Câu hỏi: "Thưa bác sĩ, từ khi sinh bé đầu được 6 tháng tôi thường xuyên bị táo bón, cho đến gần đây tôi thấy hậu môn tôi xuất hiện búi thịt nhỏ lồi ra ngoài. Thi thoảng đi vệ sinh nặng tôi thấy ra một chút máu dính trong phân. Tôi có tìm hiểu thì mình đang bị trĩ nhưng tôi rất sợ phải đi thăm khám hay phẫu thuật cắt trĩ. Bác sĩ cho tôi hỏi về tình trạng của tôi có dùng thuốc điều trị tại nhà được không? Xin cảm ơn!" (Chị H, Cầu Giấy, Hà N
Giải đáp từ bác sĩ:
Xin cảm ơn câu hỏi của chị H đã gửi về chuyên mục “Hỏi đáp bác sĩ” của khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông! Với câu hỏi của chị, bác sĩ xin được giải đáp như sau:
Bệnh trĩ thường được ví như “thập nhân cửu trĩ” không chỉ đơn thuần là bệnh của tĩnh mạch mà là bệnh của 1 hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn. Tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, kèm ứ máu liên tục sẽ dẫn đến phình giãn và tạo các bũi trĩ vào trong lòng ống hậu môn. Càng để lâu, cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng bị suy yếu, các búi trĩ tụt dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến trĩ nội sa.
Có 2 phương pháp điều trị bệnh trĩ gồm: điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa: bao gồm điều trị bảo tồn + chế độ sinh hoạt (chế độ ăn nhiều chất xơ, hạn chế chất kích thích, tránh hoạt động mạnh, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu, thay đổi thói quen đi cầu tránh táo bón,...) và dùng thuốc.
Thuốc tiêu trĩ có 2 loại theo Tây y và Đông y. Các loại thuốc tiêu trĩ thường được chỉ định và sử dụng hiệu quả khi bệnh trĩ mới ở mức độ nhẹ. Với trường hợp bệnh trĩ mới xuất hiện, đang ở những cấp độ nhẹ, phương pháp nội khoa (dùng thuốc) thường được áp dụng. Chẳng hạn với trĩ nội là độ 1 và độ 2, với trĩ ngoại là các giai đoạn đầu, khi các triệu chứng chưa nghiêm trọng.
Các loại thuốc tiêu trĩ hiệu quả nhất vẫn là các thuốc Tây y. Các thuốc này cho tác dụng khá nhanh, hiệu quả cao, giảm triệu chứng tốt và giúp bệnh khó tái phát. Thuốc bao gồm: thuốc dùng đường uống, thuốc bôi tại chỗ, thuốc đặt hậu môn.
Đông y cũng có một số thuốc tiêu trĩ: Tuy nhiên, thuốc thường cho hiệu quả muộn, tác dụng về lâu dài và đòi hỏi người bệnh phải kiên nhẫn khi dùng. Người bệnh phải dùng thuốc trong thời gian rất dài và liên tục, nếu dừng giữa chừng có thể phải bắt đầu lại một đợt mới.
Khi các thuốc tiêu trĩ không cho hiệu quả, phẫu thuật là cách chữa trĩ tốt nhất khi bệnh ở mức độ nặng - đây chính là phương pháp thứ 2 điều trị ngoại khoa. Đa số bệnh nhân nghĩ rằng có thể tự điều trị mà không cần đến chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, chảy máu từ hậu môn trực tràng ngoài trĩ còn rất nhiều bệnh lý khác từ lành tính đến ác tính như ung thư đại trực tràng, ung thư ống hậu môn, polyp đại trực tràng, ngoài ra trĩ còn có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác gây nên.
Vì vậy, với trường hợp của chị, đã có dấu hiệu bị trĩ, chị cần đi khám chuyên khoa Ngoại để được bác sĩ chẩn đoán chính xác. Đi khám càng sớm, bệnh trĩ càng có nhiều khả năng chữa khỏi dứt điểm và dễ dàng hơn. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ xác định chính xác mức độ bệnh, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả cho tình trạng bệnh của chị.
Chúc chị sớm loại bỏ được bệnh trĩ. Xin cảm ơn!
Để được các chuyên gia, bác sĩ Ngoại khoa, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tư vấn miễn phí - Bạn hãy gọi ngay 1900 1806!