Theo dõi và cách đo huyết áp sao cho đúng

Phan Thị Hoàn

07-08-2024

goole news
16

Theo dõi và cách đo huyết áp sao cho đúng là việc rất quan trọng, đặc biệt đối với những người mắc bệnh huyết áp. Mặc dù nhiều người đã thực hiện việc này, nhưng bạn đã biết đo huyết áp đúng cách để bảo vệ sức khỏe của mình chưa? Bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết nhé.

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp (THA) là một vấn đề sức khỏe tim mạch rất phổ biến trong cộng đồng. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng ở tim, não, mắt, thận và các mạch máu, thậm chí có thể gây ra những biến chứng nặng và đột ngột, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90 mmHg hoặc đã được chẩn đoán và điều trị THA trước đó. 

Tăng huyết áp là một tình trạng lâm sàng thường gặp và là yếu tố nguy cơ quan trọng đối với các bệnh lý mạch vành và mạch máu não.

Cơn tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp tăng nhanh và nghiêm trọng, với huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120 mmHg. Tình trạng này có thể xuất hiện ở 1- 3% bệnh nhân tăng huyết áp mạn tính và được chia thành hai dạng lâm sàng: cơn tăng huyết áp cấp cứu và tăng huyết áp khẩn trương.

Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng tăng huyết áp kịch phát (≥180/120 mmHg) có kèm theo bằng chứng về tổn thương cơ quan đích mới xuất hiện hoặc tiến triển, thường đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Các tổn thương cơ quan đích thường gặp bao gồm bệnh não tăng huyết áp, xuất huyết nội sọ, nhồi máu cơ tim cấp, suy thất trái cấp tính kèm theo phù phổi, tách thành động mạch chủ, đau thắt ngực và sản giật.

Cách đo huyết áp đúng là như thế nào?

Cách đo huyết áp đúng là như thế nào?

Cách chẩn đoán tăng huyết áp

Chẩn đoán THA dựa vào chỉ số HATT và HATTr, thu được sau khi đo HA theo đúng quy trình.

Phân độ tăng huyết áp

HATT (mmHg)

 

HATTr (mmHg)

HA tối ưu

< 120

< 80

HA bình thường

120 - 129

và/hoặc

80 - 84

HA bình thường cao

130 - 139

và/hoặc

85 - 89

THA độ 1

140 - 159

và/hoặc

90 - 99

THA độ 2

160 - 179

và/hoặc

100 - 109

THA độ 3

≥ 180

và/hoặc

≥ 110

THA tâm thu đơn độc

≥ 140

< 90

*HA được phân loại dựa trên chỉ số đo tại phòng khám, nếu 2 số HATT và HATTr không ở cùng 1 phân độ thì căn cứ vào số HA có độ cao hơn.

*Tiền THA là khi HATT từ 120 - 139 mmHg và HATTr từ 80 - 89 mmHg.

*THA tâm thu đơn độc được phân độ dựa trên HA tâm thu (HATT ≥ 140 mmHg). 

*Phân loại trên áp dụng cho tất cả bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên. 

Chú thích: THA: Tăng huyết áp, HA: Huyết áp, HATT: Huyết áp tâm thu, HATTr: Huyết áp tâm trương.

Cách đo huyết áp tại nhà

Việc đo huyết áp đúng cách và thường xuyên là rất quan trọng để kiểm soát sức khỏe tim mạch và điều chỉnh phương pháp điều trị. Hãy cùng xem những bước đơn giản để thực hiện việc này hiệu quả.

Chuẩn bị dụng cụ trước khi đo huyết áp

Máy đo huyết áp: Các loại máy đo huyết áp sử dụng ống nghe (máy đo HA thủy ngân hoặc máy đo HA đồng hồ), máy đo huyết áp tự động hoặc bán tự động bằng phương pháp dao động kế (máy đo HA điện tử) đều có thể sử dụng tại các cơ sở y tế. 

Tuy nhiên các loại máy này đều phải được chuẩn hóa. Băng cuốn phải phù hợp với chu vi cánh tay của người được đo.

Máy đo huyết áp.

Máy đo huyết áp.

Quy định chung khi đo huyết áp

  • Bệnh nhân nên nghỉ ngơi ít nhất 15 phút và đo huyết áp vào cùng một thời điểm trong ngày.
  • Kiểm tra các bộ phận của máy đo huyết áp, bao gồm van, dải băng quấn, bơm cao su và áp lực kế đồng hồ trước khi đo. Sử dụng cùng một máy đo cho các lần đo.
  • Vị trí đo huyết áp thường là động mạch cánh tay. Nếu cần, theo chỉ định bác sĩ, có thể đo ở động mạch khoeo chân hoặc các vị trí khác. Ghi rõ vị trí đo khi ghi kết quả.
  • Tìm đúng động mạch tại vị trí đo. Không dừng lại giữa chừng và bơm hơi tiếp vì điều này có thể làm sai lệch kết quả.
  • Khi xả hơi, thực hiện liên tục cho đến khi kim hoặc cột thủy ngân hạ xuống số 0.
  • Nếu phát hiện số đo huyết áp bất thường, như cơn tăng huyết áp kịch phát, huyết áp kẹt, sốc hoặc trụy mạch, hãy ngay lập tức báo cho Bác sĩ điều trị.

Quy trình đo huyết áp đúng cách 

Khi đo huyết áp tại phòng khám hoặc tại nhà, bệnh nhân cần tuân theo quy trình sau:

  • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 - 10 phút trước khi đo huyết áp.
  • Không dùng chất kích thích như cà phê, hút thuốc, rượu bia trước đó 2 giờ.
  • Tư thế đo chuẩn: Người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Nên đo thêm ở các tư thế nằm, đứng đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
  • Sử dụng băng quấn chuẩn: Băng quấn chiều rộng 12 - 13cm, chiều dài 35cm cho phần lớn mọi người. Bề dài bao đo nằm trong băng quấn tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Tuy nhiên cần có băng cuốn lớn hơn cho người có cánh tay to chu vi cánh tay > 32 cm và băng cuốn nhỏ hơn cho người gầy. Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của băng cuốn trên nếp lằn khuỷu 1 - 2 cm. Đặt máy đo huyết áp ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim. 
  • Trong trường hợp không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạch cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30 mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2 - 3 mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập (pha I và pha V của Korotkoff).
  • Không được nói chuyện khi đang đo huyết áp, không bắt chéo chân.
  • Cần đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 - 2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần chênh nhau trên 10 mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
  • Cần đo thêm một vài lần cho người có rối loạn nhịp (như rung nhĩ). Những trường hợp này cần sử dụng máy đo HA dùng tai nghe vì các máy đo tự động thường không chính xác khi có rung nhĩ.
  • Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có con số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
  • Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng HA tâm thu/HA tâm trương (ví dụ 126/82 mmHg), không làm tròn số quá hàng đơn vị và thông báo kết quả cho người được đo.
  • Cần ghi nhận cả tần số tim. Nên bắt mạch hoặc nghe tim để loại trừ có rối loạn nhịp.
  • Con số HA của bệnh nhân là kết quả trung bình của 2 lần đo.
  • Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ (Holter huyết áp).
  • Sử dụng các máy đo HA đã chuẩn hóa và đo đúng quy trình (tượng tự quy trình đo tại phòng khám), không dùng loại máy đo quấn ở cổ tay vì thiếu chính xác. Khi đo HA, cánh tay của bệnh nhân phải đặt ngang mức của tim.
  • Khuyến khích dùng các máy bán tự động và tự động. Dụng cụ dùng để đo HA tại nhà cần được kiểm tra và hiệu chỉnh tối thiểu 6 tháng 1 lần để đảm bảo hoạt động chính xác.
  • Khi đo HA tại nhà, cần đo hai lần (sáng và tối), mỗi lần cần đo 2 lượt cách nhau ít nhất 2 phút. Để chẩn đoán THA, cần đo liên tục ít nhất là 3 ngày, lý tưởng nhất là trong 6 - 7 ngày. Đôi khi số đo HA buổi sáng cao bất thường do tâm lý hồi hộp, khi đó cần loại bỏ kết quả của lần đo này.

Cách đo huyết áp chuẩn tại nhà.

Cách đo huyết áp chuẩn tại nhà.

Xem thêm:

Cách phòng ngừa bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng chúng ta có thể giảm nguy cơ bằng những biện pháp đơn giản. Hãy cùng khám phá các thói quen và phương pháp giúp duy trì huyết áp ổn định và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Chế độ ăn hợp lý

  • Giảm ăn mặn (< 6g muối mỗi ngày), đảm bảo đủ kali, magie và các yếu tố vi lượng. HATT giảm trung bình 7,16 mmHg (1,91 - 12,41 mmHg) và giảm 24% nguy cơ đột quỵ khi lượng kali bổ sung là 90 - 120 mmol/24h. Lượng kali tăng lên không có tác dụng phụ đáng kể đối với chức năng thận, lipid máu hoặc nồng độ catecholamine ở người lớn. Đặc biệt ở người có dùng thuốc lợi tiểu để điều trị THA. Bảo đảm đầy đủ canxi và magie.
  • Tăng cường rau xanh, quả tươi (ít nhất 400g/24h), nhiều màu sắc, chủng loại. Ưu tiên các loại hạt thô, dầu thực vật nhiều acid béo không no (dầu oliu).
  • Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no (phủ tạng động vật, thức ăn chiên rán ở nhiệt độ cao...); cân đối giữa dầu thực vật và mỡ động vật. Hạn chế các loại thịt đỏ, ưu tiên cá và các sản phẩm bơ sữa ít béo.
  • Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đồ uống ngọt có gas.

Tăng cường rau xanh cho người bị tăng huyết áp.

Tăng cường rau xanh cho người bị tăng huyết áp.

Tích cực giảm cân 

  • Cố gắng đạt và duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể BMI từ 18,5 đến 22,9 kg/m 2. 
  • Cố gắng duy trì vòng bụng < 90cm với nam và < 80cm với nữ. Không áp dụng chế độ này cho phụ nữ có thai bị tăng huyết áp.

Hạn chế tối đa rượu, bia

  • Nếu uống thì số lượng chỉ nên ≤ 2 đơn vị/24h đối với nam và ≤ 1 đơn vị/24h với nữ và tổng cộng ≤ 14 đơn vị chuẩn/tuần với nam hoặc ≤ 8 đơn vị chuẩn/tuần với nữ (1 đơn vị chuẩn chứa 14g ethanol tinh khiết tương đương với 354 mL bia (5% ethanol) hoặc 150 mL rượu vang (12% ethanol), hoặc 44 mL rượu mạnh (40%)).
  • Không uống nhiều vào một thời điểm. Nếu dùng quá nhiều rượu làm tăng nguy cơ đột quỵ não ở bệnh nhân THA, làm tăng trở kháng với thuốc điều trị THA. Ngược lại nếu dùng lượng rượu thích hợp (vang đỏ) thì có thể làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành (hiệu ứng ngược).

Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào

  • Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá, thuốc lào và kể cả việc sử dụng các dạng khác như hút thuốc lá điện tử, nhai… cũng như tránh xa môi trường có khói thuốc. 
  • Lưu ý, cần có chế độ luyện tập thích hợp do nguy cơ tăng cân nhanh chóng sau khi bỏ hút thuốc.

Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp.

Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp.

Hoạt động thể lực tối thiểu 150 phút mỗi tuần

  • Nên vận động 30 - 60 phút mỗi ngày, 5 - 7 ngày/tuần, kết hợp các bài tập cơ tĩnh và động.
  • Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý hàng ngày. Tránh bị lạnh đột ngột.

Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn Theo dõi và cách đo huyết áp sao cho đúng. Nếu như bạn bị bệnh tăng huyết áp và có dấu hiệu bất thường hãy liên hệ ngay tới Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 19001806.

Phương Đông luôn sẵn lòng phục vụ quý khách!

Hiện tại với dịch vụ Khám sức khoẻ tiêu chuẩn có ưu đãi lên đến 40%, KH chỉ cần để đăng ký Đặt lịch khám để nhận được ưu đãi ngay hôm nay, kiểm tra tổng quát cũng như phòng ngừa tăng huyết áp.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
792

Bài viết hữu ích?

Đặt lịch khám bệnh

Lưu ý: Tổng đài sẽ liên hệ xác nhận thời gian khám chính xác tới quý khách sau khi quý khách đặt hẹn

19001806 Đặt lịch khám