Tìm hiểu về hệ tuần hoàn thai nhi và những yếu tố gây ảnh hưởng

Bích Ngọc

25-07-2024

goole news
16

Tuần hoàn thai nhi là hệ thống rất quan trọng đối với sự phát triển bé trong suốt thai kỳ. Hệ thống tuần hoàn có nhiệm vụ quan trọng trong việc vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến bào thai. Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu chi tiết về vòng hệ tuần hoàn thai nhi qua bài viết dưới dây. 

Tuần hoàn thai nhi là gì?

Tuần hoàn thai nhi là hệ thống tuần hoàn phát triển trong quá trình mang thai, chúng có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai. Hệ thống này kết nối giữ mẹ và thai nhi qua nhau thai - nơi trao đổi oxy và dưỡng chất. Máu của mẹ mang theo oxy và dinh dưỡng đến thai nhi thông qua tĩnh mạch rốn và loại bỏ chất thải qua động mạch rốn. 

Nhờ vào vòng tuần hoàn bào thai, thai nhi có thể duy trì sự sống và phát triển toàn diện trước khi ra đời. Việc hiểu về tuần hoàn bào thai sẽ giúp mẹ nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc chăm sóc thai kỳ và theo dõi sức khoẻ đúng cách, đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh. 

Tuần hoàn thai nhi giúp bé duy trì sự sống và phát triển toàn diệnTuần hoàn thai nhi giúp bé duy trì sự sống và phát triển toàn diện

Quá trình phát triển hệ tuần hoàn của thai nhi trong bào thai

Hệ thống tuần hoàn thai nhi sẽ phát triển liên tục khi trong bụng mẹ, mỗi giai đoạn đều đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển toàn diện của thai nhi. 

Giai đoạn hình thành ban đầu

Trong những tuần đầu tiên của thai kỳ, từ tuần thứ 3-8, hệ thống tuần hoàn bào thai bắt đầu hình thành. Đây là giai đoạn tim và mạch máu đầu tiên xuất hiện. Mới đầu, trái tim chỉ là một ống đơn giản và sẽ nhanh chóng phân chia và phát triển thành cấu trúc phức tạp hơn. 

Khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ, trái tim của bé bắt đầu đập và bơm máu dù chưa hoàn thiện đầy đủ về chức năng. Các mạch máu chính như tĩnh mạch rốn và động mạch rốn sẽ hình thành, dần thiết lập đường dẫn chính để vận chuyển máu giữa mẹ và bé qua nhau thai.

Khoảng tuần thứ 3-8 của thai kỳ, hệ thống tuần hoàn bắt đầu hình thànhKhoảng tuần thứ 3-8 của thai kỳ, hệ thống tuần hoàn bắt đầu hình thành

Giai đoạn hoàn thiện 

Từ tuần thứ 9 của thai kỳ đến lúc bé chào đời, tuần hoàn thai nhi sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Lúc này, trái tim và cách mạch máu lớn đã hình thành rõ ràng và tiếp tục phát triển giúp đảm bảo hiệu suất hoạt động. Tim lúc này đã chia thành 4 ngăn và hoạt động giống tim người trưởng thành dù có một số khác biệt để phù hợp với môi trường tử cung. Các shunt như ống động mạch, lỗ bầu dục hoạt động để chắc chắn máu giàu oxy từ mẹ sẽ được ưu tiên cung cấp cho cơ quan quan trọng nhất của thai nhi. 

Bộ phần chính của hệ tuần hoàn như tĩnh mạch rốn, động mạch rốn và hệ thống mạch máu đã hoàn thiện chức năng vận chuyển máu. Tĩnh mạch rốn sẽ vận chuyển máu giàu oxy từ nhau thai đến thai nhi, còn động mạch rốn sẽ vận chuyển máu thiếu oxy trở lại nhau thai để trao đổi khí và dưỡng chất. Hệ thống này không chỉ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng mà còn loại bỏ chất thải từ thai nhi để đảm bảo môi trường phát triển tốt nhất trong suốt thai kỳ. 

Cơ chế hoạt động vòng tuần hoàn của thai nhi

Vòng tuần hoàn của thai nhi sẽ hoạt động như thế trong bụng mẹ? Dưới đây là cơ chế hoạt động của hệ thống tuần hoàn giúp thai nhi phát triển toàn diện. 

Nhau thai

Đây là cơ quan chính của hệ thống tuần hoàn bào thai, chúng hoạt động giống như bộ lọc sinh học và trung tâm trao đổi chất giữa mẹ và bé. Nhau thai được hình thành từ các mô của thai nhi và niêm mạc tử cung của mẹ, chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ bé. Nhờ nhau thai, oxy và dưỡng chất của mẹ sẽ được truyền sang thai nhi.

Ngoài ra, nhau thai còn loại bỏ chất thải và carbon dioxide từ thai nhi, đưa chúng về máu của mẹ để loại bỏ ra khỏi cơ thể. Nhau thai không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn bảo vệ thai nhi bởi các tác nhân gây hại như độc tố và vi khuẩn. Việc này được thực hiện qua hàng rào nhau thai để kiểm soát sự trao đổi chất giữa mẹ và bé, ngăn chặn các chất gây hại từ cơ thể mẹ xâm nhập vào thai nhi.

Nhau thai là trung tâm trao đổi chất giữa mẹ và béNhau thai là trung tâm trao đổi chất giữa mẹ và bé

Mạch máu bào thai 

Hệ thống mạch máu bào thai có vai trò chính trong việc vận chuyển máu từ nhau thai đến thai nhi, gồm hai động mạch rốn và một tĩnh mạch rốn. Động mạch rốn mang máu thiếu oxy của thai nhi đến nhau thai. Ngược lại, tĩnh mạch rốn mang máu giàu oxy, dưỡng chất từ nhau rốn đến thai nhi. 

Việc vận chuyển này rất quan trọng vì cần đảm bảo thai nhi luôn được cung cấp đủ lượng oxy và dưỡng chất cho sự phát triển. Hệ thống mạch máu còn giúp loại bỏ carbon dioxide và chất thải khác từ thai nhi, chuyển tới nhau thai và vào máu mẹ để thải ra ngoài.

Quá trình oxy hoá và cung cấp dưỡng chất

Quá trình oxy hoá và cung cấp dưỡng chất cho thai nhi là một hoạt động phức tạp những đem đến hiệu quả, đảm bảo thai nhi luôn được cung cấp đủ lượng oxy và dưỡng chất cho sự phát triển. Máu giàu oxy và dinh dưỡng của mẹ sẽ được chuyển đến thai nhi qua tĩnh mạch rốn. Ở đây, chất dinh dưỡng và oxy sẽ được phân phối đều đến các cơ quan và mô của bé, hỗ trợ cho sự phát triển của cơ thể như hệ thần kinh, hệ tiêu hoá và hệ tuần hoàn,... 

Quá trình này sẽ diễn ra liên tục và chính xác nhờ sự phối hợp giữa nhau thai và hệ thống mạch máu bào thai. Đảm bảo thai nhi khoẻ mạnh, phát triển toàn diện và chuẩn bị tốt cho bé sau khi chào đời. 

Quá trình oxy hoá và cung cấp dinh dưỡng là hoạt động giúp thai nhi phát triểnQuá trình oxy hoá và cung cấp dinh dưỡng là hoạt động giúp thai nhi phát triển

Xem thêm:

Chức năng của vòng tuần hoàn đối với thai nhi

Hệ thống tuần hoàn thai nhi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng của thai nhi trong suốt thai kỳ. Một trong những chức năng chính là vận chuyển oxy và dưỡng chất từ mẹ đến bé, từ đó duy trì môi trường tốt nhất cho các cơ quan và hệ thống cơ thể bé phát triển, hoàn thiện. 

Đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi

Tuần hoàn thai nhi hoạt động qua mạng lưới mạch máu kết nối thai nhi với nhau thai. Tại đây, tĩnh mạch rốn sẽ có vai trò chính trong việc vận chuyển oxy và các dưỡng chất từ nhau thai đến cơ thể thai nhi. Máu giàu oxy từ tĩnh mạch rốn sẽ được vận chuyển đến tim thai nhi. 

Tại đây, máu sẽ được bơm qua lỗ bầu dục và ống động mạch giúp máu giàu oxy được phân phối đến cơ quan quan trọng như não và tim, sau đó lưu thông đến các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể. Quá trình này đảm bảo thai nhi nhận được đủ lượng oxy và dưỡng chất cần thiết để phát triển toàn diện và khỏe mạnh. 

Loại bỏ chất thải từ cơ thể thai nhi

Bên cạnh việc vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng, hệ thống tuần hoàn của thai nhi cũng sẽ chịu trách nhiệm loại bỏ các chất thải từ cơ thể thai nhi. Máu thiếu oxy và chất thải từ các cơ quan sẽ được đưa ra ngoài cơ thể thai nhi tới nhau thai thông qua động mạch rốn. Tại đây, quá trình trao đổi chất diễn ra, chất thải được loại bỏ và bổ sung thêm máu giàu oxy từ cơ thể mẹ. 

Nhau thai có vai trò giống như bộ lọc, loại bỏ chất thải và cân bằng những chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Hệ tuần hoàn hoạt động hiệu quả, thai nhi sẽ được phát triển toàn diện trong môi trường ổn định.

Một số vấn đề thường gặp ở tuần hoàn thai nhi

Bào thai thiếu oxy

Bào thai bị thiếu oxy là tình trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển của bé. Tình trạng này xảy ra khi thai nhi không được cung cấp đủ lượng oxy từ máu của mẹ, dẫn đến nguy cơ các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi,... gặp những tổn thương. Có nhiều nguyên nhân gây thiếu oxy bào thai như: Nhau thai kém phát triển, thai lão hoá sớm, hệ thống mạch máu bào thai bị tắc nghẽn,... 

Một số triệu chứng của thiếu oxy bào thai như: Thai nhi giảm cử động, nhịp tim thai bất thường, thai nhi chậm phát triển,... Khi gặp tình trạng này, mẹ cần theo dõi liên tục và thực hiện các biện pháp y tế cần thiết để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. 

Thiếu oxy bào thai có thể khiến thai nhi chậm phát triểnThiếu oxy bào thai có thể khiến thai nhi chậm phát triển

Cách mạch máu có vấn đề bất thường

Bất thường ở mạch máu trong tuần hoàn bào thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vấn đề thường gặp ở mạch máu là sự phát triển không đều hoặc bất thường ở tĩnh mạch rốn và động mạch rốn. Cụ thể như, động mạch rốn hoặc tĩnh mạch rốn bị tắc hoặc co hẹp nên gây ra tình trạng gián đoạn vận chuyển máu, dẫn đến thai nhi thiếu oxy và dưỡng chất. 

Ngoài ra, các vấn đề khác như: Viêm tắc mạch máu, mạch máu ở nhau thai phát triển bất thường,... có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng đối với thai nhi. Tình trạng các mạch máu có vấn đề bất thường có thể dẫn đến thai chậm phát triển, sinh non, thậm chí tử vong. 

Các bệnh lý của nhau thai

Các bệnh lý ở nhau thai cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tuần hoàn bào thai. Một số bệnh lý thường gặp như: Nhau thai bám thấp, nhau thai bám không đúng vị trí, nhau tiền đạo,... Những vấn đề ở nhau thai có thể gây ra xuất huyết và ảnh hưởng đến việc trao đổi giữa mẹ và bé.

Bệnh liên quan đến nhau thai sẽ làm giảm khả năng cung cấp oxy và dinh dưỡng từ mẹ đến bé, từ đó làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.

Nhau tiền đạo có thể ảnh hưởng đến việc trao đổi chất giữa mẹ và béNhau tiền đạo có thể ảnh hưởng đến việc trao đổi chất giữa mẹ và bé

Những yếu tố gây ảnh hưởng đến tuần hoàn thai nhi

Thai nhi có phát triển toàn diện hay không sẽ phụ thuộc vào hệ thống tuần hoàn. Một hệ thống tuần hoàn khỏe mạnh sẽ giúp bé hoàn thiện các cơ quan và bộ phận của cơ thể, từ đó sẵn sàng cho sự chào đời. Một số yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn thai nhi như: 

Chế độ dinh dưỡng và sức khỏe của mẹ

Dinh dưỡng và sức khỏe của mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc ảnh hưởng đến tuần hoàn thai nhi. Một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin và khoáng chất sẽ giúp cung cấp đủ dưỡng chất đến sự phát triển của thai nhi. 

Mẹ nên bổ sung axit folic, sắt, canxi và omega-3 để hỗ trợ sự phát triển của hệ tuần hoàn và não bộ của thai nhi. Ngoài ra, mẹ cần có sức khoẻ ổn định để hạn chế những bệnh lý nguy hiểm đến tuần hoàn thai nhi như: Tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, bệnh nhiễm trùng,... Duy trì lối sống lành mạnh, thăm khám bác sĩ định kỳ và thực hiện theo những hướng dẫn y tế sẽ giúp mẹ bầu có sức khoẻ tốt nhất cho mình và bé.

Chế độ dinh dưỡng đủ chất giúp thai nhi có hệ tuần hoàn khoẻ mạnhChế độ dinh dưỡng đủ chất giúp thai nhi có hệ tuần hoàn khoẻ mạnh

Yếu tố từ môi trường và di truyền

Các yếu tố môi trường như: Không khí ô nhiễm, hoá chất độc hại, môi trường không sạch sẽ,... có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn của thai nhi. Việc tiếp xúc nhiều với môi trường độc hại sẽ gây ra các vấn đề về tim mạch và hệ tuần hoàn của thai nhi. 

Các bệnh lý di truyền về tim mạch có thể di truyền từ mẹ sang con, từ đó gây ra rối loạn phát triển tuần hoàn ở thai nhi. Để giảm thiểu rủi ro, mẹ nên kiểm tra di truyền và lắng nghe tư vấn y khoa trước khi mang thai. 

Một số yếu tố khác

Bên cạnh các yếu tố như sức khoẻ của mẹ, chế độ dinh dưỡng, môi trường và di truyền,... thì các biến chứng sản khoa cũng có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn thai như. Cụ thể như: Tiền sản giật, thai nghén kém phát triển, các vấn đề về nhau thai, nhau bong non,... Những biến chứng này có thể khiến lượng oxy và dưỡng chất không được cung cấp đủ cho sự phát triển của thai nhi. 

Để phòng tránh những biến chứng, mẹ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, thực hiện khám thai định kỳ để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh, tâm lý thoải mái, kết hợp tuân thủ những chỉ định của bác sĩ sẽ giúp giảm biến chứng thai kỳ. Từ đó, thai nhi được phát triển toàn diện và khỏe mạnh. 

Mẹ nên thăm khám thai định kỳ để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thườngMẹ nên thăm khám thai định kỳ để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường

Tuần hoàn thai nhi là hệ thống rất quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Việc nắm rõ quá trình phát triển, chức năng của chúng sẽ giúp mẹ xây dựng chế độ chăm sóc tốt nhất trong suốt quá trình mang thai. Từ đó, mẹ bầu có thể đảm bảo thai nhi nhận được đầy đủ oxy và dưỡng chất cần thiết, góp phần tạo nên thai kỳ khoẻ mạnh. 

Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng mẹ bầu đã có thêm những thông tin về vòng tuần hoàn của thai nhi. Bổ sung kiến thức và kinh nghiệm để đảm bảo thai nhi khoẻ mạnh, phát triển toàn diện. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
542

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám