Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là một phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến, mang đến hy vọng cho nhiều cặp đôi hiếm muộn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện IVF thường đi kèm với một số thủ thuật nhỏ. Vậy, để giảm đau và tăng sự thoải mái cho bệnh nhân, các bác sĩ thường áp dụng phương pháp nào? Vô cảm trong thụ tinh ống nghiệm có vai trò như thế nào và mang lại những lợi ích gì? Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Vô cảm trong thụ tinh ống nghiệm là gì?
Vô cảm trong thụ tinh ống nghiệm (IVF) là một quá trình rất quan trọng trong việc hỗ trợ sinh sản. Thuật ngữ “vô cảm” ở đây đề cập đến các phương pháp gây tê hoặc gây mê nhằm giảm đau và khó chịu trong các thủ thuật liên quan đến quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là kỹ thuật giúp hỗ trợ những cặp vợ chồng vô sinh hoặc khó có con, bằng cách thực hiện sự thụ tinh giữa trứng và tinh trùng ngoài cơ thể (trong ống nghiệm) và sau đó chuyển phôi đã thụ tinh vào tử cung người phụ nữ. Trong quá trình này, có một số thủ thuật có thể gây đau đớn hoặc khó chịu cho bệnh nhân, vì vậy, vô cảm được áp dụng để đảm bảo bệnh nhân không cảm thấy đau hoặc ít đau nhất có thể.
Các giai đoạn trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm
Khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, quá trình diễn ra sẽ bao gồm 7 giai đoạn khác nhau, bao gồm:
- Giai đoạn 1: Khám sức khỏe tổng quát và đánh giá khả năng sinh sản của hai vợ chồng.
- Giai đoạn 2: Kích thích buồng trứng
- Giai đoạn 3: Chọc hút trứng
- Giai đoạn 4: Thụ tinh
- Giai đoạn 5: Chuyển phôi
- Giai đoạn 6: Thử thai
- Giai đoạn 7: Theo dõi quá trình của thai nhi.
Ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên được thực hiện bằng việc chọc hút trứng nội soi được thực hiện vào năm 1978. Tuy nhiên, ngày nay các bác sĩ thường ưu tiên hình thức chọc hút trứng siêu âm ngã âm đạo. Chính vì phương pháp này có thể gây ra đau và stress nên khi thực hiện cần sử dụng biện pháp vô cảm để đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân. Vì thế có thể thấy, vô cảm đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong thụ tinh ống nghiệm.
Yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh thành công
Thụ tinh nhân tạo (IVF - In Vitro Fertilization) là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại và phổ biến, thường được áp dụng cho các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai tự nhiên. Tỷ lệ thành công của quá trình thụ tinh nhân tạo bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là các yếu tố chính:
Lối sống lành mạnh ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ lệ thành công IVF
- Tuổi của người phụ nữ: Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tỷ lệ thành công của thụ tinh nhân tạo.
- Phụ nữ dưới 35 tuổi: Tỷ lệ thành công của IVF là cao nhất ở độ tuổi này, do trứng còn nhiều và chất lượng trứng tốt.
- Phụ nữ từ 35-37 tuổi: Tỷ lệ thành công giảm dần, nhưng vẫn khả quan.
- Phụ nữ từ 38-40 tuổi: Số lượng và chất lượng trứng giảm mạnh, dẫn đến tỷ lệ thành công giảm.
- Phụ nữ trên 40 tuổi: Tỷ lệ thành công rất thấp, và nguy cơ biến chứng cao hơn. Ở độ tuổi này, trứng có khả năng bị dị tật di truyền hoặc không đủ khỏe mạnh để phát triển thành phôi thai.
- Chất lượng và số lượng trứng: Chất lượng trứng quyết định khả năng phôi có thể phát triển và cấy ghép thành công vào tử cung. Chẳng hạn như bị suy giảm dự trữ buồng trứng, hoặc dự trữ buồng trứng (Đây là số lượng trứng còn lại trong buồng trứng của phụ nữ. Các xét nghiệm dự trữ buồng trứng, như nồng độ c (Anti-Müllerian Hormone), có thể dự đoán khả năng sinh sản của phụ nữ)
- Chất lượng tinh trùng: Tinh trùng đóng vai trò quan trọng trong thụ tinh. Nếu tinh trùng ít hoặc không đủ có thể làm giảm khả năng thụ tinh hoặc tinh trùng có hình dạng bất thường hoặc chứa các khiếm khuyết di truyền có thể làm giảm tỷ lệ thụ tinh và gia tăng nguy cơ sảy thai hoặc các bệnh di truyền ở thai nhi.
- Thể trạng sức khỏe tổng thể của cặp vợ chồng: Nếu một trong hai thành viên mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp hay cân nặng quá thấp hoặc quá cao (BMI không lý tưởng) có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, các vấn đề nội tiết như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hay rối loạn tuyến giáp cũng làm giảm khả năng thụ thai.
- Sức khỏe của tử cung: Tử cung là nơi phôi bám và phát triển thành thai nhi. Vì thế, nếu như độ dày và cấu trúc của nội mạc tử cung đủ lý tưởng thì phôi mới có thể bám vào. Ngược lại, nội mạc tử cung quá mỏng hoặc không đều có thể làm giảm khả năng cấy ghép. Bên cạnh đó, các vấn đề như u xơ tử cung, polyp tử cung, hoặc dính buồng tử cung có thể cản trở quá trình thụ tinh và làm giảm tỷ lệ thành công.
- Công nghệ và kỹ thuật phòng khám: Công nghệ và chất lượng của phòng khám nơi thực hiện IVF ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ thành công. Ngoài ra, nếu IVF không thành công trong lần đầu, các phôi dư có thể được đông lạnh để sử dụng trong các chu kỳ tiếp theo. Việc bảo quản và rã đông phôi đúng cách có thể tăng cơ hội thụ thai trong các lần thử tiếp theo.
- Lối sống và thói quen sinh hoạt: Ví dụ như hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng chất kích thích, stress, chế độ ăn uống không lành mạnh,... có thể làm giảm chất lượng trứng và tinh trùng, gây hại cho quá trình thụ tinh và phát triển phôi. Phụ nữ hút thuốc có tỷ lệ thất bại IVF cao hơn và nguy cơ sảy thai cao hơn.
Xem thêm:
Phương pháp vô cảm trong thụ tinh ống nghiệm
Phương pháp vô cảm trong thụ tinh ống nghiệm (IVF) là một phần quan trọng của quá trình thu hoạch trứng từ buồng trứng. Quá trình này liên quan đến việc giảm đau và lo lắng cho bệnh nhân trong khi thực hiện thủ thuật chọc hút trứng. Có hai phương pháp vô cảm chính được sử dụng trong thụ tinh ống nghiệm: gây tê tại chỗ và gây mê toàn thân hoặc tiền mê tĩnh mạch:
Gây tê là phương pháp ưu tiên sử dụng khi thực hiện vô cảm
- Gây tê tại chỗ (Local anesthesia): Gây tê tại chỗ chỉ làm mất cảm giác ở một khu vực cụ thể, thường là vùng xung quanh buồng trứng. Thuốc tê sẽ được tiêm vào các mô xung quanh vị trí thực hiện thủ thuật. Bệnh nhân sẽ vẫn tỉnh táo nhưng không cảm thấy đau đớn nhiều ở vùng được gây tê. Phương pháp này thường được sử dụng khi bệnh nhân muốn tránh việc dùng thuốc mê hoặc khi chỉ cần một biện pháp vô cảm nhẹ nhàng.
- Gây mê toàn thân hoặc tiền mê tĩnh mạch (Sedation or general anesthesia): Phương pháp này sẽ sử dụng thuốc gây mê để đưa bệnh nhân vào trạng thái ngủ sâu, mất hoàn toàn ý thức trong quá trình chọc hút trứng. Phương pháp tiền mê tĩnh mạch (IV sedation) là một dạng nhẹ hơn của gây mê toàn thân, trong đó bệnh nhân được làm dịu để cảm thấy thoải mái và thư giãn, nhưng vẫn có thể duy trì phản ứng nhẹ với các kích thích.
Các loại thuốc sử dụng trong tiền mê có thể nhắc đến là Midazolam (benzodiazepine), Propofol, Fentanyl (opioid)
Một số tác dụng phụ và rủi ro cần lưu ý:
- Buồn nôn, chóng mặt hoặc mệt mỏi sau khi thức dậy từ gây mê toàn thân.
- Đau nhẹ hoặc chảy máu nhỏ ở vùng chọc hút trứng.
- Phản ứng bị dị ứng với thuốc gây tê hoặc gây mê.
- Biến chứng về hô hấp hoặc tuần hoàn, đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh lý nền.
Các bác sĩ sẽ tiến hành tiền khám kỹ lưỡng, bao gồm kiểm tra lịch sử bệnh lý và phản ứng thuốc của bệnh nhân, để chọn phương pháp vô cảm an toàn nhất.
Nếu có các thắc mắc gì về vô cảm trong thụ tinh ống nghiệm thì quý khách hàng đừng ngần ngại để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới hotline 1900 1806 của Phương Đông để được hỗ trợ.
Kết luận
Vô cảm trong thụ tinh ống nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đau, tăng sự thoải mái và hỗ trợ quá trình điều trị thành công. Trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bạn. Với sự phát triển của y học, vô cảm trong IVF ngày càng an toàn và hiệu quả, giúp mang lại hy vọng cho nhiều cặp đôi mong muốn có con.