Hiện nay, phương pháp chụp CT không chỉ được ứng dụng trong việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tầm soát bệnh lý, hỗ trợ quá trình sàng lọc diễn ra nhanh chóng và có hiệu suất cao. Qua quá trình này, bác sĩ có thể đưa ra các phác đồ điều trị tùy chỉnh, phù hợp với từng cá nhân bệnh nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm rõ ràng, phương pháp chụp CT cũng gặp phải một số nhược điểm cụ thể. Cùng Bệnh viện Phương Đông tìm hiểu về kỹ thuật chụp CT qua bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan về phương pháp chụp cắt lớp vi tính/chụp CT
Phương pháp chụp cắt lớp vi tính sử dụng nhiều tia X để quét qua một khu vực cụ thể của cơ thể theo lát cắt ngang. Sau đó, thông tin này được xử lý bằng máy vi tính để tạo ra hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều của bộ phận cần chụp.
Chụp CT là một kỹ thuật thăm khám phổ biến hiện nay.
Mặc dù việc chụp CT không có chống chỉ định tuyệt đối, nhưng có một số trường hợp nên cân nhắc trước khi áp dụng phương pháp này:
Chống chỉ định liên quan đến việc sử dụng thuốc cản quang, bao gồm:
- Bệnh nhân có suy chức năng gan nặng.
- Bệnh nhân có suy thận nặng.
- Bệnh nhân có sốt cao mất nước nặng.
- Bệnh nhân có dị ứng với thuốc cản quang.
Bệnh nhân đang mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ:
- Thời kỳ này tế bào thai chưa hoàn thiện và rất nhạy cảm với tia X.
- Tiếp xúc với tia X trong giai đoạn này có thể gây dị tật cho thai nhi, nên cần đặc biệt cẩn trọng khi áp dụng phương pháp chụp CT trong trường hợp này.
Ứng dụng của chụp CT
Chụp CT được ứng dụng rộng rãi và có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực y tế. Một vài tác dụng của kỹ thuật chụp CT như:
- Phát hiện ung thư và hỗ trợ quá trình điều trị.
Phát hiện ung thư khi chụp CT.
- Kiểm tra chấn thương bên trong đầu, hệ thống xương và cơ quan nội tạng.
- Xác định vị trí và nguyên nhân nhiễm trùng.
- Chụp chẩn đoán các vấn đề mạch máu và tim như bệnh động mạch vành, chứng phình động mạch.
- Chẩn đoán các rối loạn về xương: loãng xương, u xương, gãy xương.
- Phát hiện và theo dõi các bệnh lý phổi như viêm phổi, khí phế thủng, tắc mạch phổi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ phổi, u phổi.
- Kiểm tra tình trạng sỏi thận và bàng quang.
- Hỗ trợ tái tạo hình ảnh 3D trong các bệnh lý bất thường bẩm sinh.
Chụp CT và X-quang là những phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán hình ảnh ngực. Ngoài ra, kỹ thuật này còn đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ quá trình sinh thiết, xạ trị và phẫu thuật.
Những ưu nhược điểm khi thực hiện chụp CT
Ưu điểm
- Hình ảnh rõ nét và không chồng lên nhau, giúp bác sĩ dễ dàng đánh giá và chẩn đoán.
- Phân giải hình ảnh mô mềm cao hơn so với chụp X-quang, lợi thế trong việc khảo sát các bệnh lý liên quan đến mô mềm.
- Độ phân giải không gian cao đối với xương, làm cho phương pháp này trở thành lựa chọn lý tưởng để khảo sát các bệnh lý ở xương.
- Thời gian chụp nhanh, đặc biệt quan trọng trong đánh giá bệnh cấp cứu và khảo sát các bộ phận di động trong cơ thể như tim, gan, ruột, phổi, ...
- Khả năng chụp cho các bệnh nhân có chống chỉ định MRI, như những người đang sử dụng máy tạo nhịp, máy trợ thính cố định, van tim kim loại hoặc có dị vật trong cơ thể.
Nhược điểm
- Hạn chế trong việc phát hiện tổn thương phần mềm: Do khả năng đâm xuyên mạnh của tia X, CT hạn chế hơn MRI trong việc phát hiện các tổn thương phần mềm.
- Độ phân giải hình ảnh thấp so với MRI: Độ phân giải hình ảnh của CT thấp hơn so với MRI, đặc biệt là đối với các cấu trúc mô mềm, làm cho việc phát hiện tổn thương có kích thước nhỏ khó khăn.
- Khó phát hiện tổn thương sụn khớp, dây chằng và tủy sống: CT khó phát hiện được các tổn thương liên quan đến sụn khớp, dây chằng và tủy sống.
- Khó phân biệt giữa cơ quan và tổn thương có cùng đậm độ: Trong trường hợp cơ quan và tổn thương có độ tương phản tương đồng, CT có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt chúng.
- Nhiễm xạ: CT sử dụng tia X và gây nhiễm xạ. Mặc dù mức độ nhiễm xạ mỗi lần chụp được kiểm soát trong giới hạn an toàn, nhưng vẫn là một yếu tố cần cân nhắc khi sử dụng phương pháp này.
Lưu ý khi sử dụng thuốc cản quang trong chụp CT
Thuốc cản quang là nhóm thuốc được tiêm vào cơ thể để tăng khả năng quan sát mô hoặc tổn thương trong quá trình chụp cắt lớp vi tính (CT). Bác sĩ có thể quyết định sử dụng thuốc cản quang qua đường tiêu hóa hoặc đường tĩnh mạch để đạt được chẩn đoán chính xác nhất. Dưới đây là các thông tin về chỉ định và chống chỉ định khi sử dụng thuốc cản quang:
Chỉ định tiêm thuốc cản quang
- Trường hợp chụp CT bụng đa phần cần sử dụng thuốc cản quang.
- Các trường hợp nghi ngờ xuất hiện khối u trong cơ thể.
- Trường hợp viêm hoặc áp xe.
- Bệnh lý liên quan đến mạch máu: phình mạch, giả phình, dị dạng mạch máu, bóc tách động mạch, ...
Chống chỉ định tiêm thuốc cản quang
Chống chỉ định tiêm thuốc cản quang được chia thành 2 trường hợp: chống chỉ định tương đối và chống chỉ định tuyệt đối.
Chống chỉ định tương đối
Chống chỉ định tương đối với các đối tượng cụ thể sau:
- Người bị suy gan, suy tim.
- Người bị suy thận độ III, IV.
- Người bị đau tủy.
- Người có cơ địa dị ứng.
- Người mắc bệnh mãn tính.
- Phụ nữ mang thai.
Phụ nữ mang thai là đối tượng chống chỉ định sử chụp CT cũng như thuốc cản quang.
Chống chỉ định tuyệt đối
- Người bị mất nước nặng.
- Người bị dị ứng với i-ốt.
Lưu ý rằng cả người bệnh và bác sĩ đều cần tham khảo thông tin chỉ định và chống chỉ định để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc cản quang trong quá trình chụp CT.
Có thể chụp CT ở những bộ phận nào?
Chụp cắt lớp vi tính (CT) là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh mạnh mẽ, và có thể được áp dụng cho nhiều bộ phận của cơ thể. Các bộ phận phổ biến mà chụp CT thường được thực hiện bao gồm:
- Vùng sọ não: Chụp CT vùng sọ não giúp đánh giá cấu trúc não và xác định các vấn đề như động mạch não, u não, hoặc chấn thương đầu.
- Vùng Đầu - Mặt - Cổ: Cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc và tình trạng của đầu, mặt và cổ, hỗ trợ trong việc chẩn đoán các bệnh lý và tình trạng khác nhau.
- Vùng phổi và lồng ngực: Chụp CT phổi và lồng ngực có thể phát hiện và đánh giá các vấn đề như viêm phổi, khối u, hay các bệnh lý khác liên quan đến hệ hô hấp.
- Vùng cột sống: Hỗ trợ trong đánh giá cấu trúc, dạng của cột sống và xác định các vấn đề như đau lưng, thoái hóa đốt sống.
- Vùng xương khớp: Chụp CT xương khớp giúp xác định tình trạng của xương và khớp, phục vụ trong việc chẩn đoán các bệnh như viêm khớp, thoái hóa xương khớp.
- Vùng bụng: Chụp CT bụng hỗ trợ đánh giá cấu trúc và tình trạng của các cơ quan bụng như gan, thận, tử cung, tiền liệt tuyến, và các cấu trúc khác.
Hình ảnh kết quả chụp CT.
Kỹ thuật chụp CT cắt lớp
Trong thời đại kỹ thuật số, các máy móc và thiết bị chụp CT đã được nâng cấp với số lượng lát cắt ngày càng nhiều. Nếu trước đây chụp CT có thể dừng ở con số 32, 64 lát cắt, hiện nay đã nâng lên đến 128, 256 lát cắt.
Việc chụp cắt lớp nhiều dãy mang lại nhiều lát cắt tương ứng với nhiều góc nhìn khác nhau về cơ quan được chụp. Điều này cung cấp sự hỗ trợ tối đa trong quá trình thăm khám, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh của bác sĩ, giúp họ có cái nhìn chi tiết và toàn diện về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Quy trình chụp cắt lớp vi tính
Chuẩn bị trước khi chụp CT
Trước khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính (CT), quá trình chuẩn bị đặc biệt quan trọng để đảm bảo chất lượng hình ảnh và an toàn cho bệnh nhân. Các bước chuẩn bị được thực hiện như sau:
- Loại bỏ vật kim loại: Bệnh nhân cần tháo bỏ tất cả các vật dụng kim loại trên cơ thể như trang sức, kẹp tóc, kính, đồng hồ,.. do nguyên nhân có thể tạo ra nhiễu ảnh khi chụp CT.
- Nếu bệnh nhân có thai hoặc nghi ngờ có thai, cần thông báo cho nhân viên y tế để có phương án lựa chọn phù hợp và an toàn.
- Bệnh nhân cần báo cho bác sĩ nếu đang mắc các bệnh như tiểu đường, tĩnh mạch, hen suyễn, thận và dị ứng thuốc. Thông tin này giúp định rõ liệu pháp chụp CT phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
- Cam kết tiêm thuốc cản quang: Bệnh nhân và người thân cần ký vào bản cam kết tiêm thuốc cản quang nếu có nhu cầu. Điều này là quan trọng để đảm bảo sự hiểu biết và đồng thuận về quy trình này.
- Thời gian nghỉ ăn: Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 4 - 6 giờ trước khi tiêm thuốc cản quang. Tuy nhiên, có thể uống nước vừa đủ trước khi chụp cắt lớp vi tính 2 giờ để giữ cơ thể không quá khô.
- Chuẩn bị cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ: Trong trường hợp trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ cần chụp CT, bác sĩ có thể quyết định cho trẻ ngủ trước khi chụp những bộ phận không cần tiêm thuốc. Nếu tiêm thuốc cản quang là cần thiết, trẻ cần dùng an thần để tránh tình trạng cử động làm mờ hình ảnh và ảnh hưởng đến chất lượng chẩn đoán.
- Yêu cầu cởi quần, áo: Tùy thuộc vào vị trí cơ thể cần chụp CT, bệnh nhân có thể được yêu cầu cởi quần, áo và mặc áo do bệnh viện cung cấp. Điều này giúp đảm bảo rằng hình ảnh được chụp mà không có sự che giấu từ quần áo.
Bằng cách thực hiện đúng các bước chuẩn bị này, quá trình chụp CT sẽ diễn ra hiệu quả và an toàn, mang lại kết quả chẩn đoán chính xác.
Trong khi chụp CT
Thao tác thực hiện chụp CT rất đơn giản và nhanh, chỉ tốn từ 3-5 phút có những trường hợp kéo dài hơn (lên đến 15 - 45 phút).
- Bước 1: Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn trong phòng chụp, hoặc nằm theo một số tư thế đặc biệt theo yêu cầu của quá trình chẩn đoán..
- Bước 2: Bệnh nhân cần nằm yên khi chụp để đảm bảo hình ảnh chất lượng. Trong trường hợp chụp ngực và bụng, người bệnh nên nín thở theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Bệnh nhân có thể cảm nhận cảm giác nóng dọc theo vùng mặt, cổ, ngực khi tiêm thuốc cản quang. Mặc dù vậy, người bệnh cần giữ yên khi chụp để đảm bảo kết quả tốt nhất.
Sau khi chụp CT
Việc theo dõi sau chụp CT đối với các bệnh nhân cũng có sự khác nhau, cụ thể như:
- Đối với bệnh nhân không tiêm thuốc cản quang: Bệnh nhân có thể hoạt động bình thường sau khi chụp CT, có thể ăn uống bình thường và không cần thêm các xét nghiệm khác.
Bệnh nhân nghỉ ngơi, ăn uống bình thường khi không sử dụng thuốc cản quang.
- Đối với bệnh nhân tiêm thuốc cản quang: Bệnh nhân tiêm thuốc cản quang vẫn giữ đường truyền ở tĩnh mạch và được theo dõi trong phòng theo dõi khoảng 30 phút. Nếu không có diễn biến bất thường, nhân viên y tế sẽ tháo kim ra (nếu không có chỉ định sử dụng đường truyền tĩnh mạch). Sau khi tháo kim, người bệnh cần đè tay vào vị trí tiêm thuốc trong khoảng 5 - 10 phút để tránh chảy máu. Trong vòng 24 giờ sau tiêm thuốc cản quang, người bệnh cần uống nhiều nước để đào thải thuốc khỏi cơ thể.
Nếu có biểu hiện bất thường như chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, ngứa, đỏ da, khó thở, sốt,... sau khi chụp cắt lớp vi tính, bệnh nhân nên thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và phát hiện bệnh.
Thời gian trả kết quả
Sau khi hoàn thành quá trình chụp CT, kết quả thường sẽ được trả cho bệnh nhân trong khoảng 30 - 60 phút. Trong một số trường hợp cần hội chẩn, thời gian trả kết quả có thể lâu hơn. Bệnh nhân có thể thảo luận và giải đáp mọi thắc mắc với bác sĩ để hiểu rõ hơn về kết quả của chụp CT và các khía cạnh chẩn đoán.
Hy vọng qua bài viết dưới đây có thể giải đáp các thắc mắc của người bệnh liên quan đến CT như: chụp CT là gì, khi nào nên chụp CT, chụp CT có hại không,... Khi gặp những dấu hiệu được đề cập trong bài viết, quý khách vui lòng liên hệ qua hotline 19001806 của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để tiến hành thăm khám và điều trị bằng kỹ thuật chụp CT tại bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế 5 sao của chúng tôi.