Trẻ sơ sinh hay vặn mình là hiện tượng gì, có nguy hiểm không? 

Nguyễn Mai Phương

28-01-2021

goole news
16

Vặn mình là biểu hiện thường thấy ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này có thể khởi phát do các nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý? Vậy trẻ sơ sinh hay vặn mình là hiện tượng gì, có nguy hiểm không và khắc phục thế nào? Hãy cùng tìm lời giải đáp cho vấn đề này trong bài viết sau ngay sau đây của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

Hiện tượng vặn mình ở trẻ sơ sinh

Vặn mình, gồng rướn người khi thức hoặc khi ngủ có ở hầu hết trẻ sơ sinh từ vài tuần tuổi tới 2 tháng. Hiện tượng này chỉ xảy ra trong khoảng vài phút và sẽ hết ngay. Theo các bác sĩ, đây là biểu hiện sinh lý hết sức bình thường, là cách để trẻ giãn cơ,  khớp khi nằm một chỗ quá lâu và thường kết thúc khi bé 3-4 tháng tuổi.

Hiện tượng vặn mình ở trẻ sơ sinh đa phần là dấu hiệu sinh lý bình thường
Hiện tượng vặn mình ở trẻ sơ sinh đa phần là dấu hiệu sinh lý bình thường

Vặn mình ở trẻ sơ sinh có 2 loại: vặn mình do sinh lý và vặn mình do bệnh lý. Bởi vậy, khi trẻ sơ sinh hay vặn mình, cha mẹ cần theo dõi để xác định đó là dấu hiệu sinh lý bình thường hay là biểu hiện của bệnh lý để từ đó có hướng xử trí kịp thời, đúng cách.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình

Như đã đề cập ở trên, trẻ sơ sinh vặn mình thường xuyên có thế khởi phát do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý.

Trẻ vặn mình do sinh lý

Trẻ ngủ hay vặn mình chủ yếu là do ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường xung quanh hoặc do bé đói. Bởi vậy phụ huynh cần cần ưu tiên kiểm tra những điều này trước khi xem xét đến các lý do khác.

Một số tác động từ môi trường xung quanh khiến trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình:

  • Tã bị ướt: Trung bình, trẻ dưới 1 tuổi sẽ đi tiểu từ 16 đến 20 lần/ngày. Với những trẻ trên 1 tuổi thì con số này giảm còn hơn 12 lần/ngày. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc số lượng nước hay sữa đưa vào cơ thể trẻ, nhiệt độ môi trường và cả sự tăng, giảm vận động, đổ mồ hôi nhiều hay ít…. Nhìn chung những trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, bố mẹ mới có thể hướng dẫn bé đi tiểu đúng giờ hơn. Chính việc tè dầm hay đại tiện cũng làm ẩm ướt tã cũng là nguyên nhân khiến trẻ hay vặn mình do khó chịu.
  • Mẹ quấn khăn chặt cho bé: Trẻ sơ sinh thường có những vận động tay chân vô thức. Trong trường hợp quấn khăn quá chật, bé sẽ khó chịu và thường xuyên có phản ứng như vặn mình, gồng mình.
  • Yếu tố môi trường không thuận lợi: Tiếng ồn, hay ánh sáng quá chói, những âm thanh ồn ào, thời tiết nóng quá hay lạnh quá… cũng có thể làm trẻ sơ sinh khó chịu và thường xuyên vặn mình.

Tã bị ướt khiến trẻ khó chịu, thường xuyên vặn mình
Tã bị ướt khiến trẻ khó chịu, thường xuyên vặn mình

Ngoài ra, trẻ hay vặn mình cũng có thể khởi phát do bé đang có nhu cầu ăn, rặn ị hoặc đại tiện. Cụ thể:

  • Do trẻ đói: Dạ dày của trẻ sơ sinh thường rất nhỏ, nên mỗi lần bú, bé chỉ bú được một lượng sữa ít. Điều này đồng nghĩa với việc bé sẽ đòi bú liên tục, do đó mẹ cần để ý để cho bé bú thường xuyên hơn. Thông thường từ 2-3 giờ trẻ sơ sinh cần được bú một lần, vì thời gian sữa mẹ ở dạ dày của bé là khoảng 2 - 2h30 còn sữa công thức là 3 - 4 giờ. Tuy nhiên, nhu cầu bú của em bé có thể thay đổi bất chợt và cũng có khi bé đòi bú bất cứ lúc nào cần. Khi đói trẻ sẽ bắt đầu cựa quậy, vặn mình, uốn người…. Trong trường hợp vẫn chưa được mẹ đáp ứng nhu cầu bé sẽ rên rỉ, khóc. Như vậy, khi thấy trẻ sơ sinh hay vặn mình, bạn nên kiểm tra xem bé có đang đói hay không nhé!
  • Bé muốn rặn tiểu hay đại tiện: Khi đi tiểu hay đại tiện, trẻ sơ sinh cũng thường có biểu hiện vặn mình, gồng mình. Đi kèm với đó là hiện tượng đỏ mặt, như bé đang muốn dùng sức rặn ị, tè. Nguyên nhân là do ở trẻ sơ sinh, phản xạ rặn để điều chỉnh cơ vòng hậu môn và cơ vòng bàng quang chưa thể phát triển hoàn thiện như người trường thành.

Thông thường nếu trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là do nguyên nhân sinh lý thì ba mẹ không cần lo lắng. Bởi đây là biểu hiện bình thường của trẻ. Hiện tượng này sẽ kéo dài trong vòng vài phút hoặc lâu hơn một chút rồi tự hết. Nếu như mẹ không phát hiện ra nhu cầu của bé, bé sẽ chuyển sang trạng thái khóc.

Trẻ hay vặn mình do bệnh lý

Trẻ sơ sinh vặn mình nhiều, thường xuyên và kéo dài rất có thể là bé đang bị ốm hoặc mắc một bệnh lý nào đó. Cụ thể:

  • Hạ canxi máu: Hạ canxi máu là bệnh lý có triệu chứng tăng kích thích thần kinh cơ khiến trẻ dễ bị kích động, ngủ không yên giấc, hay giật mình, vặn mình, gồng mình khi ngủ. Ngoài ra, trẻ còn có thêm các biểu hiện khác chẳng hạn như đổ mồ hôi trộm, rụng tóc, hay nôn ói, hay nấc, hay quấy khóc và chậm lên cân... Bệnh lý này nếu phát hiện muộn, trẻ có nguy cơ cao bị còi xương.
  • Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản: Cơ thắt dưới thực quản của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh, nên dễ gây hiện tượng trào ngược thức ăn từ dạ dày lên thực quản. Biểu hiện đặc trưng của bệnh lý này chính là trẻ hay trớ sữa, nôn...Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ thường xuyên vặn mình. 
  • Các bệnh lý khác: Trẻ sơ sinh vặn mình khi ngủ cũng có thể do bé đang bị các bệnh ngoài da gây ra ngứa ngáy hay côn trùng chui vào tai làm trẻ khó chịu.

Trẻ sơ sinh vặn mình nhiều cũng có thể do bé đang mắc một bệnh lý nào đó
Trẻ sơ sinh vặn mình nhiều cũng có thể do bé đang mắc một bệnh lý nào đó

Trẻ sơ sinh hay vặn mình có nguy hiểm không?

Trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình, rướn người, thậm chí giật mình trong những tháng đầu đời được xem là một hiện tượng sinh lý bình thường. Tình trạng này thường chỉ xảy ra trong vài giây rồi sau đó hết ngay lập tức. Do đó các bậc phụ huynh cũng không nên lo lắng quá nhiều.

Tuy nhiên, nếu hiện tượng vặn mình, giật mình diễn ra khá thường xuyên ở trẻ sơ sinh thì bạn cần tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này sớm nhất cho trẻ. Bởi tình trạng này không chỉ ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ mà còn khiến tốc độ tăng trưởng về thể chất của bé giảm thiểu đáng kể.

Cần làm gì khi bé sơ sinh vặn mình quá nhiều?

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trẻ sơ sinh hay vặn mình, các bậc phụ huynh cần đưa ra những phương pháp khắc phục sao cho phù hợp. Sau đây là một số mẹo chữa vặn mình ở trẻ sơ sinh mà Bệnh viện Đa khoa Phương Đông muốn gửi tới bạn:

Đảm bảo bỉm tã của bé luôn sạch sẽ, thoải mái

Tả ẩm ướt khiến bé khó chịu được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng vặn mình thường xuyên ở trẻ sơ sinh. Bởi vậy cha mẹ hãy đảm bảo bỉm, tã của bé luôn sạch sẽ, khô thoáng, nhất là khi ngủ.

Các bác sĩ luôn khuyên phụ huynh nên chọn tã, bỉm có khả năng thấm hút tốt và vừa vặn với mông bé. Bên cạnh đó, bé cũng cần mặc quần áo rộng rãi, đủ ấm để tạo cảm giác thoải mái giúp bé ngủ ngon, sâu giấc hơn.

Xoa dịu để bé dễ chịu không vặn mình

Hát ru, xoa dịu, âu yếm, trò chuyện bé sẽ là cách hiệu quả giúp trẻ chấm dứt tình trạng vặn mình, giật mình. Bởi đây là những hành động mang lại cho bé sự an toàn, khiến bé cảm thấy bản thân đang được che chở. Bên cạnh đó, động tác âu yếm, xoa dịu cũng giúp cơ thể trở nên thư giãn hơn. 

Nếu trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ, bạn hãy vỗ về để bé cảm thấy yên tâm hơn
Nếu trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ, bạn hãy vỗ về để bé cảm thấy yên tâm hơn

Thường xuyên tắm nắng cho trẻ

Việc tắm nắng không chỉ giúp tinh thần bé vui vẻ, phấn chấn hơn mà còn có thể bổ sung lượng vitamin D cần thiết cho trẻ và ngăn ngừa các bệnh về da hiệu quả. Từ đó, khả năng hấp thụ canxi giúp xương chắc khỏe của bé cũng tốt hơn.

Các chuyên gia, bác sĩ luôn khuyên phụ huynh cho bé sơ sinh tắm nắng thường xuyên 20-30 phút mỗi buổi sáng vào khung giờ 6 - 7h sáng vào mùa vè. Còn vào mùa thu, thời điểm thích hợp để bé tắm nắng là trước 9h sáng. Vào mùa đông, tùy vào điều kiện thời tiết, khí hậu mà bạn nên cân nhắc có cho bé tắm nắng hay không.

Mẹ cho con bú cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng

Để trẻ sơ sinh có một giấc ngủ ngon, ít vặn mình cha mẹ nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, đặc biệt là canxi. Đối với bé sơ sinh đang bú sữa mẹ hoàn toàn, người mẹ cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống của mình. Đây là cách tốt nhất để bé hấp thụ được đầy đủ dưỡng chất cần thiết thông qua sữa mẹ..

Tuyệt đối không tùy ý sử dụng mẹo lạ để chữa vặn mình cho bé

Hiện nay, có rất nhiều mẹo dân gian chữa vặn mình cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên đa số đều chưa được kiểm chứng về hiệu quả cũng như mức độ an toàn. Do vậy phụ huynh tuyệt đối không dùng các mẹo này cho bé.

Cha mẹ tuyệt đối không nên áp dụng các mẹo dân gian chữa vặn mình cho trẻ sơ sinhCha mẹ tuyệt đối không nên áp dụng các mẹo dân gian chữa vặn mình cho trẻ sơ sinh

Đảm bảo nhiệt độ phòng của bé

Nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh cũng sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ, gây ra hiện tượng vặn mình, ngủ không tròn giấc, không sâu, hay quấy khóc. Do vậy bạn hãy điều chỉnh phòng ngủ của bé sao cho có nhiệt độ phù hợp, nhất là khi thời tiết thay đổi bất thường.

Kiểm tra da của bé

Cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra da của trẻ xem có bị viêm, loét, mẩn đỏ hay không, trẻ có bị nóng hay sốt không. Nếu có, hãy tìm biện pháp khắc phục ngay để giúp bé thoải mái, dễ chịu hơn.

Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh đi khám bác sĩ?

Khi trẻ có một trong những biểu hiện sau cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị hiệu quả:

  • Bé bị hạ canxi máu với biểu hiện ngủ không yên giấc, hay giật mình, gồng mình kèm theo rụng tóc, nôn mửa, ra mồ hôi trộm, nấc, quấy khóc, chậm lên cân...
  • Trẻ sơ sinh thường xuyên vặn mình khó ngủ, sút cân và quấy khóc kéo dài.
  • Nếu trẻ hay vặn mình và giật mình lúc tỉnh giấc kèm theo khó thở, có thể là biểu hiện của chứng ngưng thở tắc nghẽn mãn tính. Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ ngủ sâu hoặc trong trạng thái buồn ngủ.
  • Trẻ hay vặn mình do có liên quan đến vấn đề về thần kinh bao gồm: rối loạn thần kinh bẩm sinh, tổn thương dây thần kinh do chấn thương, va chạm,....

Trẻ sơ sinh thường xuyên vặn mình khó ngủ, sút cân và quấy khóc kéo dài cần được thăm khám bác sĩ ngay
Trẻ sơ sinh thường xuyên vặn mình khó ngủ, sút cân và quấy khóc kéo dài cần được thăm khám bác sĩ ngay

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là địa chỉ uy tín trong thăm khám các bệnh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được đông đảo các vị phụ huynh có con nhỏ tin tưởng lựa chọn. Hệ thống trang thiết bị hiện đại, không gian khang trang, đầy đủ tiện nghi cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ giúp cho việc khám chữa bệnh cho bé không còn là nỗi lo ngại của các bậc cha mẹ.

Để được tư vấn chi tiết hoặc đặt lịch khám cho trẻ sơ sinh hay vặn mình với bác sĩ chuyên khoa Nhi giàu kinh nghiệm, ba mẹ vui lòng liên hệ 19001806 hoặc đăng ký TẠI ĐÂY.

Vừa rồi là những thông tin chi tiết về hiện tượng trẻ sơ sinh hay vặn mình. Dù tình trạng này khởi phát do nguyên nhân nào thì phụ huynh cũng cần tìm cách khắc phục sớm nhất cho bé để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ, sự phát triển cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

4,354

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám