Viêm khớp nhiễm khuẩn: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Thu Hiền

30-08-2023

goole news
16

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh lý về xương khớp có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy viêm khớp nhiễm khuẩn là gì, nguyên nhân nào dẫn đến bệnh, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị ra sao? Tất cả đều sẽ được giải đáp chi tiết dưới bài viết sau, mời bạn cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đón đọc để nắm rõ các thông tin về căn bệnh.

Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn là gì?

Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào bên trong khớp, gây sưng tấy và đau. Nhiễm trùng có thể xuất phát do vi khuẩn đi qua dòng máu từ một bộ phận khác trong cơ thể. Viêm khớp nhiễm khuẩn hay còn được gọi là nhiễm trùng khớp, viêm khớp nhiễm trùng.

Viêm khớp nhiễm trùng – tình trạng khớp bị sưng, đau do vi khuẩnViêm khớp nhiễm trùng – tình trạng khớp bị sưng, đau do vi khuẩn

Ngoài ra viêm khớp nhiễm khuẩn cũng có thể xảy ra khi có chấn thương xuyên thấu sẽ trực tiếp mang vi khuẩn vào khớp. Các khớp dễ bị nhiễm trùng bao gồm: khớp gối, khớp hông, khớp cổ tay, khớp vai, khuỷu tay và khớp mắt cá chân. 

Nguyên nhân nào gây viêm khớp nhiễm khuẩn?

Viêm nhiễm trong khớp có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Trong số đó, vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) là nguyên nhân chính gây bệnh và có thể tồn tại trên da của người khỏe mạnh. Viêm khớp nhiễm khuẩn thường xảy ra sau khi cơ thể bị nhiễm trùng da hoặc đường tiểu, vi khuẩn từ đó lây lan qua máu và xâm nhập vào khớp. 

Một số nguyên nhân khác gây bệnh mặc dù ít phổ biến hơn bao gồm: Vết thương thường xuyên ở khớp, sau tiêm thuốc hoặc sau phẫu thuật trong hoặc gần khớp. Màng hoạt dịch trong khớp có khả năng phòng ngừa tốt hơn chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, phản ứng viêm của cơ thể khi bị tấn công bởi các tác nhân này có thể làm tăng áp lực trong khớp, giảm lưu lượng máu đến khớp và gây tổn thương nghiêm trọng. 

Các nguyên nhân phổ biến

  • Chấn thương khớp. 
  • Các dạng viêm khớp khác. 
  • Suy giảm hệ miễn dịch do các bệnh khác như tiểu đường, bệnh thận, ung thư và sử dụng các loại thuốc điều trị những bệnh này. 
  • Tiến hành phẫu thuật hoặc cấy ghép khớp nhân tạo trong quá khứ.

Viêm khớp nhiễm trùng có thể do chấn thương, suy giảm miễn dịchViêm khớp nhiễm trùng có thể do chấn thương, suy giảm miễn dịch

Yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm khớp nhiễm khuẩn

Ngoài những nguyên nhân chính ở trên, có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng viêm khớp nhiễm trùng. Điển hình như:

Tình trạng khớp hiện có

Các tình trạng và bệnh lý liên quan đến khớp như viêm xương khớp, gout, viêm khớp dạng thấp, lupus, khớp nhân tạo, chấn thương khớp và phẫu thuật trong hoặc gần khớp... có thể tăng nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng. 

Sử dụng thuốc điều trị 

Những người mắc viêm khớp dạng thấp thường sẽ đối mặt với nguy cơ cao bị viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ. Các loại thuốc điều trị bệnh này có thể làm suy yếu hoạt động của hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho sự nhiễm khuẩn xảy ra dễ dàng hơn. 

Da không khỏe mạnh

Da yếu, thiếu sức sống tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Một số bệnh về da phổ biến như vẩy nến, chàm... tăng nguy cơ nhiễm trùng khớp. 

Hệ miễn dịch suy yếu

Người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ cao bị viêm khớp nhiễm trùng. Đặc biệt, bệnh nhân tiểu đường, bệnh gan và thận hoặc đang sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch để điều trị các bệnh có nguy cơ cao hơn. 

Chấn thương khớp

Vết cắn từ động vật, chấn thương liên tục ở khớp hoặc vết cắt xuyên qua khớp là những yếu tố nguy cơ cao gây viêm khớp nhiễm trùng.

Các dấu hiệu viêm khớp nhiễm khuẩn thường gặp

Khi khớp bị viêm nhiễm khuẩn, bệnh nhân thường trải qua cảm giác đau nhói và khó khăn trong việc di chuyển các khớp bị ảnh hưởng. Dưới đây là các dấu hiệu phổ biến khi bị viêm khớp nhiễm khuẩn bạn có thể tham khảo:

Dấu hiệu phổ biến

  • Sốt. 
  • Đau nhói tại khớp bị viêm, đặc biệt khi cử động khớp. 
  • Cảm giác ấm, nóng tại vị trí khớp bị viêm.
  • Sưng và đỏ tại các khớp bị viêm. 

Khớp bị viêm nhiễm khuẩn thường bị sốt, kèm đau sưng đỏKhớp bị viêm nhiễm khuẩn thường bị sốt, kèm đau sưng đỏ

Dấu hiệu ở trẻ nhỏ

  • Chán ăn, mất sự thèm ăn. 
  • Nhịp tim tăng nhanh. 
  • Thể trạng không ổn định. 
  • Bé mệt mỏi, quấy khóc, khó chịu. 

Dấu hiệu theo từng đối tượng

  • Người trưởng thành: Các khớp của tay và chân, đặc biệt là đầu gối, thường dễ bị ảnh hưởng. 
  • Trẻ em: Phần lớn các khớp hông có khả năng bị ảnh hưởng. 
  • Một số trường hợp hiếm: Một số người có thể mắc tình trạng khớp nhiễm khuẩn ở cổ, lưng và đầu.

Phương pháp chẩn đoán viêm khớp nhiễm khuẩn

Để xác định viêm khớp nhiễm trùng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sau đây: 

Xét nghiệm dịch khớp

Xét nghiệm này nhằm kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn có thể gây ra các thay đổi trong màu sắc, độ trong suốt, thể tích và thành phần của dịch khớp. Bằng cách lấy mẫu dịch khớp từ khớp bị viêm và thử nghiệm. Kết quả xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định xem khớp có bị nhiễm khuẩn hay không. Ngoài ra xét nghiệm sẽ cho thấy loại vi khuẩn nào gây ra nhiễm trùng, từ đó định hướng quá trình điều trị phù hợp. 

Bác sĩ áp dụng các cách chẩn đoán bằng xét nghiệm, chụp X-quangBác sĩ áp dụng các cách chẩn đoán bằng xét nghiệm, chụp X-quang

Chẩn đoán hình ảnh

Sử dụng các phương pháp chụp X-quang và các kỹ thuật hình ảnh khác, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của khớp bị viêm. Các hình ảnh này hỗ trợ việc đánh giá mức độ viêm, tổn thương và các biến đổi cấu trúc của khớp, từ đó giúp đưa ra chẩn đoán chính xác.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu cung cấp thông tin quan trọng để xác định dấu hiệu của nhiễm khuẩn. Kết quả từ xét nghiệm này có thể cho thấy những chỉ số liên quan đến sự tồn tại và phản ứng của cơ thể với nhiễm khuẩn. 

Điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn

Sau khi đã nắm được nguyên nhân và chẩn đoán chính xác về bệnh lý, các bác sĩ sẽ dựa theo từng tình trạng bệnh mà liệt kê ra các phương pháp điều trị khác nhau. Cụ thể:

Sử dụng kháng sinh

Sử dụng kháng sinh để điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn là phương pháp thông thường và quan trọng. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm cụ thể để lựa chọn một loại kháng sinh hiệu quả chống lại vi khuẩn gây viêm khớp. Quá trình điều trị bắt đầu bằng việc tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch để đảm bảo thuốc tiêu diệt vi khuẩn trong khớp viêm nhanh chóng. Sau đó bác sĩ sẽ chuyển sang sử dụng kháng sinh qua đường uống. 

Sử dụng kháng sinh trong việc điều trị khớp bị viêm nhiễm khuẩnSử dụng kháng sinh trong việc điều trị khớp bị viêm nhiễm khuẩn

Thông thường, sau khoảng 48 giờ kể từ lần điều trị kháng sinh đầu tiên, hầu hết các triệu chứng bệnh sẽ giảm đi đáng kể. Quá trình điều trị thường kéo dài từ 2 - 6 tuần. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh cũng có thể gây ra một số phản ứng phụ như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Do đó, bệnh nhân cần thảo luận trước với bác sĩ về các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc điều trị.

Thoát dịch khớp

Khi tình trạng viêm nhiễm khớp tiếp tục phát triển nhanh chóng và dịch khớp tích tụ quá nhiều, bác sĩ có thể quyết định tháo dịch khớp khỏi khớp bị nhiễm trùng. Tháo dịch khớp nhằm loại bỏ vi khuẩn trong khớp, giảm áp lực lên khớp và cung cấp mẫu thử cho bác sĩ kiểm tra vi khuẩn và các sinh vật khác. Phương pháp thông thường để tháo dịch khớp là thông qua việc sử dụng nội soi khớp. 

Chọc hút dịch khớp

Một phương pháp điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn nữa được bác sĩ chỉ định đó là chọc hút dịch khớp viêm bằng kim hút arthrocentesis. Phương pháp này có thể được lặp lại hàng ngày cho đến khi không còn vi khuẩn trong dịch khớp. Trong trường hợp viêm khớp nhiễm trùng ở khớp hông, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật mở để thoát dịch. 

Nếu tình trạng viêm khớp nặng có thể cần thực hiện phẫu thuậtNếu tình trạng viêm khớp nặng có thể cần thực hiện phẫu thuật

Đôi khi, phẫu thuật có thể được thực hiện nhiều lần để đảm bảo loại bỏ 100% vi khuẩn khỏi dịch khớp. Sau khi nhiễm trùng được kiểm soát, bệnh nhân được khuyến khích duy trì sự vận động nhẹ nhàng để giữ chức năng của khớp. Việc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và suy yếu cơ bắp. Hơn nữa việc vận động còn hỗ trợ lưu thông máu, giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng hơn.

Biến chứng của bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn

Viêm khớp nhiễm khuẩn có nguy hiểm không được rất nhiều người thắc mắc. Thực tế, viêm khớp nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến thoái hóa và tổn thương vĩnh viễn của các khớp. 

Các biến chứng thường gặp khi khớp viêm nhiễm khuẩn bao gồm: Viêm xương khớp và biến dạng khớp. Trong những trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật tái tạo khớp có thể là cần thiết. Nếu nhiễm trùng tác động đến khớp chân hoặc tay giả, có thể cần thay thế khớp chân hoặc tay giả để khắc phục tình trạng.

Phòng tránh khớp viêm nhiễm khuẩn

Hiện nay không có phương pháp phòng ngừa hoàn toàn cho tất cả các nguy cơ gây khớp viêm nhiễm khuẩn. Tuy nhiên việc thực hiện vô trùng tuyệt đối trong quá trình làm thủ thuật hay phẫu thuật khớp là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, điều trị triệt để các nhiễm khuẩn khác trên cơ thể như nhiễm trùng da, mô mềm và xương cũng là điều cần thiết.

Cần chú ý gì khi bị viêm khớp nhiễm khuẩn?

Khớp viêm nhiễm khuẩn là một vấn đề sức khỏe đáng chú ý. Tuyệt đối không được coi thường bệnh này và ngoài việc tuân thủ chế độ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần phát triển thói quen sinh hoạt khoa học và lành mạnh. Cụ thể:

Giảm cân an toàn

Thừa cân và béo phì là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, béo phì cũng làm cho tình trạng bệnh tiến triển nhanh chóng và gây khó khăn trong quá trình điều trị cũng như phục hồi sau phẫu thuật. Vì vậy, việc lên kế hoạch tập luyện để giảm cân là rất quan trọng để giảm áp lực lên xương khớp. 

Giảm cân, luyện tập thể thao giúp cái thiện và phòng ngừa viêm khớpGiảm cân, luyện tập thể thao giúp cái thiện và phòng ngừa viêm khớp

Luyện tập thể dục thể thao

Việc tham gia vào hoạt động thể dục thể thao là điều cần thiết đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị viêm khớp nhiễm khuẩn. Một số người có quan niệm sai rằng khi mắc bệnh xương khớp, việc tập luyện sẽ làm đau khớp và gây tổn thương. Trái lại, tập luyện nhẹ nhàng có thể cải thiện tình trạng bệnh. 

Giữ tinh thần thoải mái

Điều trị khớp viêm nhiễm khuẩn cũng gây ra nhiều khó khăn và đau đớn cho bệnh nhân. Do đó, cần chuẩn bị tinh thần vui vẻ, thoải mái và tin tưởng rằng tình trạng bệnh sẽ được cải thiện, điều này rất quan trọng trong quá trình điều trị. 

Thăm khám kịp thời

Viêm khớp nhiễm khuẩn ở trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu rất phổ biến. Bệnh này ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động hàng ngày của bệnh nhân. Do đó, khi có các dấu hiệu của bệnh, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên môn có kiến thức, kinh nghiệm về thăm khám và điều trị các bệnh xương khớp trong đó có viêm khớp nhiễm khuẩn. Hãy đến với bệnh viện để được tư vấn, thăm khám và chẩn đoán cũng như có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời nhất.

Mọi thắc mắc về bệnh, vui lòng liên hệ tổng đài 1900 1806 hoặc để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám để được tư vấn thêm, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa hàng đầu tại bệnh viện Phương Đông.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,132

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám