Đặt ống sonde JJ niệu quản là gì & các bước tiến hành đặt sonde JJ

Trường Nguyễn

04-10-2023

goole news
16

Ống sonde JJ niệu quản là một loại vật tư y tế chuyên dụng nhằm đặt vào trong niệu quản của bệnh nhân khi gặp phải một số bệnh liên quan đến tiết niệu. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và loại vật liệu mà ống sonde JJ có thể lưu trong cơ thể bệnh nhân đến 12 tháng.

Nếu ống sonde này để quá lâu thì có thể gây ra một số biến chứng tác động xấu đến sức khỏe. Do đó, bệnh nhân hãy đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra tình hình. Vậy ống sonde JJ này có vai trò gì, đặt ống sonde JJ niệu quản bao lâu thì rút được, có gây nguy hại không?

Đặt ống sonde JJ niệu quản là gì?

Sonde JJ, hay còn được gọi là sonde double J hoặc stent DJ, là một loại ống rỗng nhỏ 5-7Fr, dài từ 22cm đến 26 cm. Chiếc ống này được làm từ nhựa dẻo hoặc silicon, có 2 đầu cong hình chữ J nên được gọi là ống JJ hay double J niệu quản.

Ống được đặt trong niệu quản để dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, khi đó một đầu được móc vào trong bàng quang và đầu còn lại móc vào bể thận. Từ đó, có thể dẫn nước tiểu từ hiệu quả hơn.

null
Ống sonde double J được làm từ nhựa dẻo hoặc silicon giúp dẫn nước tiểu tốt hơn

Đặt sonde JJ niệu quản để làm gì?

Stent DJ sau khi được đặt vào trong niệu quản sẽ giúp đảm bảo dòng nước tiểu có thể chảy từ thận đến bàng quang kể cả khi ống dẫn nước tiểu bị tắc nghẽn vì một nguyên nhân bất kỳ nào đó. Chính vì vậy, thận vẫn có thể tiếp tục hoạt động bình thường mà không bị tổn thương do sự tắc nghẽn và có thể giảm thiểu các cơn đau quặn ở thận khi dòng nước tiểu không thể lưu thông tốt.

Bên cạnh đó, sonde JJ còn giúp bảo vệ niệu quản và có thể lành vết thương ở niệu quản kể cả khi đã bị tổn thương. Nếu không đặt JJ khi niệu quản đang bị tổn thương vì bất kỳ nguyên do nào thì khi vết thương lành lại, niệu quản có nguy cơ bị chít hẹp. Do đó, đặt stent với mục đích để dự phòng niệu quản bị hẹp và phục hồi các chức năng hoạt động của niệu quản trở lại bình thường về sau.

Đối với một vài trường hợp, đặt sonde double J để làm rộng niệu quản sau khi bị hẹp trong một thời gian. Việc này vô cùng quan trọng nếu cần phải đưa một dụng cụ nào đó qua lòng niệu quản hoặc khi lấy sỏi. Vì vậy, đặt sonde nhằm giúp các tiếp cận sau này vào niệu quản dễ dàng hơn.

Các bước tiến hành đặt sonde JJ niệu quản

Các bước đặt JJ niệu quản sẽ được thực hiện theo thứ tự như sau:

Kiểm tra hồ sơ

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của người bệnh, có từng mắc các bệnh liên quan đến đường tiết niệu hay từng làm phẫu thuật trước đó hay không. Lúc này, bệnh nhân phải trả lời thật trung thực để bác sĩ chẩn đoán bệnh cũng như áp dụng phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Sau đó, chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để chẩn đoán và lựa chọn phác đồ điều trị chính xác nhất.

Kiểm tra người bệnh

Trong quá trình kiểm tra bệnh nhân, nếu phát hiện bị tắc nghẽn niệu quản do một trong nguyên nhân sau sẽ được chỉ định phương pháp đặt ống JJ trong niệu quản:

  • Trên bất kỳ vị trí nào của đường ống niệu quản phát hiện có sỏi.
  • Người bệnh trước khi tán sỏi niệu quản hoặc sỏi thận nội soi bằng ống mềm: sẽ được đặt ống JJ trước để làm rộng niệu quản.
  • Đã thực hiện phẫu thuật đường niệu trên như tán sỏi niệu quản, sỏi thận: đặt sonde ở trong niệu quản để hạn chế sự nhiễm trùng và vụn sỏi dễ dàng đào thải ra ngoài hơn.
  • Phát hiện niệu quản bị tổn thương hoặc viêm niệu quản: sử dụng stent DJ giúp vết thương lành lại và hạn chế nguy cơ có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
  • Niệu quản bị hẹp do tác nhân bên ngoài chèn ép hoặc phụ nữ mang thai bị chèn ép. Ngoài ra, hẹp niệu quản sau khi tán sỏi nội soi, tạo hình niệu quản, hẹp niệu quản - bể thận và phẫu thuật để lấy sỏi niệu quản.
  • Bệnh nhân có u bướu ở trong đường tiết niệu hoặc ổ bụng: sử dụng ống sonde JJ nhằm dẫn lưu trong quá trình điều trị nội khoa để giảm thiểu hiện tượng phù nề do tắc nghẽn trước đó gây ra.

Các bước thực hiện kỹ thuật đặt JJ niệu quản

Sau khi đã xác định bệnh nhân có đủ điều kiện để tiến hành đặt stent vào trong niệu quản, bác sĩ sẽ thực hiện theo quy trình sau đây:

  • Cho bệnh nhân nằm theo tư thế sản khoa, gây mê, sát trùng bộ phận sinh dục, trải săng có lỗ và bơm vào niệu đạo gel Xylocain 2%.
  • Sau đó, bác sĩ sẽ đặt máy nội soi bàng quang từ niệu đạo đi lên, kiểm tra tình trạng của bàng quang, xác định vị trí 2 lỗ của niệu quản và xem xét niệu quản nào sẽ cần phải đặt ống stent DJ.
  • Tiếp theo, thực hiện nội soi ngược dòng và đưa sonde JJ từ niệu đạo qua bàng quang, đi lên niệu quản đến bể thận.
  • Kiểm tra lại vị trí 2 đầu của ống sonde niệu quản đã chính xác hay chưa thông qua hình ảnh X-quang và kết thúc quy trình.

null
Trước khi thực hiện đặt ống sonde double J, bệnh nhân sẽ được kiểm tra tình trạng của thận, tiết niệu

Các biến chứng và xử trí khi đặt sonde JJ

Các biến chứng sau khi đặt sonde JJ

Đặt ống sonde JJ niệu quản rất an toàn, hầu hết các trường hợp bệnh nhân đều sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp khác sẽ xuất hiện một số biểu hiện khó chịu, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như đau vùng hông lưng, cảm thấy buốt khi đi tiểu và tiểu ra máu.

Ống sonde này sẽ cọ xát vào lớp lót bên trong của bàng quang, niệu quản và thận làm cho bị chảy máu trong nước tiểu. Ống ở trong bàng quang sẽ gây kích ứng bàng quang với các biểu hiện như nóng rát khi đi tiểu và đi tiểu liên tục.

Vì là ống rỗng nên sẽ có một phần nước tiểu trào ngược từ bàng quang vào thận mỗi khi tiểu tiện hoặc bàng quang co lại sẽ gây sự khó chịu cho bệnh nhân. Các triệu chứng này sẽ biến mất sau khi ống JJ lấy ra.

Nếu lưu ống stent quá lâu thì sẽ đóng cặn, sỏi sẽ được hình thành dọc theo nó dẫn đến thận bị tắc nghẽn và đau thận. Viên sỏi thận sẽ được loại bỏ bằng cách phẫu thuật nhưng cũng chứa vi khuẩn và gây ra nhiễm trùng tiết niệu.

Xử trí khi đặt sonde JJ

Để có thể giảm thiểu các tác dụng phụ hoặc biến chứng do ống stent gây ra thì bệnh nhân nên thực hiện quy trình đặt ống tại các cơ sở bệnh viện uy tín, luôn tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đi khám theo đúng lịch hẹn và rút ống đúng thời hạn.

null
Sau khi đặt ống sonde double J, bệnh nhân sẽ cảm thấy rát khi đi tiểu, tiểu ra máu và đi tiểu thường xuyên

Giải đáp một số thắc mắc khi đặt ống sonde JJ niệu quản

Các biểu hiện khó chịu khi đặt sonde JJ

Bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu sau khi đặt ống stent DJ trong niệu quản và gây ảnh hưởng đến khoảng 80% trong tổng số các ca bệnh. Các biểu hiện khó chịu có thể xuất hiện sau khi đặt ống bao gồm:

  • Cảm thấy khó chịu, cộm nhưng thường sẽ giảm hoặc mất đi sau vài ngày.
  • Cảm thấy đau ở vùng hông lưng (bên đặt ống sonde niệu quản), đau trên xương mu mà đau phần sườn.
  • Bệnh nhân sẽ phải đi tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ, hoặc tiểu gấp (57 - 60%), tiểu khó (40%) hay tiểu không hết (76%).
  • Nhận thấy đi tiểu có lẫn máu do vận động quá sức khiến ống JJ cọ xát vào thành niệu quản làm trầy xước và dẫn đến nước tiểu sẽ có màu hồng nhạt. Lúc này bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi và theo dõi trong những lần tiếp theo, nếu thấy nước tiểu ngày càng đậm màu hơn thì nên đến bệnh viện thăm khám ngay.

Nếu các triệu chứng cơn đau tăng dần, nước tiểu màu đỏ tươi hoặc có lẫn với cục máu, sốt cao thì hãy đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và can thiệp kịp thời.

Chăm sóc bệnh nhân đặt ống sonde JJ niệu quản như thế nào?

Trong thời gian lưu ống sonde double J trong niệu quản, bạn có thể chăm sóc người bệnh bằng những cách dưới đây:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý.
  • Uống nhiều nước, khoảng từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày.
  • Hạn chế vận động quá sức và mang vác quá nặng, chỉ nên vận động nhẹ nhàng.
  • Tập thể dục với các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức và có thể tăng dần cường độ tập khi cảm thấy cơ thể đã ổn định hơn.

null
Hãy uống nhiều hơn 2 lít nước mỗi ngày trong thời gian lưu ống JJ trong niệu quản

Đặt JJ niệu quản bao lâu thì rút?

Việc rút ống sonde double J hoàn toàn tùy thuộc vào:

  • Chất liệu của sonde: sonde được làm từ nhựa dẻo dành cho các trường hợp đặt ngắn hạn từ 2 đến 4 tuần, nếu có phủ thêm silicon thì có thể đặt đến 3 tháng. Còn đối với sonde có thành phần là silicon thì thời gian đặt sẽ kéo dài hơn.
  • Mục đích đặt ống sonde: bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân đến rút sonde sau khoảng 2 tuần, 4 tuần, 3 tháng hoặc 6 tháng. Còn đối với các trường hợp bị ung thư thì sẽ kéo dài đến 15 hoặc 18 tháng, nếu lâu hơn nữa thì phải thay sonde.

Chính vì vậy, bệnh nhân cần phải tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra và rút stent.

null
Hãy tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra tình trạng và rút sonde JJ

Kết luận

Mong rằng bài viết này đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về sonde JJ cũng như giải đáp một số thắc mắc thường gặp. Đặt ống sonde JJ niệu quản có rất nhiều tác tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị một vài bệnh liên quan đến hệ tiết niệu. Sau khi hiểu được mục đích, vai trò và những biểu hiện cần lưu ý sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để chăm sóc bản thân cũng như gia đình tốt hơn.

Chuyên khoa Tiết niệu Thận học của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sở hữu hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, tân tiến cùng các y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm trong việc chẩn đoán cũng như điều trị các bệnh về thận, tiết niệu mang lại cảm giác an tâm cho bệnh nhân, giúp nhanh chóng phục hồi và sức khỏe cải thiện hơn. Hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 1900 1806 hoặc đến trực tiếp tại địa chỉ số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

2,655

Bài viết hữu ích?

Chủ đề Bệnh tiết niệu

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám