Vitamin A và tác dụng của loại vitamin này đối với cơ thể

Thu Hiền

06-11-2023

goole news
16

Vitamin A là một thành phần dinh dưỡng thiết yếu, tan trong dầu và rất quan trọng đối với cơ thể. Vitamin A có sẵn trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên, và cũng có thể đưa vào cơ thể bằng các loại thuốc, thực phẩm tổng hợp.

Với bài viết này của Bệnh viện Phương Đông, chúng ta hãy cùng thảo luận về lợi ích, nguồn gốc cũng như tác động của loại vitamin này đối với cơ thể người nhé.

Vitamin A là gì?

Khái niệm vitamin A

Thông thường, vitamin A được xem như một chất dinh dưỡng đơn lẻ. Nhưng thực chất nó lại là tên của một nhóm các hợp chất có thể hoà tan trong chất béo. Bao gồm retinol, retinol và retinyl esters.

Vitamin A quan trọng với cơ thể và rất thường gặp trong các thực phẩm thông thườngVitamin A quan trọng với cơ thể và rất thường gặp trong các thực phẩm thông thường

Trong thực phẩm tự nhiên, có hai dạng vitamin loại này thường gặp như sau:

  • Vitamin A đã chuyển hóa (retinol và retinyl ester): Chỉ xuất hiện trong các sản phẩm động vật như sữa, gan, thịt động vật và các loại cá;
  • Tiền chất Vitamin A- các carotenoids: Có rất nhiều trong các loại thực vật rau, trái cây và các loại dầu thực vật;

Cơ chế sử dụng vitamin A của cơ thể

Để sử dụng được, cơ thể người cần chuyển đổi cả hai dạng vitamin A này thành Retinal, acid retinoic, các dạng hoạt động của nó.

Vì các vitamin A tan trong chất béo nên sau khi hấp thụ, cơ thể sẽ lưu trữ chúng trong mô cơ để dùng sau. Hầu hết các dạng vitamin A đều được cơ thể dự trữ dưới dạng este retinol.

Các este này, sau đó sẽ thông qua quá trình chuyển hoá, phân huỷ thành all-trans-retinol. Chúng liên kết với Protein, gắn retinol ( retinol binding protein - RBP). Sau đó đi vào máu. Tại thời điểm này, cơ thể đã có thể sử dụngvVitamin cho các hoạt động sống.

Tác dụng của vitamin A đối với cơ thể

Dưới đây, cùng Phương Đông tìm hiểu về những tác dụng, ảnh hưởng của loại vitamin này đối với cơ thể là gì nhé.

Tốt cho mắt

Loại vitamin này tạo ra những sắc tố trong võng mạc và giúp chúng tăng tầm nhìn của chúng ta trong những trường hợp ánh sáng yếu. Nó cũng giúp bảo vệ giác mạc, và kết mạc trước các tác động tự nhiên.

Vitamin A là cần thiết để bảo vệ mắt, giúp mắt sáng, tinh tườngVitamin A là cần thiết để bảo vệ mắt, giúp mắt sáng, tinh tường

Vì vậy việc bổ sung vitamin A cho cơ thể cần được thực hiện từ rất sớm. Việc này cần thực hiện đều đặn đến tận khi lớn tuổi để tránh lão hóa mắt sớm, giảm tầm nhìn hay mắc các bệnh liên quan tới thị lực.

Tham gia vào quá trình miễn dịch của cơ thể

Dù căn nguyên chưa rõ ràng, nhưng các bác sĩ đã tìm thấy mối liên kết giữa tình trạng thiếu vitamin A với bệnh thiếu máu, thiếu sắt. Và loại vitamin này cũng đóng góp vai trò lớn trong việc bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô.

Nhiều năm qua, vitamin A và bệnh nhiễm trùng đã được chứng minh là có quan hệ mật thiết. Loại vitamin này giúp tăng khả năng chống chịu bệnh tật của con người. Nó thực hiện được điều này là do hoạt động đặc hiệu của nó đối với các tế bào của cơ thể.

Vitamin A  có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ

Bạn có thể thấy, việc bổ sung vitamin A cho cơ thể trẻ rất quan trọng. Việc này được tuyên truyền, thực hiện một cách vô cùng nghiêm ngặt. Dưới đây là những tác dụng của nó trong việc phát triển của trẻ em:

  • Tăng trưởng: Giúp tham gia vào quá trình phân chia tế bào để đảm bảo trẻ em có thể tăng trưởng đúng thời gian, phát triển một cách khỏe mạnh và bình thường.
  • Đối với thị giác: giúp tăng tầm nhìn của mắt trẻ, đồng thời giúp bảo vệ sự toàn vẹn của giác mạc.
  • Bảo vệ biểu mô: vitamin A có khả năng bảo vệ sự toàn vẹn của da, niêm mạc mắt, niêm mạc khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết;
  • Đối với hệ miễn dịch của trẻ: có khả năng giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, nó cần thiết để tăng sức đề kháng trước các chứng nhiễm khuẩn, bệnh uốn ván, sởi, lao.

Thiếu Vitamin A cơ thể sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Nguyên nhân thiếu vitamin A

Tình trạng này có thể xảy ra do hàm lượng vitamin A đưa vào cơ thể hàng ngày không đầy đủ. Hoặc đơn giản hơn là do giảm hấp thụ chất béo hoặc các rối loạn khác nhau ở gan. Dưới đây, cùng tìm hiểu chi tiết hơn về các nguyên nhân đó nhé:

Do thiếu ăn kéo dài

Đây là bệnh địa phương thường gặp ở các vùng Nam, Đông Á - nơi thực phẩm chính là gạo - một loại hạt không chứa Beta-carotene. Ở những quốc gia ở trong tình trạng mất an ninh lương thực cao, tỷ lệ trẻ em bị mù loà cũng rất lớn vì không có đủ lượng vitamin cần thiết.

Nguyên nhân làm cơ thể thiếu vitamin A thứ cấp

  • Do khả năng sử dụng sinh học của caroten tiền chất vitamin A bị suy giảm;
  • Có những ảnh hưởng khác nhau can thiệp vào khả năng hấp thụ, lưu trữ hoặc vận chuyển vitamin;

Những nguyên nhân này có thể bắt nguồn từ bệnh celiac, xơ nang, suy tuyến tụy, tiêu chảy mạn, tắc đường mật, do mở thông tá tràng hoặc bệnh xơ gan. Tùy từng trường hợp, người bệnh cần chú ý để tìm kiếm căn nguyên gây bệnh.

Những ảnh hưởng của cơ thể khi thiếu vitamin A

Các bệnh về mắt

Khả năng chống oxy hoá của vitamin A rất cao. Nó giúp tăng cường sức khoẻ giác mạc, niêm mạc, nâng đỡ cấu trúc và hạn chế các tổn thương do gốc tự do. Khi thiếu hụt loại vitamin này, cơ thể sẽ bị các bệnh như quáng gà, viêm kết mạc, gặp sẹo giác mạc. Thậm chí còn có thể gây mù mắt mờ mắt nghiêm trọng.

Gây nên những tình trạng tiêu cực ở da

Loại vitamin này sẽ đảm bảo độ ẩm cho da đủ cho các hoạt động miễn dịch. Đồng thời đề kháng, phòng chống sự xâm nhập từ vi khuẩn gây hại.

Đặc biệt, nó còn giúp ích rất nhiều cho sự lưu thông máu, nuôi dưỡng các tế bào dưới da. Nếu không có loại vitamin này sẽ khiến làn da trở nên xấu xí, xám xịt và thiếu đàn hồi rất nhiều.

Ảnh hưởng của việc thiếu vitamin A đối với trẻ em

Trẻ em thiếu vitamin A thường thấp, mắt mờTrẻ em thiếu vitamin A thường thấp, mắt mờ

Nếu trẻ bị thiếu hụt loại vitamin này, các em sẽ chậm tăng trưởng chiều cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, trẻ cũng có các trạng thái như mệt mỏi, khô da, rụng tóc, chậm phát triển. Do thiếu vitamin A khiến hệ miễn dịch suy giảm nên trẻ em cũng dễ mắc bệnh tiêu hoá, hô hấp hơn bình thường.

Có thể gây nên nhiều bệnh về gan

Thiếu hụt vitamin A đã được chứng minh là nguyên nhân gây ứ mật mạn tính, xơ gan. Từ đó khiến sức khoẻ bị ảnh hưởng lâu dài, làm sức khỏe của gan suy giảm nhanh hơn.

Lúc này, bạn sẽ có những cảm giác khó chịu của bệnh nhiễm độc gan, nóng trong người. Nếu không được điều trị sớm, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu vitamin A

Nhìn chung, có rất nhiều dấu hiệu giúp bạn nhận ra cơ thể mình bị thiếu hụt vitamin A từ sớm. Nếu bạn đang lo lắng mình rơi vào tình trạng này, hãy đọc những dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu nhé.

Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng toàn thân

  • Mệt mỏi, chán ăn.
  • Trẻ em chậm lớn hơn so với bạn cùng lứa tuổi.
  • Da khô, tóc khô và rất dễ gãy rụng;
  • Trẻ em thường mắc các bệnh về nhiễm khuẩn, đường hô hấp, mắc rối loạn đường tiêu hoá;

Các triệu chứng tại mắt

Theo phân loại của WHO, tổn thương ở mắt do thiếu hụt vitamin A được chia rõ ràng thành các giai đoạn sau đây:

  1. Quáng gà: Là dấu hiệu sớm nhất của chứng thiếu hụt vitamin A. Do khi giảm lượng vitamin này cung cấp đến các tế bào hình que khiến khả năng thích nghi với bóng tối trở nên khó khăn hơn. Khi chập choạng tối, mắt sẽ không nhìn rõ. Nếu là trẻ em, các em thường hay vấp ngã, lần mò tìm đường theo các góc tường và không có khả năng nhận biết người quen, người lạ.
  2. Khô kết mạc: Lúc này màng tiếp hợp đã khô, không còn cảm giác bóng ướt, nhìn thấy nước như bình thường. Kết mạc cũng dày lên, có nếp nhăn đổi màu xám, vàng hoặc nâu sẫm.
  3. Vệt Bitot (X1B): Là những vệt trắng, bóng trên màng tiếp hợp có hình tam giác do biểu mô bị dày lên, xuất hiện tình trạng bong vẩy ở cả 2 phía của mắt. Tuy nhiên chúng thường xuất hiện nhiều ở phía thái dương hơn.
  4. Khô giác mạc (X2): Giác mạc bị khô, mất đi bóng sáng, giác mạc mờ đục như màn sương phủ. Tình trạng này thường bắt đầu từ phần dưới của giác mạc.

Nếu không điều trị kịp thời, thiếu vitamin A có thể gây mù vĩnh viễnNếu không điều trị kịp thời, thiếu vitamin A có thể gây mù vĩnh viễn

Trong trường hợp điều trị kịp thời khi xuất hiện những vấn đề trên, mắt sẽ không phải lo về di chứng. Ngược lại, tình trạng thiếu hụt vitamin A sẽ được đẩy đến những tình trạng sau:

  • Loét giác mạc dưới 1/3 diện tích của giác mạc (X3A): Do giác mạc bị khô nên rất dễ bị nhiễm khuẩn, loét nếu không nhanh chóng điều trị kịp thời. Nó có thể gây thủng giác mạc.
  • Loét giác mạc trên 1/3diện tích giác mạc (X3B): Giác mạc bị loét, thậm chí có thể bị thủng khiến mống mắt bị lòi ra ngoài. Nhãn cầu bị teo và  có thể gây mù vĩnh viễn;
  • Sẹo giác mạc (XS): Đây là di chứng để lại của tình trạng loét giác mạc. Tùy theo vị trí sẹo to hay nhỏ mà để lại ảnh hưởng khác nhau đối với thị lực.
  • Khô đáy mắt (XF): Biểu hiện thiếu vitamin A mạn tính (thường gặp nhất ở tuổi đi học). Khi soi đáy mắt bằng thiết bị chuyên dụng sẽ thấy những vùng trắng sáng nằm dọc theo mạch máu võng mạc với màu nâu đỏ.

Dấu hiệu nhận thấy khi xét nghiệm

Khi xét nghiệm, bệnh nhân thiếu vitamin A sẽ được thể hiện như sau:

  • Hàm lượng vitamin A trong máu giảm xuống dưới mức 10μg% (bình thường 20-50μg%);
  • RBP trong máu giảm mạnh so với mức bình thường là 20 - 30μg/ml;

Quý khách hàng có thể liên hệ với Bệnh viện Phương Đông qua số hotline 1900 1806 để được tư vấn chi tiết và kịp thời nếu nhận thấy sức khoẻ bản thân gặp bất kì dấu hiệu bất thường nào.

Bổ sung vitamin A với liều lượng như thế nào?

Khi qua đường uống

Liều uống cho người lớn 

  • Nam giới: 900 mcg/ngày
  • Phụ nữ: 700 mcg/ngày
  • Phụ nữ mang thai: 770 mcg/ngày.
  • Phụ nữ đang cho con bú: 1.300 mcg/ ngày.

Liều uống cho trẻ em

  • Trẻ sơ sinh 6 tháng: 400 mcg/ngày
  • Trẻ từ 7 đến 12 tháng: 500 mcg/ngày
  • Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 300 mcg/ngày
  • Trẻ từ 4 đến 8 tuổi: 400 mcg/ngày
  • Trẻ từ 9 đến 13 tuổi: 600 mcg/ngày
  • Trẻ từ 14-18 tuổi: 900 mcg/ngày.

Dùng đường tiêm bắp

Sử dụng thuốc với lượng bằng 1/2 liều thuốc uống. Đường tiêm này được chỉ định cho những trẻ bị mắc bệnh gan mật, rối loạn tiêu hoá kéo dài và xuất hiện tình trạng nôn nhiều.

Lưu ý: Vitamin A chỉ an toàn khi tiêm liều dưới 10.000IU tương đương 3000mcg. Dùng liều cao hơn có thể dẫn đến các biến chứng ngoài mong muốn.

Mỗi người cần bao nhiêu vitamin A là đủ?

Sử dụng vitamin A là cần thiết. Nhưng tuyệt đối không được sử dụng quá nhiều, nếu không có thể ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Cùng tìm hiểu chi tiết về mức nhu cầu sử dụng theo từng độ tuổi nhé.

Nhu cầu vitamin A khuyến nghị thay đổi theo độ tuổi:

  • Từ 1 tới 3 tuổi: 1000 IU/ngày
  • Từ 4 tới 8 tuổi: 1300 IU/ngày
  • Từ 9 tới 13 tuổi: 2000 IU/ngày
  • Nam giới 14 tuổi trở lên: 3000 IU/ngày
  • Nữ giới 14 trở lên: 2300 IU/ngày

Đây là nhu cầu chung của một người thông thường. Tuy nhiên, trong từng trường hợp bạn cụ thể, liều dùng vitamin A chỉ được xác nhận bởi các bác sĩ.

Với những người bệnh, người có nhu cầu đặc biệt hay hấp thụ vitamin kém, nên làm việc với bác sĩ chuyên khoa. Từ đó, được hỗ trợ để sử dụng thực phẩm, các loại thuốc bổ sung cần thiết cho cơ thể.

Giới hạn bổ sung an toàn (tính theo retinol):

Như đã nói, sử dụng quá nhiều cũng không tốt và có thể gây nên các phản ứng tiêu cực. Dưới đây là giới hạn sử dụng vitamin A của từng độ tuổi trong một ngày.

  • Dưới 3 tuổi: không quá 2000 IU/ngày
  • Từ 4 - 8 tuổi: không quá 3000 IU/ngày
  • Từ 9 - 13 tuổi: không quá 6000 IU/ngày
  • Từ 14 tới 18 tuổi (bao gồm cả trường hợp mang thai và cho con bú): không quá 9000 IU/ngày
  • Từ 19 tuổi trở lên: không quá 10000 IU/ngày

Bổ sung quá nhiều vitamin A có sao không?

Khi cơ thể hấp thụ quá nhiều vitamin A, sẽ có rất nhiều vấn đề ảnh hưởng. Dưới đây là những tác hại đã được ghi nhận của trường hợp dùng quá giới hạn:

  • Dấu hiệu thay đổi trên da: Vàng da, ngứa và tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời;
  • Thay đổi thị lực nghiêm trọng, thậm chí nhiều trẻ em còn bị nhìn đôi sau khi sử dụng quá nhiều so với lượng khuyến nghị;
  • Tóc dễ gãy, rụng nhiều;
  • Móng tay móng chân giòn và dễ gãy rời khi có tác động lực;
  • Yếu xương, đau xương thường xuyên;
  • Giảm vị giác;
  • Khó tăng cân;
  • Bệnh nha chu;
  • Dễ kích thích;
  • Mệt mỏi;
  • Thay đổi về tâm lý, tâm thần;

Những nguồn cung cấp vitamin A hàng ngày

Vitamin A là một loại vitamin được tìm thấy rất nhiều trong các loại thực phẩm tự nhiên. Dưới đây là những loại thực phẩm bạn nên bổ sung để có bổ sung đầy đủ cho cơ thể.

Nguồn cung cấp từ hoa quả và rau củ

Có rất nhiều loại rau củ chứa vitamin ACó rất nhiều loại rau củ chứa vitamin A

Dưới đây là những loại trái cây, rau củ có nhiều vitamin A, và dễ hấp thụ nhất:

  • Cà rốt;
  • Khoai lang;
  • Bí ngô;
  • Rau diếp;
  • Xoài;
  • Đu đủ;
  • Ớt chuông;
  • Dưa hấu;
  • Cà chua;
  • Các loại nho;
  • Anh đào;
  • Dưa lê;
  • Bông cải xanh;
  • Bơ;
  • Hạt dưa;
  • Rau cải ngồng;
  • Đậu mắt đen:

Nguồn cung cấp từ động vật

  • Gan (đặc biệt là gan bò)’
  • Sữa;
  • Trứng;
  • Cá;
  • Các loại bơ thực vật;
  • Phô mai;
  • Thịt gà;
  • Các loại thịt đỏ;

Nguồn cung cấp vitamin A từ các loại dầu

Có rất nhiều loại rau củ chứa vitamin ADầu gan cá có chứa rất nhiều vitamin A

Ngoài ra, có rất nhiều loại dầu được dùng để bổ sung vitamin A cho cơ thể. Dưới đây là một vài gợi ý để mọi người dễ dàng bổ sung đủ lượng cần thiết cho cơ thể trong bữa ăn thường ngày:

  • Dầu gan cá/ dầu cá thông thường.
  • Dầu quả bơ;
  • Dầu hoa hướng dương;
  • Dầu oliu;
  • Dầu hạnh nhân;

Lời kết

Vitamin A là một vitamin quan trọng và mang lại nhiều lợi ích đối với cơ thể người. Mong rằng qua bài viết trên, bạn đã nắm được thông tin cần thiết và việc bổ sung vitamin A cần thiết cho cơ thể.

Nếu có bất kì thắc mắc nào, có thể liên hệ với Bệnh viện Phương Đông qua số hotline 1900 1806 để được hỗ trợ chi tiết hơn.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
990

Bài viết hữu ích?

Đặt lịch khám bệnh

Lưu ý: Tổng đài sẽ liên hệ xác nhận thời gian khám chính xác tới quý khách sau khi quý khách đặt hẹn

19001806 Đặt lịch khám