Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là gì? Quy trình thực hiện và những lưu ý

Thu Hà

03-10-2024

goole news
16

Thụ tinh ống nghiệm IVF là một trong những phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến và có tỷ lệ thành công cao nhất hiện nay, thường được áp dụng cho các cặp vợ chồng có bệnh lý phức tạp hoặc từng thất bại nhiều lần với các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác. Tuy là phương pháp đã ra đời từ năm 1997, nhưng có rất nhiều người chưa hiểu rõ về quy trình thực hiện IVF diễn ra như thế nào. Bài viết dưới đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ thụ tinh ống nghiệm là gì, quy trình và những lưu ý khi thực hiện phương pháp này.

Thụ tinh ống nghiệm IVF là gì?

Thụ tinh ống nghiệm (In Vitro Fertilization) là phương pháp hỗ trợ sinh sản dành cho các cặp đôi vô sinh hiếm muộn phổ biến nhất hiện nay. Trong phương pháp này tinh trùng với trứng sẽ được thụ tinh trong môi trường ống nghiệm để tạo thành phôi. Phôi sau khi được nuôi cấy khoảng 2 đến 5 ngày thì sẽ được đưa trở lại vào tử cung của người phụ nữ để phát triển. Đặc biệt, chất lượng phôi là yếu tố quyết định quan trọng tới tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. 

Phương pháp hỗ trợ sinh sản dành cho các cặp đôi hiếm muộnPhương pháp hỗ trợ sinh sản dành cho các cặp đôi hiếm muộn

Ths.Bs La Thị Phương Thảo của Trung tâm Hiếm muộn và Nam học công nghệ cao Phương Đông, Bệnh viện Phương Đông cho biết: “thụ tinh ống nghiệm và bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là hai phương pháp hỗ trợ sinh sản dành cho các cặp đôi vô sinh hiếm muộn.”

Hai phương pháp IUI và IVF có sự khác biệt ở cách phôi được nuôi cấy. Nếu IVF là quá trình tạo và nuôi cấy phôi trong môi trường ống nghiệm thì IUI quá thụ thai vẫn diễn ra trong cơ thể người phụ nữ. Vậy nên phương pháp thụ tinh ống nghiệm yêu cầu quy trình thực hiện có nhiều kỹ thuật hơn từ kích thích trứng, chọc hút trứng đến tạo phôi và nuôi cấy trong phòng Lab đến ngày 3 ngày 5 sau đó mới được đưa ngược trở lại vào buồng tử cung của người phụ nữ.

Những trường hợp nào cần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm 

Tùy thuộc vào bệnh lý của các cặp vợ chồng các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp. Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm chỉ phù hợp với cặp vợ chồng có nguyên nhân vô sinh nhưng không mất hoàn toàn khả năng sinh sản của vợ hoặc chồng.

Những trường hợp bệnh lý ở các cặp đôi cần hỗ trợ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm: 

  • Nữ giới bị tổn thương, tắc nghẽn ống dẫn trứng hoặc đã cắt bỏ vòi trứng: Tình trạng này có thể khiến trứng không thể thụ thai hoặc phôi thai khó di chuyển và làm tổ ở bên trong tử cung. 
  • Nữ giới bị rối loạn phóng noãn: Chu kỳ rụng trứng diễn ra không đều cũng là nguyên do khiến quá trình thụ thai thất bại.
  • Bị suy giảm chức năng buồng trứng sớm: Đây là tình trạng diễn ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Bệnh lý này khiến buồng trứng mất đi khả năng tạo ra lượng estrogen tối thiểu cho cơ thể và còn gây ra nguyên nhân rụng trứng không đều.
  • U xơ tử cung: Là những khối u lành tính trong thành tử cung thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi 30 đến 40, gây cản trở quá trình thụ thai tự nhiên.
  • Lạc nội mạc tử cung: Là tình trạng nội mạc tử cung nằm bên ngoài của tử cung, ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng của tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và khả năng thụ thai của người phụ nữ.

Lạc nội mạc tử cung cần nhận tư vấn thụ tinh trong ống nghiệmLạc nội mạc tử cung cần nhận tư vấn thụ tinh trong ống nghiệm

  • Nam giới có tinh trùng yếu, lượng tinh trùng thấp, xuất tinh ngược hoặc tinh dịch không có tinh trùng: Đây đều là những bệnh lý gây cản trở tới quá trình thụ tinh. Vậy nên đối với trường hợp này các cặp vợ chồng sẽ được bác sĩ tư vấn thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh ống nghiệm.
  • Cặp vợ chồng đã qua độ tuổi sinh sản, người vợ bị suy giảm chức năng dự trữ buồng trứng. 
  • Vô sinh hiếm muộn không rõ nguyên nhân.
  • Từng thực hiện các phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI nhiều lần nhưng không thành công.
  • Vợ hoặc chồng mang các gen bệnh như: máu khó đông - Hemophilia, thiếu máu tán huyết - Thalassemia,...cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc di truyền tiền làm tổ giúp giảm thiểu nguy cơ con sinh ra vị mắc bệnh.
  • Từng thực hiện hóa trị hoặc xạ trị tế bào ung thư hay mắc các bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe như bệnh tim,...

Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm

Để quy trình thụ tinh ống nghiệm có kết quả tốt nhất, các cặp vợ chồng cần nắm rõ các thông tin cần chuẩn bị trước trước quy trình thụ tinh trong ống nghiệm sau đây:

Tư vấn IVF và tâm lý

Chắc hẳn các cặp vợ chồng hiếm muộn đều sẽ có những câu hỏi, những thắc mắc như thụ tinh ống nghiệm là gì, IVF là viết tắt của chữ gì, làm IVF là gì, hay quy trình làm IVF được diễn ra như thế nào? Đây đều là những câu hỏi mà trung tâm IVF Phương Đông nhận được nhiều nhất sau khi các cặp đôi hiếm muộn thực hiện khám sức khỏe sinh sản tại đây. Các câu hỏi này đều được các chuyên gia tại IVF Phương Đông tư vấn, giải đáp để bạn và gia đình có thể hiểu rõ về cách thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đặc biệt, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi thực hiện quy trình IVF tại Phương Đông, trực tiếp các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị dựa trên kết quả sinh sản của vợ chồng bạn để đem lại tỷ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm tốt nhất.

Các cặp vợ chồng sẽ được bác sĩ và chuyên gia tư vấn kỹ càng về IVF

Các cặp vợ chồng sẽ được bác sĩ và chuyên gia tư vấn kỹ càng về IVF

Không chỉ cần nắm rõ thông tin về thụ tinh ống nghiệm, chuẩn bị một tâm lý thật tốt để bắt đầu quá trình thụ tinh ống nghiệm cũng là một yếu tố rất quan trọng. Không nên để tinh thần lo lắng, căng thẳng hay quá bồn chồn, hy vọng khi mới bắt đầu thực hiện. Tránh có suy nghĩ tiêu cực, suy sụp khi thất bại trong lần thực hiện đầu tiên hay những phương pháp hỗ trợ khác. Yếu tố cảm xúc, tâm lý cũng là một phần quyết định đến sự thành công hay thất bại khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Xét nghiệm dự trữ buồng trứng

Trước khi thực hiện quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, người phụ nữ sẽ được tiến hành các xét nghiệm để kiểm tra tình trạng dự trữ buồng trứng. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm như kiểm tra đo lường nồng độ hormone dự trữ buồng trứng (AMH), hormone kích thích nang trứng (FSH), LH, estradiol, progesteron,... Nhằm đánh giá và tiên lượng khả năng thành công cũng như sự bất thường gây hiếm muộn để đưa ra phương hướng điều trị tốt nhất.

Ngoài ra, người phụ nữ cần thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh như siêu âm nang noãn, siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo và chụp X-quang tử cung vòi trứng để xác định xem tử cung mắc cách bệnh lý gây vô sinh như nhiễm trùng, tử cung bị dị dạng, dính tử cung hay không.

Phân tích tinh dịch đồ

Trước khi đi vào quy trình và các bước làm thụ tinh trong ống nghiệm thì người đàn ông cũng được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ. Việc thực hiện xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ có thể đánh giá chất lượng của tinh trùng thông qua các chỉ số như: số lượng tinh trùng, khả năng di động, hình dạng,... Từ đó đưa ra được phương án và phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Một số lưu ý cần thiết trước khi lấy mẫu tinh dịch để đảm bảo có kết quả chính xác nhất:

  • Tránh xuất tinh/quan hệ trước 3 -5 ngày lấy mẫu
  • Giữ tinh thần thoải mái, không căng thẳng, lo âu
  • Dừng xét nghiệm tinh dịch đồ nếu cơ thể đang có dấu hiệu của sốt cao hoặc viêm nhiễm
  • Tránh tuyệt đối bia, rượu hoặc các loại đồ uống có cồn, chất kích thích khác.
  • Thông báo với bác sĩ điều trị nếu bạn đang dùng thực phẩm chức năng hay thuốc kháng sinh,...

Sàng lọc bệnh truyền nhiễm

Cả vợ và chồng đều sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm để chẩn đoán một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như: HIV, viêm gan B, giang mai,... Đây đều là những bệnh có dấu hiệu nhận biết không quá rõ ràng và rất khó phát hiện trong giai đoạn ban đầu.

Vậy nên, nếu không kịp thời phát hiện, bệnh có thể lây truyền sang chồng, sang vợ hoặc từ mẹ sang con. Trong trường hợp các cặp vợ chồng hiếm muộn chẳng may mắc phải những bệnh truyền nhiễm này, bác sĩ sẽ đề ra các phương án điều trị phù hợp. 

Ký các mẫu đơn đồng ý và các hướng dẫn

Sau khi tình trạng sức khỏe của hai vợ chồng đã được kiểm tra, xem xét có đáp ứng đủ các yêu cầu để bắt đầu tiến hành quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Thì lúc này bên phía bệnh viện sẽ yêu cầu cặp đôi hoàn tất một số thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm: 

  • Bản cam kết thụ tinh trong ống nghiệm
  • Giấy kết hôn bản sao kèm bản chỉnh để đối chứng
  • Căn cước công dân hoặc chứng minh thư bản sao kèm bản chỉnh để đối chứng

Sau thời điểm này các cặp vợ chồng cần chuẩn bị sức khỏe, tâm lý, tài chính,... thật tốt để chuẩn bị chính thức bắt đầu các bước thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm.

Quy trình và các bước thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm

Các quy trình thực hiện trong thụ tinh ống nghiệmCác quy trình thực hiện trong thụ tinh ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm được chia ra làm 5 bước chính gồm: Tiêm kích trứng, thu thập trứng và tinh trùng, thụ tinh, chuyển phôi và kiểm tra kết quả. Chi tiết từng quy trình thực hiện các bước làm IVF như sau:

Giai đoạn 1: Điều chỉnh kinh nguyệt và tiêm thuốc kích thích buồng trứng

Trong mỗi chu kỳ sinh lý người phụ nữ sẽ xuất hiện một nang trứng tốt nhất trong số các nang noãn thứ cấp và có đủ khả năng tự phóng noãn. Việc điều chỉnh kỳ kinh nguyệt và tiêm kích buồng trứng giúp cơ thể người phụ nữ có kích thích và tăng lượng nang noãn và kiểm soát tình trạng nang trứng tự phóng noãn. Đặc biệt, việc tiêm thuốc kích thích buồng trứng còn giúp thu thập được nhiều trứng tốt để tạo nhiều phôi tốt tăng khả năng thụ thai thành công.

Việc tiêm kích trứng sẽ tiến hành vào ngày thứ 2 hoặc 3 sau thời điểm người phụ nữ bắt đầu hành kinh. Thường kéo dài trong suốt 10 - 12 ngày liên tục, trong giai đoạn này người phụ nữ sẽ được bác sĩ hẹn siêu âm và thực hiện các xét nghiệm máu để hỗ trợ theo dõi sự phát triển của nội mạc tử cung và kích thước của nang noãn. Khi nang trứng đã đạt đến kích thước tối thiểu, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm mũi thuốc cuối cùng để kích thích trứng rụng (mũi này quan trọng bởi nó cần được tiêm đúng giờ) sau đó người phụ nữ sẽ được hẹn ngày quay trở lại để tiến hành chọc hút trứng.

Giai đoạn 2: Thu thập trứng và tinh trùng

Sau khi thực hiện tiêm kích trứng, các cặp vợ chồng sẽ được bác sĩ lịch chọc hút trứng và thu thập tinh trùng. Thời gian chọc hút trứng sẽ kéo dài khoảng 15 - 30 phút. Trong quá trình chọc hút trứng, người phụ nữ sẽ được gây tê hoặc gây mê nên không hề cảm nhận được sự đau đớn. Sau khi thực hiện xong thủ thuật này người phụ nữ sẽ được nằm nghỉ ngơi và theo dõi trong vòng tối thiểu 30 phút tại bệnh viện.

Trong cùng thời điểm đó, người chồng sẽ thực hiện lấy mẫu tinh trùng bằng cách tự nhiên hoặc hỗ trợ thủ thuật đối với các trường hợp có bệnh lý như: tắc ống dẫn tinh hoặc rối loạn xuất tinh,... Sau khi đã thu thập được đủ lượng trứng và tinh trùng thì các bác sĩ sẽ bắt đầu quá trình cho trứng thụ tinh với tinh trùng.

Giai đoạn 3: Tạo phôi/Thụ tinh

Sau khi đã chọn lựa được tinh trùng và trứng có chất lượng tốt nhất. Các chuyên viên sẽ chuyển trứng và phôi đến phòng Lab để tiến hành tạo phôi.  Phôi sẽ được nuôi cấy trong môi trường ống nghiệm khoảng 2 - 5 ngày, sau đó được đưa ngược trở lại buồng tử cung của người phụ nữ.

Các cặp đôi đều sẽ nhận được thông tin về số lượng phôi đạt tiêu chuẩn chất lượng. Phôi đạt chất lượng có thể được trữ đông hoặc chuyển trực tiếp vào cơ thể người phụ nữ. Nhiều trường hợp các cặp vợ chồng sẽ được tư vấn nên chuyển phôi đông lạnh. Vậy nên, trong thời gian chờ trữ đông phôi thì người phụ nữ sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc để chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi sau đó.

Giai đoạn 4: Chuyển phôi

Như đã nói ở giai đoạn trên thì chuyển phôi được chia ra làm 2 loại: chuyển phôi đông lạnh và chuyển phôi tươi. Việc quyết định chuyển phôi tươi hay đông lạnh sẽ phụ thuộc vào kết quả kiểm tra độ dày của niêm mạc tử cung. Nếu độ dày của niêm mạc tử cung chưa thích hợp tạo điều kiện tốt nhất để phôi làm tổ thì người phụ nữ sẽ được bác sĩ cho sử dụng thuốc đặt âm đạo và thuốc đường uống để chuẩn bị đến khi niêm mạc tử cung có độ dày hoàn hảo để chuyển phôi.

Thời gian chuyển phôi diễn ra khá nhanh chóng, kéo dài chỉ 5 - 10 phút. Sau chuyển phôi người phụ nữ không nhất thiết cần nằm theo dõi tại bệnh viện, những vấn được khuyến khích nằm nghỉ 3 - 4 giờ sau thủ thuật. Thời điểm 2 tuần sau chuyển phôi bác sĩ sẽ chỉ định người phụ nữ tiếp tục sử dụng các loại thuốc nội tiết tố và ăn uống, nghỉ ngơi theo chế độ phù hợp.

Xem thêm: 

Giai đoạn 5: Kiểm tra kết quả

Sau khoảng 2 tuần kể từ thời điểm chuyển phôi, bác sĩ sẽ hẹn các cặp vợ chồng đến để thực hiện xét nghiệm Beta HCG trong nước tiểu hoặc máu của người phụ nữ để kiểm tra xem đã đậu thai hay chưa. 

  • Nếu lượng Beta HCG cao hơn 25IU/I thì báo hiệu có thai, tuy nhiên nồng độ này còn tùy thuộc vào cơ thể của mỗi người. 
  • Nồng độ Beta HCG tăng gấp đôi thì chắc chắn bạn đã mang thai và thai nhi đang trong quá trình phát triển, lúc này bác sĩ sẽ chỉ định người phụ nữ tiếp tục dùng thuốc dưỡng thai đến giai đoạn siêu âm để xác định tim thai và túi thai của thai nhi.
  • Tuy nhiên nếu nồng độ Beta  không thay đổi thì bạn cần tiếp tục theo dõi thêm. Trong trường hợp nồng độ Beta thấp hơn 5 IU/I thì có thể thai đã sinh hóa (sẩy thai).

Dấu hiệu làm IVF thành công

Nếu bạn xuất hiện một trong số các dấu hiệu dưới đây thì có thể bạn đã chuyển phôi thành công: Xuất hiện máu báo, đau tức phần ngực, đau bụng nhẹ, nhiệt độ cơ thể tăng, cơ thể mệt mỏi và dễ buồn nôn,... lên 2 vạch thử thai sau chuyển phôi ngày 8, ngày 9.

Dấu hiệu có thai sau thụ tinh trong ống nghiệmDấu hiệu có thai sau thụ tinh trong ống nghiệm

Những dấu hiệu cho thấy chuyển phôi đã thành công thường sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 14 kể sau ngày chuyển phôi. Tuy nhiên, không phải ai cũng xuất hiện những triệu chứng này, vậy nên bạn cần tới bệnh viện để thực hiện xét nghiệm Beta HCG trong thụ tinh ống nghiệm để xác định rõ xem bạn đã mang thai hay chưa.

xem thêm: Dấu hiệu chuyển phôi 5 ngày thành công: Bí quyết để giúp bạn chuẩn bị tinh thần đón con yêu!

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của IVF

Theo thống kê trên toàn thế giới, tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công chiếm khoảng 40 - 45%. Trong khi tỷ lệ đó ở Việt Nam lại chiếm khoảng 35 - 40%. Đặc biệt, tỷ lệ này sẽ giảm trừ khoảng 2 - 10 % trong nhóm phụ nữ có độ tuổi trên 40. Nguyên nhân là do chất lượng trứng sẽ càng suy giảm khi tuổi càng cao, nhiều trường hợp được tư vấn cần sử dụng trứng được hiến tặng để gia tăng tỷ lệ thành công trong quá trình thụ tinh.

Độ tuổi & sức khỏe sinh sản của người phụ nữ

Một trong những yếu tố quyết định đến tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm chính là độ tuổi và sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Tuổi của người phụ nữ càng trẻ thì khả năng thành công lại càng cao, vì chất lượng cũng như số lượng trứng sẽ giảm dần khi độ tuổi của người phụ nữ ngày càng lớn.

Đặc biệt phụ nữ sau khi bước qua tuổi 35 thì sẽ đến thời kỳ mãn kinh nên lúc này lượng trứng trong cơ thể người phụ nữ đã suy giảm, cạn kiệt. Ngược lại, khả năng sinh sản tinh hoàn của nam giới lại không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác và kéo dài trong toàn bộ cuộc đời của họ và chắc chắn rằng khi tuổi của nam giới càng lớn thì chất lượng tinh trùng của họ cũng sẽ giảm dần.

Chất lượng trứng và tinh trùng

Tình trạng trứng và tinh trùng có tốt hay không sẽ là một yếu tố quan trong quyết định đến sự thành công hay thất bại của IVF. Nếu chất lượng tinh trùng của người chồng tốt thì sẽ nâng cao tỷ lệ thành công hơn, và ngược lại nếu người chồng bị vô sinh không rõ nguyên nhân thì sẽ kéo tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm giảm xuống.

Hay như các bệnh lý sinh sản ở nữ giới như nội mạc tử cung nghiêm trọng, dị tật tử cung, rối loạn chức năng phóng noãn,... đều sẽ gây cản trở cho các bước thụ tinh trong ống nghiệm, ảnh hưởng tới sự thành công của IVF. Ngoài ra tình trạng dự trữ buồng trứng (AMH) thấp cũng khiến cho việc thụ tinh ống nghiệm gặp nhiều bất lợi.

Tiền sử sinh sản

Tiền sử sinh sản cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của IVF. Nếu người phụ nữ từng có tiền sử sảy thai, hoặc đã thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác nhưng không thành công. Thì được xếp vào nhóm có tiền sử sản khoa nặng nề, bác sĩ sẽ chỉ định người phụ nữ thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra và tìm ra những giải pháp hay phác đồ khi thực hiện IVF để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Đối với những người phụ nữ có tiền sử sinh sản như thế này. Khi thực hiện các quy trình, thủ thuật trong IVF cần hết sức chú ý chế độ sử dụng thuốc cũng như là sinh hoạt, ăn uống.

Nguyên nhân hiếm muộn

Các bệnh lý sinh sản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, lâu dần sẽ dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Nếu sau 1 năm không sử dụng các biện pháp tránh thai mà vẫn không có con thì các cặp vợ chồng nên thực hiện kiểm tra sức khỏe sinh sản để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Nếu các bệnh lý đơn giản như: tắc vòi trứng thì sẽ không quá ảnh hưởng tới tỷ lệ thành công hay thất bại của IVF. Nhưng đối với các bệnh lý phức tạp như: lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung,... nếu không được kiểm tra và hỗ trợ phương pháp kịp thời thì càng về sau sẽ càng gây giảm tỷ lệ thành công của các giai đoạn thụ tinh trong ống nghiệm.

Lối sống sinh hoạt

Không chỉ là bệnh lý từ chức năng sinh sản, mà chế độ sinh hoạt ăn uống hàng ngày của cặp vợ chồng cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới kết quả thực hiện IVF. 

Các cặp vợ chồng cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và sinh hoạt hợp lý:

  • Bổ sung chất dinh dưỡng và thực phẩm giàu chất đạm trong chế độ ăn uống hàng ngày: Thịt bò, thịt gà, tôm, cua, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây và một số loại hạt,...
  • Bổ sung thêm các thực phẩm giàu Omega 3 như: Dầu cá, dầu thực vật,... và thực phẩm chứa nhiều axit folic: Ngũ cốc, cam, bưởi,...
  • Tránh sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia và các loại chất kích thích khác.
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng, tránh căng thẳng, stress.
  • Tránh tuyệt đối việc quan hệ vợ chồng trong thời gian thực hiện liệu trình để không gây kích thích, co bóp tử cung ảnh hưởng tới quá trình phôi làm tổ.
  • Rèn luyện sức khỏe như tập yoga, ngồi thiền, đi bộ hoặc những hoạt động nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe.

 Chế độ ăn uống trong khi làm thụ tinh ống nghiệmChế độ ăn uống trong khi làm thụ tinh ống nghiệm

Những lợi ích và rủi ro của IVF

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm chính là một bước tiến mới của ngành y học, hỗ trợ các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn hiện thực hóa ước mơ có con. Cùng tìm hiểu rõ lợi ích cũng như rủi ro của phương pháp này.

 Lợi ích

  • Dù người phụ nữ có bị tắc hay cắt ống dẫn trứng thì phương pháp này vẫn đảm bảo được quy trình thụ tinh hoàn thiện.
  • Phù hợp với các cặp vợ chồng lớn tuổi, người vợ có lượng trứng dự trữ thấp vì IVF hỗ trợ quy trình chọn lọc chất lượng trứng tốt nhất để thụ tinh.
  • Các cặp vợ chồng vô sinh không rõ nguyên nhân cũng có thể sử dụng được phương pháp hỗ trợ sinh sản này.
  • Tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác, áp dụng cho các cặp vợ chồng có bệnh lý phức tạp.
  • Hỗ trợ mẹ đơn thân hoặc các cặp đôi đồng tính có thể đón con nhờ tinh trùng dự trữ ở ngân hàng.
  • Có thể tặng lại phôi không cần sử dụng đến cho các cặp đôi hiếm muộn khác.
  • Giúp sàng lọc bệnh di truyền hoặc các bệnh về rối loạn di truyền như Down, xơ nang,... đảm bảo con ra đời hoàn toàn khỏe mạnh.

Rủi ro

Thụ tinh trong ống nghiệm có đau không? Thụ tinh trong ống nghiệm có thể không đau, nhưng đôi khi nó sẽ dẫn tới cho bạn một vài những tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Sinh nhiều con hay còn được gọi là đa thai thụ tinh trong ống nghiệm, nguyên nhân là do trong quá trình chuyển phôi, bác sĩ sẽ chuyển nhiều phôi vào trong tử cung để tăng khả năng đậu, do đó khả năng đa thai cũng tăng lên. Theo thống kê có khoảng 20% trường hợp thụ tinh ống nghiệm là mang đa thai.
  • Sinh non: Trong quá trình thực hiện IVF cơ thể có thể bị kích thích khiến hàm lượng estrogen tăng cao. Estrogen tăng cao dẫn tới tác động không tốt đến môi trường bên trong tử cung gây sinh non khiến sức khỏe của con sẽ bị ảnh hưởng. 
  • Sảy thai: Theo ước tính, tỷ lệ sảy thai tự nhiên ở người phụ nữ chiếm 20 - 25% tương đương với tỷ lệ sảy thai ở các trường hợp chuyển phôi tươi. Nhưng theo nhiều kết quả thực tế cho thấy, việc chuyển phôi đông lạnh làm tăng nguy cơ sảy thai hơn so với chuyển phôi tươi.
  • Mang thai ngoài tử cung: Tỷ lệ mang thai ngoài tử cung khi thực hiện phương pháp IVF chiếm từ 3 - 5%
  • Các biến chứng trong quá trình lấy trứng: Trong quá trình tiêm thuốc kích trứng có thể gây ra một số biến chứng khiến buồng trứng bị sưng và đau. Ngoài ra, quá trình chọc hút trứng cũng có thể khiến bạn bị chảy máu, tổn thương bàng quang, mạch máu hoặc ruột và có nguy cơ bị nhiễm trùng.

Tuy nhiên các cặp vợ chồng không cần quá lo lắng vì phương pháp hỗ trợ sinh sản - thụ tinh trong ống nghiệm được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhất là thời điểm sau chuyển phôi, người phụ nữ cần giữ tâm lý thật thoải mái, dành thời gian để thư giãn, đọc sách, xem phim,... để có kết quả sau chuyển phôi tốt nhất.

 

Tại sao nên chọn IVF Phương Đông để thực hiện thụ tinh ống nghiệm

Trung tâm IVF Phương Đông là một trong những địa chỉ uy tín được nhiều các cặp đôi hiếm muộn và tin tưởng ở Việt Nam. Với đội ngũ các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, bề dày kinh nghiệm trong việc điều trị vô sinh hiếm muộn. IVF Phương Đông còn được trang bị hệ thống thiết bị, máy móc và phòng LAB đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các nước tiên tiến bậc nhất thế giới. Hệ thống, quy trình thăm khám cũng được phối hợp chặt chẽ và tối ưu quy trình giúp các cặp đôi tiết kiệm được thời gian cũng như là chi phí.

Khi đến với Trung tâm Hiếm muộn và Nam học công nghệ cao Phương Đông các cặp đôi sẽ được thăm khám và điều trị trực tiếp bởi các chuyên gia bác sĩ hàng đầu tại IVF Phương Đông. Trung tâm luôn thường xuyên cập nhật các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất và các công nghệ mới của y học hiện đại.

Trung tâm IVF Phương Đông sẽ là một trong những câu trả lời được trả lời nhiều nhất cho câu hỏi thụ tinh trong ống nghiệm ở đâu tốt nhất.

Hệ thống phòng Lab đạt tiêu chuẩn ISO 6Hệ thống phòng Lab đạt tiêu chuẩn ISO 6

Các câu hỏi thường gặp về IVF

Chắc chắn sẽ có nhiều cặp đôi đặt ra nhiều câu hỏi, thắc mắc khi bắt đầu tìm hiểu và tiến hành thực hiện IVF. Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi mà Trung tâm IVF đã nhận được nhiều nhất trong thời gian qua mà các cặp vợ chồng có thể tham khảo:

Làm IVF sau bao lâu thì biết mình có thai?

Sau chuyển phôi 14 ngày, các cặp đôi có thể dùng que thử thai để kiểm tra kết quả. Nếu bạn thử thai vào những ngày trước đó mà que hiện có 1 vạch thì bạn không cần quá lo lắng vì đây chưa phải thời điểm tốt nhất và kết quả  chưa hoàn toàn chính xác. Bạn nên đợi đủ 14 ngày sau thời điểm chuyển phôi và sử dụng que thử thai chất lượng tốt nhất để kiểm tra kết quả.

Thời điểm thử thai tốt nhất là sau chuyển phôi 14 ngàyThời điểm thử thai tốt nhất là sau chuyển phôi 14 ngày

Một cách để kiểm tra được rằng bạn có mang thai hay không đó là thực hiện xét nghiệm máu để đo lường chỉ số Beta HCG. Bằng cách này bạn sẽ nhận  được kết quả chính xác và có thể xác định được sự phát triển của em bé. Cùng với đó bạn sẽ được bác sĩ đưa cho lời khuyên và hướng dẫn chế độ thai kỳ phù hợp.

Làm IVF có cần nghỉ ngơi tại giường không?

Thời điểm vừa chuyển phôi xong, người phụ nữ sẽ được chuyển về phòng nghỉ, hồi sức để nghỉ ngơi khoảng 30 phút tại viện. Không nhất thiết phải nghỉ ngơi quá lâu, sau đó bạn có thể đi về nhà và ăn uống sinh hoạt bình thường.

Thời gian sau chuyển phôi người phụ nữ cần chú ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và rèn luyện cơ thể. Nhiều người nghĩ rằng nên tránh việc tập thể dục, thể thao vì sợ ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, nhưng việc chỉ nằm yên một chỗ là không nên. Bạn vẫn có thể tập luyện một số môn thể thao nhẹ nhàng như ngồi thiền, yoga, đi bộ,... Đặc biệt, giữ tâm lý thoải mái sẽ rất tốt cho quá trình thụ thai sau chuyển phôi.

Độ tuổi tốt nhất để thụ tinh trong ống nghiệm là bao nhiêu?

Không có nghiên cứu nào chỉ ra cố định độ tuổi tốt nhất để thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Nhưng theo lời khuyên của các chuyên gia, bác sĩ thì thực hiện IVF càng sớm thì khả năng thụ thai IVF càng cao. Bởi khi người phụ nữ càng lớn tuổi thì chức năng sinh sản càng kém, nhất là chất lượng dự trữ buồng trứng.

Khi tuổi của người phụ nữ càng cao thì khả năng thụ tinh trong ống nghiệm sẽ giảm hơn nhóm phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản và tăng nguy cơ thai nhi sẽ mắc các bệnh bất thường như: dị tật bẩm sinh, hội chứng Down,... Để giảm thiểu biến chứng và nguy cơ mắc bệnh cho cả mẹ và bé thì các cặp đôi nên thăm khám và điều trị chữa vô sinh hiếm muộn trước 30 tuổi. Việc điều trị sớm và kịp thời sẽ giúp nâng cao tỷ lệ thành công khi thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản

Xem thêm: Bí quyết tăng khả năng thụ thai ở phụ nữ trung niên

Khi nào tôi cần phải liên hệ gặp bác sĩ sau khi làm IVF?

Sau chuyển phôi là thời điểm rất nhạy cảm, nếu bạn xuất hiện trong trong những dấu hiệu dưới đây cần đến gặp ngay bác sĩ kiểm tra ngay lập tức: 

  • Sốt trên 38 độ
  • Xuất hiện máu trong nước tiểu
  • Chảy máu từ âm đạo
  • Bị đau vùng chậu

Xuất hiện dấu hiệu bất thường cần liên hệ ngay với bác sĩXuất hiện dấu hiệu bất thường cần liên hệ ngay với bác sĩ

Thời điểm 14 ngày sau chuyển phôi là thời điểm quan trọng và hồi hộp nhất đối với các cặp vợ chồng. Vậy nên hãy thật cẩn thận và quan sát ghi lại những sự thay đổi kể cả nhỏ nhất của cơ thể. Gặp những dấu hiệu bất thường cần liên lạc ngay với bác sĩ trực tiếp điều trị để kịp thời có biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một phương pháp kỹ thuật sinh sản được sử dụng để giúp các cặp vợ chồng vô sinh hoặc có vấn đề về sản xuất tinh trùng hoặc trứng. Quy trình thực hiện IVF có nhiều bước đòi hỏi sự chính xác cao. Việc chuẩn bị cẩn thận và tuân thủ chặt chẽ các lời khuyên và chỉ dẫn của bác sĩ là rất quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất mặc dù vẫn có một số rủi ro nhất định. Tuy nhiên, IVF đã giúp hàng triệu cặp vợ chồng trên thế giới có được niềm hy vọng có con và gia đình hạnh phúc.

Hy vọng với những thông tin mà Bệnh viện Phương Đông chia sẻ ở trên sẽ giúp các cặp đôi hiểu rõ hơn thụ tinh trong ống nghiệm IVF, quy trình thực hiện và một số lưu ý cần thiết. Để không bỏ lỡ thời điểm vàng để thực hiện IVF, các cặp đôi có thể đến Trung tâm IVF Phương Đông để được tư vấn và thăm khám. Hãy gọi ngay hotline 1900 1806 để được hỗ trợ kịp thời,

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,786

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám