn có thể trồi ra là thoát vị trực tiếp.
Song, nếu không thể tự phân biệt dựa trên các triệu chứng trên thì bệnh nhân cần đến cơ sở y tế chuyên môn để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá tình trạng, từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp và kịp thời.
Thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp có nguy hiểm không?
Thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp không phải bệnh lý nguy hiểm, nhưng vẫn cần điều trị kịp thời để tránh các tác động xấu đến sức khỏe. Một số biến chứng phổ biến có thể kể đến:
- Thoát vị bẹn nghẹt: Là biến chứng thường gặp nhất, là tình trạng ruột hay mạc nối lớn bị mắc kẹt trong túi thoát vị.
- Nguy cơ vô sinh cao: Thoát vị bẹn làm gia tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh, nếu không xử lý kịp thời có thể gây hoại tử tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
- Sức khỏe thai nhi bị ảnh hưởng: Phụ nữ mang thai bị thoát vị bẹn có thể làm tăng áp lực ổ bụng, dẫn đến các vấn đề tiềm ẩn liên quan đến sự phát triển của thai nhi.
(Nguy cơ tiềm ẩn của thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp)
Nam nữ giới khi nhận thấy các biểu hiện bất thường liên quan đến thoát vị bẹn, cần nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để được thăm khám. Bạn không nên tự ý dùng thuốc hoặc áp dụng các biện pháp trị liệu tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Điều trị bệnh thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp
Hướng điều trị thoát vị bẹn tận gốc, triệt để là phẫu thuật - mổ thoát vị bẹn, bác sĩ sẽ tìm ra, đóng lỗ thoát vị bằng cách cắt và tái tạo lại thành bụng bằng mô tự thân, tấm lưới nhân tạo. Hiện nay có hai kỹ thuật mổ:
- Mổ mở: Gây tê tại vùng bụng, hoặc cột sống, hoặc gây mê toàn thân. Tiến hành rạch một đường ở vùng bẹn để đưa khối thoát vị về vị trí ban đầu, khâu cố định các khối cơ.
- Mổ nội soi: Gây mê toàn thân cho người bệnh, bác sĩ sẽ đưa thiết bị vào vùng bụng dưới qua các vết rạch nhỏ, chèn thiết bị và thực hiện thủ thuật.
(Phẫu thuật là phương pháp điều trị thoát vị gián tiếp và trực tiếp hiệu quả)
So với phẫu thuật mở truyền thống, mổ nội soi được đánh giá tiện lợi, nhanh chóng và giảm cảm giác đau đớn hơn cho người bệnh. Không những vậy, hướng mổ nội soi đảm bảo thẩm mỹ vùng sinh dục, giảm thiểu những cản trở tâm lý.
Biện pháp phòng ngừa
Nhìn chung, thoát vị bẹn trực tiếp hay gián tiếp đều ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe người bệnh, có thể diễn tiến lên một số bệnh nguy hiểm. Vì vậy, bạn có thể chủ động phòng tránh bằng một số cách sau:
- Tập thể dục thể thao mỗi ngày, tăng cường sức khỏe cơ.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, giàu dưỡng chất tốt.
- Uống đủ nước mỗi ngày, bổ sung chất xơ phòng ngừa táo bón.
- Nói không với thuốc lá.
- Hạn chế công việc khuân vác nặng nhọc, đứng lâu.
- Định kỳ khám sức khỏe 6 - 12 tháng/lần.
(Thăm khám định kỳ để phòng ngừa bệnh thoát vị bẹn)
Kết lại, thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp là một cách phân loại thoát vị bẹn dễ hiểu và đơn giản. Người bệnh, bác sĩ có thể dựa vào hướng xuất hiện, vị trí và biểu hiện lâm sàng để xác định dạng trực tiếp và gián tiếp, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.