Bệnh noma là gì? Triệu chứng, cách điều trị bệnh “ăn mặt người”

Dương Minh Ngọc

13-08-2022

goole news
16

Bệnh noma (cam tẩu mã) là bệnh viêm họng miệng hoại tử lan rộng, có khả năng làm thủng thành trên miệng, mũi, xương gò má, mắt, ăn dần lên não và tử vong. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin khoa học về căn bệnh này.

Bệnh noma là gì?

Bệnh noma hay còn có các tên gọi khác là bệnh cam tẩu mã, nha cam tẩu mã, tị cam, hàu cam hoặc thuần cam, tên tiếng anh là Cancrum Oris. Từ 'noma' có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp 'nomein', có nghĩa là “ăn tươi nuốt sống”, phản ánh bản chất diễn biến “ăn mô”của bệnh. Đây là một bệnh nhiễm trùng hoại tử cấp tính - một hoại tử ướt. 

Bệnh noma (cam tẩu mã) được ví như bệnh ăn mặt ngườiBệnh noma (cam tẩu mã) được ví như bệnh ăn mặt người

Bệnh noma có khả năng gây tàn phá các mô mềm và xương của vùng orofacial (vùng xương hàm), thường ở trên khuôn mặt, đặc biệt là vùng miệng. Đôi khi bệnh lây lan và ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục.

Căn bệnh này được ví là một căn bệnh của nghèo đói. Vì theo Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) ước tính, có khoảng 140.000 trường hợp mới mắc noma mỗi năm, trong đó 80% chủ yếu ở Châu Phi, còn lại là châu Á (gồm cả Việt Nam).

Cam tẩu mã tiến triển rất nhanh. Trong trường hợp không được điều trị, bệnh nhân mắc cam tẩu mã có nguy cơ tử vong là 90%. Nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh và giảm nguy cơ để lại di chứng.

Bệnh noma thường xuất hiện ở những quốc gia nghèo hoặc đang phát triển trên các đối tượng như:

  • Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi bị suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch kém hoặc không vệ sinh răng miệng. 
  • Trẻ sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, kiết lỵ, bạch hầu, cúm, sốt rét, HIV, leishmaniasis.
  • Ở người lớn: thường là những người suy giảm hệ miễn dịch .

Triệu chứng của bệnh noma

Khi bạn phát hiện những triệu chứng dưới đây, cần tới cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý dùng thuốc hay tự chữa ở nhà khiến bệnh lan rộng và nhanh. Mỗi người có cơ địa khác nhau nên bệnh diễn tiến nhanh hay chậm. Bệnh noma xuất hiện đột ngột và diễn biến cực nhanh thường với 5 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Viêm lợi loét hoại tử

Viêm lợi hoại tử cấp tính làm nặng thêm tình trạng viêm lợi đơn thuần. Đây được coi là giai đoạn đầu tiên của bệnh noma. Thời gian bệnh ở giai đoạn này tùy thuộc vào từng người. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi và sốt cao.
  • Hôi miệng, hơi thở nặng mùi. Nhiều trẻ dù không sốt, ngậm miệng nhưng hơi thở vẫn có mùi hôi thối.
  • Nướu, mũi bị chảy máu tự phát, viêm loét, gây đau đớn.
  • Đau hoặc loét kẽ răng.

Giai đoạn 2: Phù nề

Đây là giai đoạn cấp tính của bệnh noma, tiến triển trong khoảng 1 - 2 tuần. Người bệnh cần được điều trị nhanh chóng để hạn chế các biến chứng và để lại sẹo. Lúc này, bệnh phát triển với các dấu hiệu sau:

  • Mặt sưng và phù nề.
  • Hôi miệng, hơi thở nặng mùi.
  • Các vết loét ở nướu, mô niêm mạc to bằng hạt đậu xanh lan rộng ra xung quanh và bốc mùi hôi thối.
  • Ăn uống kém, chán ăn.
  • Sốt cao.
  • Môi, má mềm và đau.
  • Miệng chảy nhiều nước bọt.

Giai đoạn 3: Giai đoạn hoại tử 

Đây là giai đoạn nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Quá trình hoại tử diễn ra nhanh chóng trong khoảng 1 - 2 tuần và chắc chắn sẽ để lại di chứng. Các biến chứng và bệnh kèm theo khiến người bệnh có tỷ lệ tử vong lên đến 70 - 90%.

Trong giai đoạn này, bệnh có biểu hiện sau:

  • Tại các vết loét ở cả phần mềm, mô cứng trong miệng bị hoại tử, bốc mùi hôi thối rữa.
  • Vết loét hoại tử lan dần ra xương gò má, mũi, mắt.
  • Nhiều trường hợp bị hoại tử não và tử vong.
  • Răng lung lay hoặc rụng, xương ở mặt bị bào mòn.
  • Trên khuôn mặt, đặc biệt là vùng má bị thủng, lộ tuyến.
  • Chán ăn, không ăn được hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống.

Bệnh nhân bị hoại tử vùng miệng do mắc bệnh nomaBệnh nhân bị hoại tử vùng miệng do mắc bệnh noma

Giai đoạn 4: Để lại sẹo

Sau khi giai đoạn hoại tử diễn ra, tại những vùng bị tổn thương khô lại và bắt đầu hình thành sẹo. Những vị trí bị hoại tử ăn sâu, mô chết sẽ có vết sẹo sâu khiến khuôn mặt bị biến dạng. Giai đoạn này diễn ra trong vòng 1 - 2 tuần.

Giai đoạn 5: Di chứng

Bệnh noma không được điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng không thể hồi phục. Một số di chứng thường gặp ở những bệnh nhân mắc noma là:

  • Cứng hàm (Trismus).
  • Mất răng hoặc răng bị di chuyển.
  • Gặp khó khăn khi ăn uống, nói chuyện.
  • Có các vết thủng trên mặt.
  • Rò nước bọt.

Nguyên nhân gây ra bệnh noma ăn mặt người

Đến nay nguyên nhân chính xác gây bệnh noma vẫn chưa được tìm ra tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, bác sĩ cho rằng bệnh do vi khuẩn Fusobacterium mortrophorum và Prevotella intermedia gây ra. Một số vi khuẩn khác bao gồm Borrelia vincentii, Porphyromonas gingivalis, Tannerella forsynthesis, Treponema denticola, Staphylococcus aureus và Streptococcus spp không tán huyết.

Hình ảnh mô phỏng vi khuẩn Prevotella intermediaHình ảnh mô phỏng vi khuẩn Prevotella intermedia

Những yếu tố tiềm ẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho hai loại vi khuẩn này sinh sôi và gây tác hại nghiêm trọng đó là:

  • Môi trường sống ô nhiễm nặng như bãi rác, chuồng gia súc mất vệ sinh, các khu vực kém phát triển.
  • Hệ miễn dịch suy giảm (do nhiễm bệnh HIV/AIDS).
  • Suy dinh dưỡng (đặc biệt là thiếu vitamin nhóm A và B).
  • Cơ thể mất nước nặng, có thể do tiêu chảy cấp.
  • Sau khi mắc các bệnh như sởi, bạch cầu, thương hàn...
  • Răng miệng không được vệ sinh đúng hoặc không sạch sẽ.

Phân biệt bệnh noma và bệnh viêm họng Aphtose

Bệnh noma thường có biểu hiện ban đầu giống bệnh viêm họng Aphtose (vết loét ở miệng nông), nên khiến nhiều người lầm lẫn. Bệnh viêm họng Aphtose (áp-tơ) gây những vết loét tổn thương ở miệng, không lây nhiễm. Vết loét nhỏ dưới 1cm, có hình bầu dục hoặc tròn với quầng màu đỏ xung quanh. Vị trí vết loét áp-tơ thường thấy ở phần niêm mạc phía trong của miệng, vùng hầu họng. Trong khi đó, ở bệnh noma, các vết loét xuất hiện ở nướu và mô niêm mạc, kích thước bằng hạt đậu xanh và lan rộng ra các vùng xung quanh, bốc mùi hôi thối.

Bệnh viêm họng Aphtose thường xảy ra ở tuổi thanh thiếu niên và ít gặp hơn ở người lớn tuổi. Người da trắng, người có điều kiện kinh tế xã hội cao dễ mắc bệnh hơn. Bệnh này thường tự khỏi trong vòng 7-10 ngày và có khả năng tái phát vào mùa trăng hay còn gọi là đẹn trăng nên dân gian có câu “Trăng lên thì nổi, trăng lặn thì chìm”.

Bệnh cam tẩu mã dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm họng áp-tơ 

Bệnh noma được điều trị như thế nào?

Trong giai đoạn đầu, bệnh noma rất khó để chẩn đoán. Khi bệnh nhân được phát hiện và điều trị kịp thời có thể giảm nguy cơ tử vong và các biến dạng ở mặt. Dựa trên nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn nên phương pháp điều trị chủ yếu bằng kháng sinh kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống phù hợp.

Bệnh nhân noma được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống, tiêm hoặc truyền

  • Đầu tiên, phết mủ vết mổ làm kháng sinh đồ để xem xét vi trùng nhạy với loại kháng sinh nào. Sau đó, lấy mẫu thử giải phẫu bệnh. Dựa vào kết quả kháng sinh đồ, bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp. Loại thuốc kháng sinh hiện nay thường được dùng là penicillin, có thể phối hợp thêm một kháng sinh nếu cần thiết. 
  • Thứ hai, xử lý các bộ phận bị tổn thương bằng cách cắt lọc mô hoại tử. 
  • Thứ ba, trong trường hợp hoại tử lan rộng làm mất cấu trúc vùng họng miệng, cánh mũi, sống mũi ngoài hoặc bị di chứng có sẹo: Người bệnh được điều trị sạch vi trùng trong 4 - 8 tuần. Sau đó có thể tái tạo lại chức năng và chỉnh hình thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Trong thời gian điều trị bệnh, bệnh nhân cần tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, B1, B2, PP,... để cường hệ miễn dịch, ngăn chặn quá trình hoại thư của bệnh.

Cách phòng bệnh noma

Bệnh noma hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng các cách như:

  • Chăm sóc, vệ sinh răng miệng, khám răng định kỳ để sớm phát hiện các bất thường, tránh bệnh cam tẩu mã nói riêng và bệnh răng miệng nói chung. 
  • Dọn dẹp, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ.
  • Ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh.
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ là cách phòng ngừa bệnh noma tốt nhất

Hiện nay, với điều kiện sống cùng với sự phát triển của y học, bệnh cam tẩu mã đã được khống chế và giảm thiểu. Dù vậy, mọi người vẫn nên phòng bệnh và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường để tránh di chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ.

Trên đây là những thông tin khoa học về bệnh noma (bệnh cam tẩu mã). Nếu bạn đọc cần tư vấn thêm hoặc giải đáp liên quan đến bệnh này, vui lòng liên hệ 1900 1806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,960

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

Những quy tắc vàng trong xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng?

Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng là vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Lý do bởi đây là điều kiện cơ bản để cải thiện thể chất cho các bé.

21-08-2020
19001806 Đặt lịch khám