1. Tổng quan về viêm khớp tự miễn
Bệnh tự miễn (Autoimmune Disease) là bệnh lý về hệ miễn dịch của cơ thể không thể nhận biết và phân biệt được các kháng nguyên của cơ thể với các tác nhân gây ảnh hưởng bên ngoài. Có thể hiểu là, các kháng nguyên trong cơ thể nhầm lẫn và tấn công các cơ quan bên trong cơ thể. Khi có tác nhân gây hại bên ngoài như virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể lại không được ngăn chặn nên sẽ tấn công các cơ quan.
Viêm khớp tự miễn là bệnh lý của hệ thống xương khớp liên quan đến những phản ứng quá mức của hệ miễn dịch trong cơ thể. Căn bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng thường ở độ tuổi từ 20-40 tuổi. Cấp độ phát triển của bệnh sẽ ứng với cấp độ từ nhẹ đến nặng và phức tạp, gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trong các bệnh về xương khớp tự miễn, bệnh viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp (RA) là hai bệnh phổ biến nhất.
Viêm khớp tự miễn là bệnh lý liên quan đến các phản ứng hệ miễn dịch
2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp tự miễn
Nguyên nhân của bệnh là do hệ thống miễn dịch tự tấn công các cơ quan trong cơ thể. Lý do vì sao chúng lại tự tấn công thì hiện nay chưa có câu trả lời chính xác. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh:
- Di truyền: Người bệnh có thể mắc viêm khớp tự miễn nếu trong gia đình có thành viên có tiền sử mắc bệnh lý viêm khớp do bệnh tự miễn.
- Tuổi tác: Viêm khớp tự miễn có thể bắt gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên những triệu chứng của bệnh sẽ biểu hiện rõ khi ở độ tuổi từ 40-60 tuổi.
- Giới tính: Tuỳ vào loại viêm khớp, yếu tố về giới tính cũng có thể ảnh hưởng nhất định. Thường viêm khớp dạng thấp, phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới, còn đối với viêm cột sống dính khớp thì tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới.
- Môi trường: Nếu tiếp xúc với các chất độc từ môi trường từ khói bụi ở nhà máy, nước thải công nghiệp,... có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Cân nặng: Người thừa cân - béo phì có nguy cơ mắc bệnh tự miễn cao, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp.
- Hút thuốc lá: Thuốc là là một trong những tác nhân gây gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý không chỉ mỗi bệnh viêm khớp tự miễn.
Mắc dù đây không phải nguyên nhân nhưng các yếu tố này có thể thúc đẩy và gia tăng khả năng mắc bệnh. Vậy nên, nếu có yếu tố nào có thể thay đổi (thuốc lá, môi trường) thì nên chủ động tránh xa từ sớm.
3. Những triệu chứng của viêm khớp tự miễn
Hầu hết các triệu chứng của viêm khớp tự miễn không giống nhau hoàn toàn, chúng có một số đặc điểm chung có thể nhận biết như:
- Đau nhức các khớp
- Khớp bị căng cứng, tầm vận động bị giới hạn.
- Các vùng da xung quanh khớp có tình trạng sưng tấy, đỏ, nóng, tràn dịch khớp,...
- Ở giai đoạn bệnh chuyển biến nặng, có thể gây biến dạng khớp.
- Có tình trạng khó ngủ, cơ thể mệt mỏi, sốt.
- Cân nặng giảm sút, thiếu máu, khó thở.
- Xuất hiện tình trạng khô miệng, khô mắt, chảy dịch mắt và ngứa mắt.
Thông thường, các triệu chứng này không xuất hiện cùng lúc với nhau, sẽ thay đổi theo từng cấp độ, giai đoạn của bệnh. Chính vì vậy, nếu thấy khớp bị đau nhức kéo dài nhưng không phải do chấn thương hay các tác động cơ học khác. Lúc này, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Đau nhức các khớp là một trong những triệu chứng của viêm khớp tự miễn
4. Phân loại viêm khớp tự miễn
4.1. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một trong những loại bệnh lý viêm khớp tự miễn phổ biến, chúng xảy ra khi có rối loạn hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Bệnh sẽ gây ra tình trạng sưng đau các khớp ở bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, cổ chân, bàn chân, ngón chân,... Bệnh phá huỷ các tế bào khiến tổn thương hệ khớp, ngoài ra còn các thể tác động lên các cơ quan khác như mắt, tim, da, các mạch máu,...
Theo thống kê, tỷ lệ bệnh xảy ra ở nữ giới cao hơn nam giới gấp 2-3 lần, mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh. Bệnh tiến triển phức tạp và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm khác, vì vậy nên điều trị bệnh theo lộ trình điều trị của bác sĩ để giảm thiểu tối đa hệ quả mà chúng gây ra.
4.2. Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm ở vị trí nối giữa các đốt của cột sống, cột sống lưng, xương chậu của bệnh nhân. Có một vài trường hợp tình trạng viêm ở vị trí khớp cổ tay, cổ chân,...
Theo thống kê, viêm cột sống dính khớp xảy ra chủ yếu ở nam giới, khoảng 80% ở nam giới dưới 30 tuổi. Các triệu chứng giống như các bệnh lý về xương khớp khác, xuất hiện tình trạng đau vùng hông, cột sống thắt lưng, viêm gân,.... Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị gù vẹo, không còn khả năng vận động, thậm chí tàn phế suốt đời.
4.3. Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là bệnh lý viêm mạn tính liên quan đến bệnh vảy nến. Nằm trong nhóm bệnh tự miễn, viêm khớp vảy nến có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức, sưng tấy khớp, cứng khớp,... khiến bệnh nhân hạn chế vận động và di chuyển.
Viêm khớp vảy nến là một bệnh lý viêm khớp tự miễn phổ biến
4.4. Viêm khớp phản ứng
Bệnh này còn có tên gọi khác là viêm khớp vô khuẩn, là tình trạng viêm khớp sau khi bị nhiễm trùng hoặc nhiễm khuẩn. Thường ở các cơ quan tiêu hoá, tiết niệu hoặc sinh dục. Triệu chứng viêm xuất hiện ở một hoặc nhiều vị trí khớp khác, thường là ở hai chi dưới, cột sống, gân, dây chằng,...
Bệnh này thường gặp ở người trẻ ở độ tuổi từ 20-40 tuổi, đặc biệt là nam giới. Hầu hết các trường hợp mắc viêm khớp phản ứng đều có tiên lượng tốt, người bệnh sớm phục hồi nhanh khi điều trị kịp thời. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể tái phát nếu không chăm sóc sau điều trị đúng cách.
4.5. Lupus ban đỏ hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn có thể xảy ra ở nhiều cơ quan trên cơ thể, trong đó có hệ cơ xương khớp. Một số dấu hiệu bao gồm:
- Thường gặp ở nữ giới, mỗi người có mức độ tiến triển bệnh khác nhau.
- Người bệnh thấy mệt mỏi, sốt kéo dài mà không rõ nguyên nhân, sụt cân.
- Người bệnh phát ban trên mặt, trên cơ thể, nhạy cảm với ánh nắng, nhiều khớp bị đau mỏi, rụng tóc,...
5. Biến chứng của viêm khớp tự miễn
Viêm khớp tự miễn không những gây đau nhức, cứng khớp mà còn có những biến chứng nguy hiểm khác như tàn phế, ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể như:
- Tim mạch: Các triệu chứng viêm khớp khi lan ra có thể làm yếu cơ tim, dẫn đến xơ vữa động mạch. Các bệnh lý về tim mạch là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh mắc lupus ban đỏ hệ thống tử vong.
- Phổi: Theo thống kê, các bệnh rối loạn đông máu động mạch chính phổi, bệnh thuyên tắc phổi,... có nguyên nhân từ viêm khớp tự miễn.
- Trầm cảm: Hệ thống miễn dịch có mối liên kết với hệ thần kinh, chính vì vậy người bệnh mắc bệnh tự miễn sẽ dễ bị rối loạn cảm xúc và trầm cảm với các triệu chứng của bệnh gây ra.
- Ung thư: Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Các kháng nguyên tấn công các tế bào khỏe mạnh của cơ thể, không ngăn chặn virus, vi khuẩn khiến tăng nguy cơ các bệnh lý ác tính khác.
- Các bệnh lý tự miễn khác: Có rất nhiều các bệnh lý tự miễn khác nhau, nếu người mắc viêm khớp tự miễn sẽ đồng thời mắc các bệnh tự miễn khác. Khi mắc nhiều hơn ba bệnh lý tự miễn thì gọi chúng là hội chứng đa tự miễn (MAS).
Bệnh về tim mạch là một trong những biến chứng viêm khớp tự miễn
6. Phương pháp chẩn đoán và cách điều trị bệnh
6.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Bệnh viêm khớp tự miễn khó chẩn đoán chính xác qua một xét nghiệm đơn lẻ. Bác sĩ sẽ có thể tiến hành thực hiện nhiều xét nghiệm để loại trừ các loại viêm khớp và các bệnh lý khác:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra số lượng tiểu cầu, bạch cầu và độ lắng của hồng cầu.
- Xét nghiệm ANA: Xét nghiệm này giúp đánh giá các kháng thể.
- Chẩn đoán bằng hình ảnh: Chụp X-quang, chụp CT hoặc chụp MRI giúp xác định mức độ tổn thương của các khớp.
Dựa vào kết quả cùng tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng.
6.2. Phương pháp điều trị bệnh
Dựa vào từng loại viêm khớp tự miễn, mức độ phát triển, triệu chứng lâm sàng và tình trạng sức khoẻ của người bệnh mà bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị hợp lý. Có hai phương pháp điều trị viêm khớp tự miễn chính là:
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống viêm khớp, thuốc ức chế miễn, truyền globulin miễn dịch,....
- Thay đổi thói quen sống: Thực hiện lối sống khoa học, hạn chế vận động trước khi kiểm soát được viêm.
7. Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm khớp tự miễn
Những biến chứng của viêm khớp tự miễn có thể gây ra ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Chính vì vậy, việc phòng tránh bệnh rất quan trọng, dưới đây là cách phòng ngừa bệnh viêm khớp tự miễn hiệu quả và đơn giản nhất.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Quan tâm đến chế độ ăn hằng ngày, bổ sung các loại dưỡng chất từ nhiều nhóm thực phẩm khác nhau.
- Luyện tập thể dục thể thao: Việc tập luyện sẽ tăng cường sức khoẻ, tăng sự linh hoạt và dẻo dai của các khớp. Nên tập luyện từ 30-60 phút mỗi ngày, lựa chọn bộ môn phù hợp với sức khỏe, tránh vận động quá sức và gây chấn thương.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo sức khỏe. Nếu phát hiện và điều trị bệnh từ sớm sẽ giảm thiểu tối đa các biến chứng nguy hiểm.
Bơi lội là một trong những môn thể thao giúp tăng sự dẻo dai, linh hoạt cho các khớp
Viêm khớp tự miễn là một trong những bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân. Chính vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị bệnh. Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng bạn đọc có thêm thông tin về bệnh viêm khớp tự miễn.
Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một địa chỉ đáng tin cậy trong lĩnh vực về các bệnh xương khớp. Với đội ngũ y bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm thăm khám và điều trị các bệnh về viêm khớp, trong đó có viêm khớp tự miễn. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh chính xác và chữa trị bệnh hiệu quả.
Để Đặt lịch khám và điều trị bệnh viêm khớp tự miễn, bệnh nhân có thể liên hệ hotline 19001806 để được đội ngũ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ kịp thời!