Chụp X quang thường quy: Chỉ định và chống chỉ định trong trường hợp nào?

Phương Loan

15-04-2024

goole news
16

Chụp X quang thường quy là phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng phổ biến, thường được chỉ định đầu tiên để kiểm tra và đánh giá các vấn đề bất thường tại bộ phận nào đó theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi diễn ra trong phòng tối được kiểm soát nghiêm ngặt về nhiệt độ, nồng độ hóa chất, độ ẩm, ánh sáng,...

Chụp X quang thường quy là gì?

Chụp X quang thường quy là kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh quan trọng và cơ bản nhất, sử dụng tia X để thu hình ảnh các cấu trúc bên trong cơ thể. Phương pháp này cho phép phát hiện các bất thường trong xương, phổi, các cơ quan nội tạng khác khi có nghi ngờ bất thường.

Hiểu về chụp X quang thường quy 

(Hiểu về chụp X quang thường quy)

Người bệnh khi chụp X-quang sẽ phơi nhiễm với liều nhỏ bức xạ ion hóa, mỗi bộ phận sẽ có mức độ hấp thu tia X khác nhau. Ví như xương sườn, xương sống hấp thụ bức xạ nhiều hơn có màu trắng hoặc xám nhạt, còn mô phổi hấp thụ bức xạ ít hơn có màu tối hơn trên hình ảnh.

Các biến thể của X quang thường quy

Đối với kỹ thuật X quang thường quy, tia X được tạo ra và truyền qua bệnh nhân tới phim hoặc bộ phận dò bức xạ, từ đó thu được hình ảnh. Phương pháp này hiện gồm có 2 biến thể, bao gồm:

Chụp cản quang

Thông thường, các mô lân cận sẽ có độ đậm nhạt tương tự nhau, khó có thể thu được hình ảnh để quan sát. Khi này, kỹ thuật viên hoặc bác sĩ sẽ đưa chất cản quang vào một mô, cấu trúc trong cơ thể để phân biệt rõ với các mô xung quanh.

Chụp X quang đường tiêu hóa có thuốc cản quang

(Chụp X quang đường tiêu hóa có thuốc cản quang)

Thông thường, chất cản quang trong X-quang được sử dụng đối với trường hợp chụp cấu trúc mạch máu, đường tiêu hóa, đường mật, đường niệu. Hoặc áp dụng cách bơm khí gây giãn nỡ đường tiêu hóa thấp, giúp hình ảnh hiện rõ hơn trên phim.

Tuy nhiên, giờ đây người ta ưu tiên thực hiện kỹ thuật chụp CT, MRI hơn chụp X-quang tiêm thuốc cản quang. Bởi người bệnh có thể không cần sử dụng thuốc nhưng vẫn thu được hình ảnh rõ nét, định vị giải phẫu các tổn thương tốt hơn.

Chụp X quang dưới màn huỳnh quang

Với biến thể chụp X quang dưới màn huỳnh quang, người ta sử dụng chùm tia X liên tục để tạo ra hình ảnh cấu trúc vật thể chuyển động tại thời điểm chụp. Phương pháp này thường được sử dụng với thuốc cản quang, ứng dụng trong các thủ thuật y khoa nhằm xác định vị trí đặt ống dẫn lưu, đặt catheter, chọc kim.

Ngoài ra, X quang dưới màn huỳnh quanh được sử dụng để nhận dạng chuyển động của cơ hoành, xương và các khớp. Đây là một trong những phương pháp chẩn đoán phần xương khớp hàng đầu, bên cạnh kỹ thuật siêu âm.

X quang thường quy được chỉ định trong trường hợp nào?

X quang thường quy thường được chỉ định trong những trường hợp sau đây:

Chỉ định

Ý nghĩa

Hệ hô hấp

- Xem xét các tổn thương của nhu phổi như viêm phổi, u phổi, giãn phế nang, giãn phế quản,...

- Kiểm tra các tổn thương màng phổi như u màng phổi, tràn dịch, tràn khí màng phổi, vôi hóa màng phổi,...

- Kiểm tra các tổn thương trung nhất như u tim, mạch máu lớn, màng tim, tràn khí, tràn dịch trung thất.

- Kiểm tra các tổn thương thành ngực.

Hệ cơ xương khớp

- Chẩn đoán tổn thương xương khớp do chấn thương như gãy xương, trật khớp,...

- Chẩn đoán tổn thương xương khớp không do chấn thương như viêm xương, u xương,...

- Kiểm tra các bất thường bẩm sinh của hệ xương khớp như cong vẹo xương, dị dạng xương,...

- Đo độ tuổi xương trên phim X quang.

Hệ tiêu hóa

- Chụp không chuẩn bị nhằm tìm các dị vật đường tiêu hóa, tìm nơi hơi, mức dịch, tìm liềm hơi dưới vòm hoành, tìm khí tự do trong ổ bụng.

- Chụp có chuẩn bị tức có uống thuốc cản quang nhằm tìm ra các bệnh lý của ống tiêu hóa.

Hệ sinh dục

- Chụp có chuẩn bị, tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch hoặc bơm thuốc cản quang qua da xuôi dòng nhằm đánh giá chức năng thận, sự lưu thông của đường bài xuất và bài tiết.

- Phát hiện các vôi hóa của buồng trứng, xem vòi trứng bị tắc hẹp hay không, buồng tử cung bị dính hay có khối bất thường không.

- Chụp không chuẩn bị để kiểm tra sỏi cản quang trên hệ tiết niệu, bóng thận to hay không, xung quanh thận có dịch hay có khí không,...

Tuyến vú

- Chẩn đoán các khối u tuyến vú, vôi hóa tuyến vú.

- Chụp có chuẩn bị bằng các bơm thuốc cản quang vào ống tuyến sữa để xem xét các tổn thương của ống tuyến.

- Chụp không chuẩn bị, chẩn đoán các khối u tuyến vú, vôi hóa tuyến vú,...

Tùy thể trạng, bệnh tình người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định chụp X quang thường quy khác nhau, đảm bảo thu được kết quả chính xác, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người bệnh. Khi nhận hướng dẫn thực hiện kỹ thuật từ chuyên gia y tế, bệnh nhân cần nghiêm túc tuân thủ.

Chống chỉ định chụp X-quang thường quy

Chụp X quang thường quy không có chống chỉ định tuyệt đối, trước khi chỉ định bác sĩ sẽ sàng lọc bệnh nhân để có hướng xét nghiệm chẩn đoán phù hợp. Dưới đây là 2 nhóm đối tượng được hạn chế thực hiện kỹ thuật này:

  • Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, trong trường hợp bắt buộc phải chụp thì cần che chắn tốt vùng tiểu khung.
  • Trẻ nhỏ nếu chụp cần che chắn tốt bộ phận nhạy cảm như tuyến giáp, tinh hoàn, buồng trứng, vùng sinh dục,...

Khi thăm khám y tế, người bệnh cần khai báo trung thực với bác sĩ chuyên khoa để có phương án chỉ định phù hợp, ngăn ngừa những nguy cơ không may có thể xảy ra như sảy thai, phơi nhiễm tia X.

Chuẩn bị gì khi chụp X quang thường quy

Trước khi chụp X quang thường quy, cơ sở y tế cần đảm bảo máy chụp X quang có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để chụp chiếu, đội ngũ y bác sĩ và kỹ thuật viên tốt nghiệp chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.

Cơ sở y tế cần có đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh

(Cơ sở y tế cần có đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh)

Về phía người bệnh:

  • Trường hợp không chuẩn bị: Không cần chuẩn bị gì.
  • Trường hợp chụp có chuẩn bị: Tuân theo hướng dẫn của cán bộ y tế, thường yêu cầu nhịn ăn, thụt tháo sạch.
  • Trẻ nhỏ, người có tuổi, phụ nữ mang thai cần được giúp đỡ, mặc áo chì để bảo vệ khỏi sự xâm nhiễm của tia X.

Ngoài ra, người bệnh nên đến những bệnh viện có cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết bị máy móc hiện đại. Điều này đảm bảo kết quả chẩn đoán thu được có giá trị chẩn đoán, tối ưu thời gian chờ đợi cũng như chi phí thực hiện.

Quy trình kỹ thuật X quang thường quy

Quy trình chụp X quang thường quy về cơ bản sẽ gồm 4 bước như sau:

  • Bước 1: Tiếp nhận bệnh nhân và yêu cầu từ chỉ định. Theo đó, kỹ thuật viên sẽ tiếp đón bệnh nhân, kiểm tra chỉ định chụp, phân loại bệnh nhân. Tiếp đến, nhập chính xác dữ liệu bệnh nhân vào hệ thống máy tính, xác nhận lại thông tin trước khi chuẩn bị chụp theo yêu cầu.
  • Bước 2: Chụp theo yêu cầu. Xem lại chẩn đoán lâm sàng và chỉ định chụp của bác sĩ lâm sàng. Hướng dẫn bệnh nhân tư thế chụp, chụp đúng chỉ định của bác sĩ. Kỹ thuật viên cần chọn các thông số phù hợp với chỉ định. Xử lý ảnh, đặt dấu phải, trái và in phim sau khi kết thúc.
  • Bước 3: Đọc kết quả. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ có trách nhiệm đọc phim X quang, dựa vào chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng để đưa ra kết luận. Với ca bệnh khó, bác sĩ cần hội chẩn giữa các chuyên khoa, hẹn bệnh nhân thời gian lấy kết quả. Ngôn ngữ trong phiếu kết quả cần phù hợp, chính xác.
  • Bước 4: Trả phim và kết quả. Thu thập đủ số phim, kết quả đã có chữ ký của bác sĩ và giấy tờ liên quan. Tiến hành trả phim, kết quả, giấy tờ cho bệnh nhân, hướng dẫn và giải thích cho bệnh nhân mang kết quả về khoa điều trị, nơi khám chữa bệnh ban đầu.

So sánh X Quang thường quy với X quang kỹ thuật số

X quang kỹ thuật số là phương pháp chẩn đoán hình ảnh ra đời nhằm khắc phục nhược điểm của công nghệ X quang đời đầu. Theo dõi bảng so sánh dưới đây để thấy sự khác biệt rõ hơn giữa X quang thường quy và X quanh kỹ thuật số:

 

X quang thường quy

X quang kỹ thuật số

Kỹ thuật

Quy định nghiêm ngặt về phòng tối.

Không quy định nghiêm ngặt về phòng tối.

Chất lượng phim

Phụ thuộc nhiều vào yếu tố phổ xạ, nhiệt độ, nồng độ hóa chất làm hiện hình và định hình.

- Tấm tạo ảnh, bản cảm ứng có thể sử dụng lại nhiều lần, cho hình ảnh chất lượng cao.

- Có khả năng khảo sát trên nhiều mô, nhiều cơ quan khác nhau trên cùng 1 phim.

Khả năng lưu trữ

Khó khăn lưu trữ, sao chép, chuyển gửi.

Lưu trữ, sao lục nhanh chóng chuyển gửi nhanh qua mạng internet.

Chất lượng hình ảnh

Hình ảnh sau khi phổ xạ không thể cải thiện chất lượng, có tính cố định, phải chụp lại nhiều lần gây tốn kém, tăng nguy cơ nhiễm xạ.

Có thể xem trực tiếp trên màn hình monitor, chỉnh sửa, phòng to vùng cần quan sát, phần lớn không cần chụp lại, giảm nguy cơ nhiễm xạ.

Chi phí

Chi phí ban đầu thấp.

Chi phí ban đầu cao.

Ứng dụng chụp X quang thường quy tương đối phổ biến, có khả năng đánh giá tình trạng các chi, ngực, cột sống và bụng, những vùng có cấu trúc quan trọng. Song, so với X quang kỹ thuật số vẫn có những hạn chế nhất định.

Lợi ích và nguy cơ khi chụp X quang thường quy

Giống với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, X quanh thường quy cũng có những lợi ích và nguy cơ cùng tồn tại mà bạn cần biết. Hầu hết các cơ sở y tế trước khi chỉ định thực hiện đều sẽ giải thích các vấn đề liên quan có thể xảy ra.

Lợi ích

Đầu tiên, hình ảnh X quang có giá trị trong chẩn đoán tổn thương và bệnh lý liên quan đến xương khớp như gãy xương, nhiễm trùng, viêm khớp hoặc ung thư. Ngoài ra, được chỉ định hành đầu để kiểm tra, đánh giá tình trạng viêm phổi, tắc ruột.

Chụp X quang phát hiện vết gãy trong khớp cổ tay trái

(Chụp X quang phát hiện vết gãy trong khớp cổ tay trái)

Thiết bị X-quang có khả năng thu hình ảnh được sử dụng rộng rãi, phần lớn các bệnh viện đều được trang bị. Điều này thuận tiện cho bác sĩ, bệnh nhân, không cần phải di chuyển xa hay đến cơ sở y tế hiện đại để chụp như MRI.

Nguy cơ

Vì phim X quang thường quy phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ, phổ xạ, nồng độ hóa chất nên chất lượng phim cho ra có thể sai, không rõ hình ảnh dẫn tới phải chụp lại. Như vậy, người bệnh phải tiếp xúc nhiều lần với tia X, không an toàn, có thể gây đột biến nếu bị phơi nhiễm bức xạ.

Dù tỷ lệ phơi nhiễm tương đối hiếm nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra, những đối tượng đặc biệt như mang thai, nghi ngờ mang thai, trẻ nhỏ, người già cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để có phương án bảo vệ phù hợp, hoặc thay đổi kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

Chụp X quang ở đâu uy tín?

Chụp X quang tại khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, chuyên khoa được đầu tư hệ thống thiết bị y tế, công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó là đội ngũ chuyên gia, bác sĩ tay nghề cao, cam kết cho ra kết quả chẩn đoán chính xác, có giá trị trong khám và chữa bệnh.

Với hệ thống máy X quang kỹ thuật số Dura Diagnost, kết quả hình ảnh cho ra có chất lượng vượt trội. Đi kèm với đó là hiệu suất và tốc độ chụp hai tấm nhận trong một phòng chụp, cung cấp dịch vụ chuẩn 5 sao với mức chi phí hợp lý.

Tổng kết lại, chụp X quang thường quy là kỹ thuật chẩn đoán sử dụng tia X để phát hiện những bất thường, tổn thương tại các chi, ngực, cột sống hoặc bụng. Đây là phương pháp quan trọng trong xét nghiệm cận lâm sàng, được sử dụng rộng rãi bên cạnh siêu âm.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
757

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám