Trào ngược bàng quang niệu quản- Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh

Thu Hiền

20-09-2023

goole news
16

Trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng dòng chảy của nước tiểu bất thường. Nước tiểu sẽ đi ngược từ bàng quang lên tới niệu quản. Tình trạng này cần được điều trị sớm để hạn chế nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm. Vậy chứng bệnh này được hiểu là gì? Cách điều trị cụ thể, chi tiết như thế nào? Hãy cùng Bệnh viện đa khoa Phương Đông cập nhật chi tiết ngay sau đây!

Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản được hiểu là gì?

Hệ tiết niệu trong cơ thể người gồm các cơ quan: Thận, niệu quản (ống nối thận và bàng quang), niệu đạo và bàng quang. Thận có nhiệm vụ lọc máu, tạo nước tiểu, nước tiểu theo niệu quản di chuyển tới bàng quang và được lưu trữ tại bộ phận này. Niệu đạo là đường bài xuất nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài. 

Trào ngược bàng quang niệu quản (Vesicoureteral Reflux - VUR) là tình trạng nước tiểu chảy ngược lên vị trí niệu quản. Thậm chí, có thể chảy ngược lên thận. Bình thường nước tiểu sẽ không chảy ngược trở lại niệu quản thông qua cơ chế chống trào ngược dạng nắp túi áo. Vì thế, nước tiểu sẽ chảy xuôi theo đường tiết niệu từ thận qua niệu quản gần bàng quang. 

Trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng nước tiểu chạy ngược lên vị trí niệu quản

Vesicoureteral Reflux có thể phát sinh tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát, nước tiểu bị ứ đọng là môi trường hết sức thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Nếu như không được chẩn đoán cũng như điều trị thích hợp nhanh chóng thì trào ngược bàng quang niệu quản có thể gây tổn thương thận mãn tính. 

Trào ngược bàng quang thường xảy ra ở đối tượng nào?

Tình trạng bệnh này thường được phát hiện ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Có khoảng 25 - 40% trào ngược bàng quang niệu quản được phát hiện ở trẻ trong lứa tuổi này. Vấn đề này có thể được giải thích do chức năng bàng quang niệu đạo của trẻ được chi phối bởi hệ thần kinh cơ chưa thực sự hoàn thiện.

Trong trường hợp không được chẩn đoán cũng như điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Có 5 cấp độ trào ngược mà các bạn cần nắm được đó là:

  • Độ 1: Tình trạng trào ngược chỉ dừng lại tại niệu quản. 
  • Độ 2: Tình trạng trào ngược đã lên tới đài bể thận. 
  • Độ 3: Đài bể thận, niệu quản bị giãn nhỏ. Các góc nhọn tại đài thận vẫn còn tồn tại. 
  • Độ 4: Phần niệu quản, đài bể thận giãn vừa phải. Góc nhọn tại đài thận đã biến mất. 
  • Độ 5: Đài bể thận, niệu quản đã giãn rộng (có hình dạng ngoằn ngoèo). Phần đài thận không quan sát rõ hình ảnh. 

Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản được chia thành nhiều cấp độ khác nhauBệnh trào ngược bàng quang niệu quản được chia thành nhiều cấp độ khác nhau

Những biểu hiện của bệnh trào ngược bàng quang niệu quản

Theo các chuyên gia y khoa tiết niệu, tình trạng trào ngược bàng quang không phải lúc nào cũng có những dấu hiệu rõ ràng để nhận biết. Vì thế, rất nhiều người bệnh khi đã ở vào mức độ nặng mới phát hiện được. Một số triệu chứng cơ bản khi mắc trào ngược bàng quang niệu quản mà các bạn cần hết sức lưu ý có liên quan tới bệnh như:

  • Tiểu nhiều lần, buồn tiểu thường xuyên, tiểu gấp. 
  • Cảm giác bị nóng rát sau mỗi lần tiểu tiện. 
  • Tiểu thường xuyên hơn nhưng lượng nước mỗi lần ít. 
  • Có máu bên trong nước tiểu, nước tiểu có màu đục và có mùi nồng. 
  • Bị sốt nhiều ngày. 
  • Đau tại vị trí bên sườn, bụng. 
  • Không muốn đi tiểu, thường xuyên nhịn tiểu để tránh đau rát mỗi lần đi tiểu. 
  • Đối với trẻ nhỏ thường xuất hiện tình trạng sốt không rõ nguyên nhân, tiêu chảy kéo dài, đái dầm liên tục, chán ăn,...Trẻ ở độ tuổi lớn hơn thường hay táo bón và bị suy thận,...

Nguyên nhân của chứng bệnh trào ngược bàng quang niệu quản

Theo nghiên cứu y khoa đã công bố, căn bệnh trào ngược bàng quang niệu quản khởi phát do các nguyên nhân:

Nguyên nhân nguyên phát

Bệnh nhân ngay từ khi sinh ra đã có dị tật bẩm sinh tại đường tiết niệu: Thiếu van ngăn nước chảy ngược từ bàng quang vào tới niệu quản. Khi trẻ lớn dần lên, niệu quản dài và thẳng có thể giải quyết được vấn đề trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên tới niệu quản. 

Ngoài ra, có thể do một số những dị tật bẩm sinh khác như: Nhược cơ tam giác niệu, hay dị dạng niệu quản (niệu quản lạc chỗ, lỗ niệu quản rộng, trào ngược niệu quản do túi phình niệu quản phía đối diện,...).

Nguyên nhân thứ phát

Bàng quang không đào thải được nước tiểu, có tắc nghẽn, tổng thương cơ hay tổn thương thần kinh điều khiển quá trình tiểu tiện. Nước tiểu bị lại tại bàng quang gây tăng tình trạng áp lực dẫn tới trào ngược. Nguyên nhân chính trào ngược bàng quang niệu quản là do người bệnh mắc các bệnh lý như: Viêm đường tiết niệu, bàng quang thần kinh, hay tắc đường tiết niệu dưới (van niệu đạo sau hay hẹp niệu đạo).

Yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân kể trên, còn có một số các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh trào ngược bàng quang như:

  • Thói quen: Nhịn tiểu, nhịn đi ngoài nhiều lần. 
  • Giới tính: Xét về giới tính, trẻ nam thường có tỷ lệ mắc trào ngược bàng quang nhiều hơn so với trẻ nữ. Tuy nhiên, về tỷ lệ mắc bệnh thì nữ giới thường cao hơn so với nam giới. 
  • Độ tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 
  • Tiền sử gia đình: Bệnh có xu hướng di truyền nên nếu người bệnh có bố, mẹ, anh, chị mắc trào ngược bàng quang thì nguy cơ mắc bệnh cao. 
  • Rối loạn chức năng bàng quang và ruột: Trẻ mắc rối loạn bàng quang, ruột thường bị giữ nước tiểu và phân. Từ đó, làm tăng yếu tố nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Đây cũng là yếu tố có thể góp phần phát triển chứng trào ngược niệu quản.

Nhịn tiểu cũng có thể gây ra trào ngược bàng quang niệu quảnNhịn tiểu cũng có thể gây ra trào ngược bàng quang niệu quản

Biến chứng khi mắc trào ngược bàng quang niệu quản

Vấn đề được quan tâm lớn nhất khi mắc chứng trào ngược bàng quang đó chính là những biến chứng nguy hiểm để lại. Nếu tình trạng trào ngược nghiêm trọng, những tác hại đi kèm rất nặng nề, có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Biến thường thường gặp phải kể tới đó là:

Sẹo thận

Trào ngược bàng quang niệu quản lâu ngày chất cặn bã trong nước tiểu tồn đọng lại tại đường tiết niệu, kết hợp với vi khuẩn gây nhiễm trùng. Vấn đề nhiễm trùng này không được điều trị kịp thời có thể hình thành các mô sẹo, dẫn tới bệnh thận do trào ngược và gây tổn thương mô thận vĩnh viễn. 

Tăng huyết áp

Thận có chức năng loại bỏ chất thải từ máu ra bên ngoài cơ thể nên những tổn thương tại bộ phận này khiến chất thải bị tích tụ gây tình trạng tăng huyết áp

Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản có thể gây ra tình trạng tăng huyết ápBệnh trào ngược bàng quang niệu quản có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp

Suy thận

Mô sẹo thận gây mất chức năng tại bộ phận lọc của thận. Điều này có thể dẫn tới tình trạng suy thận, xảy ra vô cùng nhanh chóng - Suy thận cấp. Hoặc bệnh cũng có thể phát triển dần theo thời gian - Bệnh thận mãn tính. 

Cách chẩn đoán bệnh Vesicoureteral Reflux

Để chẩn đoán trào ngược bàng quang niệu quản (Vesicoureteral Reflux) cần được thực hiện đầy đủ các hoạt động thăm khám lâm sàng cũng như xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:

Siêu âm thận, bàng quang

Siêu âm sử dụng sóng âm thanh ở tần số cao để theo dõi hình ảnh thận, bàng quang. Từ đó, các bác sĩ có thể nhận thấy những cấu trúc bất thường. Phương pháp cũng được sử dụng để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu nhận thấy thận bị sưng thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng trào ngược nguyên phát. 

Chụp X-quang vị trí bàng quang, niệu đạo

Xét nghiệm này sử dụng tia X chụp bàng quang khi đầy và rỗng để nhận thấy những biểu hiện bất thường. Chất cản quang sẽ được đưa vào bàng quang qua ống thông đi qua niệu đạo. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ chụp X-quang tại nhiều vị trí khác nhau, kể cả thời gian đi tiểu để biết đường tiết niệu có hoạt động bình thường hay không. 

Chụp bộ phận bàng quang - niệu đạo có phóng xạ

Xét nghiệm cũng tương tự như quy trình chụp X-quang bàng quang, niệu đạo. Tuy nhiên, thay vì sử dụng chất cản quang thì các bác sĩ sử dụng chất đánh dấu phóng xạ (đồng vị phóng xạ). Sau đó, máy quét sẽ phát hiện đồng vị phóng xạ cho biết hoạt động của đường tiết niệu. 

Động lực học

Phương pháp giúp kiểm tra bộ phận bàng quang có thu thập, giữ và thải nước tiểu như thế nào. Từ đó, giúp đánh giá các vấn đề trong bàng quang có phải do trào ngược bàng quang niệu quản gây ra hay không. 

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm giúp tìm kiếm, phát hiện Protein hay máu có trong nước tiểu. Kết quả sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác các bạn có nhiễm trùng đường tiểu hay không. Đây sẽ là căn cứ giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. 

Phương pháp điều trị bệnh Vesicoureteral Reflux

Để điều trị bệnh VUR người bệnh cần căn cứ dựa theo chỉ định trên tình trạng bệnh thực tế. Đối với trẻ em trào ngược bàng quang niệu quản ở mức độ nhẹ có thể để tự khỏi khi lớn lên và theo dõi thêm. 

Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được áp dụng các phương án điều trị như sau:

Điều trị nội khoa 

Nhằm mục đích ngăn chặn sự nhiễm trùng đường tiểu ngược dòng và sẹo thận, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng kháng sinh phòng ngừa như: Bactrim với 1/2 - 1/3 liều bình thường (sử dụng vào buổi tối). Bệnh nhân là trẻ em cũng sẽ được chỉ định nội khoa khi mắc chứng bệnh này. 

Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể tiêm vào bàng quang dạng chất lỏng giống như Gel. Việc tiêm thuốc sẽ tạo khối phồng lên giúp nước tiểu khó chảy ngược lên tới niệu quản. 

Điều trị ngoại khoa

Trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định thực phẫu thuật nhằm chỉnh sửa khiếm khuyết tại vị trí van giữa bàng quang, niệu quản bị ảnh hưởng. Sau khi phẫu thuật các van sẽ đóng chặt lại, ngăn dòng nước tiểu trào ngược lên trên. Bạn có thể thực hiện điều trị ngoại khoa tại những địa chỉ uy tín như Khoa Phẫu Thuật Tiết Niệu - Bệnh viện Phương Đông. Một số các phương pháp phẫu thuật có thể được áp dụng như:

Phẫu thuật mở 

Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân và rạch vết mổ tại vùng bụng dưới. Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ vào để chỉnh sửa dị tật tại vàng giữa bàng quang - niệu quản. Sau khi thực hiện, người bệnh cần nằm viện vài ngày để theo dõi bởi khi đó một ống dẫn lưu vẫn được gắn tạm thời vào vùng bàng quang. 

Tùy vào từng trường hợp bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhauTùy vào từng trường hợp bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau

Phẫu thuật nội soi tiết niệu có robot hỗ trợ

Tương tự như phương án phẫu thuật mở, kỹ thuật phẫu thuật này cũng hỗ trợ chỉnh sửa lại van giữa bàng quang và niệu quản. Tuy nhiên, vết mổ được tạo ra nhỏ hơn. Nhờ vậy, tình trạng co thắt bàng quang ít xảy ra hơn so với phẫu thuật mở. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của phương pháp này được đánh giá thấp hơn so với phẫu thuật mổ mở. 

Phẫu thuật nội soi

Bác sĩ sẽ sử dụng một ống nhỏ có gắn đèn thông qua niệu đạo đưa tới bàng quang để quan sát bên trong cơ quan này. Sau đó, tiến hành tiêm chất độn (Bulking agent) xung quanh chỗ hở của van để đóng mở van này. Phương pháp điều trị trào ngược bàng quang niệu quản ít xâm lấn, ít rủi ro hơn nhưng xét về mức độ hiệu quả tối ưu không được đánh giá cao bằng phẫu thuật mổ. 

Điều trị tại nhà

Ngoài các biện pháp điều trị y tế, người bệnh cũng cần lưu ý tới các biện pháp chăm sóc tại nhà. Thực hiện tốt một số lưu ý chăm sóc sau đây sẽ giúp hỗ trợ tốt cho hoạt động điều trị. Đồng thời, ngăn ngừa được bệnh Vesicoureteral Reflux tái phát. 

  • Sử dụng thuốc căn cứ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự dừng dùng thuốc cũng như tăng/giảm liều khi chưa có yêu cầu. 
  • Bổ sung nước uống sạch cho cơ thể đều đặn mỗi ngày. Lưu ý uống đủ 2 - 2,5l nước/ngày để loại bỏ bớt vi khuẩn ra khỏi đường tiểu. 
  • Tránh uống nước ngọt đóng chai có thể gây kích thích tới bàng quang. 
  • Có thể sử dụng khăn ấm, túi chườm ấm tại vị trí bụng. Nhiệt độ ấm sẽ giúp người bệnh bớt đau và áp lực tới vùng bụng. 

Làm gì để cải thiện trào ngược bàng quang niệu quản?

Cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương pháp dự phòng hỗ trợ cải thiện trào ngược bàng quang niệu quản. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số phương pháp giúp cải thiện tình đường tiết niệu của một cách hiệu quả đó là:

  • Uống đầy đủ nước theo lời khuyên của bác sĩ. 
  • Đi tiểu đều, không nhịn tiểu. Chú ý vệ sinh từ trước ra sau. 
  • Thay bỉm sớm, đừng để bỉm cho đến khi đầy. Hãy thay theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.  (với trẻ nhỏ)
  • Điều trị táo bón (nếu có). 

Lưu ý: Với trẻ nhỏ, phụ huynh nên chú ý quan sát trẻ, nếu như bé có dấu hiệu cảnh báo bệnh thì cần sớm đưa đi khám để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị kịp thời. Phát hiện sớm để can thiệp sẽ giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu hay những biến chứng nguy hiểm khác. 

Uống đủ nước là phương pháp phòng bệnh hiệu quả Uống đủ nước là phương pháp phòng bệnh hiệu quả 

Trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng rất phổ biến. Có nhiều nguyên do gây ra chứng bệnh này. Nếu không cải thiện sớm bệnh sẽ có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng. Nếu như có dấu hiệu nghi ngờ tình trạng này hãy liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 để được bác sĩ chẩn đoán cũng như điều trị thích hợp.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

285

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

Suy thận cấp - Tìm hiểu về triệu chứng, phòng ngừa, điều trị hiệu quả

Suy thận cấp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Tìm hiểu về nguyên nhân, điều trị bệnh lý này qua những thông tin dưới đây.

05-09-2022
19001806 Đặt lịch khám