Bệnh ghẻ nước ở trẻ em: Nguyên nhân, cách chữa trị và cách đề phòng bệnh

Nguyễn Thu Hà

08-03-2022

goole news
16

Ghẻ nước ở trẻ là bệnh lý về da ở trẻ em với các triệu chứng mụn nước xuất hiện trên da, gây ngứa rát, khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của trẻ. 

Ghẻ nước là một trong những bệnh về da ở trẻ em mà các bậc cha mẹ đã quá quen thuộc với các triệu chứng mụn nước nổi trên da. Ngày nay, cuộc sống hiện đại khiến nhiều ông bố bà mẹ cho rằng bệnh ghẻ nước tưởng đã “tuyệt chủng” ở các thành phố lớn. Nhưng trẻ em vốn hiếu động, thích chơi nghịch cát; chúng vẫn có thể nhiễm ghẻ.  

Ghẻ nước thường xuất hiện ở kẽ tay, kẽ chân gây ngứa rát, khó chịu làm trẻ gãi suốt ngày. Vô tình tạo những vết trầy xước trên da, có khi nhiễm trùng da. Bệnh ghẻ nước ở trẻ nhỏ tuy không ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe nhưng biến chứng gây ra là làn da nhiều sẹo; gây mất thẩm mỹ cho cuộc sống về sau của trẻ. Cha mẹ cần chú ý những nốt lạ nổi lên trên cơ thể con và chữa trị kịp thời.

Bệnh ghẻ nước là gì?

bệnh ghẻ nước do ký sinh trùng ghẻ gây ra

Hình ảnh ký sinh trùng Sarcoptes scabie hominis gây ra bệnh ghẻ nước ở trẻ em

Bệnh ghẻ nước là bệnh nhiễm trùng ngoài da do ký sinh trùng ghẻ (Sarcoptes scabie hominis) gây ra. Ký sinh trùng này đào hang ở lớp sừng sau đó đẻ trứng, vào 20 ngày sau ký sinh trùng ghẻ trưởng thành.

Loại ký sinh trùng này sinh sôi rất nhanh. Có thể nở đến vài trăm triệu con trên da. 

Trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 4 tuổi. Làn da còn mỏng manh, nhạy cảm nên rất dễ bị loại ký sinh trùng này xâm nhập. Gây ra bệnh nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh ghẻ nước ở trẻ nhỏ thường phát triển mạnh nhất vào mùa mưa nhiều hoặc mùa đông. 

Các giai đoạn phát triển ghẻ nước

bệnh ghẻ nước ở trẻ phát triển qua 2 giai đoạn

Bệnh ghẻ nước ở trẻ phát triển qua 2 giai đoạn

Theo các chuyên gia, ghẻ nước ở trẻ nhỏ phát triển qua 2 giai đoạn. Khi trẻ gãi quá nhiều và không được điều trị kịp thời sẽ khiến các nốt mụn ghẻ nước dễ bị vỡ, trầy xước và để lại sẹo xấu trên da. 

  • Giai đoạn đầu: Ban đầu trẻ không xuất hiện các biểu hiện. Cho thấy bị ký sinh trùng ghẻ xâm nhập mà chỉ có dấu hiệu ngứa ngáy và gãi nhiều. Về đêm ngứa nhiều hơn.
  • Giai đoạn sau: Khi bước sang giai đoạn 2. Trên cơ thể trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện những đường hang ngang dọc dài vài mm; hình chữ chi, màu trắng xám; dài vài mm đầu hang là các mụn nước. Là nơi ký sinh trùng ẩn náu.

Khi trẻ bị ghẻ nước, triệu chứng ban đầu thường thấy là sốt nhẹ. Sau đó, trên cơ thể sẽ xuất hiện nhiều mụn nước, mọc ở khắp các vùng da trên cơ thể. Đặc biệt là các vị trí như: nếp lằn ở mông, ngấn cổ tay, ngón tay, cùi tay, trước nách… Nếu trẻ gãi nhiều có thể gây lở loét, trầy xước. 

Nguyên nhân bị bệnh ghẻ nước ở trẻ em

môi trường sống ô nhiễm là nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh ghẻ nước

Môi trường sống ô nhiễm là nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh ghẻ nước

Nguyên nhân đầu tiên khiến trẻ mắc bệnh ghẻ nước là do ký sinh trùng ghẻ (Sarcoptes scabie hominis) gây ra. Đặc biệt, các khu vực nhiệt đới có độ ẩm cao là nơi trú ngụ “ưa thích” của loại ký sinh trùng này. Nó sinh sôi, phát triển mạnh tại các quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới; trong đó có Việt Nam. 

Ngoài nguyên nhân trên, có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến bệnh ghẻ nước ở trẻ nhỏ là do điều kiện sinh hoạt; môi trường sống kém vệ sinh hoặc do tiếp xúc trực tiếp; sinh hoạt chung với người mắc bệnh ghẻ. Một số yếu tố làm tăng khả năng phát triển bệnh ghẻ nước ở trẻ có thể kể đến như: 

Môi trường sống bẩn, bị ô nhiễm:

Các chuyên gia khuyến cáo để trẻ tránh mắc các bệnh về da. Thì môi trường sống của trẻ cần phải trong lành, sạch sẽ. Ở những nơi bị ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, có nhiều khói bụi… thường có tần suất bệnh ghẻ nước xuất hiện nhiều hơn.

Sống tại nơi quá chật chội

Ngoài vấn đề môi trường bị ô nhiễm, trẻ nhỏ sống tại nơi quá chật chội, đông đúc cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hơn các trẻ khác.

Không vệ sinh cá nhân sạch 

Những trẻ không giữ gìn vệ sinh cá nhân hay cha mẹ, người thân không vệ sinh cá nhân thường xuyên cho trẻ cũng sẽ là nguyên nhân lớn khiến ghẻ nước xâm nhập cơ thể dễ dàng hơn. 

Môi trường sống khắc nghiệt

Những nơi thường xuyên gặp các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, mưa bão nhiều sẽ là mầm mống cho các loại ký sinh trùng, côn trùng, các loại virus có hại phát triển, sinh sôi mạnh.

Dấu hiệu của bệnh ghẻ nước

dấu hiệu của bệnh ghẻ nước là xuất hiện mụn nước và luống ghẻ

Dấu hiệu của bệnh ghẻ nước là xuất hiện mụn nước và luống ghẻ

Bệnh ghẻ nước là một trong những bệnh về da gây khó chịu, ngứa rát cho người bệnh. Đặc biệt là trẻ em. Khi mắc bệnh, trên da trẻ sẽ xuất hiện các nốt mụn nước và luống ghẻ hay còn được gọi là mụn trai và đường hầm. 

Cái ghẻ sẽ đào một đường hầm ở lớp sừng của da, dài 2 - 3 cm. Màu trắng đục hoặc trắng xám và cao hơn mặt da, không khớp với da. Ở đầu đường hầm có mụn nước, đây chính là nơi cư trú của cái ghẻ. Khi dùng kim chích dịch ở mụn nước sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim. Đường hầm thường tìm thấy ở nếp gấp cổ tay; kẽ ngón tay; đường chỉ lòng bàn tay và quy đầu. 

Ở trẻ nhỏ, mụn nước xuất hiện rải rác, riêng rẽ ở các vùng da mỏng. Các vị trí có thể thấy như đường chỉ lòng bàn tay; kẽ ngón tay; cẳng tay; mặt trước cổ tay; rốn, quanh thắt lưng, nếp vú, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. 

Với trẻ sơ sinh bị ghẻ nước, mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Nếu mụn nước xuất hiện ở quy đầu, ký sinh trùng có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ.

Dấu hiệu bệnh ghẻ nước ở trẻ em sẽ rõ rệt hơn vào ban đêm. trẻ sẽ ngứa nhiều hơn vì lúc này cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da. Và khi đào hàng ghẻ cái tiết ra độc tố khiến cơn ngứa trở nên dữ dội, khó chịu, nghiêm trọng hơn. 

Biến chứng bệnh ghẻ nước

Khi trẻ bị ghẻ nước, trẻ sẽ gãi thường xuyên. Đây là phản xạ tự nhiên khi bị ngứa. Tuy nhiên, khi gãi nhiều sẽ vô tình gây nhiễm khuẩn cho vùng da lành. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng khó chịu trên da trẻ như: 

  • Viêm da
  • Da bị nhiễm khuẩn, mụn mủ
  • Chứng eczema viêm da sẩn mụn nước
  • Viêm cầu thận cấp. Đây là biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng trẻ.

Phân biệt ghẻ nước với các bệnh ngoài da khác

bệnh ghẻ có nhiều triệu chứng giống với bệnh tổ đỉa

Bệnh ghẻ có nhiều triệu chứng giống với bệnh tổ đỉa

Bệnh ghẻ nước là một trong các bệnh lý về da. Do đó nó sẽ có nhiều điểm giống với một số bệnh về da thường gặp khác như viêm da cơ địa, nấm da, tổ đỉa… Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định khi mới xuất hiện các triệu chứng trên da. Các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và điều trị sớm. Việc bắt đầu điều trị càng sớm thì sẽ dễ dàng hơn và tránh lây bệnh sang những người xung quanh. 

Để phân biệt bệnh ghẻ nước với các bệnh ngoài da khác có triệu chứng tương tự. Các bậc phụ huynh cần biết một số yếu tố sau:

Tổ đỉa:

Giống như bệnh ghẻ, trẻ mắc tổ đỉa cũng sẽ xuất hiện mụn nước. Tuy nhiên, ở bệnh tổ đỉa, các mụn nước có kích thước nhỏ, khó vỡ; mọc rải rác hoặc mọc tập trung và tạo thành từng cụm lớn. Các vị trí thường xuất hiện nốt mụn là ở bàn tay, ngón tay hoặc bàn chân. 

Sẩn ngứa:

đây là một trong những biểu hiện của viêm da cơ địa. Khác với bệnh ghẻ nước, nguyên nhân gây bệnh sẩn ngứa là do côn trùng đốt, dị ứng thức ăn, hóa chất… Đặc điểm thương tổn là sẩn huyết thanh xuất hiện rải rác ở mọi vị trí trên cơ thể, gây tình trạng ngứa nhiều, khó chịu cho người bệnh. 

Viêm da cơ địa:

Viêm da cơ địa và ghẻ có một số biểu hiện giống nhau nhưng lại do những nguyên nhân khác nhau gây ra. Viêm da cơ địa là một dạng kích ứng da trong khi bệnh ghẻ nước là do một loại ký sinh trùng gây ra. Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa thường xảy ra theo từng đợt, khiến da người bệnh bị khô, đóng vảy, ngứa. Trên da còn nổi các sẩn nhỏ, rỉ dịch khi bị trầy xước và đóng vảy sau đó. 

Nấm da:

Nấm da là bệnh gây bởi vi nấm và thường xuất hiện ở các vị trí  có chất sừng như lông, tóc, móng, da. Biểu hiện của nấm da là các đám tròn, đỏ, ranh giới rõ và có mụn nước nhỏ ở bờ viền. Giống như bệnh ghẻ, khi bị nấm da người bệnh đều cảm thấy ngứa rát, khó chịu. Khi gãi nhiều tại vị trí bị tổn thương sẽ thấy chảy dịch, có khi có mủ. 

Săng giang mai:

Đây là bệnh thường gặp ở vị trí bộ phận sinh dục. Săng giang mai xuất hiện là các vết loét nhỏ hình tròn hoặc hình bầu dục, có màu hồng đỏ và mọc xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục của người mắc bệnh. Khác với bệnh ghẻ nước, các vết loét của bệnh săng giang mai không gây ngứa rát hay đau, khó chịu.

Cách điều trị bệnh ghẻ nước

Theo các bác sĩ, bệnh ghẻ nước không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt thường ngày của trẻ, khiến trẻ ngứa rát, khó chịu. Vì đây là loại bệnh dễ lây lan nên bác sĩ sẽ khuyên nên điều trị cho tất cả các thành viên gia đình. Và những người tiếp xúc gần gũi với bé, ngay cả khi họ không thấy dấu hiệu ghẻ. Việc này giúp điều trị bệnh dứt điểm và bệnh không thể quay lại tấn công cơ thể trẻ thêm lần nữa.

Có rất nhiều cách chữa ghẻ nước ở trẻ em. Dưới đây là một số hướng giải quyết ghẻ nước ở trẻ nhỏ mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo: 

Điều trị bằng thuốc

Thuốc trị bệnh ghẻ ngứa Lindane

Hiện nay, cách chữa ghẻ nước ở trẻ em được nhiều ông bố bà mẹ sử dụng đó là thuốc bôi. Trong đó có thuốc trị bệnh ghẻ ngứa Lindane. Đây là thuốc bôi ngoài da, có hiệu quả nhanh, sử dụng từ 8 - 12 giờ. 

Mẹ nên bôi thuốc cho con từ cổ xuống chân. Sau đó rửa sạch và cho bé tắm bằng nước ấm. Liều lượng dùng thuốc là 2 lần/tuần. Tránh sử dụng quá liều sẽ gây ra những hậu quả khó lường bởi thuốc này có chứa những thành phần khá độc cho hệ thần kinh.

Do đó, bác sĩ sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ mà chỉ định có sử dụng loại thuốc này hay không. Ngoài ra, phụ nữ có thai và cho con bú, người bị co giật hoặc rối loạn thần kinh được khuyến cáo không nên dùng thuốc này. 

Thuốc bôi trị ghẻ nước Permethrin cream (Acticin)

Trong các loại thuốc trị ghẻ, thuốc bôi Permethrin cream chứa ít độc tính nhất. Nên bác sĩ thường kê đơn để trị ghẻ nước ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Đây là loại thuốc có khả năng diệt trừ sự sinh sôi, phát triển gây bệnh của con cái ghẻ. Sử dụng thuốc lên vùng da bị ghẻ của trẻ, để từ 8 - 12 giờ cho thuốc ngấm. Sau đó cho trẻ tắm sạch lại bằng nước ấm. 

một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh ghẻ ở trẻ nhỏMột số loại thuốc dùng để điều trị bệnh ghẻ ở trẻ nhỏ

Thuốc bôi ghẻ ngứa Diethylphtalat (D.E.P)

Thuốc bôi ghẻ ngứa Diethylphtalat là loại thuốc mỡ thường được các gia đình trữ trong tủ thuốc để chống muỗi đốt, côn trùng cắn và trị ghẻ ngứa. Do có chứa ít độc tính nên bác sĩ thường không chỉ định dùng thuốc này cho trẻ sơ sinh và không được bôi thuốc vào bộ phận sinh dục. 

Cách dùng là mẹ nên vệ sinh sạch sẽ vùng da đang bị tổn thương của trẻ sau đó bôi thuốc, dùng 2 - 3 lần/ngày. 

Thuốc đặc trị ghẻ ngứa Eurax

Thuốc đặc trị ghẻ ngứa Eurax là một trong những loại thuốc được bác sĩ dùng phổ biến chữa bệnh ghẻ nước ở trẻ em vì tính an toàn. Thuốc có thể dùng cho trẻ sơ sinh mắc bệnh ghẻ nước và bôi lên bộ phận sinh dục. Liều lượng dùng thuốc là 1 lần/ngày và để trên da từ 6 - 10 giờ giúp việc điều trị đạt hiệu quả nhanh. 

Lưu ý khi sử dụng thuốc bôi

Mặc dù thuốc bôi rất tiện lợi cho việc điều trị bệnh ghẻ nước. Nhưng cha mẹ cần lưu ý một số điều sau: 

  • Khi dùng thuốc bôi da mẹ chỉ bôi lên vùng da bị thương tổn, tránh bôi vào mắt, vào niêm mạc.
  • Mẹ nên tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo mới cho trẻ rồi mới bôi thuốc.
  • Cha mẹ nên dặn con trẻ tránh gãi mạnh khi ngứa vì có thể gây viêm da, bội nhiễm.
  • Với trẻ bị bệnh ghẻ nước không được dùng chung các vật dụng để tránh lây nhiễm cho người thân.
  • Phát hiện và điều trị sớm, đủ thời gian ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
  • Điều trị cùng lúc cả người bệnh và những người sống cùng; vệ sinh nhà cửa, chăn màn, quần áo bằng cách chần nước sôi, phơi nắng kỹ.
  • Bôi thuốc, uống thuốc nên theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu; nhất là trẻ dưới 2 tuổi.

Điều trị bằng mẹo dân gian

lá trầu không là loại thảo dược giúp trị bệnh ghẻ nước ở trẻ nhỏ

Lá trầu không là loại thảo dược giúp trị bệnh ghẻ nước ở trẻ nhỏ

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc Tây. Thì từ ngày xưa, ông bà ta đã có những cách chữa ghẻ nước ở trẻ em bằng phương thuốc dân gian. Trong đó, hiệu quả chữa bệnh cao nhất là dùng các loại thuốc nam gồm vỏ nhãn, phèn chua, lá trầu không đun sôi rồi thoa lên các vùng da bị ghẻ nước. Sau này, phương pháp này đã được kiểm chứng và công nhận có tác dụng trị bệnh tốt.

Trị bệnh ghẻ nước bằng lá trầu không

Lá trầu không rất an toàn cho làn da yếu ớt, nhạy cảm của trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Do đó, đây là thảo dược có tác dụng điều trị ghẻ nước, tránh viêm nhiễm hiệu quả. 

Để làm bài thuốc này, mẹ cần chuẩn bị 3 - 4 lá trầu không rửa sạch. Thái nhỏ để tinh dầu trong lá ứa ra và cho vào chậu. Đổ nước sôi vào chậu lá trầu không và hãm trong khoảng 15 - 20 phút. 

Sau khi nước lá trầu không nguội bớt. Mẹ dùng nước này để rửa sạch vùng da bị ghẻ nước ở trẻ. Lấy bã lá chà xát nhẹ nhàng lên vết thương để tinh dầu trong lá trầu không phát huy tác dụng. 

Với những trẻ lớn, làn da không quá nhạy cảm. Mẹ có thể cho thêm ít muối hạt vào nồi nước đun lá để tăng tính sát khuẩn. Áp dụng cách chữa ghẻ nước ở trẻ em bằng lá trầu không đều đặn từ 4 - 7 ngày sẽ thấy các triệu chứng thuyên giảm rõ rệt. 

Cách đề phòng bệnh ghẻ nước

lau dọn, vệ sinh nhà cửa thường xuyên là cách cha mẹ phòng tránh bệnh ghẻ nước ở trẻ em

Lau dọn, vệ sinh nhà cửa thường xuyên là cách cha mẹ phòng tránh bệnh ghẻ nước ở trẻ em

Bệnh ghẻ nước là bệnh ngoài da rất dễ tái phát. Do đó, cha mẹ cần có biện pháp phòng tránh bệnh cho trẻ. Ngăn ngừa tình trạng ghẻ nước ở trẻ tái phát một lần nữa.

Một số cách phòng bệnh ghẻ nước ở trẻ như sau:

  • Nên cho trẻ sử dụng đồ cá nhân riêng. Tránh việc dùng chung với các thành viên khác trong gia đình.
  • Để bảo vệ làn da và sức khỏe của trẻ. Môi trường sống, sinh hoạt phải luôn được lau dọn, vệ sinh sạch sẽ hàng tuần để tránh bụi bẩn.
  • Quần áo của trẻ luôn được giặt giũ sạch sẽ, phơi ở nơi có ánh sáng mặt trời để tiêu diệt vi khuẩn. Để đảm bảo loại bỏ ký sinh trùng gây hại cho da có thẻ ngâm quần áo của trẻ trong nước nóng. 
  • Nên bỏ những tã quần của trẻ nhỏ nghi ngờ đã nhiễm phải mầm bệnh.
  • Nên giữ trẻ tránh tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh ghẻ. Bởi đây là bệnh lý có tính lây lan nếu trẻ chạm vào da người bệnh. 
  • Không được tự ý sử dụng thuốc bôi trị bệnh cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc không đúng cách, mua không đúng loại thuốc có thể làm tình hình bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Hạn chế để trẻ tiếp xúc với chó, mèo hay động vật có nguy cơ mang mầm bệnh. 
  •  Chế độ dinh dưỡng của trẻ luôn được đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trẻ bằng cách luyện tập thể dục thể thao cùng trẻ. 

Qua bài viết trên đây, các bậc phụ huynh đã có cái nhìn tổng quát về bệnh ghẻ nước ở trẻ. Dù đây không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu trẻ không được điều trị sớm và chăm sóc tốt; bệnh có thể tiến triển ngày một xấu hơn. Do đó, nếu thấy con có những biểu hiện ngoài da bất thường. Tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh và can thiệp khắc phục bệnh càng sớm càng tốt. Hãy liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Phương Đông theo hotline 19001806 để được tư vấn và hỗ trợ. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
55,599

Bài viết hữu ích?

Chủ đề bệnh trẻ em

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám