Bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em và những thông tin cha mẹ cần biết

Phan Ngọc Linh

25-05-2022

goole news
16

Viêm cầu thận cấp ở trẻ em là một bệnh lý thường gặp hiện nay. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần chú ý tới việc điều trị kịp thời bởi nếu không bệnh sẽ chuyển biến thành nhiều biến chứng khác vô cùng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của bệnh viện Phương Đông để nắm được các thông tin về căn bệnh này.

Tìm hiểu chung về viêm cầu thận cấp ở trẻ em

Viêm cầu thận cấp là tình trạng rất phổ biến với trẻ em hiện nay. Căn bệnh này có rất nhiều nguyên nhân và khi mắc bệnh thì sự phát triển toàn diện sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, cha mẹ cần chú ý những thông tin cơ bản về căn bệnh này để phát hiện và điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.

Viêm cầu thận cấp ở trẻ em là gì?

Thận là cơ quan có hình hạt đậu và to tầm cỡ nắm tay nằm ở hai bên hông, gần thắt lưng. Chức năng chính của bộ phận này là lọc máu, loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Các đơn vị nhỏ bên trong thận đảm nhiệm chức năng lọc máu được gọi là cầu thận.

Viêm cầu thận ở trẻ em là tình trạng các cầu thận bị sưng, viêm và kích thích khiến thận không thể làm việc theo đúng quy trình nữa. Từ đó, chất lỏng sẽ bị ứ đọng trong cơ thể khiến trẻ bị sưng mặt, bàn chân, cẳng chân, mắt cá chân,...

Viêm cầu thận cấp và bệnh lý thường gặp ở trẻ em

Viêm cầu thận cấp và bệnh lý thường gặp ở trẻ em

Viêm cầu thận cấp trẻ em có nguy hiểm không?

Độ tuổi mà trẻ thường gặp bệnh viêm cầu thận cấp là từ 2 - 12 tuổi. Phần lớn những trường hợp bệnh nhi phát hiện viêm cầu thận đều ở dạng lành tính và không có quá nhiều tác hại cho sức khỏe và cơ thể. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp trẻ bị viêm cầu thận cấp biến chứng do không phát hiện và điều trị kịp thời. Những tình trạng trẻ phải đối mặt lúc này như:

  • Suy thận: Viêm cầu thận cấp làm suy giảm các chức năng của thận và trường hợp bệnh kéo dài khiến thận chịu quá nhiều áp lực khiến cơ quan này bị suy nhược và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
  • Vô niệu: Thận không hoạt động bình thường nên nước tiểu bị ứ đọng lại và khiến trẻ khó tiểu, thậm chí là bị vô niệu, đồng thời lượng nước tiểu ít dần, chỉ dưới 5ml một ngày.
  • Suy tim: Viêm cầu thận cấp ở các bé nếu không được kiểm soát có thể gây biến chứng cho hệ tim mạch. Bệnh nhân bị cao huyết áp gây áp lực lên tim và tim hoạt động trong thời gian dài sẽ trở nên kiệt quệ, dẫn tới suy tim cực kỳ nguy hiểm.

Trẻ em bị viêm cầu thận cấp nếu không được kiểm soát sẽ không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ mà còn có nguy cơ biến chứng đe dọa tới sức khỏe và tính mạng. Do đó, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám sớm để phát hiện bệnh nếu có dấu hiệu bất thường.

Nguyên nhân nào gây viêm cầu thận cấp ở trẻ em?

Viêm cầu thận ở trẻ em có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, xuất phát từ cách sinh hoạt hàng ngày hoặc thậm chí là do di truyền. Do đó, cha mẹ cần nắm được những nguyên nhân để có thể để ý hơn tới trẻ.

Viêm cầu thận do nhiễm trùng

Trong trường hợp trẻ bị nhiễm trùng thì sẽ có 2 nguyên nhân, cụ thể:

  • Nhiễm khuẩn liên cầu: Nếu trẻ nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A (sốt, ho, viêm họng,...) cũng có thể dễ bị viêm cầu thận cấp. Nguyên nhân là do sức đề kháng của trẻ thấp, vi khuẩn xâm nhập gây nên một số bệnh lý về hô hấp phát triển ồ ạt và tấn công lan rộng khắp cơ thể. Sau đó, vi khuẩn cư trú trong các cầu thận và gây viêm.
  • Nhiễm trùng: Các virus như virus HIV, virus viêm gan B,...có thể là nguyên nhân gây nên bệnh viêm cầu thận cấp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi mắc những virus này, sức đề kháng của người bệnh suy giảm rõ rệt và tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và gây viêm.

Viêm cầu thận do miễn dịch

Ở bệnh lý miễn dịch thì có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ bị viêm cầu thận cấp. Cụ thể:

  • Hội chứng phổi và thận: Là tình trạng chức năng liên quan giữa phổi và thận bị rối loạn, có thể gây ra hiện tượng chảy máu thận rồi từ đó dẫn đến viêm thận. 
  • Lupus ban đỏ: Đây là bệnh lý miễn dịch hệ thống chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, trẻ bị bệnh này có thể gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan như gan, tim, thận và trong đó thì viêm cầu thận cấp chính là biểu hiện đặc trưng thường xuyên xảy ra nhất.
  • Bệnh thận lgA: Đây là bệnh lý miễn dịch diễn biến thầm lặng, gây nên hiện tượng có máu trong nước tiểu và các hợp chất Globulin miễn dịch, từ đó gây nên viêm cầu thận cấp.
  • U hạt: Là tình trạng bệnh lý về máu và trong đó, các mạch máu ở các bộ phận như phế quản và phổi bị viêm nên kéo theo viêm cầu thận cấp.

Viêm cầu thận cấp có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân

Viêm cầu thận cấp có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân

Một số các nguyên nhân khác

Không chỉ có 2 nguyên nhân trên mà trẻ em còn có thể bị mắc viêm cầu thận cấp do một số các nguyên nhân khác như sau:

  • Yếu tố di truyền: Một số trường hợp có người trong gia đình mắc viêm cầu thận cấp hoặc mạn tính thì nguy cơ trẻ bị mắc bệnh này cũng khá cao.
  • Do bệnh sỏi thận: Sỏi thận trong cơ thể va chạm và ma sát đường tiết niệu khi trẻ vận động. Lâu ngày, các vết chạm đó sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu và lan ra, cư trú trong cầu thận gây viêm cầu thận.

Trẻ bị viêm cầu thận cấp có triệu chứng gì?

Triệu chứng của bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em khá đa dạng. Tuy nhiên, thường thì bệnh sẽ có một số biểu hiện đặc trưng thường thấy như sau:

  • Nước tiểu có màu đậm do có lẫn cả protein và máu.
  • Khối lượng nước tiểu mỗi ngày có giảm rõ rệt.
  • Mắc một số bệnh hô hấp như viêm phế quản, viêm họng,...
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải và rã rời chân tay,...
  • Sốt cao không rõ nguyên nhân và nhiệt độ cơ thể thường xuyên trên 38 độ.
  • Cơ thể bị phù nề, đặc biệt là ở mặt, tay, bàn chân, cẳng chân,...
  • Đau đầu liên tục, khó chịu và huyết áp tăng cao.
  • Khó thở, hay thở gấp và tăng sức thở.
  • Bị phát ban và co giật.
  • Sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân trong thời gian ngắn.
  • Da dẻ nhợt nhạt, xanh xao.
  • Chán ăn, ăn không tiêu, không ngon miệng và hay bị đầy bụng.

Trẻ em bị viêm cầu thận cấp có nhiều triệu chứng điển hình

Trẻ em bị viêm cầu thận cấp có nhiều triệu chứng điển hình

Chẩn đoán bệnh lý viêm cầu thận cấp ở trẻ em

Viêm cầu thận trẻ em là một trong những bệnh lý cần được quan tâm để phát hiện, chẩn đoán, đồng thời đưa ra phương pháp điều trị thích hợp kịp thời. Nếu để lâu dài và chủ quan thì sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và làm các xét nghiệm để đánh giá chức năng của thận, tìm ra nguyên nhân và nhận định tình trạng sức khỏe chung để tìm ra phác đồ điều trị phù hợp. Một số các xét nghiệm cần có gồm:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Việc này nhằm kiểm tra các hồng cầu, bạch cầu, nồng độ Creatinin hoặc Urê cùng Protein.
  • Chụp X-quang, chụp CT và siêu âm: Nhằm theo dõi hình ảnh của các bộ phận thận, xương,...
  • Điện tâm đồ (EKG hoặc ECG): Nhằm đo nhịp tim và kiểm tra xem có tổn thương nào trong tim không và kiểm tra huyết áp.
  • Sinh thiết thận: bác sĩ lấy một cây kim để lấy mẫu mô trong thận và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân gây viêm. 

Bác sĩ tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán viêm cầu thận

Bác sĩ tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán viêm cầu thận

Điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em đúng cách

Viêm cầu thận cấp tuy rất phổ biến nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì biến chứng sẽ rất khó lường. Do đó, trẻ cần được điều trị một cách thận trọng và phối hợp giữa nhiều thành phần sau đây.

Điều trị do nhiễm trùng Streptococcus

Các kháng sinh Cephalosporin và Penicillin thuộc nhóm β Lactam được lựa chọn để điều trị nhiễm trùng Streptococcus nhằm hạn chế vi khuẩn lan truyền. Nếu tình trạng trở nặng thì nên quyết định sử dụng liệu pháp kháng sinh phối hợp giữa Penicillin và một loại kháng sinh khác sớm ngay từ đầu.

Điều trị nhiễm trùng Streptococcus nhằm hạn chế vi khuẩn hạn truyền

Điều trị nhiễm trùng Streptococcus nhằm hạn chế vi khuẩn hạn truyền

Điều trị tăng huyết áp

Nếu huyết áp của trẻ quá cao xảy ra các tổn thương, làm tình trạng suy thận nặng hơn thì cần hạ áp tích cực. Ngoài trị liệu hạ áp còn có thể phối hợp với thuốc cơ chế tác dụng như thuốc tác dụng trung ương, thuốc phong tỏa hạch giao cảm, thuốc chẹn kênh Calci,... Việc chọn thuốc và liều lượng tùy thuộc vào điều kiện cá thể. Nếu không đáp ứng có thể can thiệp bằng lọc máu. 

Điều trị lợi tiểu

Các thuốc lợi tiểu giúp tăng lượng nước tiểu và giảm phù, đồng thời hạ huyết áp, giảm Kali máu và điều chỉnh toan kiềm, cải thiện chức năng thận. Cơ thể sử dụng thuốc chính là dùng thuốc lợi tiểu qua phong tỏa men Carbonic Anhydrase, thuốc lợi tiểu qua cơ chế kháng Aldosteron hoặc giả kháng Aldosteron,... Thuốc lợi tiểu thường dùng gồm có Furosemide, Mannitol.

Điều trị lợi tiểu để tránh nước tiểu ứ đọng gây phù người

Điều trị lợi tiểu để tránh nước tiểu ứ đọng gây phù người

Điều trị rối loạn điện giải

Ở thành phần điều trị này, bác sĩ cần điều trị lượng Kali tăng trong máu bằng Sodium Polystyrene Sulfonate Resin uống hoặc thụt đại tràng nếu trẻ không uống được, kèm theo Sorbitol để đào thải Kali ra ngoài. Nếu Kali vẫn cao thì có thể dùng thêm Gluconat Canxi, Bicarbonate Natri, Insulin kèm Glucose ưu trương với tác dụng làm Kali vào lại nội bào.

Ngoài ra khi điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em, bác sĩ cần tiến hành kiểm soát tan máu bằng Bicarbonate Natri, chống hạ Canxi máu qua việc giảm Phosphore máu và dùng Amphogel. Cùng với đó, Natri máu cùng cần hạ bằng cách hạn chế uống nước nhược trương và bù lại Natri nhược trương nếu tụt quá thấp.

Điều trị không dùng thuốc

Trong cách điều trị này thì cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi tại giường, chỉ vận động nhẹ và tránh chơi đùa, chạy nhảy cho tới khi huyết áp trở lại bình thường và người hết phù. Lượng nước uống trong ngày cần hạn chế và trong trường hợp bị vô niệu hoàn toàn thì cần truyền Glucose 10-30%: 35-45 ml/kg/24 giờ. 

Chế độ dinh dưỡng của trẻ cần hạn chế lượng muối tối đa, nhằm tránh hiện tượng giữ nước và giảm phù cho cơ thể. Sau giai đoạn cấp thì trẻ có thể trở lại ăn uống bình thường. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần đảm bảo năng lượng cần thiết cho trẻ, tối thiểu là 50 Kcal/kg/ngày.

Cha mẹ cần duy trì dinh dưỡng phù hợp và hạn chế muôi cho trẻ

Cha mẹ cần duy trì dinh dưỡng phù hợp và hạn chế muôi cho trẻ

Một số mẹo dân gian chữa viêm cầu thận cấp trẻ em

Trong dân gian đã có nhiều loại thảo dược khác nhau giúp điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em. Đây được đánh giá là cách chữa bệnh đơn giản, dễ thực hiện và tiết kiệm. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng trong thời gian đầu mới khởi phát bệnh và đồng thời chỉ giúp thuyên giảm triệu chứng chứ không loại bỏ hoàn toàn những nguyên nhân gây bệnh. Để được điều trị triệt để, tránh các biến chứng không đáng có, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn.

Sử dụng lá nhãn

Lá nhãn được xem là một trong những phương thuốc hiệu quả trong việc làm chậm và giảm được đáng kể các bệnh lý về thận, trong đó có viêm cầu thận cấp ở trẻ nhỏ. Nước sắc từ lá nhãn có thể cho trẻ uống với cách thực hiện như sau:

  • Lấy lá nhãn bánh tẻ, xanh nõn, tươi rồi rửa sạch, thái nhỏ và để ráo nước.
  • Cho phần lá khoảng 50g vào nồi cùng 2 lít nước sạch rồi đun.
  • Duy trì lửa trung bình cho tới khi nước cạn xuống tầm 2 - 3 cốc nước uống. 
  • Tắt bếp và chia nước lá thành 3 phần riêng biệt để sử dụng trong ngày.
  • Sử dụng kiên trì trong tối thiểu 2 tháng để thấy tác dụng rõ rệt.

Lá nhãn sắc nước được áp dụng rất phổ biến 

Lá nhãn sắc nước được áp dụng rất phổ biến 

Sử dụng lá tía tô

Lá tía tô được biết đến như một gia vị phổ biến trong các món ăn. Tuy nhiên, loại lá mang sắc nước lên còn được ứng dụng rất rộng rãi trong trường hợp viêm cầu thận cấp ở trẻ em. Cách thực hiện như sau:

  • Lá tía tô già khoảng 1 nắm, rửa sạch và có thể ngâm nước muối để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất rồi rửa lại với nước sạch.
  • Cho vào nồi to, thêm khoảng 3 lít nước rồi đun trong khoảng 1 giờ.
  • Vớt bỏ phần lá đi, gạn lấy nước rồi sử dụng để uống khi ấm.
  • Thực hiện đều đặn trong 1 tháng thì triệu chứng bệnh sẽ giảm đáng kể.

Hiệu quả của lá tía tô trong điều trị viêm thận cấp đã được chứng minh

Hiệu quả của lá tía tô trong điều trị viêm thận cấp đã được chứng minh

Sử dụng thuốc Đông y

Các bài thuốc Đông y hiện cũng được áp dụng rất phổ biến với độ an toàn cao. Đây là bài thuốc rất nổi tiếng và tính hiệu quả đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. Bạn đọc cần chuẩn bị 12g lá tía tô, 8g lá tre, 12g hành tăm, 20g cam thảo đất, 12g cắt lan, 2g gừng tươi, 10g lá chanh, 20g bông mã đề với cách tiến hành như sau:

  • Đem rửa các nguyên liệu qua nước sạch để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn còn sót lại.
  • Cho nguyên liệu vào nồi có thể tích lớn, thêm 3 - 4 lít nước rồi duy trì đun trong 50 - 70 phút.
  • Gạn lấy nước đun rồi để nguội và chia thành các phần để uống trong ngày.
  • Duy trì đều đặn hàng ngày trong ít nhất 1 tháng để đạt hiệu quả tối đa. 

Bài thuốc Đông y nổi tiếng đã điều trị được nhiều trường hợp

Bài thuốc Đông y nổi tiếng đã điều trị được nhiều trường hợp

Như đã đề cập ở trên, các biện pháp điều trị bệnh theo dân gian tại nhà chỉ áp dụng khi tình trạng bệnh ở giai đoạn nhẹ và không chắc chắn được việc có khỏi được tận gốc của bệnh hay không. Để xác định chính xác giai đoạn của bệnh viêm cầu thận ở trẻ, cũng như phương pháp điều trị bệnh phù hợp, có hiệu quả thì cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để con được thăm khám, từ đó bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp để chữa trị bệnh tận gốc, tránh các biến chứng không đáng có.

Như vậy, các bậc phụ huynh đã được cung cấp những thông tin chi tiết nhất về bệnh lý viêm cầu thận cấp ở trẻ em cùng phương thức điều trị đúng cách. Cha mẹ hãy chú ý quan sát và để ý những dấu hiệu, đưa trẻ đi khám định kỳ tại Bệnh viện đa khoa Phương Đông nhằm phát hiện bệnh lý sớm và đưa ra được phác đồ điều trị đúng đắn và kịp thời nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
4,796

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

BS.CKII

TRẦN KINH TRANG

Giám đốc Trung tâm sàng lọc Tim mạch và các bệnh bẩm sinh

BS.CKII

TRẦN KINH TRANG

Giám đốc Trung tâm sàng lọc Tim mạch và các bệnh bẩm sinh
19001806 Đặt lịch khám